NHIỆT LIỆT CHÀO MỪNG KỶ NIỆM 114 NĂM NGÀY QUỐC TẾ PHỤ NỮ 8/3 ( 8/3/1910 – 8/3/2024) VÀ 1984 NĂM KHỞI NGHĨA HAI BÀ TRƯNG!

Sử dụng có hiệu quả phương pháp làm việc nhóm trong các buổi thảo luận thuộc Chương trình Trung cấp Lý luận chính trị - hành chính hiện nay

Đăng lúc: 14:15:56 15/09/2017 (GMT+7)1926 lượt xem

 
ThS. Lê Nữ Sinh
Khoa LL Mác – Lênin, TT Hồ Chí Minh
 
          Hiện nay đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục là vấn đề hết sức quan trọng, nhằm góp phần thực hiện thành công sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Tiếp nối chủ trương về giáo dục được đề ra tại Đại hội đại biểu toàn quốc của Đảng lần thứ XI, Đại hội Đảng lần thứ XII đã xác định: “Đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục, đào tạo theo hướng mở, hội nhập, xây dựng xã hội học tập, phát triển toàn diện năng lực, thể chất, nhân cách, đạo đức, lối sống, ý thức tôn trọng pháp luật và trách nhiệm công dân...”.
          Bên cạnh việc đổi mới mục tiêu giáo dục, đổi mới nội dung chương trình, đổi mới thi, kiểm tra, đánh giá, thì đổi mới phương pháp dạy và học cũng là yêu cầu cấp thiết nhằm nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo. Đặc biệt, đối với các trường chính trị, do đối tượng học viên chủ yếu là cán bộ, dự nguồn cán bộ lãnh đạo, quản lý cấp cơ sở nên các giảng viên cần chú trọng đổi mới phương pháp không chỉ trong những bài giảng mà còn trong các buổi thảo luận, đưa vào thực hiện những phương pháp thảo luận tích cực, tạo không khí sôi nổi cho lớp học.
Trong chương trình đào tạo Trung cấp LLCT-HC hiện nay, mỗi phần học đều có ít nhất 2 hoặc 3 buổi thảo luận, tuy nhiên, trên thực tế, vẫn còn những buổi thảo luận chưa phát huy được tính tích cực của học viên, ví dụ như: giảng viên nêu ra một số câu hỏi, học viên sau một thời gian suy nghĩ, chuẩn bị sẽ phát biểu với tính chất trả bài, sau đó giảng viên giảng lại bài cũ là chính; hoặc học viên ít thảo luận, phát biểu ý kiến mà chủ yếu ngồi làm đề cương cho các câu hỏi ôn tập. Hình thức này dễ gây ra tâm lý nhàm chán, lãng phí thời gian, không phát huy được tính chủ động tiếp thu, vận dụng kiến thức của người học; giảng viên cũng không nắm bắt được mức độ tiếp thu của học viên đến đâu.
          Để khắc phục các hạn chế trên, áp dụng phương pháp làm việc nhóm là một trong những biện pháp hiệu quả. Đây là phương pháp chia lớp học theo các nhóm nhỏ và các thành viên trong nhóm hợp tác theo sự phân công để giải quyết một vấn đề cụ thể hoặc thảo luận theo các chủ đề mà giảng viên nêu ra. Sau đó đại diện các nhóm trình bày kết quả làm việc nhóm và các nhóm khác có ý kiến trao đổi, bổ sung thêm.
Về nội dung, cách thực hiện, đối với phương pháp làm việc nhóm, giảng viên cần thực hiện tốt, đầy đủ các bước và có một số điểm nhấn nhằm tăng sự lôi cuốn đối với học viên. Cụ thể là:
1.     Lựa chọn vấn đề thảo luận
Giảng viên cần xác định rõ vấn đề thảo luận, tập trung vào các phần trọng tâm của chương trình, chia nhỏ các nội dung cơ bản thành nhiều vấn đề thảo luận một cách hợp lý, mang tính chất gợi mở.
Đối với môn tư tưởng Hồ Chí Minh, các bài thường có dung lượng kiến thức lớn, nên trong những buổi học, giảng viên chủ yếu mới phân tích làm rõ được các nội dung lý luận, còn phần liên hệ thực tiễn chưa có thời gian bàn nhiều. Vì vậy, vấn đề thảo luận thường hướng vào việc liên hệ, vận dụng các nội dung tư tưởng đã học vào thực tế công tác của học viên ở địa phương, đơn vị.
Ví dụ:
- Liên hệ, vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh về đại đoàn kết dân tộc vào thực tiễn xây dựng khối đoàn kết nhân dân ở địa phương đồng chí hiện nay.
- Từ những nội dung tư tưởng Hồ Chí Minh về Nhà nước của dân, do dân, vì dân, hãy liên hệ với thực trạng xây dựng chính quyền cấp cơ sở hiện nay.
- Vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh về đạo đức cách mạng vào việc tu dưỡng, rèn luyện đạo đức của cán bộ đảng viên ở địa phương, đơn vị đồng chí đang công tác…
2.     Chia nhóm
Các lớp Trung cấp LLCT-HC hiện nay thường có sĩ số trung bình khoảng 50 học viên/lớp, với sơ đồ vị trí ngồi cố định, phân thành 3 đến 4 tổ. Do đó nên chia thành 3 đến 4 nhóm, yêu cầu mỗi nhóm cử ra nhóm trưởng cụ thể để tổ chức, phân công nhiệm vụ cho các thành viên, điều hành việc thảo luận của nhóm mình.
3.     Giao nhiệm vụ và giới hạn thời gian thảo luận
Giao vấn đề thảo luận cho từng nhóm, giới hạn thời gian thảo luận cụ thể trong bao nhiêu phút để tránh việc học viên vì ngại phát biểu nên kéo dài thời gian chuẩn bị.
Ví dụ đối với môn Tư tưởng Hồ Chí Minh, thường giao mỗi nhóm phụ trách một nội dung, các nhóm tiến hành thảo luận trong khoảng 20 đến 30 phút trước khi thuyết trình.
4.     Giám sát hoạt động thảo luận của từng nhóm
Quá trình các nhóm đang thảo luận, giảng viên không nên làm việc riêng hoặc ra ngoài mà cần quan sát, nhắc nhở, đôn đốc học viên tích cực trao đổi, thảo luận với nhau. Đối với những vấn đề học viên chưa hiểu rõ, hoặc có thắc mắc, giảng viên sẽ gợi mở, định hướng thêm.
Ví dụ với chủ đề “Từ những nội dung tư tưởng Hồ Chí Minh về Nhà nước của dân, do dân, vì dân, hãy liên hệ với thực trạng xây dựng chính quyền cấp cơ sở hiện nay”, giảng viên sẽ gợi mở cho học viên: những cơ quan, tổ chức nào có vai trò trong việc xây dựng chính quyền cấp cơ sở (Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể…). Từ đó học viên thảo luận, đánh giá thực trạng một cách sát hợp.
5.     Trình bày kết quả thảo luận
Đây là phần chiếm nhiều thời gian nhất trong buổi thảo luận. Đối tượng học viên Trung cấp LLCT-HC là các cán bộ, dự nguồn cán bộ lãnh đạo, quản lý cấp cơ sở, vì vậy giảng viên cần quy định các học viên tham gia phát biểu đều phải đứng lên bục quay xuống phía lớp. Điều này giúp cho học viên rèn luyện được khả năng thuyết trình trước đông người, khả năng bao quát.
Đồng chí trưởng nhóm có quyền cử thành viên trong nhóm lên thuyết trình để góp phần rèn luyện khả năng lãnh đạo, quản lý ngay từ nhóm nhỏ và hạn chế việc các thành viên ỷ lại, trông chờ vào trưởng nhóm hoặc ban cán sự lớp.
Trong lúc học viên thuyết trình, giảng viên cần ghi chép nhanh vào sổ tay để có căn cứ đánh giá, và cũng là bổ sung tư liệu cho bản thân. Sau khi học viên thuyết trình xong, giảng viên có thể ghi tóm tắt một số ý cơ bản lên bảng để các thành viên khác tiện theo dõi, bổ sung, nhận xét. Mặt khác, giảng viên cũng định hướng, gợi ý để các nhóm thảo luận sát, sâu về nội dung được phân công; tránh lan man, dàn trải.
Ngoài việc đề nghị các nhóm khác nhận xét, góp ý đối với nội dung của nhóm vừa trình bày, giảng viên có thể tạo điểm nhấn thu hút sự tập trung chú ý của cả lớp đối với vấn đề thảo luận và tăng cường sự giao lưu, đoàn kết giữa các thành viên trong lớp bằng một số biện pháp như: chỉ định bất kỳ một học viên trong lớp giới thiệu về đồng chí vừa thuyết trình, vừa phát biểu, nếu giới thiệu không đúng lớp sẽ tự đưa ra một số hình phạt vui.
6.     Tổng kết đánh giá
Đây là khâu cuối cùng nhưng khá quan trọng của buổi thảo luận. Việc đánh giá phải khách quan, khoa học và chính xác. Giảng viên chốt lại những vấn đề trọng tâm để học viên khắc sâu kiến thức một lần nữa, gợi mở các vấn đề cần tiếp tục suy nghĩ thêm.
Ví dụ, đối với nội dung “Liên hệ, vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh về đại đoàn kết dân tộc vào thực tiễn xây dựng khối đoàn kết nhân dân ở địa phương đồng chí hiện nay”, sau khi tổng kết, đánh giá, đề ra các giải pháp chung, giảng viên gợi mở để học viên suy nghĩ thêm về các giải pháp cụ thể đối với từng địa phương, từng vị trí công tác…
Tóm lại, làm việc nhóm là phương pháp giảng dạy tích cực mang lại hiệu quả cao đối với cả học viên và giảng viên. Đối với học viên, được chủ động chia sẻ những kiến thức và kinh nghiệm của mình đồng thời với việc bổ sung những kiến thức, kinh nghiệm thực tế không chỉ từ giảng viên mà còn từ chính các bạn trong lớp; đồng thời rèn luyện được các kỹ năng cơ bản như thuyết trình, làm việc nhóm,…; tạo không khí thoải mái, dân chủ trong học tập giúp học viên tiếp thu kiến thức tốt hơn, tránh tình trạng gò ép thụ động.
Đối với giảng viên, buổi giảng sẽ trở nên sinh động, hấp dẫn và có ý nghĩa. Người học là trung tâm nhưng vai trò, uy tín của người thầy được đề cao hơn. Qua quá trình thảo luận, giảng viên nắm được mức độ nhận thức của học viên về vấn đề nghiên cứu, từ đó có sự hệ thống hóa và bổ sung kiến thức cho học viên toàn diện và đầy đủ hơn. Bên cạnh đó, khả năng chuyên môn của người thầy sẽ tăng lên nhờ áp lực của phương pháp, bởi nội dung kiến thức của từng buổi thảo luận được cập nhật liên tục để đáp ứng các câu hỏi của người học trong thời đại thông tin rộng mở.
Ngoài thảo luận nhóm, còn một số phương pháp dạy – học tích cực khác như phương pháp đóng vai, phương pháp xử lý tình huống… Giảng viên có thể căn cứ vào đặc thù từng môn học, phần học để áp dụng một cách phù hợp, kết hợp linh hoạt trong các buổi thảo luận cũng như các bài giảng nhằm nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng.
Số lượt truy cập
Hôm nay:
2213
Hôm qua:
1933
Tuần này:
4146
Tháng này:
40727
Tất cả:
4.339.264