Những cảm nhận qua một cuộc hành trình
Đăng lúc: 17:44:57 09/03/2016 (GMT+7)1356 lượt xem
An Thị Hồng Nhung
Phòng Nghiên cứu Khoa học - Thông tin - Tư liệu
Phòng Nghiên cứu Khoa học - Thông tin - Tư liệu
Theo kế hoạch, đúng 13h 05 phút, ngày 19/2/2016 (tức ngày 12 tháng giêng năm Bính Thân) đoàn xe thăm quan thực tế của cán bộ, giảng viên Trường Chính trị tỉnh Thanh Hóa bắt đầu chuyển bánh để đi đến những miền đất hứa. Đây có lẽ là chuyến đi đầu tiên không chỉ của riêng tôi mà còn là đầu tiên của rất nhiều cán bộ, giảng viên trong trường. Hầu như trên khuôn mặt của mỗi chúng tôi ai cũng có chung cảm giác phấn khởi và hồi hộp xen lẫn những niềm vui và niềm hy vọng. Hy vọng rằng chuyến đi này sẽ học hỏi được nhiều điều mới lạ, đem lại cho chúng tôi cái nhìn thực tế hơn về mọi thứ, sẽ là khởi đầu tốt đẹp cho một năm mới với nhiều công việc mới và thành công mới.
Xe lăn bánh trong sự náo nhiệt của đường phố khi tiết trời sang xuân, trải qua quãng đường gần 150 km, địa điểm đầu tiên đoàn xe dừng chân là đền Trần thuộc tỉnh Nam Định. Ngôi đền tọa lạc tại đường Trần Thừa, phường Lộc Vượng, thành phố Nam Định, là nơi thờ các vị vua nhà Trần cùng các quan lại có công phù tá nhà Trần, một trong những triều đại hưng thịnh nhất của đất nước Việt Nam ta. Tuy đây không phải là thời gian chính hội nhưng thời điểm đầu xuân năm mới thì những đền chùa trong cả nước nói chung và đền Trần Nam Định nói riêng đều có không khí thiêng liêng, rộn ràng không khác gì ngày chính lễ. Khi chúng tôi bước chân xuống xe để đi bộ vào đền chính khoảng 200 mét thì cảnh tượng đầu tiên bắt gặp là sự tấp nập, nhộn nhịp của những hàng quán, của du khách thập phương cũng như người dân bản địa làm công tác dịch vụ, hướng dẫn và làm công tác an ninh.
Đền Trần bao gồm 3 công trình kiến trúc rộng lớn có quy mô ngang nhau: đền Thiên Trường, đền Cố Trạch và đền Trùng Hoa. Mỗi đền thờ những đối tượng khác nhau, tuy nhiên lại có sự kết nối và giao hòa với nhau chứ không tách rời, biệt lập. Không gian bên trong đền là sự bài trí sắp xếp các bài vị thờ hợp lý và trang nghiêm từ toà tiền đường, trung đường, chính tẩm và các gian khác. Khuôn viên bên ngoài cũng vô cùng bắt mắt với phong cảnh hữu tình có cây đa, hồ nước rộng lớn. Tại đây, du khách có thể thăm quan chụp ảnh lưu niệm và thực hiện nhiều nghi thức tâm linh khác như xin chữ, rút quẻ đầu năm,…
Thăm quan đền Trần với khoảng thời gian hơn 1 tiếng đồng hồ chắc hẳn chưa thể giải đáp được đầy đủ những sự tò mò của du khách về lịch sử hình thành, các kiểu kiến trúc, cách thức tổ chức hay những sự kiện liên quan. Tuy nhiên, với khoảng thời gian như vậy cũng phần nào giải đáp được những thắc mắc cơ bản, đem đến cái nhìn tổng quát nhất tại nơi tâm linh này.
Rời đền Trần, đoàn xe lại tiếp tục rong ruổi hướng đến vùng quê của những làn điệu dân ca quan họ, của những hội hè đình đám, và điểm dừng chân tiếp theo của đoàn là đền Đô (Đình Bảng – Từ Sơn – Bắc Ninh). Chúng tôi đặt chân đến ngôi đền này vào lúc chạng vạng tối, khi các đoàn du khách từ khắp nơi đã ra về chỉ còn lác đác vài thanh niên đang trò chuyện bên bờ hồ Bán Nguyệt trước đền và những người bán hàng hai bên đường. Các gian hàng tuy nhỏ như những túp lều xinh xắn nhưng lại bầy bán đầy đủ những đồ lưu niệm và các món ăn đặc sản của quê hương kinh Bắc. Không khí trang nghiêm vào buổi chiều tà càng làm cho ngôi đền trở nên thiêng liêng hơn bao giờ hết.
Đền Đô hay còn gọi là đền Lý Bát Đế hoặc Cổ Pháp điện, là một quần thể kiến trúc tín ngưỡng thờ tám vị vua đầu tiên của nhà Lý, được Nhà nước Việt Nam công nhận là di tích lịch sử - văn hóa. Đền được xây dựng công phu, đắp vẽ chạm khắc tinh xảo, và theo như các bậc thầy về phong thủy thì đền Đô được tạo lạc ở nơi đắc địa, vượng khí, phong thủy tốt, “Liên hoa bát diệp” tỏa sáng tâm Phật, là đất rông thiêng “Địa linh nhân kiệt xuất nhập hanh thông”.
Rời đền Đô, địa điểm tiếp theo đoàn thực tế dừng chân là trường Chính trị Nguyễn văn Cừ tỉnh Bắc Ninh. Hơn 30 phút trên xe, được ngắm nhìn gần như trọn vẹn những con đường đèn hoa của thành phố nhỏ bé này, bất kỳ ai cũng phải thốt lên lời khen ngợi: “Thành phố này đẹp quá!”. Về đến trường Chính trị Nguyễn Văn Cừ thì hình ảnh Bắc Ninh lại càng đẹp hơn trong mắt những người con Thanh Hóa, tại đây, tình đồng nghiệp, tình người được thể hiện sâu sắn hơn. Sự đón tiếp nhiệt tình bằng tất cả trái tim đã làm cho khoảng cách vùng miền dường như không còn nữa, thay vào đó là sự gần gũi, gắn bó keo sơn như anh em một nhà giữa đoàn cán bộ trường Chính trị Thanh Hóa và trường Chính trị Nguyễn Văn Cừ tỉnh Bắc Ninh.
Diện tích Bắc Ninh tuy nhỏ nhưng cái tình người và tài năng của họ không hề nhỏ, theo cảm nhận của chúng tôi thì mỗi người con Bắc Ninh đều là những hướng dẫn viên du lịch thực thụ. Những làn điệu dân ca quan họ đã ăn sâu vào máu thịt những người dân nơi đây, dù hát hay hay dở thì mỗi người đều có thể thuộc được ít nhất một làn điệu dân ca quê hương mình. Hơn thế nữa, chính tinh thần trọng thị và mến khách của họ đã làm cho du khách thập phương khi đến đây có được cảm giác rất quen thuộc, thân thương và vô cùng thoải mái.
Tại buổi làm việc với đoàn cán bộ, giảng viên trường Chính trị Nguyễn Văn Cừ, chúng tôi một lần nữa lại thấy được sự tài giỏi của con người nơi đây. Là một ngôi trường có bề dày lịch sử, đội ngũ cán bộ luôn luôn có tinh thần cầu thị, vươn lên, họ đã gặt hái được nhiều thành công và hoàn thành nhiệm vụ một cách xuất sắc. Tại đây nhiều kinh nghiệm quý báu trong công tác đào tạo, bồi dưỡng, nghiên cứu khoa học và quản lý đã được chia sẻ một cách chân tình, cởi mở giữa đội ngũ cán bộ, giảng viên ở cả hai trường. Và một điều đặc biệt mà bất kỳ ai trong đoàn thực tế cũng đều ấn tượng đó là việc “cải cách thủ tục bắt tay”, đây quả là một nét đẹp rất riêng, rất mới, nó thể hiện tinh thần đoàn kết, gắn bó và cởi mở thân tình của cán bộ, giảng viên trường Chính trị Nguyễn Văn Cừ nói riêng và của Bắc Ninh nói chung.
Về với Bắc Ninh vào những ngày đầu xuân, được đắm mình trong những làn điệu dân ca quan họ ngọt ngào, đằm thắm của những liền anh, liền chị, những lễ hội truyền thống nổi tiếng khắp các vùng miền, chúng ta lại thấy tự hào hơn về nét đẹp văn hóa truyền thống của dân tộc. Với sự đón tiếp nhiệt tình bằng một tinh thần trọng thị nhất để đến khi tạm biệt vùng đất này chúng tôi không khỏi bâng khuâng, lưu luyến.
Theo lịch trình chuyến đi, địa điểm tiếp theo mà đoàn dừng chân là Khu Công nghệ cao Hòa Lạc. Tại đây, đoàn được ban lãnh đạo Ban quản lý dự án trình bày về quá trình thành lập, cơ chế chính sách cũng như quy mô của dự án. Được xây dựng theo mô hình thành phố khoa học; là dự án trọng điểm của nước ta, có vốn đầu tư khá lớn từ nguồn vốn ODA của chính phủ Nhật Bản và nguồn vốn đối ứng của chính phủ Việt Nam, hiện nay Khu Công nghệ cao Hòa Lạc có gần 70 dự án được cấp phép đầu tư, khoảng 10.000 người đang làm việc và học tập tại đây.
Khu công nghệ cao Hòa Lạc, bối cảnh toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế sâu rộng, để Việt Nam phát triển nhanh và bền vững, một trong những nhân tố có ý nghĩa quyết định là phải có nguồn nhân lực chất lượng cao, có khoa học công nghệ tiên tiến, hiện đại. Việc xây dựng và đi vào hoạt động của Khu công nghệ cao Hòa Lạc là định hướng đúng đắn của Đảng và Nhà nước ta trên con đường hội nhập, cạnh tranh và phát triển. Sau chuyến đi nghiên cứu, thăm quan tại đây, ngoài việc được tiếp cận với những cái mới, hiện đại bậc nhất, chúng ta cần nhận thức rằng phải có trách nhiệm hơn trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, cần có thái độ cầu thị, không ngừng học tập, nghiêm túc, tác phong làm việc khoa học, sáng tạo và hiệu quả trong thực hiện nhiệm vụ chính trị. Và mong rằng trong tương lai không xa đất nước Việt Nam sẽ có nhiều hơn những khu công nghiệp cao như vậy.
Địa điểm tiếp theo và cũng là cuối cùng mà đoàn thăm quan đó là Khu di tích K9, thuộc xã Minh Quang, huyện Ba Vì, Hà Nội. Chính tại nơi đây Bác Hồ của chúng ta đã làm việc và hoạt động cách mạng trong thời kỳ kháng chiến, cũng là nơi lưu giữ thi hài của Người từ năm 1969 đến năm 1975. Khi được nghe các cán bộ hướng dẫn viên kể những câu chuyện về Bác lúc lâm thời cũng như sau khi mất chúng ta càng thấy cảm phục vị lãnh tụ của dân tộc nhiều hơn. Các cơ quan, đơn vị đến thăm quan Khu di tích không ai bảo ai lần lượt xếp hàng chờ đợi đến lượt được thắp nén nhang tưởng niệm Bác giống như Bác Hồ của chúng ta đang hiện hữu chỉ dạy các thế hệ cháu con vậy. Được tận mắt chứng kiến những hiện vật lịch sử vô giá: chiếc giường Bác đã từng nằm, chiếc bàn ghế Bác từng ngồi làm việc, hay những chiếc xe đã từng chở thi hài Bác,… chúng tôi không khỏi xúc động và tự hào là công dân Việt Nam, là con cháu của Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại. Và chúng tôi luôn nguyện một lòng sẽ học tập và làm việc theo tấm gương đạo đức của Người.
Chuyến đi thực tế khép lại với bao kỷ niệm đẹp và bài học hay. Qua đây chúng ta thấy được nghĩa tình thân tộc, tình đoàn kết, những nét đẹp văn hóa truyền thống bao đời vẫn được gìn giữ và tiếp nối. Bên cạnh những bản sắc văn hóa dân tộc, những cái hay, cái mới cũng đã được hình thành theo hướng tiến bộ và đẹp đẽ hơn. Qua chuyến đi, chắc hẳn mọi người sẽ cảm thấy mình lớn lên trong từng suy nghĩ, trong ý thức về việc bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống, những di tích lịch sử,… Hơn thế nữa, những kiến thức và kinh nghiệm thu lượm được sẽ giúp chúng ta trưởng thành hơn về mặt tư tưởng hay cả về cách ứng xử giữa người với người. Đồng thời hiểu rõ trách nhiệm của bản thân phải không ngừng học tập, nỗ lực làm việc, hoàn thiện mình để xứng đáng với các thế hệ cha anh đi trước, góp phần nhỏ bé trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc./.
Các tin khác
- Mô hình “5 được, 5 sản phẩm, 5 quán xuyến, 5 thông qua, 5 vai trò” trong công tác chủ nhiệm lớp
- Nữ cán bộ, viên chức Trường Chính trị tỉnh Thanh Hoá đẩy mạnh phong trào thi đua xây dựng trường đạt chuẩn mức 2
- Vận dụng quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh về chống thói ba hoa trong tác phẩm “Sửa đổi lối làm việc” để nâng cao chất lượng giảng dạy lý luận chính trị
- Giải phóng Thủ đô Hà Nội - Sự kiện trọng đại của dân tộc Việt nam
- Ý nghĩa của Tuyên ngôn Độc lập đối với cách mạng Việt Nam
- Học tập Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh về đoàn kết quốc tế
- Một số giải pháp xây dựng văn hóa doanh nghiệp trong cộng đồng doanh nghiệp tỉnh Thanh Hóa giai đoạn hiện nay - Thực tiễn từ Tổng Công ty Hợp Lực, Thanh Hóa
- Báo cáo từ chương trình nghiên cứu thực tế lớp Bồi dưỡng cán bộ dự nguồn Ban Chấp hành Đảng bộ và các chức danh lãnh đạo, quản lý huyện Thạch Thành, nhiệm kỳ 2025 - 2030, 2026 - 2031
- Giải pháp nâng cao chất lượng Trang thông tin điện tử Trường Chính trị tỉnh Thanh Hoá đáp ứng yêu cầu chuẩn hóa theo Quy định số 11
- Đóng góp của lực lượng vũ trang Thanh Hóa trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược
Liên kết website
Số lượt truy cập
Hôm nay:
930
Hôm qua:
1497
Tuần này:
7049
Tháng này:
14970
Tất cả:
5.107.479