NHIỆT LIỆT CHÀO MỪNG KỶ NIỆM 114 NĂM NGÀY QUỐC TẾ PHỤ NỮ 8/3 ( 8/3/1910 – 8/3/2024) VÀ 1984 NĂM KHỞI NGHĨA HAI BÀ TRƯNG!

Phát triển đội ngũ cán bộ quản lý Trường Chính trị tỉnh Thanh Hóa đáp ứng yêu cầu đổi mới công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ hiện nay

Đăng lúc: 10:44:37 14/02/2020 (GMT+7)534 lượt xem

 TS. Lương Trọng Thành
TUV, Hiệu trưởng
 
 
Phát triển đội ngũ cán bộ quản lý trường chính trị là thực hiện đồng bộ các khâu trong công tác cán bộ của Đảng và các giải pháp đổi mới xây dựng đội ngũ cán bộ quản lý theo hướng đủ về số lượng, phù hợp về cơ cấu (ngành, chuyên môn, tuổi, giới tính, dân tộc), đảm bảo về chất lượng (phẩm chất, năng lực, uy tín) đáp ứng yêu cầu đổi mới và nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng cán bộ hướng tới xây dựng trường chính trị đạt chuẩn.
Bám sát vào định hướng của Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh và cụ thể hóa các nghị quyết, quy định của Tỉnh ủy Thanh Hóa về công tác cán bộ và đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, từ yêu cầu thực tiễn, Trường Chính trị tỉnh Thanh Hóa đã quan tâm xây dựng đội ngũ cán bộ, giảng viên “có bản lĩnh chính trị vững vàng, giỏi về chuyên môn, nghiệp vụ, am hiểu thực tiễn”1. Từ năm 2010 đến nay, Nhà trường đã chọn cử 46 cán bộ, giảng viên đi đào tạo trình độ thạc sỹ; tiếp nhận và cử 10 cán bộ, giảng viên đi đào tạo trình độ tiến sỹ và nghiên cứu sinh; 63 cán bộ, giảng viên đi đào tạo trình độ lý luận chính trị. Hiện nay, 100% cán bộ, giảng viên của nhà trường đã được đào tạo đạt chuẩn và vượt chuẩn về chuyên môn, nghiệp vụ và lý luận chính trị.
Đặc biệt, với nhận thức phát triển đội ngũ cán bộ quản lý là công việc then chốt của then chốt, theo đó cùng với việc thực hiện nghiêm túc, đồng bộ, có hiệu quả các khâu trong công tác cán bộ, nhà trường đã chủ động định hướng tốt, ưu tiên nguồn lực đào tạo, bồi dưỡng, xây dựng môi trường tạo động lực phát triển đội ngũ cán bộ quản lý “đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ2góp phần quan trọng vào việc đổi mới, nâng cao hình ảnh, vị thế của nhà trường. Tuy nhiên, trước yêu cầu đổi mới và nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng cán bộ hiện nay và thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ, tổ chức bộ máy của trường chính trị cấp tỉnh theo Quy định số 09-QĐi/TW ngày 13/11/2018 của Ban Bí thư Trung ương Đảng và Quyết định số 2943-QĐ/TU ngày 13/5/2019 của Ban Thường vụ Tỉnh uỷ Thanh Hoá, thực chất là để đáp ứng yêu cầu: nhiệm vụ ngày càng lớn, mới và khó hơn; tiến độ kịp thời hơn, chất lượng, hiệu quả cao hơn trong điều kiện biên chế ít hơn, tổ chức bộ máy tinh gọn hơn, đã và đang đặt ra thời cơ và thách thức để các trường chính trị phải tiếp tục quan tâm và thực hiện đồng bộ, có chất lượng, hiệu quả hệ thống các giải pháp để phát triển đội ngũ cán bộ quản lý, góp phần đổi mới toàn diện và nâng cao chất lượng, hiệu quả quản trị nhà trường. Từ thực tiễn Trường Chính trị tỉnh Thanh Hóa, phân tích làm rõ một số yêu cầu, nội dung, cách thức phát triển đội ngũ cán bộ quản lý như sau:
I. MỘT SỐ YÊU CẦU THỰC TIỄN VỀ PHÁT TRIỂN ĐỘI NGŨ CÁN BỘ QUẢN LÝ TRƯỜNG CHÍNH TRỊ
1. Bước vào thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế, đặc biệt tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Đảng ta đã xác định 04 trụ cột phát triển đất nước: phát triển kinh tế - xã hội là trung tâm; xây dựng Đảng là then chốt; phát triển văn hóa, con người là nền tảng tinh thần của xã hội; tăng cường quốc phòng an ninh là nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên. Bám sát vào định hướng của Đảng, Tỉnh ủy Thanh Hóa đã cụ thể hóa thành 05 chương trình trọng tâm, 04 khâu đột phá và định hướng 05 trụ cột chiến lược phát triển kinh tế - xã hội, phấn đấu xây dựng Thanh Hóa trở thành tỉnh khá vào năm 2020, tỉnh công nghiệp theo hướng hiện đại vào năm 2030 và trở thành tỉnh kiểu mẫu như sinh thời Chủ tịch Hồ Chí Minh hằng mong muốn. Để hiện thực hóa các mục tiêu, chỉ tiêu và các chương trình trọng tâm, các khâu đột phá …mà Đại hội Đảng bộ các cấp nhiệm kỳ 2015-2020 đề ra đòi hỏi phải xây dựng được đội ngũ cán bộ có đủ phẩm chất, năng lực, uy tín ngang tầm nhiệm vụ.
2. Với sứ mệnh là đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý cho hệ thống chính trị cấp cơ sở, đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức ở địa phương; với tầm nhìn xây dựng nhà trường trở thành trung tâm đào tạo, bồi dưỡng cán bộ lãnh đạo, quản lý; trung tâm nghiên cứu khoa học, tổng kết thực tiễn đạt chuẩn; đặc biệt, trước yêu cầu đổi mới và phát triển Trường Chính trị tỉnh Thanh Hóa theo mô hình 5 nhất, 4 trụ cột, 5 định hướng đổi mới (5 nhất: (1) có thể chế hoàn thiện nhất về công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ; (2) có quy mô đào tạo, bồi dưỡng lớn và chất lượng tốt nhất; (3) công tác nghiên cứu khoa học, tổng kết thực tiễn phát triển toàn diện nhất; (4) đội ngũ có đủ phẩm chất, năng lực , uy tín nhất; (5) có môi trường giáo dục kỷ cương, thân thiện, giàu tính Đảng nhất. 4 trụ cột phát triển:(1) nâng cao chất lượng là trung tâm; (2) đổi mới công tác quản lý là then chốt; (3) đổi mới phương pháp dạy - học, thi, kiểm tra, đánh giá là khâu đột phá; (4) xây dựng môi trường giáo dục kỷ cương, thân thiện, giàu tính Đảng là nhiệm vụ quan trọng thường xuyên. 5 định hướng đổi mới:(1) chuyển mạnh nhận thức từ người thầy là trung tâm sang người thầy và học viên là trung tâm; (2) chuyển mạnh từ dạy - học kiến thức là chủ yếu sang dạy - học phát triển phẩm chất, năng lực; (3) chuyển mạnh từ dạy - học thụ động sang dạy - học chủ động theo phương châm dạy - học hiểu, dạy - học vận dụng, dạy - học xử trí theo nguyên tắc 3 tăng (chủ động, trao đổi, xử trí), 3 giảm (thụ động, đọc thoại, lý thuyết); (4) chuyển mạnh từ đánh giá điểm số sang đánh giá quá trình; (5) chuyển mạnh từ quản lý hành chính sang quản lý phục vụ và kiến tạo).
3. Muốn đổi mới và nâng cao chất lượng công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ hiện nay đòi hỏi phải giải quyết hài hòa 03 mối quan hệ: (1) giữa đào tạo, quy hoạch và sử dụng cán bộ; (2) giữa quy mô và chất lượng đào tạo, bồi dưỡng; (3) giữa đào tạo, bồi dưỡng và nghiên cứu khoa học, tổng kết thực tiễn; đồng thời đáp ứng 5 điểm mới trong xu thế vận động phát triển của trường chính trị tỉnh: (1) phát triển từ chức năng đào tạo, bồi dưỡng là chủ yếu sang đào tạo, bồi dưỡng và nghiên cứu khoa học, tổng kết thực tiễn; (2) từ đào tạo là chủ yếu sang đào tạo, bồi dưỡng theo chức danh vị trí việc làm; (3) từ đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ ở các địa phương trong tỉnh là chủ yếu mở rộng thêm hợp tác quốc tế trong đào tạo, bồi dưỡng; (4) từ thực hiện nguồn lực trong trường là chủ yếu sang huy động thêm nguồn lực xã hội; (5) từ thi đua dạy - học tốt là chủ yếu sang thi đua nghiên cứu tốt, tham mưu tốt, quản trị tốt, dạy - học tốt, tư vấn tốt.
II. NỘI DUNG VÀ CÁCH THỨC PHÁT TRIỂN ĐỘI NGŨ CÁN BỘ QUẢN LÝ
1. Nhận thức đúng đắn về vị trí, vai trò và xác định các yêu cầu về phẩm chất, năng lực của đội ngũ cán bộ quản lý trường chính trị hiện nay
Thực tiễn cho thấy, nhận thức đúng, đầy đủ, toàn diện, sâu sắc về vị trí, vai trò của đội ngũ nói chung và đội ngũ cán bộ quản lý nói riêng có ý nghĩa quan trọng trong đổi mới và phát triển nhà trường. Nếu coi giảng viên và học viên là trung tâm của nhà trường (là chủ và làm chủ trong quá trình tổ chức, quản lý dạy và học) thì đội ngũ cán bộ quản lý giữ vị trí và vai trò then chốt của nhà trường.
Cán bộ quản lý trường chính trị bao gồm: Hiệu trưởng và các phó hiệu trưởng, được ban thường vụ Tỉnh ủy ra quyết định bổ nhiệm và chịu sự quản lý của ban thường vụ Tỉnh ủy; trưởng, phó các khoa, phòng được hiệu trưởng ra quyết định bổ nhiệm và chịu sự quản lý của ban giám hiệu. Theo đó, vị trí của đội ngũ cán bộ quản lý trường chính trị: (1) là người đứng đầu và cấp phó của người đứng đầu; (2) là hạt nhân của đội ngũ; (3) ảnh hưởng. Vai trò của của đội ngũ cán bộ quản lý là: (1) định hướng, dẫn dắt về sự phát triển toàn diện của nhà trường; (2) tập hợp cán bộ, giảng viên, học viên hiện thực hóa các mục tiêu đề ra; (3) nêu gương (làm trước; làm tốt; hướng dẫn cán bộ, giảng viên, học viên làm theo). Như vậy, cán bộ quản lý trường chính trị giữ vai trò thực hiện tốt các nội dung, phương thức lãnh đạo và thực hiện đồng bộ các chức năng quản lý: xây dựng kế hoạch, tổ chức thực hiện, chỉ đạo, kiểm tra giám sát nhằm thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ đào tạo, bồi dưỡng cán bộ; nghiên cứu khoa học, tổng kết thực tiễn theo chức năng của trường chính trị và các nhiệm vụ khác do cấp ủy, chính quyền địa phương giao.
Với vị trí, vai trò nêu trên, đòi hỏi đội ngũ cán bộ quản lý trường chính trị phải có những phẩm chất, năng lực như sau:
Thứ nhất, về thái độ đối với công việc: (1) phải khắc phục được tư tưởng, thái độ cầm chừng (nghĩa vụ); (2) khẳng định hoàn thành tốt nhiệm vụ (trách nhiệm); (3) vươn lên chủ động, sáng tạo, đạt hiệu quả cao trong công việc (tự giác); (4) phấn đấu tận tâm, tận lực và toàn tâm, toàn ý (tận tụy); (5) nuôi dưỡng đam mê, khát vọng cống hiến để lại dấu ấn và giá trị tốt đẹp (cống hiến) trong sự nghiệp đổi mới và phát triển nhà trường.
Thứ hai, về tư duy: Xét về bậc thang tư duy, không chỉ dừng ở biết việc (biết) mà còn hiểu sâu sắc về vị trí, vai trò, chức năng, nhiệm vụ (hiểu); vận dụng được kiến thức học tập vào công tác (vận dụng); có tư duy phân tích, phân công công việc (phân tích); tổng hợp và khái quát hóa các vấn đề thực tiễn đang đặt ra trong đổi mới (tổng hợp) để từ đó có các biện pháp, cách thức xử trí, giải quyết công việc và các mối quan hệ có hiệu quả (xử trí).
Sự khác biệt về năng lực của đội ngũ cán bộ quản lý không chỉ ở bậc thang tư duy (biết - hiểu - vận dụng - phân tích - tổng hợp - xử trí) mà còn ở sự phát triển toàn diện tư duy, am hiểu về các lĩnh vực: chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, quốc phòng, an ninh, công tác xây dựng Đảng, hệ thống chính trị của tỉnh. Theo đó, để thực hiện tốt vị trí, vai trò, chức năng, nhiệm vụ đòi hỏi cán bộ quản lý trường chính trị phải hội tụ tố chất, năng lực tư duy của (1) nhà giáo (phân tích, giảng giải, truyền thụ kiến thức); (2) nhà khoa học (phát hiện và giải quyết vấn đề); (3) nhà quản lý (điều khiển và sắp xếp); (4) nhà lãnh đạo (năng lực ảnh hưởng và truyền cảm hứng); (5) chuyên gia (tư vấn về cách thức lãnh đạo, quản lý). Đặc biệt, để chủ động tham mưu, phối hợp hoàn thiện thể chế về công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ đòi hỏi người cán bộ quản lý phải có tư duy “chiến lược về quản lý, quy hoạch, kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng cán bộ; đề xuất các giải pháp với Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân tỉnh trong việc xây dựng và nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng cán bộ cơ sở. Có khả năng quan hệ, phối hợp với các cơ quan Trung ương, các ban, ngành, đoàn thể các cấp và hệ thống đào tạo trong và ngoài tỉnh, tạo sự đồng bộ trong thực hiện chính sách phát triển giáo dục, đào tạo chung của tỉnh”3.
Thứ ba, về phương pháp, kỹ năng quản lý, điều hành: khắc phục bằng được thói quen làm theo lối mòn, xử lý tốt 3 mối quan hệ, trong đó đối với công việc: (1) nguyên tắc nhưng phải mềm dẻo, linh hoạt; (2) nhiệt tình cách mạng nhưng phải khoa học, trí tuệ; (3) toàn diện nhưng phải có trọng tâm, trọng điểm;(4) coi trọng quy trình, tiến độ nhưng nhưng phải đảm bảo về chất lượng; (5) giữ gìn, phát huy được giá trị truyền thống đồng thời thích ứng, tạo dựng những giá trị mới chưa có trong tiền lệ.Trong quan hệ, ứng xử với cán bộ, giảng viên, học viên và nhân dân đòi hỏi người cán bộ quản lý: (1) lắng nghe nhưng không theo đuôi; (2) dân chủ nhưng phải quyết đoán và chịu trách nhiệm cá nhân; (3) bao quát mọi người, mọi việc nhưng phải sâu sát, cụ thể đến từng người, từng việc; (4) công bằng nhưng không được cào bằng; (5) phát huy phải gắn liền với chăm lo. Đối với bản thân phải thực sự cầu thị: nỗ lực học tập, làm giàu trí tuệ; biết nắm bắt quy luật; làm chủ vận mệnh; chinh phục thời đại. Đặc biệt, nhằm thực hiện mục tiêu quản lý trong đổi mới và phát triển nhà trường đòi hỏi người cán bộ quản lý phải có: sức kiên trì; sức tập trung; sức chịu đựng; sức thích ứng; sức sáng tạo và đổi mới.
Tóm lại, để thực hiện tốt vị trí, vai trò định hướng, dẫn dắt sự nghiệp đổi mới và phát triển nhà trường, đòi hỏi đội ngũ cán bộ quản lý trường chính trị phải có quyết tâm chính trị cao; khát vọng cống hiến lớn; có tư duy và tầm nhìn chiến lược về đào tạo, bồi dưỡng cán bộ; có năng lực tạo ra sự thay đổi, năng lực thuyết phục, năng lực vượt khó, năng lực tập hợp, năng lực tổng kết thực tiễn và phương pháp lãnh đạo, quản lý, điều hành khoa học để hiện thực hóa khát vọng đổi mới và phát triển.
2. Thực hiện nghiêm túc, đồng bộ, có hiệu quả các khâu trong công tác cán bộ, đặc biệt phải gắn kết giữa khâu quy hoạch; đào tạo, bồi dưỡng và sử dụng cán bộ
Để phát triển đội ngũ cán bộ quản lý có đủ phẩm chất, năng lực, uy tín ngang tầm nhiệm vụ đòi hỏi phải thực hiện đồng bộ các khâu trong công tác cán bộ, từ khâu tuyển dụng, tiếp nhận đến đánh giá, luân chuyển, bổ nhiệm…đặc biệt phải có sự gắn kết giữa khâu quy hoạch; đào tạo, bồi dưỡng và sử dụng cán bộ.
Công tác quy hoạch có ý nghĩa và vai trò quan trọng. Thực chất đây là sự chủ động tạo nguồn cán bộ quản lý đủ về số lượng, đồng bộ, phù hợp về cơ cấu, đảm bảo chất lượng và sự chuyển tiếp liên tục giữa các thế hệ. Quy hoạch cán bộ làm căn cứ để xây dựng kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, bổ nhiệm, luân chuyển nhằm chuẩn hóa đội ngũ cán bộ, đáp ứng yêu cầu quản trị nhà trường và đổi mới, nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, nghiên cứu khoa học, tổng kết thực tiễn.
Theo đó, quy hoạch cán bộ quản lý trường chính trị phải bám sát các quy định của Đảng và Nhà nước và thực tiễn của nhà trường, trong đó chú trọng: (1) đánh giá đúng cán bộ trước khi đưa vào quy hoạch; (2) kịp thời phát hiện cán bộ trẻ có khát vọng cống hiến, có tư duy đổi mới để đưa vào quy hoạch; (3) quyết tâm đưa ra khỏi quy hoạch những nguồn không còn đủ tiêu chuẩn, điều kiện, không có triển vọng phát triển và uy tín thấp. Đồng thời, phải khắc phục bằng được: (1) quy hoạch khép kín (trong khoa, phòng, nhà trường); (2) quy hoạch tĩnh (không rà soát, bổ sung hàng năm; (3) không đồng bộ, phù hợp về cơ cấu (chuyên ngành đào tạo, giới tính, độ tuổi, vùng miền, dân tộc).
Trên cơ sở quy hoạch, cần quan tâm xây dựng kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng cán bộ theo giai đoạn và hàng năm. Trong đó, cần tập trung các hình thức đào tạo cơ bản: (1) đào tạo nâng cao ở trình độ nghiên cứu sinh (đối với cán bộ quản lý dưới 45 tuổi) với mục tiêu xây dựng đội ngũ chuyên gia theo các lĩnh vực, phù hợp với chuyên ngành đào tạo của nhà trường; (2) đào tạo qua thực tiễn nghiên cứu, giảng dạy (đối với cán bộ quản lý trên 45 tuổi phải chủ trì đề tài nghiên cứu khoa học cấp tỉnh, chủ trì nhiệm vụ tổng kết thực tiễn cấp tỉnh hoặc chủ biên ít nhất 01 đầu sách tham khảo, chuyên khảo); (3) đào tạo qua thực tiễn quản trị khoa, phòng và nhà trường, đặc biệt đối với các chức danh quy hoạch giám hiệu thực hiện luân chuyển về các phòng chức năng, quy hoạch ở chức danh càng cao càng phải bố trí, sắp xếp đảm trách công việc mới và khó (ví dụ như: quy hoạch giám hiệu phải có thời gian làm quản lý tại Phòng Nghiên cứu khoa học nay là Phòng Quản lý đào tạo và nghiên cứu khoa học); (4) chủ động đề xuất, phối hợp với cấp ủy, chính quyền địa phương đào tạo thông qua hình thức luân chuyển cán bộ quản lý nhà trường về đảm nhận các chức vụ lãnh đạo, quản lý ở cơ sở; (5) tự đào tạo, bồi dưỡng: tự thân mỗi cán bộ quản lý muốn phát triển tư duy, tầm nhìn, kinh nghiệm thực tiễn đòi hỏi phải chịu khó nghiên cứu, chịu khó trải nghiệm và chịu khó tổng kết.
Gắn kết với quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng là sử dụng cán bộ. Bố trí, sử dụng cán bộ quản lý khoa học, hợp lý sẽ phát huy được năng lực, sở trường, vai trò, trách nhiệm, tạo điều kiện để cán bộ quản lý cống hiến tài năng, hoàn thành tốt chức trách, nhiệm vụ được giao. Theo đó, (1) phải hiểu cán bộ; (2) khéo dùng cán bộ, “dùng người cũng như dùng gỗ. Người thợ khéo thì gỗ to, nhỏ, thẳng, cong đều tùy chỗ mà dùng được” “dùng cán bộ không đúng tài năng của họ, cũng là một cớ thất bại”4;(3) phải tin tưởng giao phụ trách công việc, yêu thương, đồng hành cùng cán bộ, giúp đỡ để họ ngày càng hoàn thiện hơn, tiến bộ hơn, cống hiến được nhiều hơn cho sự nghiệp đào tạo, bồi dưỡng cán bộ.
3. Xây dựng môi trường tạo động lực nhằm chăm lo, phát huy, phát triển đội ngũ cán bộ quản lý
Phát triển đội ngũ cán bộ quản lý trường chính trị phải đảm bảo tính định hướng, tính khoa học và dân chủ, theo đó cần tập trung rà soát, bổ sung, hoàn thiện các quy chế, quy định, quy trình về công tác cán bộ như: quy chế làm việc; quy chế dân chủ; quy chế phối hợp giữa cấp ủy, lãnh đạo chuyên môn và đoàn thể; quy chế đánh giá, phân loại cán bộ, viên chức; quy chế bổ nhiệm; quy chế thi đua, khen thưởng…
Đồng thời với việc quản lý, sử dụng có hiệu quả cơ sở vật chất đã được đầu tư, xây dựng cảnh quan, môi trường làm việc theo hướng sạch hơn, xanh hơn, đẹp hơn, nhà trường chủ động đề xuất đầu tư xây dựng cơ sở vật chất theo hướng hiện đại và chuyên nghiệp. Quan tâm chăm lo thực hiện đúng, đủ, kịp thời các chế độ, chính sách cùng với việc khuyến khích đổi mới, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin vào công tác quản trị Nhà trường, sáng tạo cải tiến quy trình quản lý… tạo động lực nâng cao chất lượng quản lý điều hành để đáp ứng yêu cầu công việc nhiều hơn, đòi hỏi tiến độ nhanh hơn, chất lượng cao hơn, trong điều kiện tổ chức bộ máy tinh gọn và biên chế ít hơn.
Tiếp tục phát huy vai trò tiền phong gương mẫu của đội ngũ cán bộ quản lý trong thực hiện 5 giá trị chuẩn mực học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh: kiên định, kỷ cương, đoàn kết, nêu gương, sáng tạo gắn với việc xây dựng văn hóa trường đảng theo quy định của Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh. Trong đó, tập trung xây dựng hình ảnh người cán bộ quản lý “kiên định mục tiêu, quyết liệt trong chỉ đạo, sáng tạo trong điều hành, hài lòng trong xử trí”. Qua đó, tạo sức ảnh hưởng và động lực tích cực cho cán bộ, giảng viên, học viên thi đua “Nghiên cứu tốt, tham mưu tốt, quản trị tốt, dạy - học tốt, tư vấn tốt, xây dựng nhà trường kiểu mẫu” và thực hiện có hiệu quả 5 chương trình vì học viên: (1) phát triển tư duy, tầm nhìn; (2) phát triển kỹ năng lãnh đạo quản lý; (3) phát triển văn hóa đọc; (4) xây dựng hình ảnh của học viên; (5) xây dựng môi trường giáo dục kỳ cương, thân thiện, giàu tính Đảng nhằm hiện thực hóa 5 mục tiêu trong sự nghiệp đổi mới và phát triển nhà trường: (1) hiệu quả phục vụ,(2) thành công của học viên, (3) nâng cao chất lượng đội ngũ, (4) nâng cao vị thế Nhà trường, (5) tín nhiệm của xã hội.
III. MỘT SỐ KIẾN NGHỊ, ĐỀ XUẤT
1.Đối với Trung ương
- Sớm nghiên cứu, ban hành quy định về tiêu chí, tiêu chuẩn cán bộ quản lý gắn với quy định về trường chính trị chuẩn.
- Quan tâm đào tạo, bồi dưỡng các chức danh lãnh đạo, quản lý cho đội ngũ cán bộ lanh đạo, quản lý các trường chính trị.
- Tăng cường sự kết nối, liên thông tạo điều kiện cho cán bộ quản lý các trường chính trị tham gia tham gia các chương trình, đề án, đề tài khoa học cấp bộ do Học viện đảm nhiệm.
2. Đối với Tỉnh ủy
- Quan tâm tạo điều kiện để cán bộ, giảng viên trường chính trị được thâm nhập thực tiễn, nhất là thực tiễn lãnh đạo, quản lý.
- Quan tâm có chủ trương chuyên đề về tăng cường sự lãnh đạo của các ủy Đảng đối với công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ trên địa bàn tỉnh.
- Quan tâm đầu tư nâng cấp cơ sở vật chất đồng bộ theo hướng chuyên nghiệp và hiện đại đáp ứng yêu cầu xây dựng trường chính trị chuẩn kiểu mẫu của tỉnh ở khu vực và trong cả nước./.
 
Chú thích:  
1. Nghị quyết số 04-NQ/TU ngày 12-3-2012 của BCH Đảng bộ tỉnh Thanh Hóa.
2. Nghị quyết số 26-NQ/TW ngày 19-5-2018 Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương lần thư 7 Khóa XII về Tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược, đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ.
3. Quy định về tiêu chuẩn chức danh cán bộ lãnh đạo, quản lý thuộc diện BTV Tỉnh ủy Thanh Hóa quản lý theo Quyết định số 3132/QĐ-TU ngày 02/8/2019 của BTV Tỉnh ủy Thanh Hóa.
4. Hồ Chí Minh toàn tập (2011), Nxb CTQG – ST, t.5, tr.88, 283.
 
 
Số lượt truy cập
Hôm nay:
2418
Hôm qua:
2605
Tuần này:
11236
Tháng này:
61393
Tất cả:
4.359.930