NHIỆT LIỆT CHÀO MỪNG 49 NĂM NGÀY GIẢI PHÓNG MIỀN NAM, THỐNG NHẤT ĐẤT NƯỚC (30/4/1975 - 30/4/2024)

Rèn luyện đức “Chính” cho đội ngũ cán bộ theo tư tưởng Hồ Chí Minh

Đăng lúc: 15:29:38 31/05/2017 (GMT+7)1452 lượt xem

  Dương Bá Tiến
GV. Khoa LL Mác - Lênin, TT Hồ Chí Minh
 
          Trong cuộc đời hoạt động cách mạng của mình, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn coi trọng vấn đề xây dựng đạo đức cho đội ngũ cán bộ, coi đạo đức là gốc, là nền tảng của người cách mạng. Bàn về những phẩm chất đạo đức mới, Người nhấn mạnh: các đức tính cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư. Trong đó, yêu cầu người cán bộ phải chú trọng rèn luyện đức “Chính”, vì có như thế họ mới trở thành những “người thiện”, mới là những người cán bộ “hoàn hảo”, mới có thể làm những việc “thẳng thắn, đứng đắn”, mới có thể giữ được tố chất của người cán bộ vì nước, vì dân. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đi xa, nhưng tư tưởng, đạo đức của Người vẫn hướng chúng ta đến với chân, thiện, mỹ. Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức của Người, có ý nghĩa quan trọng đối với đội ngũ cán bộ, giúp họ tu dưỡng và rèn luyện để trở thành những người cán bộ vừa “hồng”, vừa “chuyên”, xứng đáng là người đày tớ trung thành của nhân dân.
1. Nội dung đức “Chính” trong tư tưởng đạo đức Hồ Chí Minh
Cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư là những chuẩn mực đạo đức quan trọng trong tư tưởng đạo đức Hồ Chí Minh, những phẩm chất đó không thể thiếu đối với người cán bộ, trong đó “Chính” là một bộ phận hợp thành để người cán bộ trở nên hoàn hảo, “như một cây cần có gốc rễ, lại cần có cành, lá, hoa, quả mới hoàn toàn. Một người phải cần, kiệm, liêm nhưng còn phải chính mới hoàn thiện”(1).
Trong tư tưởng Hồ Chí Minh, “Chính có nghĩa là không tà, nghĩa là thẳng thắn, đúng đắn”(2), đức “Chính” của người cán bộ thể hiện trên rất nhiều mặt, nhưng chủ yếu thể hiện trên ba mặt:
Một là, đối với mình: phải không được tự kiêu, tự đại, nếu không sẽ thoái bộ, vì “mình hay, còn nhiều người hay hơn mình. Mình giỏi, còn nhiều người giỏi hơn mình”(3);  phải luôn cầu tiến bộ, và cố gắng tiến bộ mãi; luôn tự kiểm điểm, tự phê bình những lời mình đã nói, những việc mình đã làm, để phát triển điều hay, sửa đổi khuyết điểm của mình. Đồng thời phải hoan ngênh người khác phê bình mình. Đặc biệt phải luôn ghi nhớ: “Tự mình phải chính trước, mới giúp được người khác chính. Mình không chính, mà muốn người khác chính là vô lý”(4). Trong các bài nói chuyện với nhân dân, bộ đội, thanh niên, công an hay các đảng viên, Chủ tịch Hồ Chí Minh đều nhấn mạnh phải rèn luyện các đức cần, kiệm, liêm, chính. Trong tác phẩm “Sửa đổi lối làm việc”, Người từng yêu cầu:“Mỗi đảng viên, trước hết là mỗi cán bộ, phải thật thà tự phê bình, tự sửa chữa những khuyết điểm của mình. Đặt lợi ích của Đảng, của dân tộc lên trên hết. Kiên quyết chống bệnh tự mãn tự túc, tự tư tự lợi, kiêu ngạo, ba hoa. Phải thực hành khẩu hiệu: “Chí công vô tư, cần, kiệm, liêm, chính!”(5).
Hai là, đối với người: phải yêu quý, kính trọng, giúp đỡ mọi người. Không nịnh hót người trên, xem khinh người dưới. Khi đối xử với mọi người phải có thái độ chân thành, khiêm tốn, thật thà, đoàn kết, biết học người và giúp người cùng tiến bộ. Chủ tịch Hồ Chí Minh đặc biệt nhấn mạnh “Phải thực hành chữ Bác - Ái”(6) trong quan hệ với mọi người, vì đó không chỉ là một cá nhân nào trong xã hội, đó là gia đình, anh em, họ hàng, bầu bạn; và rộng hơn nữa chính là đồng bào cả nước, là cả loài người. Nên chúng ta phải yêu thương nhau và thực hành bác ái.
Ba là, đối với việc: phải để công việc nước lên trên, trước việc tư, việc nhà;  phải có sáng kiến và kế hoạch trong mọi việc. Khi phụ trách việc gì thì quyết làm cho kỳ được, không sợ khó nhọc, nguy hiểm; lúc làm thì  phải cẩn thận, quyết làm và làm cho thành công. Người chính là người thấy “việc thiện dù nhỏ mấy cũng làm. Việc ác dù nhỏ mấy cũng tránh. Việc gì dù lợi cho mình, phải xét nó có lợi cho nước không? Nếu không có lợi mà có hại cho nước thì quyết không làm”(7). Trong bài viết đăng trên báo Cứu Quốc ngày 2/6/1949, Chủ tịch Hồ Chí Minh từng chỉ rõ:
Trong xã hội, tuy có trăm công, nghìn việc. Song những công việc ấy có thể chia làm hai thứ: việc CHÍNH và việc TÀ.
Làm việc CHÍNH, là người THIỆN.
Làm việc TÀ, là người ÁC.
Siêng năng (cần), tằn tiện (kiệm), trong sạch (liêm), CHÍNH là THIỆN.(8)
Khi nói về tư cách của người cán bộ, đảng viên, Chủ tịch Hồ Chí Minh cho rằng: “Các cơ quan của Chính phủ từ toàn quốc cho đến các làng đều là công bộc của dân, nghĩa là để gánh việc chung cho dân, chứ không phải để đè đầu dân như trong thời kỳ dưới quyền thống trị của Pháp, Nhật.
Việc gì có lợi cho dân ta hết sức làm,
Việc gì có hại cho dân ta hết sức tránh,
Chúng ta phải yêu dân, kính dân thì dân mới yêu ta, kính ta”(9)
Bản thân Chủ tịch Hồ Chí Minh đã không ngừng tu dưỡng và nêu gương thực hành đức “Chính”. Khi nhận được quà biếu của đồng bào, Người đều gửi tặng lại các cán bộ ở gần hoặc gửi tặng thương binh. Mỗi khi đến Trung thu hay khai giảng năm học mới, Người đều có thư và quà gửi các cháu thiếu niên, nhi đồng. Nhận được điện thoại của người quen gọi đến, Người đều hỏi thăm sức khoẻ rồi mới bàn công việc. Người luôn căn dăn “tự mình phải chính trước mới giúp được người khác chính” và gương mẫu thực hiện... Đây là những bài học rất sinh động về đức “Chính” của Người để đội ngũ cán bộ, đảng viên học tập và noi theo.
2. Rèn luyện đức “Chính” cho đội ngũ cán bộ theo tư tưởng Hồ Chí Minh hiện nay
Có thể thấy, thực hiện tốt đức “Chính” sẽ đem lại niềm tin, tạo nên sự công bằng trong quan hệ giữa người với người; xây dựng mối quan hệ tốt đẹp giữa cán bộ và nhân dân. Đặc biệt là đội ngũ cán bộ cấp cơ sở,những người làm việc trực tiếp với nhân dân, thu hút và đoàn kết các lực lượng quần chúng, gây dựng niềm tin của dân với Đảng. Hiện nay, toàn Đảng, toàn dân đang tiếp tục học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, thực tế cho thấy, việc tuyên truyền về đạo đức và tư tưởng đạo đức của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã được thực hiện khá rộng rãi, nhưng việc làm theo để rèn luyện đạo đức còn nhiều hạn chế. Trong phạm vi đức “Chính”, bên cạnh những cán bộ, đảng viên chân chính, mẫu mực, vẫn còn một số cán bộ chưa “Chính” trên các góc độ khác nhau, còn có biểu hiện “bất chính” trong lời nói và việc làm, “nói không đi đôi với làm; hứa nhiều làm ít; nói một đằng, làm một nẻo”(10); tự cao, tự đại, ra mặt “quan cách mạng” với nhân dân; xu nịnh cấp trên, xem thường cấp dưới; thờ ơ, thiếu trách nhiệm trong công việc.... Để khắc phục vấn đề này, theo tôi cần nêu cao yêu cầu rèn luyện, tu dưỡng đức “Chính” cho đội ngũ cán bộ, cụ thể:
Thứ nhất, đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh theo Chỉ thị 05 của Bộ Chính trị cho toàn bộ cán bộ đảng viên. Nêu cao tinh thần trách nhiệm, gương mẫu của đội ngũ cán bộ, đảng viên trong việc chấp hành nghiêm các Nghị quyết của Đảng, pháp luật của Nhà nước. Qua đó, góp phần chống lại tệ nạn quan liêu, lãng phí, tham nhũng, lợi dụng chức quyền, đề cao chủ nghĩa cá nhân, giữ gìn phẩm chất người cán bộ, đảng viên.
Thứ hai,yêu cầu mỗi người cán bộ phải có phương hướng, biện pháp để tu dưỡng, rèn luyện, giữ gìn và nâng cao uy tín của mình; có thái độ nghiêm khắc với bản thân, đề cao tính tự chủ, tự kiềm chế, tự điều chỉnh, tự phê bình và phê bình, kết hợp lắng nghe ý kiến nhân dân để kịp thời khắc phục, sửa chữa, để chỉnh đốn kịp thời. Góp phần thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII và thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XII của Đảng.
Thứ ba, cần cụ thể hóa việc xây dựng và thực hiện nghiêm túc các quy định, quy chế làm việc, xác định rõ thẩm quyền, trách nhiệm của người đứng đầu, nêu cao tính tự giác, gương mẫu trong tu dưỡng, rèn luyện đạo đức. Đồng thời phải biểu dương, nhân rộng những điển hình tiên tiến, những tấm gương người tốt, việc tốt, những kinh nghiệm sáng tạo trong công việc theo tấm gương tư tưởng của Bác.
Thứ tư,yêu cầu mỗi cán bộ phải đăng ký trước tập thể về nội dung rèn luyện đức “Chính” trên cả ba phương diện: đối với mình, đối với người và đối với công việc. Đồng thời, phải có kế hoạch tu dưỡng, rèn luyện theo cương vị công tác của mình và báo cáo với chi bộ, cấp ủy nơi công tác để được góp ý, giúp đỡ, giám sát, tạo điều kiện thực hiện tốt nội dung rèn luyện của bản thân đã đăng ký. Dựa vào quần chúng nhân dân để giám sát cán bộ, thực hiện nghiêm túc cơ chế kiểm tra, giám sát của tổ chức đảng, giám sát và phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội và của nhân dân về đạo đức của cán bộ, đảng viên.  
Tóm lại, “Chính” là một trong bốn đức tính không thể thiếu của mỗi con người, đặc biệt là đối với cán bộ, đảng viên. Như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng khẳng định:
Trời có bốn mùa: xuân, hạ, thu, đông
Đất có bốn phương: đông, tây, nam, bắc
Người có bốn đức: cần, kiệm, liêm, chính
Thiếu một mùa, thì không thành trời
Thiếu một phương, thì không thành đất
Thiếu một đức, thì không thành người
Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đi xa, nhưng tư tưởng và tấm gương đạo đức của Người mãi mãi là nguồn sáng bất tận soi rọi vào mỗi tâm hồn con người Việt Nam, hướng cho mọi người đến với chân, thiện, mỹ của cuộc sống. Học tập và làm theo tư tưởng đạo đức của Bác có ý nghĩa vô cùng quan trọng đối với sự nghiệp cách mạng ở nước ta hiện nay, khi toàn Đảng và toàn dân ta đang triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội XII của Đảng, Nghị quyết Trung ương 4, khóa XII về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ Đảng và trong nhân dân.


 
 
Tài liệu tham khảo
(1),(2),(3),(4),(5),(6),(7),(8) Hồ Chí Minh - Toàn tập, Tập 5, Nxb CTQG, H. 2000, tr. 631-645
(9) Hồ Chí Minh - Toàn tập, Tập 4, Nxb CTQG, H. 2000, tr. 36
(10) Nghị quyết số 04-NQ/TW ngày 30/10/2016 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam khoá XII Về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" trong nội bộ.
Số lượt truy cập
Hôm nay:
1575
Hôm qua:
2395
Tuần này:
11753
Tháng này:
58127
Tất cả:
4.423.007