HƯỞNG ỨNG NGÀY SÁCH VÀ VĂN HOÁ ĐỌC VIỆT NAM (21/4/2021 - 21/4/2024)

Phát triển văn hóa đọc cho học viên Trường Chính trị tỉnh Thanh Hóa dưới góc nhìn của học viên

Đăng lúc: 15:13:22 17/04/2018 (GMT+7)1646 lượt xem

Lê Doãn Trình
Học viên lớp A9 K45 TCLLCT-HC
 
      “Tất cả những điều tôt đẹp nhất, quý báu nhất, thông minh nhất và kỳ diệu nhất đều chứa đựng trong sách” (Ph.Giétcốp). Để “sách là ngọn đèn bất diệt của trí tuệ con người” không nằm im trong tủ, ngủ quên trong thư viện thì phát triển văn hóa đọc là một vấn đề mang ý nghĩa chiến lược của mỗi quốc gia trong việc nâng cao dân trí, một nhiệm vụ quan trọng để xây dựng một xã hội học tập hướng tới phát triển bền vững nguồn nhân lực của đất nước.
        Nhận thức được ý nghĩa và tầm quan trọng của văn hóa đọc, ở Trường Chính trị tỉnh Thanh Hóa việc đọc sách luôn được quan tâm, chú trọng, phát triển sâu rộng và được nâng tầm lên thành chương trình vì học viên – Chương trình “Phát triển văn hóa đọc”. Phát triển văn hóa đọc sẽ là yếu tố thúc đẩy quá trình học tập, rèn luyện và nghiên cứu của học viên, góp phần hiện thực hóa 05 định hướng đổi mới của Nhà trường: Chuyển nhận thức từ người thầy là trung tâm sang người thầy và học viên là trung tâm; chuyển từ dạy - học kiến thức là chủ yếu sang dạy - học phát triển phẩm chất và năng lực; chuyển căn bản từ phương pháp dạy - học thụ động - độc thoại - lý thuyết sang phương pháp chủ động - trao đổi - xử lý tình huống; chuyển từ đánh giá điểm số sang đánh giá quá trình; chuyển từ quản lý hành chính sang quản lý phục vụ và kiến tạo.
Nhưng thực tiễn cho thấy, đối với học viên đang học tại trường, việc đọc sách vẫn chưa được thực hiện thường xuyên, quá trình học tập, rèn luyện chưa gắn liền với việc đọc sách, ngại đọc sách; đặc biệt là rất ngại đọc sách dày, sách kinh điển, sách lý luận. Đa số học viên chỉ đọc và học khi các môn thi, kỳ thi tới gần, đọc để đối phó, đọc để làm tài liệu ôn thi hoặc học viên chỉ đọc khi giảng viên yêu cầu làm bài tập, bài thuyết trình, tiểu luận, khóa luận. Điều đó có nghĩa là chỉ khi bị bắt buộc thì học viên mới có ý thức đọc và việc đọc chỉ mang tính “mì ăn liền” tức thời, khiến tính chủ động trong học tập, rèn luyện và nghiên cứu của học viên chưa cao. Thói quen này khiến học viên bị hổng nhiều kiến thức, thụ động trong việc đọc sách làm mất đi sự sáng tạo và chủ động, không có tinh thần đổi mới, khả năng lý luận, xử lý tình huống kém và không sâu sát, hiệu quả giải quyết công việc không cao dẫn đến tốn kém, lãng phí...
       Do đó, để văn hóa đọc trong Trường Chính trị tỉnh phát triển, góp phần vào thực hiện mục tiêu đổi mới, đồng bộ và toàn diện chất lượng đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ, năng lực cho học viên là cán bộ, công chức ở cơ sở, cần thực hiện một số giải pháp sau:
      Một là, Nhà trường cần xây dựng “Chương trình phát triển văn hóa đọc” thành một chương trình hành động riêng với mục tiêu và giải pháp cụ thể để từ đó phong trào đọc sách phát triển đồng bộ, toàn diện, có hệ thống. Văn hóa đọc ở Trường Chính trị cần trở thành một phong trào thực sự sâu rộng, có chất lượng để việc đọc trở thành nhu cầu, thói quen, nề nếp trong sinh hoạt hằng ngày không thể thiếu được của học viên.         Hai là, huy động nguồn lực từ học viên và cộng đồng để tạo ra nguồn sách đa dạng, phong phú; phải đưa sách đến gần học viên hơn (tận dụng các không gian để sách hiện diện một cách sinh động, kích thích, cuốn hút); xây dựng mô hình thư viện di động - mở thông qua xây dựng tủ sách, giá sách ngay tại lớp học, phòng ký túc xá để có thể chia sẻ, luân chuyển sách giữa các tủ sách trong quá trình sử dụng.
       Ba là, đội ngũ giảng viên Nhà trường phải luôn là người đi đầu trong việc tham gia phong trào đọc sách phục vụ cho giảng dạy và nghiên cứu khoa học, là tấm gương cho học viên noi theo. Khi giảng dạy, giảng viên phải khuyến khích, yêu cầu học viên tích cực tự tìm hiểu giáo trình, tài liệu tham khảo; định hướng cho học viên chọn đề tài, nguồn tài liệu có chất lượng, chính thống và có tính hệ thống liên tục trong quá trình tìm kiếm tài liệu học tập; hướng dẫn kỹ năng đọc cho học viên sao cho đọc có hiệu quả để lĩnh hội, tiếp nhận, tìm hiểu được nội dung, biết vận vận dụng sáng tạo và phát triển nội dung đã đọc thành cái của mình.
      Bốn là, thủ thư phải thực sự là “cầu nối”, hiểu độc giả và rõ về sách để kết nối người đọc với sách. Thư viện Nhà trường cần đẩy mạnh các hoạt động như triển lãm, giới thiệu sách báo; tổ chức các hội thi, hội thảo về sách; phối hợp với nhà xuất bản, tác giả để giao lưu, giảm giá, tặng sách cho học viên… Đồng thời, xây dựng mô hình thư viện thông minh, luôn quan tâm đến khâu làm mới thư viện để thu hút bạn đọc.
      Năm là, ngoài việc phân công cho Phòng Nghiên cứu Khoa học - Thông tin - Tư liệu phụ trách “Chương trình phát triển văn hóa đọc”, Nhà trường cần phân công giảng viên đồng phụ trách để Chương trình này đi vào hoạt động một cách sâu rộng, thống nhất, thường xuyên, liên tục và sáng tạo hơn.
      Sáu là, muốn nâng tầm việc đọc sách thành “văn hóa đọc”, phải nâng cao nhận thức của học viên để thay đổi hành vi, thái độ, cách ứng xử chuẩn mực đối với tri thức sách vở hướng tới việc đọc sách mỗi ngày; hình thành các tổ, nhóm, câu lạc bộ đọc sách; giới thiệu, trao đổi, tặng sách cho nhau; phát động đọc sách theo các chủ đề hàng tháng phù hợp kế hoạch đào tạo của Nhà trường.
      Tóm lại, phát triển văn hóa đọc sẽ là một trong những động lực thúc đẩy sự hình thành nên con người mới, những công dân có hiểu biết, đội ngũ cán bộ, công chức có năng lực, trí tuệ, tận tuỵ, ngang tầm, đáp ứng nhiệm vụ, phù hợp với yêu cầu cấp bách của cải cách hành chính để có thể thích ứng được với sự phát triển của xã hội hiện đại, là nhân tố quyết định trong việc thực hiện một nền hành chính hiệu lực hiệu quả,“kiến tạo, hành động./.

 
Số lượt truy cập
Hôm nay:
259
Hôm qua:
2418
Tuần này:
4606
Tháng này:
36252
Tất cả:
4.401.132