HƯỞNG ỨNG NGÀY SÁCH VÀ VĂN HOÁ ĐỌC VIỆT NAM (21/4/2021 - 21/4/2024)

Phát huy vai trò của người phụ nữ Việt Nam trong gia đình và ngoài xã hội hiện nay

Đăng lúc: 17:03:48 19/10/2016 (GMT+7)1195 lượt xem

 
ThS. Phạm Bá Thịnh – ThS. Nguyễn Thị Duyên
Khoa LL Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh
 
Phụ nữ giữ vai trò quan trọng trong mỗi gia đình và ngoài xã hội. Trong suốt chiều dài lịch sử, phụ nữ Việt Nam đã có những đóng góp to lớn cho sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, xây dựng đất nước ngàn năm văn hiến, tạo dựng nên truyền thống bản sắc của người Việt nói chung và truyền thống riêng của phụ nữ Việt Nam “anh hùng, bất khuất, trung hậu, đảm đang”. Tiếp nối truyền thống đó, trong xu thế hội nhập và phát triển của đất nước, phụ nữ Việt Nam tiếp tục vượt qua mọi thành kiến và thử thách, vươn lên đóng góp tích cực vào các hoạt động xã hội, duy trì ảnh hưởng của mình trên nhiều lĩnh vực như: tham gia quản lý nhà nước, tham gia xóa đói giảm nghèo, xây dựng gia đình no ấm hạnh phúc, tham gia phòng, chống tệ nạn xã hội, tham gia hoạt động đối ngoại…
Có thể thấy, phụ nữ Việt Nam ngày càng khẳng định vị trí, vai trò, khả năng, sức sáng tạo của mình trên mọi lĩnh vực của đời sống xã hội, thích ứng và hội nhập trong xu thế phát triển chung của nhân loại. Ngày càng có nhiều người trở thành chính trị gia, nhà khoa học nổi tiếng, nhà quản lý năng động… Nghị quyết số 11 - NQ/TW của Bộ Chính trị về công tác phụ nữ thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước đã khẳng định: “Phụ nữ giữ vai trò rất quan trọng đối với sự phát triển của xã hội. Trong lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc Việt Nam, qua mọi thời kỳ, phụ nữ luôn là lực lượng hùng hậu, có nhiều đóng góp to lớn vào sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng quốc gia độc lập, tự cường, đấu tranh chống giặc ngoại xâm, giữ gìn nền độc lập của dân tộc”[1].
Trong gia đình, họ là người mẹ, người vợ, người thầy đầu tiên của con người, phụ nữ có ảnh hưởng to lớn tới hạnh phúc và sự ổn định của gia đình; họ luôn sẵn sàng chia sẻ công việc gia đình và những vui buồn cùng chồng trong cuộc sống, là chỗ dựa tinh thần, là nguồn động viên an ủi giúp đỡ, đóng góp vào thành công trong sự nghiệp của chồng.
Là người mẹ, họ có vai trò đặc biệt quan trọng trong việc duy trì nòi giống và nuôi dạy con cái. Vai trò là người mẹ, người thầy đầu tiên của con người được thể hiện khi những đứa trẻ mới sinh ra đến khi trưởng thành, phần lớn thời gian là gần gũi và thường chịu ảnh hưởng từ người mẹ. Chúng được mẹ cho bú sữa, bồng ẵm, dỗ dành, tắm giặt, ru ngủ, cho ăn uống, chăm sóc rất nhiều khi ốm đau... Với việc nhận thức thông qua quá trình bé tự quan sát, học hỏi tự nhiên hàng ngày và ảnh hưởng từ cách thức giáo dục, dạy giỗ của người mẹ, từ đó, hình thành và phát triển nhân cách của con trẻ.
Phụ nữ là một lực lượng lao động xã hội đông đảo với hơn 50% dân số, phụ nữ tham gia vào hầu hết các ngành nghề, công việc (kể cả những lĩnh vực trước đây dường như chỉ dành cho nam giới). Trong lao động sản xuất nông - lâm - ngư nghiệp, đội ngũ cán bộ nữ khoa học, phụ nữ nông dân đã có đóng góp lớn vào thành tựu sản xuất, phát triển kinh tế. Sự đóng góp của đội ngũ lao động nữ trên lĩnh vực công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, kinh doanh, dịch vụ cũng là động lực để phát triển kinh tế; nhiều chị em đã phấn đấu vươn lên, giữ nhiều cương vị chủ chốt trong hoạt động quản trị doanh nghiệp. Ở lĩnh vực chính trị, phụ nữ có cơ hội thực hiện quyền bình đẳng của mình thông qua việc tham gia ban hành các quyết định, xây dựng và thực thi pháp luật, chính sách, đáp ứng nhu cầu và lợi ích giới; được cử đại diện xứng đáng trong các cơ quan dân cử, cơ quan quản lý nhà nước và các đoàn thể chính trị - xã hội. Trình độ học vấn của nữ giới ngày càng được nâng lên. Số nữ tiến sỹ, thạc sỹ, cử nhân tăng theo từng năm, nhiều học sinh, sinh viên nữ đỗ thủ khoa, đạt giải cao trong các kỳ thi quốc gia, quốc tế…
Tất cả những thành tựu trên, đã khẳng định vai trò to lớn của phụ nữ Việt Nam trong thời kỳ mới, góp phần khẳng định các giá trị của người phụ nữ hiện đại, năng động, tự tin, ngày càng chứng tỏ được vị thế, vai trò quan trọng của mình trong gia đình và trong xã hội. Đó là minh chứng cho sự nỗ lực không mệt mỏi, không ngừng nghỉ của phụ nữ Việt Nam trong việc hưởng ứng, thực hiện các chính sách đúng đắn của Đảng và Nhà nước ta đối với phụ nữ, đưa vị thế xã hội của người phụ nữ lên một tầm cao mới.
Tuy nhiên, để đáp ứng được với yêu cầu của sự nghiệp đổi mới, phụ nữ cần tiếp tục nỗ lực phấn đấu, vượt qua những khó khăn, cản trở trong định kiến giới; không ngừng nâng cao trình độ học vấn, chuyên môn, kỹ năng nghề nghiệp; phẩm chất đạo đức … để xứng đáng với ví thế, hình ảnh của người phụ nữ Việt Nam, góp phần thúc đẩy sự phát triển của quốc gia, dân tộc. Muốn vậy, cần thực hiện tốt các giải pháp cơ bản sau:
Thứ nhất, bản thân người phụ nữ phải có quyết tâm và nghị lực vươn lên để khẳng định giá trị, hình ảnh của bản thân, vị trí, vai trò của người phụ nữ Việt Nam thông qua việc không ngừng học tập, rèn luyện để phát triển mọi mặt, đáp ứng với yêu cầu, nhiệm vụ trong giai đoạn mới.
  Thứ hai, Đảng, Nhà nước tiếp tục ban hành và chỉ đạo thực hiện các chỉ thị, nghị quyết, luật pháp, chính sách về phụ nữ và công tác phụ nữ nhằm hoàn thiện hệ thống pháp luật và đưa vào cuốc sống, giúp chị em có cơ hội bình đẳng để phát huy vai trò và năng lực của mình trong gia đình và xã hội, như Đảng ta đã từng nhấn mạnh việc: “Nâng cao trình độ mọi mặt và đời sống vật chất, tinh thần của phụ nữ; thực hiện tốt bình đẳng giới, tạo điều kiện cho phụ nữ phát triển tài năng. Nghiên cứu, bổ sung và hoàn thiện luật pháp và chính sách đối với lao động nữ, tạo điều kiện và cơ hội để phụ nữ thực hiện tốt vai trò và trách nhiệm của mình trong gia đình và xã hội. Kiên quyết đấu tranh chống các tệ nạn xã hội và xử lý nghiêm minh theo pháp luật các hành vi bạo lực, buôn bán, xâm hại  nhân phẩm phụ nữ”[2]. Bên cạnh đó, tạo các kênh, diễn đàn trên các phương tiện thông tin đại chúng để những người dân Việt Nam yêu nước ở khắp nơi trên thế giới, bạn bè quốc tế có cái nhìn đúng về vai trò, vị trí quan trọng của phụ nữ Việt Nam trong sự nghiệp đổi mới đất nước; khuyến khích họ đóng góp ý kiến xây dựng nhằm thúc đẩy, nâng cao hơn nữa vị thế của phụ nữ trên trường quốc tế.
Thứ ba, Hội liên hiệp phụ nữ phối hợp với các cấp, các ngành đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến tới tất cả đội ngũ cán bộ, đảng viên, quần chúng nhân dân về vai trò, vị trí quan trọng của người phụ nữ, góp phần thay đổi những định kiến về giới; đồng thời, huy động tối đa các nguồn lực, đẩy mạnh công tác dạy nghề, tạo thêm nhiều công ăn việc làm cho chị em, đặc biệt chú ý tới đối tượng phụ nữ ở miền núi, vùng sâu, vùng xa, vùng gặp nhiều khó khăn, phụ nữ là người dân tộc... nhằm thu hẹp dần khoảng cách về cơ hội và điều kiện phát triển của phụ nữ ở các vùng, miền. Tạo điều kiện cho phụ nữ có cơ hội tiếp cận những thành quả của khoa học - công nghệ hiện đại, áp dụng vào thực tiễn, từng bước nâng cao tri thức và chất lượng cuộc sống, đóng góp ngày càng nhiều hơn cho sự nghiệp đổi mới và phát triển đất nước.
Có thể khẳng định, phụ nữ giữ vai trò rất quan trọng trong mỗi gia đình và đối với sự phát triển của toàn xã hội. Do đó, cần phải “nâng cao trình độ, đời sống vật chất và tinh thần của phụ nữ; thực hiện bình đẳng giới, phát huy vai trò của phụ nữ trong gia đình và xã hội”(2). Do đó, hội LHPN cần phối hợp với các cấp, các ngành tăng cường công tác tuyên truyền, vận động, phát huy vai trò của phụ nữ  trong việc phát triển kinh tế - xã hội, đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước./.
 
(2) Văn kiện Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVIII, nhiệm kỳ 2015-2020
 


[1] Tài liệu nghiên cứu quán triệt Nghị quyết số 11- NQ/TW của Bộ Chính trị khóa X. Nxb CTQG, H. 2008, tr. 8
[2] ĐCSVN: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Nxb CTQG, H, 2016, tr.163
 
Số lượt truy cập
Hôm nay:
834
Hôm qua:
1983
Tuần này:
11147
Tháng này:
42793
Tất cả:
4.407.673