HƯỞNG ỨNG NGÀY SÁCH VÀ VĂN HOÁ ĐỌC VIỆT NAM (21/4/2021 - 21/4/2024)

Phát huy bài học kinh nghiệm về chớp thời cơ của cách mạng tháng Tám năm 1945 trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa ở Thanh Hóa

Đăng lúc: 19:35:49 20/08/2017 (GMT+7)2201 lượt xem

 
                                                                     ThS. Lê Thị Huyền
                                                                    Khoa Xây dựng Đảng
 
Thời cơ là một vấn đề có tầm quan trọng đặc biệt trong nghệ thuật chỉ đạo cách mạng. Muốn có thời cơ thì phải biết tạo ra thời cơ và khi thời cơ đến thì phải tận dụng và tranh thủ thời cơ, không được bỏ lỡ. Cuộc tổng khởi nghĩa giành chính quyền tháng Tám 1945 là một minh chứng sinh động về sự nhạy bén trong nhận định và chỉ đạo chớp thời cơ khởi nghĩa của Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Trong Cách mạng tháng Tám, việc nắm bắt thời cơ được thể hiện ngay khi Đảng đưa ra những dự báo về tình thế cách mạng để dân tộc Việt Nam vùng lên giành chính quyền về tay nhân dân. Khi phát xít Nhật nổ súng lật đổ thực dân Pháp ở Đông Dương (ngày 09-3-1945), với Chỉ thị “Nhật - Pháp bắn nhau và hành động của chúng ta” (ngày 12-3-1945), Hội nghị Ban Thường vụ Trung ương mở rộng đã nhận định tình hình và dự đoán hai tình huống có thể diễn ra: thứ nhất là, quân Đồng minh vào Đông Dương đánh Nhật; thứ hai là, phát xít Nhật đầu hàng Đồng minh.tình hình đã diễn ra đúng như dự đoán thứ hai của Đảng ta, ngày 14-8-1945, phát xít Nhật tuyên bố đầu hàng đồng minh vô điều kiện đã khiến cho quân Nhật ở Đông Dương hoang mang cực độ, rối loạn tột cùng, đồng thời chính phủ Trần Trọng Kim thân Nhật ở Việt Nam cũng tỏ ra hoàn toàn tê liệt. Đến đây, kẻ thù của cách mạng Việt Nam đã suy yếu, không còn có khả năng thống trị như cũ được nữa, thời cơ “ngàn năm có một” cho chúng ta giành chính quyền đã xuất hiện, đòi hỏi chúng ta phải hành động mau lẹ và kiên quyết. Nếu không kịp thời phát động tổng khởi nghĩa giành chính quyền thì “vạn năm” cũng không thể được bởi lúc này quân Tưởng và Anh đang sẵn sàng nhảy vào Việt Nam để giải giáp quân đội Nhật nhưng thực chất là để thực hiện âm mưu mới của chủ nghĩa đế quốc trên danh nghĩa Đồng minh. Nếu để muộn hơn mới phát động tổng khởi nghĩa, chắc chắn cách mạng nước ta sẽ gặp muôn phần khó khăn, thử thách mới và thắng lợi sẽ khó nắm chắc trong tầm tay.
Trước tình thế vô cùng khẩn cấp và thuận lợi đó, tại Hội nghị toàn quốc của Đảng họp tại Tân Trào từ ngày 13 đến ngày 15-8-1945 đã quyết định phát động tổng khởi nghĩa giành chính quyền. Ngay đêm 13-8-1945, Ủy ban khởi nghĩa hạ lệnh tổng khởi nghĩa.Ngày 16-8-1945, Đại hội quốc dân họp tại Tân Trào đã thông qua lệnh tổng khởi nghĩa của Đảng và  quyết định Quốc kỳ, Quốc ca của Việt Nam, lập ra Ủy ban dân tộc giải phóng do Hồ Chí Minh làm chủ tịch.Ngay sau Đại hội, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã gửi thư kêu gọi đồng bào và chiến sĩ cả nước, trong đó nêu quyết tâm: “Giờ quyết định cho vận mệnh dân tộc đã đến. Toàn quốc đồng bào hãy đứng dậy đem sức ta mà tự giải phóng cho ta”. Hưởng ứng lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh và lệnh tổng khởi nghĩa, từ ngày 14 đến ngày 28-8-1945, nhân dân cả nước đứng lên tổng khởi nghĩa và đã giành được chính quyền trên phạm vi cả nước. Ngày 2-9-1945, tại quảng trường Ba Đình, Hồ Chí Minh đọc Tuyên ngôn độc lập, tuyên bố với quốc dân đồng bào:Nước Việt Nam dân chủ cộng hòa ra đời.
Từ thực tiễn quá trình Đảng lãnh đạo cuộc tổng khởi nghĩa giành chính quyền tháng 8 năm 1945 cho thấy, một trong những thành công nổi bật của Đảng là đã chọn đúng thời cơ để phát động nhân dân tiến hành tổng khởi nghĩa giành chính quyền, nhờ vậy sức mạnh của toàn dân ta được nhân lên gấp bội, cuộc Tổng khởi nghĩa giành giành thắng lợi  một cách nhanh, gọn, không đổ nhiều máu và thành công triệt để. Đến nay, bảy mươi hai năm đã qua, nhưng bài học kinh nghiệm về chớp thời cơ của Cách mạng Tháng Tám vẫn còn nguyên giá trị. Đặc biệt, hiện nay khi nước ta đang trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế, cùng với những thời cơ, vận hội thuận lợi, sự nghiệp cách mạng của Đảng và nhân dân ta đang đứng trước không ít nguy cơ lớn, nếu chúng ta biết học tập, vận dụng sáng tạo bài học thành công về nhìn nhận thời cơ và chớp thời cơ giành thắng lợi trong Cách mạng Tháng Tám 1945; nếu chúng ta biết phân tích, dự báo tình hình trong nước và thế giới trên cơ sở khách quan, khoa học, để xác định được nhân tố thuận lợi nảy sinh trong khó khăn thách thức, nếu chúng ta quyết tâm, đoàn kết, tận dụng, tranh thủ được thời cơ... chắc chắn sẽ vượt qua mọi thách thức, tiếp tục tiến lên, vững bước trên con đường sắp tới.
Đối với Thanh Hóa, trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế hiện nay, với những thành tựu đạt được toàn diện trên các lĩnh vực đã và đang tạo ra những cơ hội lớn cho Thanh Hóa trong thu hút đầu tư để phát triển. Đứng trước thời cơ phát triển như vậy, được sự quan tâm chỉ đạo và hỗ trợ kịp thời của Trung ương Đảng, Chính phủ và các bộ, ban, ngành Trung ương, Đảng bộ tỉnh Thanh Hóa đã kịp thời nắm bắt thời cơ vận hội trong khai thác tiềm năng thế mạnh của địa phương, đẩy mạnh việc cải thiện môi trường đầu tư, tạo điều kiện thuận lợi để các nhà đầu tư đến đầu tư, sản xuất kinh doanh tại Thanh Hóa. Ngoài các chính sách ưu đãi của Trung ương, Thanh Hóa cũng ban hành nhiều chính sách thu hút đầu tư. Khi đầu tư vào Thanh Hóa, nhà đầu tư được hưởng ưu đãi ở mức cao nhất và thực hiện nghĩa vụ ở mức thấp nhất trong khung quy định của pháp luật Việt Nam. Đặc biệt, các dự án đầu tư vào Khu kinh tế Nghi Sơn và các khu công nghiệp của tỉnh sẽ được hưởng các mức ưu đãi vượt trội về đất đai, thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu, thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân,…Đồng thời, để hỗ trợ các nhà đầu tư, doanh nghiệp trong việc giải quyết thủ tục hành chính, tỉnh đã xúc tiến việc thành lập Trung tâm Hành chính công cấp tỉnh và cấp huyện; phân công lãnh đạo tỉnh, các sở, ngành, đơn vị có liên quan theo dõi, đôn đốc và trực tiếp giải quyết khó khăn, vướng mắc của các nhà đầu tư trong quá trình thực hiện dự án. Định kỳ vào ngày 21 hàng tháng, Chủ tịch UBND tỉnh đối thoại trực tiếp với doanh nghiệp để kịp thời giải quyết khó khăn, vướng mắc trong đầu tư, sản xuất, kinh doanh của nhà đầu tư, doanh nghiệp.        Ngoài ra, tỉnh còn có cơ chế hỗ trợ đối với các dự án lớn, dự án có vai trò quan trọng thúc đẩy quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế và tạo bước đột phá trong phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, như: hỗ trợ đầu tư cơ sở hạ tầng kết nối ngoài hàng rào; hỗ trợ công tác giải phóng mặt bằng đối với một số dự án có vị trí đặc biệt quan trọng, tác động lớn đến phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
          Nhờ có nhiều chính sách ưu đãi thiết thực, môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi, hấp dẫn, nên nhiều dự án sau khi đi vào sản xuất, kinh doanh có hiệu quả đã tiếp tục mở rộng quy mô sản xuất . Đặc biệt, khu Kinh tế Nghi Sơn tiếp tục thu hút được nhiều dự án lớn. Đến nay, đã  thu hút được 13 dự án đầu tư nước ngoài, 140 dự án đầu tư trong nước với tổng mức đầu tư đăng ký là 12.160 triệu USD và 104.886 tỉ đồng, giá trị thực hiện luỹ kế đạt 7.961,54 triệu USD và 42.241 tỉ đồng. 58 dự án đã hoàn thành đi vào hoạt động và 60 dự án đang triển khai xây dựng. Diện mạo khu công nghiệp hàng đầu khu vực đang dần hình thành. Ngày 18-5-2017, đã tổ chức thành công Hội nghị xúc tiên đầu tư tỉnh Thanh Hóa năm 2017 với quy mô cấp Quốc gia. Theo báo cáo của Văn phòng UBND tỉnh Thanh Hóa, tính chung 6 tháng đầu năm 2017, toàn tỉnh đã thu hút được 96 dự án đầu tư trực tiếp (7 dự án FDI) với tổng vốn đăng ký đạt 22.411 tỷ đồng và 285,5 triệu USD, tăng cao so với cùng kỳ cả về số lượng dự án và vốn đăng ký. Huy động vốn đầu tư phát triển 6 tháng ước đạt 46.380 tỷ đồng, bằng 76,2% cùng kỳ. Từ đó, kinh tế - xã hội tỉnh Thanh Hóa đạt được những kết quả toàn diện. Trong 6 tháng đầu năm 2017, tốc độ tăng trưởng GRDP ước đạt 7,32%; trong đó sản xuất nông, lâm, thủy sản phát triển ổn định và đạt kết quả khá toàn diện, giá trị sản xuất toàn ngành ước đạt 15.269 tỷ đồng. Công nghiệp - xây dựng duy trì tốc độ tăng trưởng khá, các ngành dịch vụ tiếp tục phát triển nhanh. Chất lượng các hoạt động văn hóa - xã hội được nâng lên; các chế độ chính sách an sinh xã hội được thực hiện đầy đủ, kịp thời, đời sống nhân dân được cải thiện, an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn được đảm bảo.
Trong giai đoạn mới, với những thời cơ, thuận lợi và khó khăn, thách thức đan xen, song với tinh thần đoàn kết và phát huy truyền thống cách mạng, những bài học kinh nghiệm trong thực tiễn lãnh đạo cách mạng của Đảng, trong đó có bài học kinh nghiệm về chớp thời cơ của Cách mạng tháng Tám năm 1945, cùng những tiềm năng, lợi thế của tỉnh và những thành tựu toàn diện mà hiện nay Thanh Hóa đã đạt được sẽ là những tiền đề quan trọng để Thanh Hóa ngày càng phát triển hơn nữa, phấn đấu đến năm 2020 Thanh Hóa trở thành tỉnh khá của cả nước, đến năm 2030 cơ bản trở thành tỉnh công nghiệp theo hướng hiện đại
Số lượt truy cập
Hôm nay:
258
Hôm qua:
2395
Tuần này:
10436
Tháng này:
56810
Tất cả:
4.421.690