NHIỆT LIỆT CHÀO MỪNG KỶ NIỆM 114 NĂM NGÀY QUỐC TẾ PHỤ NỮ 8/3 ( 8/3/1910 – 8/3/2024) VÀ 1984 NĂM KHỞI NGHĨA HAI BÀ TRƯNG!

Những cơ hội, thách thức đối với lao động Việt Nam khi Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC) có hiệu lực

Đăng lúc: 08:36:04 04/10/2016 (GMT+7)2015 lượt xem

 ThS. Dương Bảo Anh
Trưởng Khoa Xây dựng Đảng
                                                                                  
Cộng đồng kinh tế ASEAN (ASEAN Economic Community, viết tắt là AEC)  được thành lập vào ngày 31 tháng 12 năm 2015 nhằm mục đích tạo dựng một thị trường và cơ sở sản xuất thống nhất, theo đó góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh của các nước thành viên ASEAN trong bối cảnh xu thế toàn cầu hóa đang diễn ra hết sức mạnh mẽ, vừa có nhiều cơ hội nhưng cũng đặt ra nhiều thách thức. Bên cạnh việc hỗ trợ hội nhập kinh tế, AEC còn cho phép các chuyên gia và lao động có tay nghề sẽ được luân chuyển tự do trong khu vực. Theo định hướng, AEC sẽ là một khu vực kinh tế ổn định, thịnh vượng, có khả năng cạnh tranh cao, kinh tế phát triển đồng đều, nghèo đói và phân hoá kinh tế - xã hội giảm bớt. Khi tham gia AEC, theo dự báo của Tổ chức lao động quốc tế (ILO), kinh tế Việt Nam có cơ hội tăng trưởng thêm 14,5% vào năm 2025, việc làm dự kiến tăng trưởng khoảng 10,5%/ năm. Nhìn vào tình hình trên, câu hỏi đặt ra cho tất cả chúng ta đó là, khi những rào cản về di cư lao động bị gỡ bỏ, môi trường quốc tế có tính cạnh tranh cao và đương nhiên cơ hội chia đều cho tất cả, thì điều gì sẽ chờ đợi những người lao động Việt Nam?
Trước tiên là về những cơ hội, việc hình thành AEC sẽ giúp mở rộng thị trường việc làm. Vì vậy, người lao động Việt Nam có thể được tự do lựa chọn môi trường làm việc trong các lĩnh vực khác nhau ở các quốc gia trong khối ASEAN. Họ sẽ có cơ hội được làm những công việc mình thực sự yêu thích và đúng với chuyên môn đã được đào tạo. Chính sự tự do lựa chọn này sẽ góp phần giải quyết tình trạng dư thừa nguồn nhân lực ở một số ngành nghề, thúc đẩy sự gia tăng về thu nhập, cải thiện cuộc sống của người lao động. Không chỉ vậy, người lao động Việt Nam sẽ có cơ hội “tương tác”, “cọ sát” khi làm việc ở nhiều nơi. Điều này, một mặt, giúp họ nâng cao trình độ tay nghề, kỹ năng làm việc từ các nước tiên tiến trong khu vực, mặt khác, làm tăng tính linh hoạt, khả năng thích ứng với môi trường làm việc đa văn hóa - vốn dĩ là một điểm chưa mạnh của lao động Việt Nam.
Tuy nhiên, song hành với những cơ hội bao giờ cũng là những thách thức, một trong những trở ngại của Việt Nam hiện nay là thiếu hụt nguồn lực lao động có trình độ, có chuyên môn kỹ thuật cao. Mặc dù, Việt Nam có nguồn lao động dồi dào, tỷ lệ lao động nhóm trẻ cao, nhưng thiếu kỹ năng và tay nghề, năng suất lao động thấp so với nhiều nước trong khu vực. Thêm vào đó, đa số lao động Việt Nam không sử dụng ngoại ngữ thành thạo, kỹ năng mềm kém (tính kỷ luật, khả năng làm việc nhóm chưa cao…).
Từ thực tế trên cho thấy, lao động Việt Nam khó có thể cạnh tranh với các nước trong khu vực khi các cam kết AEC chính thức có hiệu lực. Thậm chí, với việc mở cửa thị trường sắp tới, lao động Việt Nam có thể mất cơ hội tìm kiếm việc làm ở ngay thị trường trong nước, lao động có kỹ năng của nước ngoài sẽ thâm nhập vào các vị trí việc làm ở Việt Nam.
Mặc dù vậy, nhưng nhìn từ góc độ của cá nhân người lao động, mức độ nắm bắt, tìm hiểu thông tin về AEC còn nhiều hạn chế. Mặt bằng chung dễ thấy là phần lớn người lao động Việt Nam còn chưa biết đến AEC, chưa biết đến những cơ hội và thách thức đang chờ họ trong quá trình tìm kiếm việc làm. Do vậy, thiếu sự chuẩn bị cho mình những hành trang cần thiết để tham gia hội nhập. Thêm vào đó, nhận thức của một bộ phận người lao động Việt nam đang làm việc ở nước ngoài còn hạn chế, còn xảy ra tình trạng vi phạm pháp luật do sự thiếu hiểu biết…, nên phần nào làm xấu đi hình ảnh người lao động Việt Nam trong con mắt bạn bè quốc tế.
Để nắm bắt được những cơ hội do AEC mang lại, chúng tôi cho rằng cần quan tâm đến một số công việc sau:
Trước hết, các ngành, địa phương trong cả nước cần tập trung làm tốt công tác tuyên truyền thông qua các phương tiện truyền thông, tổ chức các hội nghị trao đổi, các cuộc thi tìm hiểu… để nâng cao nhận thức và sự hiểu biết của người dân Việt Nam nói chung, người lao động Việt Nam nói riêng về AEC, những thuận lợi và khó khăn mà họ sẽ gặp phải khi tham gia vào các luồng dịch chuyển lao động trong khu vực.
Thứ hai, tiếp tục đổi mới công tác đào tạo, bồi dưỡng để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, coi đây là một trong những giải pháp vừa có tính trước mắt, vừa có tính lâu dài, đáp ứng yêu cầu của hội nhập quốc tế nói chung và AEC nói riêng. Trong đó, tập trung phát huy tối đa những ưu điểm của lao động Việt Nam như dân số trẻ, cần cù, chịu khó, nhận thức nhanh… Đồng thời khắc phục những mặt hạn chế, đặc biệt là về trình độ chuyên môn, kỳ luật lao động và khả năng làm việc theo nhóm… Trong đào tạo, nhất là đào tạo nghề phải tạo ra sự gắn kết giữa cơ sở đào tạo với các doanh nghiệp; xây dựng và thực hiện các chương trình đào tạo phù hợp với yêu cầu của doanh nghiệp cả về số lượng và chất lượng. Điều này, không chỉ giúp nâng cao trình độ tay nghề cho người lao động, mà còn giúp cho cung - cầu lao động xích lại gần nhau.
Thứ ba, Nhà nước cần có cơ chế, chính sách hỗ trợ, giúp lao động Việt Nam có cơ hội hiểu biết nhiều hơn về ngôn ngữ, pháp luật cũng như văn hóa của các nước trong khu vực, tránh sự bỡ ngỡ, sai phạm khi làm việc tại nước ngoài. Tăng cường công tác giáo dục lòng tự trọng, ý thức tự tôn dân tộc, kỹ năng sống…, nhằm xây dựng hình ảnh tốt đẹp của người lao động Việt Nam trong con mắt bạn bè quốc tế. Xem đây là điều kiện không thể thiếu trong quá trình hội nhập, không chỉ trong khối các nước ASEAN mà trên phạm vi toàn cầu.
Có thể khẳng định rằng, để  nâng cao chất lượng nguồn lực lao động ở nước ta hiện nay đòi hỏi phải thực hiện nhiều giải pháp, tuy nhiên việc thực hiện tốt các giải pháp nêu trên sẽ góp phần quan trọng để lao động Việt Nam ra nhập AEC một cách hiệu quả./.
Số lượt truy cập
Hôm nay:
59
Hôm qua:
2605
Tuần này:
8877
Tháng này:
59034
Tất cả:
4.357.571