HƯỞNG ỨNG NGÀY SÁCH VÀ VĂN HOÁ ĐỌC VIỆT NAM (21/4/2021 - 21/4/2024)

Phát huy truyền thống 68 năm, tiếp tục đổi mới toàn diện công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, xây dựng Nhà trường kiểu mẫu

Đăng lúc: 13:22:16 02/06/2017 (GMT+7)1304 lượt xem

 
 
TS. Lương Trọng Thành
TUV, Bí thư Đảng ủy, Hiệu trưởng
 
Trường Chính trị tỉnh Thanh Hóa được thành lập theo Quyết định số 853 - TC/UBTH ngày 28/7/1994 của Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa trên cơ sở hợp nhất Trường Đảng Hoàng Văn Thụ và Trường Hành chính - Pháp lý của tỉnh. Lịch sử phát triển của Nhà trường là sự kế thừa và phát triển của các trường đào tạo, bồi dưỡng trước đây gồm: Trường Trần Phú, Trường Đảng Hoàng Văn Thụ, Trường Hành chính – Pháp lý tỉnh, Trường Công đoàn Thanh Hóa. Năm 2009, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã đồng ý cho Trường lấy ngày Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ II (04/6/1949) làm ngày truyền thống Nhà trường. Ra đời trong những ngày, tháng gian khổ của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, trải qua các thời kỳ cách mạng hào hùng của đất nước, quê hương, Nhà trường đã không ngừng lớn mạnh cùng với sự nghiệp cách mạng của Đảng bộ và nhân dân các dân tộc tỉnh Thanh.
         Trải qua 68 năm, trong bất cứ hoàn cảnh nào, các thế hệ lãnh đạo, cán bộ, giảng viên, học viên Nhà trường luôn thể hiện bản lĩnh chính trị vững vàng; giữ kỷ luật, kỷ cương; đoàn kết gắn bó, trong sáng, nghĩa tình; sẵn sàng vượt qua mọi gian khổ hy sinh, thi đua “dạy tốt, học tốt”; đã đào tạo, bồi dưỡng cho hệ thống chính trị các cấp trong tỉnh và một số địa phương trong cả nước nhiều thế hệ cán bộ, đáp ứng được yêu cầu và nhiệm vụ trong từng giai đoạn cách mạng. Nhiều thế hệ học viên của Nhà trường đã trở thành cán bộ chủ chốt của nhiều cơ quan, đơn vị, nhất là hệ thống chính trị cấp cơ sở; nhiều đồng chí trở thành cán bộ lãnh đạo quản lý năng động, sáng tạo và tâm huyết, luôn nêu cao tinh thần cách mạng, ý chí khắc phục khó khăn, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao. Trong thực hiện nhiệm vụ đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, Nhà trường luôn bám sát và quán triệt sâu sắc các chủ trương, đường lối của Đảng; chính sách, pháp luật của Nhà nước; các nghị quyết, chỉ thị của Tỉnh ủy gắn với thực tiễn của địa phương, không ngừng chăm lo xây dựng đội ngũ cán bộ, giảng viên ngày càng vững mạnh; thường xuyên cải tiến nội dung và đổi mới phương pháp giảng dạy; chất lượng dạy và học ngày càng được nâng lên, góp phần nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ của tỉnh nhà.            
Trong công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, quán triệt và vận dụng sáng tạo quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh và của Đảng về công tác cán bộ: “Cán bộ là gốc của mọi công việc. Huấn luyện cán bộ là công việc gốc của Đảng”, Nhà trường đã đào tạo, bồi dưỡng hàng trăm nghìn cán bộ cho tỉnh nhà; với nhiều hình thức đa dạng, phong phú. Việc mở rộng và đa dạng hoá loại hình, hình thức đào tạo, bồi dưỡng đã đáp ứng nhu cầu cơ bản về số lượng, từng bước chuẩn hoá đội ngũ cán bộ. Đặc biệt, Nhà trường đã tham mưu cho Tỉnh ủy, UBND tỉnh ban hành và hoàn thiện thể chế về đổi mới, nâng cao chất lượng công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ đáp ứng yêu cầu công tác cán bộ thời kỳ mới. Công tác đào tạo, bồi dưỡng không ngừng đổi mới, mở rộng về quy mô, nâng cao về chất lượng. Hàng năm đã đào tạo, bồi dưỡng được trên 10.000 học viên các lớp, các hệ. Cùng với hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ đào tạo, bồi dưỡng trong kế hoạch, Nhà trường đã chủ động mở các lớp bồi dưỡng đáp ứng nhu cầu xã hội. Đặc biệt, năm 2016, phối hợp với Công ty Lọc hóa dầu Nghi Sơn thực hiện thành công Dự án “Bồi dưỡng nâng cao năng lực cán bộ địa phương”  cho 28 lớp với trên 500 học viên. Theo đó, năm học 2016 - 2017,  là năm có quy mô đào tạo, bồi dưỡng lớn nhất từ trước đến nay (225 lớp với 23.148 học viên).
Gắn liền với công tác đào tạo, bồi dưỡng, công tác nghiên cứu khoa học, nghiên cứu thực tế, tổng kết thực tiễn của cán bộ, giảng viên, học viên Nhà trường luôn được chú trọng. Trong những năm gần đây, quán triệt phương châm học đi đôi với hành, lý luận gắn liền với thực tiễn, nhiều hội thảo, đề tài khoa học cấp khoa, cấp trường, cấp tỉnh được tổ chức thành công. Kết quả từ năm 2010 đến năm 2016, Nhà trường đã triển khai thực hiện 03 đề tài cấp bộ; 08 đề án cấp tỉnh; 12 đề tài, hội thảo cấp Học viện, cấp tỉnh và khu vực; 35 đề tài cấp trường, cấp khoa; lồng ghép tổ chức thành công hàng trăm buổi tọa đàm khoa học gắn với các lớp đào tạo, bồi dưỡng; triển khai thực hiện và tổng kết nhiều vấn đề thực tiễn gắn với địa phương, cơ sở; phát hành 2.500 cuốn Tập san Nghiên cứu lý luận & thực tiễn/ số/ quý phục vụ các chức danh bí thư, phó bí thư thường trực và bí thư kiêm chủ tịch UBND cấp xã trên địa bàn toàn tỉnh; xuất bản hàng chục cuốn sách chuyên khảo, tài liệu bồi dưỡng nâng cao chất lượng Đại biểu HĐND cấp xã, cấp huyện… Những kết quả đạt được trong công tác nghiên cứu khoa học, tổng kết thực tiễn của Nhà trường đã và đang khẳng định là trung tâm nghiên cứu khoa học, tổng kết thực tiễn của tỉnh; đồng thời là trường dẫn đầu cả nước trong hệ thống các trường chính trị về sự phát triển toàn diện công tác nghiên cứu khoa học, tổng kết thực tiễn.
Trong sự nghiệp đấu tranh cách mạng, Trường Đảng Thanh Hóa vinh dự là nơi tổ chức hội nghị của Đảng nhân dân cách mạng Lào. Kế thừa truyền thống quý báu, tình hữu nghị, đoàn kết đặc biệt và sự hợp tác toàn diện Việt Nam – Lào, Thanh Hóa  - Hủa Phăn, nhân dịp kỷ niệm 50 năm ngày thiết lập quan hệ ngoại giao Thanh Hóa –Hủa Phăn và 68 năm ngày truyền thống Trường Chính trị Thanh Hóa, Nhà trường đã tổ chức khai giảng và triển khai chương trình đào tạo Trung cấp Lý luận chính trị - Hành chính cho 30 học viên là cán bộ cấp phòng, tỉnh Hủa Phăn, nước CHDCND Lào. Theo đó, thực hiện Bản Ghi nhớ hợp tác giữa Trường Chính trị tỉnh Thanh Hóa và Trường Chính trị - Hành chính tỉnh Hủa Phăn, giai đoạn 2016 – 2020, hàng năm Nhà trường sẽ đào tạo, bồi dưỡng cán bộ cho tỉnh Hủa Phăn theo chỉ tiêu thỏa thuận.
Công tác xây dựng đội ngũ được quan tâm. Đến nay, Nhà trường có 80 giảng viên đạt chuẩn về chuyên môn, nghiệp vụ, trong đó có 8 tiến sỹ và nghiên cứu sinh, 38 thạc sỹ, 4 giảng viên đang học cao học. Đội ngũ cán bộ, giảng viên Nhà trường có bản lĩnh chính trị vững vàng, nói, viết và làm đúng đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; tâm huyết hơn với nghề, chủ động và sáng tạo trong nghiên cứu, giảng dạy và phục vụ, sẵn sàng hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Đặc biệt, năm 2016, thực hiện chủ trương của Thường trực Tỉnh ủy và UBND tỉnh, Nhà trường đã hoàn thiện Đề án vị trí việc làm, rà soát quy hoạch cán bộ lãnh đạo và cấp ủy giai đoạn 2020 - 2025 và những năm tiếp theo.
Đồng bộ với đổi mới các thành tố trong công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ nghiên cứu, giảng dạy, học tập, sinh hoạt của cán bộ, giảng viên và học viên ngày càng được đầu tư, nâng cấp. Từ thưở ban đầu với hệ thống nhà cấp 4, đến nay  Nhà trường đã được xây dựng, cải tạo theo hướng khang trang, sạch đẹp với 5 hạng mục cơ bản: Khu hiệu bộ, ký túc xá, nhà ăn, hội trường và giảng đường phục vụ cho khoảng 1000 lượt học viên trong ngày. Cùng với sự đầu tư của tỉnh, Nhà trường đã chủ động xã hội hóa đầu tư trang bị thêm 150 ti vi cho 150 phòng ký túc xá, 15 phòng học điều hòa, khu thể dục - thể thao... Đặc biệt, theo đề xuất của Nhà trường, ngày 19/8/2013, UBND tỉnh Thanh Hóa đã ra Quyết định Phê duyệt quy hoạch mở rộng không gian Nhà trường từ 3,5 ha hiện có lên 11,8 ha, trong tương lai, Nhà trường sẽ được xây dựng theo hướng hiện đại, phấn đấu trở thành Trung tâm đào tạo, bồi dưỡng cán bộ lãnh đạo, quản lý có chất lượng cao của tỉnh và trong cả nước.
Với sự phát triển toàn diện và những đóng góp to lớn vào sự nghiệp đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, Trường Chính trị tỉnh đã được Đảng, Nhà nước trao tặng nhiều phần thưởng cao quý. Đặc biệt, năm 2014 nhân kỷ niệm 65 năm truyền thống, Trường vinh dự được Chủ tịch nước tặng Huân chương Độc lập hạng Ba.
Tự hào về những kết quả đạt được song với tinh thần cầu thị, cán bộ, giảng viên và học viên Nhà trường không khỏi băn khoăn, trăn trở về những hạn chế tồn tại, hạn chế: chất lượng đào tạo, bồi dưỡng có mặt chưa đáp ứng yêu cầu thực tiễn, nhất là quá trình chuyển từ đào tạo sang tự đào tạo trong học viên còn hạn chế; một bộ phận giảng viên trẻ thiếu kinh nghiệm, kiến thức thực tiễn, cơ sở vật chất chưa đáp ứng kịp qui mô đào tạo, bồi dưỡng cán bộ hiện nay, một số công trình không còn phù hợp trước yêu cầu đổi mới công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ.
          Bước vào thời kỳ mới, sự nghiệp đào tạo, bồi dưỡng cán bộ có nhiều thời cơ, vận hội. Các cấp ủy đảng, chính quyền ngày càng quan tâm hơn đến công tác cán bộ và công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ; mục tiêu xây dựng Thanh Hóa đến năm 2020 trở thành tỉnh khá của cả nước, đến năm 2030 cơ bản trở thành tỉnh công nghiệp theo hướng hiện đại, là thực tiễn sinh động đòi hỏi đội ngũ cán bộ các cấp trong tỉnh ra sức học tập, rèn luyện, phấn đấu và cống hiến. Vinh dự và tự hào về truyền thống 68 năm xây dựng và trưởng thành đã và đang tạo ra động lực mới cho đội ngũ cán bộ, giảng viên, học viên Trường Chính trị tỉnh thi đua phấn đấu, rèn luyện. Theo đó, Nhà trường xác định  lấy nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng, nghiên cứu khoa học, tổng kết thực tiễn là trung tâm; đổi mới công tác quản lý là then chốt; đổi mới đánh giá kết quả học tập của học viên là khâu đột phá; xây dựng môi trường kỷ cương,thân thiện, giàu tính Đảng là nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên. Trong thời gian tới toàn trường tập trung thực hiện tốt các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu như sau:
Một là, đổi mới và thực hiện đồng bộ các khâu trong công tác quản lý đào tạo, bồi dưỡng cán bộ. Đa dạng hóa các loại hình đào tạo, bồi dưỡng; tích cực, chủ động tổ chức đào tạo, bồi dưỡng theo nhu cầu xã hội nhằm chuẩn hóa và nâng cao kiến thức, kỹ năng, nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức các ngành, địa phương, đơn vị trong và ngoài tỉnh. Chuyển mạnh từ dạy- học thụ động sang dạy- học chủ động; thực hiện tốt phương châm dạy- học: học đi đôi với hành, lý luận gắn với thực tiễn. Giảng viên phải thực sự là nhà tổ chức, quản lý, định hướng quá trình học tập; học viên là chủ và làm chủ quá trình lĩnh hội kiến thức;học viên chủ động học tập, hoàn thiện kiến thức, kỹ năng theo chức danh và vị trí việc làm. Quyết tâm đổi mới phương pháp giảng dạy theo phương châm: dạy- học hiểu, dạy- học vận dụng và dạy- học xử trí.
Hai là, chuyển mạnh từ đánh giá điểm số sang đánh giá quá trình học tập. Coi trọng đánh giá quá trình xây dựng kế hoạch, quản lý mục tiêu, thái độ và phương pháp học tập; lấy chất lượng sản phẩm tự học, tự nghiên cứu gắn với việc nâng cao nhận thức, kiến thức, phương pháp, kỹ năng công tác theo chức danh, vị trí việc làm là tiêu thức quan trọng để đánh giá kết quả học tập, rèn luyện. Chuyển mạnh từ quản lý hành chính sang quản lý phục vụ lấy “hiệu quả phục vụ, thành công của học viên, tín nhiệm của Đảng bộ và nhân dân trong tỉnh” làm mục tiêu phấn đấu. Chú trọng xây dựng tác phong quản lý khoa học, dân chủ và nêu gương; tăng cường trách nhiệm của cán bộ lãnh đạo, quản lý, giảng viên, nhân viên hành chính. Đổi mới đánh giá cán bộ, giảng viên theo hướng lấy sự cống hiến, đóng góp, hiệu quả công việc làm tiêu chí quan trọng theo nguyên tắc công bằng giữa quyền lợi và nghĩa vụ. Đổi mới công tác thi đua, tạo động lực cho cán bộ, viên chức phấn đấu, rèn luyện.
Ba là,phát triển toàn diện công tác nghiên cứu khoa học, nghiên cứu thực tế, tổng kết thực tiễn. Chủ động đề xuất và thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ khoa học cấp tỉnh, các chương trình, đề án, tổng kết thực tiễn nhằm nâng cao chất lượng dạy - học; đồng thời, cung cấp những luận cứ khoa học góp phần hoạch định chủ trương, chính sách, giải quyết những vấn đề phát sinh từ thực tiễn trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy đảng, chính quyền trong tỉnh.
Bốn là, tập trung nguồn lực, quan tâm định hướng tốt, cơ chế tốt, môi trường tốt, xây dựng đội ngũ cán bộ quản lý vững vàng về chuyên môn, thông thạo về quản lý, có khả năng nắm bắt các vấn đề thực tiễn, vận dụng linh hoạt trong thực hiện nhiệm vụ; xây dựng đội ngũ giảng viên “có bản lĩnh chính trị vững vàng, giỏi về chuyên môn, nghiệp vụ, am hiểu thực tiễn. Đề xuất xây dựng đội ngũ chuyên gia thỉnh giảng là những đồng chí lãnh đạo, nguyên là lãnh đạo tỉnh tham gia giảng dạy, truyền đạt các kinh nghiệm trong quản lý, chỉ đạo, điều hành cho học viên Nhà trường.
Năm là,chủ động tham mưu và đề xuất xây dựng Đề án“Xây dựngTrường Chính trị Thanh Hóa thành trung tâm đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, đạt chuẩn giai đoạn 2017-2025”.Tổ chức tốt các phong trào thi đua, xây dựng nhà trường kỷ cương, thân thiện, là môi trường giáo dục thực tiễn có sức ảnh hưởng và chuyển hóa đến tính tự giác, nâng cao tính đảng và hoàn thiện tác phong công tác cho mỗi cán bộ, học viên. Quản lý có hiệu quả cơ sở vật chất hiện có, tiếp tục xã hội hóa đầu tư, trang thiết bị. Đồng thời, chủ động đề nghị Tỉnh ủy, UBND tỉnh đầu tư các hạng mục, công trình theo quy hoạch đã được phê duyệt đáp ứng tốt hơn công tác đào tạo bồi dưỡng cán bộ trong thời kỳ mới.
Nhìn lại quá trình 68 năm xây dựng và phát triển, các thế hệ cán bộ, giảng viên Trường Chính trị tỉnh đã có những đóng góp to lớn vào sự nghiệp đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, xứng đáng với niềm tin của Đảng bộ và nhân dân trong tỉnh. Trong giai đoạn mới, với tinh thần đoàn kết, trách nhiệm và sự quyết tâm cao độ, toàn thể cán bộ, giảng viên và học viên Nhà trường tiếp nối truyền thống, ra sức thi đua hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, xây dựng Nhà trường trở thành trung tâm đào tạo, bồi dưỡng cán bộ lãnh đạo, quản lý kiểu mẫu, góp phần  xây dựng quê hương Thanh Hóa trở thành tỉnh tiên tiến, kiểu mẫu như sinh thời Bác Hồ kính yêu hằng mong muốn.
 
Số lượt truy cập
Hôm nay:
129
Hôm qua:
1983
Tuần này:
10442
Tháng này:
42088
Tất cả:
4.406.968