HƯỞNG ỨNG NGÀY SÁCH VÀ VĂN HOÁ ĐỌC VIỆT NAM (21/4/2021 - 21/4/2024)

Những thách thức của ngành chăn nuôi Việt Nam khi Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương TPP chính thức có hiệu lực

Đăng lúc: 10:23:10 05/01/2016 (GMT+7)1225 lượt xem

 
                   ThS. Dương Thị Bảo Anh – Trưởng khoa Xây dựng Đảng
          Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương TPP (Trans-Pacific Partnership Agreement) là một hiệp định/ thỏa thuận thương mại tự do với mục đích hội nhập các nền kinh tế thuộc khu vực châu Á - Thái Bình Dương. TPP gồm 12 nước thành viên. Với sự tham gia của Mỹ, Nhật Bản, Canađa và Australia, TPP trở thành khu vực mậu dịch tự do (FTA) lớn nhất thế giới, với thị trường hơn 790 triệu dân, đóng góp 40% GDP và chiếm khoảng 30% kim ngạch thương mại toàn cầu. Là thành viên, các cơ hội Việt Nam có được từ TPP là rất lớn. Tuy nhiên, với điều kiện hiện nay, ngành chăn nuôi của Việt Nam lại đang gặp phải những thách thức lớn.
Trước hết là năng suất, chất lượng còn thấp so với nhiều nước trên thế giới, đặc biệt là các nước thành viên TPP.
Đối với nước ta, chăn nuôi đang là ngành kinh tế quan trọng, là nguồn cung cấp thực phẩm chủ yếu cho người dân. Đây cũng là ngành kinh tế giải quyết được nhiều công ăn việc làm, giúp  nông dân tăng thu nhập. Tuy nhiên hoạt động chăn nuôi ở nước ta chủ yếu dừng lại ở quy mô nhỏ, lẻ. Thực tế cho thấy, mật độ các hộ chăn nuôi tương đối dày, nhất là các hộ chăn nuôi lợn và chăn nuôi gia cầm. Tính đến nay, cả nước có hơn 80 triệu hộ nông dân chăn nuôi gia cầm và 40 triệu hộ chăn nuôi lợn, nhưng trong đó chỉ có khoảng 23 nghìn trang trại. Sản xuất thiếu sự liên kết chuỗi, bị cắt khúc,người làm giống chỉ biết làm giống, người chăn nuôi chỉ biết chăn nuôi, giết mổ chỉ biết giết mổ. Vì vậy, khó có thể áp dụng tiến bộ khoa học công nghệ, thêm vào đó chất lượng giống vật nuôi chưa tốt nên năng suất, chất lượng sản phẩm  của ngành chăn nuôi thấp, chưa đáp ứng được yêu cầu cung ứng khối lượng sản phẩm lớn, chất lượng cao, đạt tiêu chuẩn quốc tế..Qua nghiên cứu cho thấy, chỉ tính trong ngành chăn nuôi lợn, trong số 20 nước có đàn lợn nái hàng đầu thế giới, Việt Nam đứng vị trí chót trong bảng về năng suất chăn nuôi. Trong bảng xếp hạng 20 quốc gia, Trung Quốc có đàn lợn nái lớn nhất thế giới với gần 50 triệu con, Hoa Kỳ xếp thứ hai với số lượng hơn 5,8 triệu con và Việt Nam xếp thứ ba với số lượng gần 4,5 triệu con. Tuy nhiên, khi tính đến sản lượng xuất chuồng, Việt Nam lại xếp thứ 20 do năng suất thấp. Điều này khiến cho bài toán cạnh tranh của ngành chăn nuôi trong nước sẽ trở  nên khó khăn hơn khi cam kết TPP chính thức có hiệu lực, theo đó, sản phẩm ngành chăn nuôi ở các quốc gia thành viên TPP vào thị trường Việt Nam được hưởng mức thuế suất bằng 0%.
Thứ hai, giá thành sản phẩm của ngành chăn nuôi còn cao dẫn đến giá bán trên thị trường thiếu tính hấp dẫn.
Như đã phân tích, với quy mô nhỏ lẻ, công nghệ lạc hậu dẫn đến năng suất thấp nên giá thành sản phẩm cao. Mặt khác, hiện nay nguyên liệu để sản xuất thức ăn cho gia súc, gia cầm ở nước ta chủ yếu là nhập khẩu. Thực tế cho thấy, thức ăn cho chăn nuôi ở nước ta nhập khẩu tới 90%, chủ yếu là các loại nguyên liệu như đậu nành, ngô, lúa mỳ…. Việc phụ thuộc vào nhập khẩu đang khiến cho giá thức ăn chăn nuôi ở Việt Nam cao hơn so với các nước trong khu vực tới 10 -15%. Điều này đẩy giá thành các sản phẩm gia súc, gia cầm tăng cao, vì giá thức ăn chiếm 70% cơ cấu thành phần tạo giá của sản phẩm chăn nuôi. Trong khi đó, mặt hàng thực phẩm từ các nước nhập khẩu vào nước ta ngày càng nhiều. Chỉ tính trong 6 tháng đầu năm 2015 đã có 91 doanh nghiệp nhập khẩu gia cầm từ 24 nước vào Việt Nam. Riêng thịt gà đã nhập khẩu hơn 50.000 tấn. Có 3 nước xuất khẩu thịt gà lớn nhất vào nước ta là Mỹ chiếm 58,7%, Brazil 12,3%, Hàn Quốc 11%, với mức giá rẻ chỉ khoảng 20.000 VND/kg. Như vậy, khi thịt nhập khẩu từ các nước thành viên TPP vào Việt Nam không phải chịu thuế, chắc chắn sẽ gây ra sức ép cạnh tranh lớn về mặt giá cả, nguy cơ sản phẩm ngành chăn nuôi Việt Nam chịu thua chính ngay tại “sân nhà” là rất lớn.
Thứ ba, vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm còn nhiều hạn chế, việc truy xuất nguồn gốc gặp nhiều khó khăn
Có thể khẳng định rằng, tình trạng sử dụng chất cấm, dư thừa kháng sinh trong sản phẩm của các hộ chăn nuôi ở nước ta đang là hiện tượng phổ biến. Thêm vào đó, tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, khó kiểm soát, an toàn về môi trường và vệ sinh chuồng trại của nông dân còn bất cập. Việc sản xuất tiến hành phân tán trên phạm vi rộng nên khả năng quản lý dịch bênh và việc truy xuất nguồn gốc hết sức khó khăn. Vì vậy, sản phẩm ngành chăn nuôi Việt Nam khó có thể đáp ứng được yêu cầu ngày càng cao về mức độ đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm của người tiêu dùng trong nước, đặc biệt là của người tiêu dùng ở các nước phát triển trong khối TPP.
Để ngành chăn nuôi nước ta phát huy được tiềm năng lợi thế, tận dụng được những cơ hội, vượt qua thách thức trong quá trình tham gia vào TPP, theo chúng tôi, trong thời gian tới cần tập trung vào một số giải pháp cơ bản sau đây:
Một là, đẩy mạnh công tác tuyên truyền về Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương TPP đến các cấp, các ngành, các địa phương cũng như mọi người dân nói chung và nông dân nói riêng. Chú ý tới những vấn đề liên quan đến nông nghiệp, đến ngành chăn nuôi. Phổ biến rộng rãi tất cả các quy định về hàng rào tiêu chuẩn kỹ thuật đến các doanh nghiệp chế biến và các hộ chăn nuôi, giúp họ nắm và hiểu biết một cách đầy đủ những quy định về vệ sinh an toàn thực phẩm.
Hai là,đẩy mạnh việc ứng dụng công nghệ di truyển để chọn lọc giống, tạo giống chất lượng và bảo tồn nguồn gen; sản xuất giống mới, có năng suất, chất lượng cao, có hệ miễn dịch tốt; đẩy mạnh việc nghiên cứu, sản xuất các loại vắc xin phòng bệnh cho gia súc gia cầm.
Ba là, tái cơ cấu lại ngành nông nghiệp, tập trung vào phát triển các loại cây lương thực, cây công nghiệp; khuyến khích trồng những loại cây phục vụ cho việc sản xuất thức ăn chăn nuôi, tiến tới hạn chế việc nhập khẩu nguồn nguyên liệu sản xuất thức ăn chăn nuôi từ nước ngoài.
Bốn là, phát triển chăn nuôi theo hướng trang trại tập trung, quy mô lớn, hiện đại, hạn chế ô nhiễm môi trường. Đẩy mạnh và nâng cao chất lượng liên kết, hợp tác giữa các hộ chăn nuôi với nhau và giữa các hộ chăn nuôi với các doanh nghiệp chế biến, tiêu thụ, tạo nên  chuỗi liên kết sản xuất để nâng cao giá trị và phát triển bền vững.
Năm là, tăng cường sự kiểm soát của nhà nước đối với thức ăn chăn nuôi, chất kích thích tăng trưởng, quản lý chặt chẽ vệ sinh, an toàn thực phẩm, tránh tình trạng thịt không đảm bảo chất lượng hoặc thịt bị bệnh, dư thừa kháng sinh vượt quá tiêu chuẩn quy định gây mất uy tín, thương hiệu của sản phẩm.
Sáu là, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực trong ngành chăn nuôi, Coi đây là giải pháp vừa cấp bách, vừa lâu dài. Có thể khằng định rằng, chất lượng nguồn nhân lực thấp là một trong những nguyên nhân cơ bản làm cho ngành chăn nuôi kém phát triển. Những thói quen, tập quán chăn nuôi lạc hậu hoàn toàn không phù hợp với yêu cầu phát triển ngành chăn nuôi theo hướng sản xuất hàng hóa, hội nhập quốc tế hiện nay. Vì vậy, cần quan tâm đào tạo, bồi dưỡng kiến thức cho các chủ trang trại và những người nông dân, giúp họ có đủ trình độ, năng lực để thực hiện hệ thống thực hành sản xuất tốt.
Thiết nghĩ, là thành viên của TPP, việc thực hiện một cách đồng bộ những giải pháp nêu trên sẽ giúp cho ngành chăn nuôi nước ta phát triển một cách bền vững trong xu thế mở cửa và hội nhập hiện nay./.
Số lượt truy cập
Hôm nay:
2171
Hôm qua:
2628
Tuần này:
4799
Tháng này:
51173
Tất cả:
4.416.053