HƯỞNG ỨNG NGÀY SÁCH VÀ VĂN HOÁ ĐỌC VIỆT NAM (21/4/2021 - 21/4/2024)

Rèn luyện năng lực tư duy cho cán bộ, giảng viên Trường Chính trị tỉnh Thanh Hóa theo phong cách Hồ Chí Minh

Đăng lúc: 07:08:48 21/11/2018 (GMT+7)2113 lượt xem

ThS. Đỗ Phương Anh
Phó trưởng Phòng NCKH-TT-TL

1. Những giá trị cốt lõi trong phong cách tư duy của Hồ Chí Minh
Chỉ thị 05-CT/TW ngày 15-5-2016 của Bộ Chính trị khóa XII đã nêu ra nội dung chủ yếu về tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, trong đó chỉ rõ đặc điểm phong cách tư duy của Hồ Chí Minh đó là: phong cách tư duy độc lập, tự chủ, sáng tạo, luôn gắn chặt lý luận với thực tiễn[1]...Những giá trị cốt lõi trong phong cách tư duy Hồ Chí Minh được thể hiện trên một số đặc trưng sau:
(1) Tư duy độc lập, tự chủ, sáng tạo: Có nghĩa là Hồ Chí Minh không bị lệ thuộc, phụ thuộc vào một luồng ý kiến nào, không bắt chước, “theo đuôi” ai, kể cả “theo đuôi quần chúng”. Trên cơ sở tiếp thu nhiều luồng tư tưởng tiến bộ của Việt Nam và thế giới, trong từng thời kỳ, Người đúc kết, tổng hòa thành cái riêng mà không sao chép, giáo điều, máy móc. 
(2) Tư duy thống nhất giữa lý luận và thực tiễn.Hồ Chí Minh luôn lấy thực tiễn là cơ sở, điểm xuất phát của quá trình nhận thức chân lý. Người vận dụng nhuần nhuyễn, sáng tạo quan điểm thực tiễn của triết học Mác - Lênin, coi đây là nguyên tắc thực tiễn trong suy nghĩ và hành động. Xuất phát từ yêu cầu của thực tiễn cách mạng Việt Nam, Người đưa ra những luận điểm đúng đắn nhằm giải quyết những vấn đề đặt ra đó là giải phóng dân tộc gắn liền với xây dựng chủ nghĩa xã hội.
(3) Tư duy mềm dẻo và linh hoạt: Đặc trưng này không những thể hiện tính khoa học mà được coi như một nghệ thuật lãnh đạo của Người với những chủ trương, sách lược mềm dẻo nhưng vẫn kiên định lập trường. Trong mọi hoàn cảnh phải luôn kiên định nguyên tắc nhưng linh hoạt lựa chọn các biện pháp để thực hiện. Tư duy mềm dẻo và linh hoạt của Hồ Chí Minh được thể hiện cô đọng trong quan điểm “dĩ bất biến ứng vạn biến”, lấy cái không thay đổi mà ứng phó với cái luôn thay đổi. Cái bất biến là mục đích, mang tính nguyên tắc, quy luật tất yếu; cái vạn biến là cách ứng xử linh hoạt, chủ động, tích cực, phù hợp với tình hình cụ thể. Ứng phó với cái vạn biến nhưng không xa rời, từ bỏ, đánh mất cái bất biến. Đó là cái nhìn có tính chất vĩ mô đối với cách mạng nước ta đến nay vẫn còn nguyên giá trị.
(4) Tư duy mở và có tính dự báo. Tư duy của Hồ Chí Minh không chấp nhận với những gì có tính khuôn mẫu, áp đặt và những gì sẵn có. Đó là phong cách tư duy không ngừng vận động cùng với sự vận động và phát triển của thực tiễn, không coi bất cứ nguyên lý, mệnh đề lý luận nào là đã hoàn tất, là chân lý cuối cùng, là bất khả xâm phạm. Người luôn hướng tư duy của mình ra bên ngoài để học hỏi, tiếp thu những tinh hoa văn hóa - tư tưởng của nhân loại để làm giàu tri thức và phát triển tư duy của mình. Quá trình tư duy của Người là quá trình suy ngẫm, so sánh, lọc bỏ, lựa chọn, phân biệt đúng sai, tiến bộ hay lạc hậu. Tư duy mở của Hồ Chí Minh chính là sự kế thừa và phát triển các học thuyết đã có thành quan điểm của riêng mình. Vì vậy, trong tư duy của Người luôn có tính dự báo về sự vận động biến đổi của các sự vật, hiện tượng, các quá trình trong thực tế. Năng lực dự báo của Người là nhờ nắm vững và vận dụng sáng tạo lý luận và ph­ương pháp duy vật biện chứng của chủ nghĩa Mác - Lênin; là kết quả của quá trình tích lũy thông tin, phân tích sự kiện trong nư­ớc và thế giới; tổng kết  lịch sử và hiện thực; rút ra quy luật vận động, vận dụng để phán đoán những diễn biến mới, xu hướng phát triển mới của tình hình.
2. Yêu cầu về rèn luyện tư duy của giảng viên Trường Chính trị tỉnh Thanh Hóa
Hướng tới xây dựng Trường Chính trị tỉnh Thanh Hóa đạt chuẩn, mẫu mực toàn diện trong hệ thống các trường chính trị cả nước, đòi hỏi Nhà trường phải giải quyết tốt 5 mối quan hệ (MQH) đặt ra trong giai đoạn hiện nay đó là: (1) MQH giữa đổi mới và phát triển. (2) MQH giữa đào tạo, quy hoạch và sử dụng cán bộ. (3) MQH giữa quy mô và chất lượng đào tạo bồi dưỡng. (4) MQH giữa đào tạo, bồi dưỡng và nghiên cứu khoa học, tổng kết thực tiễn; (5) MQH giữ tinh giản biên chế với khối lượng công việc ngày càng lớn, chất lượng đòi hỏi cao hơn, tiến độ kịp thời hơn. Đồng thời, tiếp tục hoàn thiện và giữ vững mô hình “5 nhất, 4 trụ cột, 5 định hướng đổi mới” củaNhà trường, hướng tới thực hiện thành công mục tiêu: “Xây dựng Trường Chính trị tỉnh Thanh Hóa trở thành trung tâm chất lượng cao (đạt chuẩn mức độ cao) về đào tạo, bồi dưỡng cán bộ lãnh đạo, quản lý và nghiên cứu khoa học, tổng kết thực tiễn, góp phần nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, xây dựng Thanh Hóa trở thành tỉnh khá của cả nước vào năm 2020, tỉnh công nghiệp theo hướng hiện đại vào năm 2030”. Đòi hỏi cán bộ, giảng viên không ngừng học tập, nâng cao trình độ chuyên môn, kỹ năng nghề nghiệp; đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức và phong cách Hồ Chí Minh, trong đó cần chú trọng rèn luyện theo phong cách tư duy Hồ Chí Minh. Cụ thể:
Thứ nhất, rèn luyện tư duy độc lập, tự chủ, sáng tạo
Mỗi giảng viên cần rèn luyện tư duy độc lập, tự chủ, sáng tạo. Cần nhận thức sâu sắc rằng chúng ta đang sống trong thời đại có nhiều biến động khó lường trên tất cả các mặt kinh tế, chính trị, xã hội cho đến khoa học, kỹ thuật và công nghệ. Sự phát triển như vũ bão của cuộc cách mạng khoa học công nghệ 4.0… sự đa chiều thậm chí trái chiều của các kênh thông tin đòi hỏi giảng viên phải có tư duy độc lập, tự chủ, để bảo vệ tính đúng đắn trong các quan điểm, đường lối chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước đồng thời nhận thấy những điểm hạn chế, bất cập, lỗi thời trong các chính sách để có kiến nghị sửa đổi, bổ sung hợp lý.
Rèn luyện tư duy sáng tạo, thể hiện ở khả năng đúc rút kinh nghiệm, thu nhận, phản ánh, xử lý thông tin, để từ đó lựa chọn và khái quát tri thức lý luận phục vụ cho việc diễn giải, lập luận chứng minh làm rõ lý luận, đó là việc nêu lên các tình huống có vấn đề để kích thích tư duy cho người học - đây là phương pháp được sử dụng mang tính phổ biến trong quá trình dạy học hiện nay. Người giảng viên không chỉ dựa trên nhận thức cảm tính khi phân tích xử lý thông tin, mà đó là quá trình nhận thức lý tính, nhận thức bản chất sự vật, hiện tượng. Muốn vậy, người giảng viên cần phải có quá trình tích lũy kinh nghiệm bằng sự khổ công học tập, “dùi mài kinh sử”, tìm tòi tích lũy tri thức nhiều năm, thậm chí suốt cả thời gian dài. Mặt khác, mỗi giảng viên còn phải có linh cảm, trực giác, để sáng tạo, phát hiện vấn đề mới và giải quyết một cách triệt để thì mới nâng cao trình độ tri thức và nghiệp vụ sư phạm để thu hút người học trong quá trình dạy học.
Thứ hai, rèn luyện tư duy gắn lý luận với thực tiễn
Điểm xuất phát cho học tập và làm theo phong cách tư duy Hồ Chí Minh hiện nay cần đặt trong bối cảnh chung sự nghiệp đổi mới đất nước, thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm mà Đại hội Đảng bộ tỉnh Thanh Hóa lần thứ XVIII đã đặt ra, đồng thời gắn với yêu cầu đổi mới của Nhà trường. Đòi hỏi mỗi giảng viên phải thấm nhuần quan điểm, đường lối, chủ trương của các cấp ủy Đảng, chủ trương đổi mới của Đảng ủy, Ban Giám hiệu Nhà trường để chuyển hóa thành chương trình, nội dung, kế hoạch, phương pháp giảng dạy, nghiên cứu của mình. Trên cơ sở những vấn đề có tính định hướng chung ấy, mỗi giảng viên nghiên cứu, giảng dạy lý luận chính trị tiếp tục cụ thể hóa hơn, sát hợp hơn với bài học, môn học và đối tượng người học.
Thứ ba, rèn luyện tư duy biện chứng.
Việc học tập và làm theo phong cách tư duy Hồ Chí Minh của các giảng viên hiện nay cũng phải bắt đầu từ phương pháp kế thừa tri thức nhân loại phù hợp với định hướng mục tiêu, yêu cầu của môn học, phần học. Để rèn luyện tư duy biện chứng, trước hết mỗi giảng viên phải giữ vững bản lĩnh chính trị, sự trung thành với chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, quan điểm của Đảng, thành tựu khoa học ở các lĩnh vực làm giàu tri thức.
Trong giảng dạy lý luận, người giảng viên cần hết sức tránh tư tưởng giáo điều. Có nghĩa là cần tránh hai khuynh hướng: Một là, đơn giản hóa vấn đề, cắt xén lý luận theo chủ quan của mình. Hai là, tiếp thu lý luận theo kiểu “tầm chương trích cú” hay “chủ nghĩa kinh viện” một cách máy móc, siêu hình. Khi đọc một cuốn sách, nghiên cứu một tình huống thực tiễn, tiếp thu một học thuyết mới… giảng viên phải biết khái quát hóa, rút ra được cái gì là cốt lõi và bản chất nhất. Vì tri thức của nhân loại rất phong phú và đa dạng, mỗi người phải biết tiếp thu có chọn lọc, biết đi sâu tìm hiểu, liên hệ, vận dụng đảm bảo phù hợp với mục tiêu, yêu cầu bài giảng.
3. Giải pháp nâng cao năng lực tư duy cho giảng viên Trường Chính trị tỉnh Thanh Hóa trong giai đoạn hiện nay
3.1. Tổ chức tốt việc học tập và rèn luyện phong cách tư duy Hồ Chí Minh cho cán bộ, giảng viên
Tổ chức tốt việc học tập và rèn luyện theo phong cách tư duy Hồ Chí Minh sẽ làm cho các đặc trưng trong phong cách tư duy Hồ Chí Minh được chuyển hóa, xác lập và phát triển ở mỗi cán bộ, giảng viên. Chất lượng, hiệu quả của việc tổ chức học tập và rèn luyện sẽ quyết định mức độ phát triển năng lực tư duy của mỗi giảng viên. Do đó, cần phải làm cho mọi cán bộ, giảng viên nắm vững mục đích yêu cầu, nội dung của việc học tập và rèn luyện phong cách tư duy cũng như vị trí, vai trò của việc nâng cao năng lực tư duy đối với hoạt động nghiên cứu, giảng dạy của cán bộ, giảng viên.
Bản thân mỗi cán bộ, giảng viên phải nhận thức được rằng, tư duy là điểm xuất phát của mọi việc, muốn có hành động đúng phải có tư duy đúng. Vì vậy, mỗi cán bộ, giảng viên phải xây dựng cho mình phong cách tư duy khoa học; trên cơ sở tự học tập, tự nghiên cứu, tự trau dồi kiến thức chuyên môn để thực hành trong công tác dạy và học. Học tập và làm theo phong cách tư duy Hồ Chí Minh phải luôn độc lập, tự chủ, sáng tạo, luôn gắn chặt lý luận với thực tiễn của đất nước, của tỉnh, đặc biệt là với từng địa phương, cơ sở.
3.2. Gắn việc học tập và rèn luyện theo những đặc trưng giá trị của phong cách tư duy Hồ Chí Minh với đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ của giảng viên
Động lực của quá trình học tập và rèn luyện theo các đặc trưng giá trị trong phong cách tư duy Hồ Chí Minh là việc biểu dương, khen thưởng và phê bình nhắc nhở các cá nhân, tập thể trên cơ sở đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ của mỗi cán bộ, giảng viên. Động lực này liên quan mật thiết đến lợi ích của mỗi cá nhân và tập thể.
Chỉ thị của Bộ Chính trị về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh chỉ rõ: Cần “Tiếp tục xây dựng, hoàn thiện chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp, đạo đức công vụ ở từng địa phương, cơ quan, đơn vị với phương châm sát chức năng, nhiệm vụ, ngắn gọn, dễ nhớ, dễ thực hiện và đánh giá việc thực hiện”.
Phong cách, phương pháp tư duy của cán bộ, giảng viên được thể hiện qua cách thức làm việc, cách ứng xử trong các quan hệ công tác, qua ngôn ngữ giao tiếp với học viên, với đồng nghiệp và với khách của Nhà trường. Trên cơ sở để học tập và rèn luyện theo những đặc trưng giá trị trong phong cách tư duy của Hồ Chí Minh, Đảng ủy, Ban Giám hiệu và người đứng đầu các đơn vị Khoa,Phòng xây dựng chuẩn mực đạo đức, phong cách làm việc, phong cách ứng xử của đội ngũ cán bộ, giảng viên; cần lượng hóa và cụ thể hóa các đặc trưng ấy thành các tiêu chí cho mỗi cán bộ, giảng viên ở từng khoa, phòng và bộ phận chức năng.
3.3. Coi việc học tập và rèn luyện phong cách tư duy là việc làm thường xuyên, không phải theo phong trào
Để thực hiện tốt được những yêu cầu đó, mỗi cán bộ, giảng viên, đặc biệt là giảng viên trẻ phải coi đây là việc làm thường xuyên của mình. Phải luôn luôn quan sát, lắng nghe, nghiên cứu, học hỏi, nhận thức đúng về chức trách, nhiệm vụ của mình. Chủ động trong quá trình công tác, trong giảng dạy, nghiên cứu khoa học và tham gia đầy đủ, nhiệt tình, trách nhiệm trong các hoạt động đoàn thể được Nhà trường phân công.
Giảng viên rèn luyện tư duy về kỹ năng giảng dạy, lấy người học là trung tâm, xác định hoạt động giảng dạy là nhiệm vụ chính trị trọng tâm và phải coi người học là đối tượng phục vụ, phải phục vụ chu đáo, tích cực rèn luyện nâng cao năng lực chuyên môn và phẩm chất đạo đức để mỗi thầy, cô giáo dù trẻ tuổi nhưng vững vàng về chuyên môn và mẫu mực về phẩm chất đạo đức. Các đồng chí là cán bộ các phòng chức năng tư duy đúng về chức năng, nhiệm vụ được giao. Trong công việc có sự phân công, phối hợp tốt công tác giữa các thành viên trong đơn vị, các khoa, phòng Nhà trường. Tích cực rèn luyện về chuyên môn để trở thành những cán bộ năng động có chuyên môn hóa và chuyên nghiệp hóa cao trong công việc. Trong tư duy cần có bản lĩnh để nhận biết đâu là tốt, là xấu, vững vàng trước những dư luận về các vấn đề trong cơ quan cũng như ngoài xã hội. Luôn tin tưởng vào sức mạnh, trí tuệ của tập thể cán bộ, đảng viên, học viên, là cơ sở để tổ chức và thực hiện tốt nhiệm vụ giảng dạy và học tập của Nhà trường./.
 
 


[1] Chỉ thị 05 CT/TW của Bộ Chính trị về việc tiếp tục đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh
Số lượt truy cập
Hôm nay:
996
Hôm qua:
2147
Tuần này:
7490
Tháng này:
39136
Tất cả:
4.404.016