HƯỞNG ỨNG NGÀY SÁCH VÀ VĂN HOÁ ĐỌC VIỆT NAM (21/4/2021 - 21/4/2024)

Sức sống của Cách mạng Tháng Mười Nga đối với công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam hiện nay

Đăng lúc: 13:58:44 07/11/2017 (GMT+7)1187 lượt xem

 ThS. Đinh Thị Bình
Khoa LL Mác-Lênin, TT Hồ Chí Minh
Một thế kỷ đã trôi qua kể từ khi Cách mạng Tháng Mười Nga thắng lợi (7/11/1917), nhân loại đã chứng kiến biết bao biến cố thăng trầm, phức tạp. Nhưng một sự thật lịch sử không thể phủ nhận đó là thắng lợi của Cách mạng Tháng Mười Nga  đã đi vào lịch sử nhân loại như là một sự kiện vĩ đại có tiếng vang và tầm ảnh hưởng sâu rộng, làm rung chuyển, đảo lộn trật tự thế giới. Khẳng định tầm vóc, giá trị to lớn của Cách mạng Tháng Mười, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định: “Giống như mặt trời chói lọi, Cách mạng Tháng Mười chiếu sáng khắp năm châu, thức tỉnh hàng triệu người bị áp bức, bóc lột trên trái đất. Trong lịch sử loài người chưa từng có cuộc cách mạng nào có ý nghĩa to lớn và sâu xa như thế” [1]. Bởi lẽ, lần đầu tiên trong lịch sử, giai cấp công nhân, giai cấp nông dân và quần chúng lao động bị áp bức bóc lột, dưới sự lãnh đạo của chính đảng kiểu mới của giai cấp công nhân, đã đứng lên đập tan ách thống trị của bọn địa chủ và tư bản, tự mình nắm lấy chính quyền và bắt tay xây dựng xã hội mới, xã hội cộng sản chủ nghĩa mà giai đoạn đầu của nó là CNXH. Khác với các cuộc cách mạng tư sản trước đây, đó thực chất là thay thế ách thống trị phong kiến bằng ách thống trị của giai cấp tư sản, Cách mạng Tháng Mười thực hiện sứ mệnh giải phóng quần chúng lao động khỏi mọi chế độ áp bức bóc lột, đưa họ từ thân phận người nô lệ làm thuê lên địa vị người chủ của xã hội.
Thắng lợi của cuộc Cách mạng Tháng Mười Nga vẫn luôn luôn là một minh chứng cho giá trị và sức sống bất diệt của nó, vẫn đang tiếp tục tác động mạnh mẽ đến toàn bộ phong trào cách mạng thế giới nói chung và công cuộc xây dựng CNXH ở Việt Nam nói riêng.
Dưới ảnh hưởng to lớn của Cách mạng Tháng Mười và chế độ xã hội chủ nghĩa ở Liên Xô, chủ nghĩa xã hội trở thành một hệ thống trên thế giới. Phong trào giải phóng dân tộc, phong trào đấu tranh cho tiến bộ hòa bình được thức tỉnh, cổ vũ và trở thành những làn sóng to lớn trong thế kỷ XX. Trong khi nhân dân Nga tiến hành cách mạng vô sản thành công, nhân dân Việt Nam vẫn đang chìm đắm trong đêm dài nô lệ. Mặc dù không ngừng vươn lên đấu tranh chống đế quốc và tay sai, song các phong trào yêu nước theo đường lối phong kiến hoặc theo khuynh hướng tư sản ở Việt Nam lúc này đều thất bại vì không đáp ứng được nguyện vọng của đa số quần chúng nhân dân lao động. Giữa lúc đó, Nguyễn Ái Quốc, sau hơn 10 năm bôn ba tìm con đường cứu nước đã đến với ánh sáng của chủ nghĩa Mác - Lênin, ánh sáng của Cách mạng Tháng Mười.
Tháng 7 năm 1920, Nguyễn Ái Quốc đã bắt gặp Luận cương về vấn đề dân tộc và vấn đề thuộc địa của Lênin. Luận cương của Lênin đã vạch ra đường lối cơ bản cho phong trào cách mạng ở các nước thuộc địa và phụ thuộc, giải đáp cho Người về con đường giành độc lập dân tộc và tự do cho đồng bào Việt Nam mà Người đang tìm kiếm bấy lâu nay. Về sau Người nhớ lại:“Luận cương của Lênin là cho tôi rất cảm động phấn khởi, sáng tỏ và tin tưởng biêt bao! Tôi vui mừng đến phát khóc lên. Ngồi một mình trong buồng mà tôi nói to lên như đang nói trước quần chúng đông đảo:“Hỡi đồng bào bị đoạ đầy đau khổ! đây là cái cần thiết của chúng ta, đây là con đường giải phóng chúng ta!”[2].Từ đó, Nguyễn Ái Quốc đi đến chân lý về con đường giải phóng của Việt Nam, Người khẳng định rằng, muốn cứu nước và giải phóng dân tộc không có con đường nào khác con đường cách mạng vô sản. Đó là con đường gắn mục tiêu độc lập dân tộc với mục tiêu chủ nghĩa xã hội, gắn cách mạng Việt Nam với xu thế thời đại. Tháng 11 - 1926, trên tờ Thanh Niên, Nguyễn Ái Quốc viết: “Trong thế giới bây giờ chỉ có cách mệnh Nga là đã thành công và thành công đến nơi, nghĩa là quần chúng được hưởng cái hạnh phúc tự do, bình đẳng thật, không phải tự do và bình đẳng giả dối như đế quốc chủ nghĩa Pháp khoe khoang bên An Nam... Cách mệnh Nga dạy cho chúng ta rằng muốn cách mệnh thành công thì phải dân chúng (công nông) làm gốc, phải có đảng vững bền, phải bền gan, phải hi sinh, phải thống nhất. Nói tóm lại là phải theo chủ nghĩa Mã Khắc Tư và Lênin [3]. Đi theo con đường cách mạng vô sản mà Nguyễn Ái Quốc chọn lựa, cách mạng Việt Nam đã vượt qua được rất nhiều thác ghềnh, sự gian khổ hy sinh để thực hiện mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội.
 Từ ngọn lửa Cách mạng Tháng Mười Nga thắp sáng và vận dụng sáng tạo chủ nghĩa Mác-Lênin vào thực tiễn Việt Nam, Đảng Cộng sản Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã vận dụng và phát triển sáng tạo những chân lý phổ biến của chủ nghĩa Mác - Lênin, những bài học kinh nghiệm của Cách mạng Tháng Mười vào điều kiện cụ thể của cách mạng Việt Nam, đưa cách mạng vượt qua nhiều khó khăn, liên tục giành được những thắng lợi to lớn. Đi theo con đường của Cách mạng Tháng Mười, đấu tranh vì những mục tiêu cao cả của thời đại, khát vọng cháy bỏng độc lập tự do cho dân tộc, những người cộng sản và toàn thể dân tộc Việt Nam đã tiến hành thắng lợi cuộc Cách mạng tháng Tám 1945, lập nền dân chủ cộng hòa và nhà nước Dân chủ nhân dân đầu tiên trong lịch sử dân tộc. Giương cao ngọn cờ độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, Đảng ta đã huy động được sức mạnh vĩ đại của toàn dân, kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại để làm nên chiến công oanh liệt đánh thắng thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, hoàn thành thắng lợi cách mạng giải phóng dân tộc, thống nhất Tổ quốc, cả nước quá độ đi lên chủ nghĩa xã hội. Đó là những bước ngoặt vĩ đại trong tiến trình phát triển của lịch sử dân tộc. Tuy nhiên ở những năm đầu thập niên 90 của thế kỷ XX, hệ thống chủ nghĩa xã hội ở Liên Xô và các nước Đông Âu sụp đổ, một tổn thất nặng nề trong lịch sử phát triển của phong trào cộng sản và CNXH thế giới. Nhận thức sâu sắc được nguyên nhân và những bài học kinh nghiệm sau sự sụp đổ của chủ nghĩa xã hội ở Liên Xô và Đông Âu, Đảng Cộng sản Việt Nam kiên quyết khắc phục những sai lầm, thiếu sót trong xây dựng chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam. Tại Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ VI (1986) Đảng ta đã nghiêm khắc tự phê bình, chỉ ra những yếu kém trong tư duy lý luận của Đảng nói chung, tư duy lý luận về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam nói riêng. Cũng từ đây, Đảng ta đã chủ trương phải đổi mới toàn diện, “đổi mới là con đường vươn lên đáp ứng đòi hỏi của thời đại, đối phó thắng lợi với mọi thử thách, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của nhân dân” [4]. Tiếp tục quán triệt đường lối đổi mới, Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa hội mà Đại hội lần thứ VII của Đảng đã xác định mô hình xã hội xã hội chủ nghĩa mà nhân dân ta xây dựng gồm sáu đặc trưng và bảy phương hướng. Trong đó xác định kiên trì sự lãnh đạo của Đảng, kiên trì định hướng xã hội chủ nghĩa và chính thức đưa vào văn kiện “Lấy chủ nghĩa Mác - Lênin và Tư tưởng Hồ Chí Minh làm nền tảng tư tưởng, kim chỉ nam cho mọi hành động”. Dưới ánh sáng Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ IX, X, XI, XII, Đảng ta tiếp tục bổ sung phát triển mô hình xã hội xã hội chủ nghĩa mà Đại hội VII đã đưa ra. Trong Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ đi lên chủ nghĩa xã hội (bổ sung, phát triển năm 2011), Đảng Công sản Việt Nam đã chỉ rõ: “Trong quá trình hình thành và phát triển, Liên Xô và các nước xã hội chủ nghĩa khác đã đạt những thành tựu to lớn về nhiều mặt, từng là chỗ dựa cho phong trào hoà bình và cách mạng thế giới, góp phần quan trọng vào cuộc đấu tranh vì hoà bình, độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ xã hội. Chế độ xã hội chủ nghĩa ở Liên Xô và Đông Âu sụp đổ là tổn thất lớn đối với phong trào cách mạng thế giới, nhưng một số nước theo con đường xã hội chủ nghĩa trong đó có Việt Nam, vẫn kiên định mục tiêu, lý tưởng, tiến hành cải cách, đổi mới, giành được những thành tựu to lớn, tiếp tục phát triển; phong trào cộng sản và công nhân quốc tế có những bước hồi phục. Tuy nhiên, các nước theo con đường xã hội chủ nghĩa, phong trào cộng sản và cánh tả còn gặp nhiều khó khăn, các thế lực tiếp tục chống phá, tìm cách xoá bỏ chủ nghĩa xã hội”[5]. Nhận định trên đây của Đảng Cộng sản Việt Nam đã phản ánh thực tiễn khách quan của công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội trên thế giới nói chung, ở Việt Nam nói riêng. Mặc dù còn gặp nhiều khó khăn, thách thức song “theo quy luật tiến hoá của lịch sử, loài người nhất định sẽ tiến tới chủ nghĩa xã hội”  [6]
 Có thể nói, những thành tựu to lớn và có ý nghĩa hơn 30 năm đổi mới đất nước, hiện nay vị thế của nước ta trong khu vực và thế giới đã minh chứng con đường mà Đảng, Chủ tịch Hồ Chí Minh và toàn thể dân tộc ta đã đồng tâm lựa chọn là hoàn toàn đúng đắn, phù hợp với bước tiến hoá của lịch sử dân tộc và xu thế của thời đại. Đây cũng là cơ sở để mỗi người Việt Nam nhận thức sâu sắc hơn tầm vóc lịch sử, ý nghĩa, giá trị hiện thực và sức sống của cuộc Cách mạng Tháng Mười Nga, của Lênin vĩ đại đối với cách mạng Việt Nam nói riêng và thế giới nói chung. Tinh thần Cách mạng Tháng Mười sẽ sống mãi với xã hội loài người nói chung và cách mạng Việt Nam nói riêng. Nó sẽ tiếp tục soi sáng con đường đấu tranh cách mạng nhằm xây dựng xã hội mới - xã hội xã hội chủ nghĩa trên toàn thế giới.
  
 
Ghi chú:
(1)   Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, H.2002, t2, tr.280.
(2)   Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, H.2002.t10, tr.127
(3) Hồ Chí Minh: Toàn tập, NXB CTQG, Hà Nội,1995, Tập 2, tr.280
(4)  Đảng Cộng Sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VI, NXB Sự thật, Hà Nội 1987, tr.125
(5), (6)  Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI, Nxb CTQG, H.2011, tr67 - 68, 69
Số lượt truy cập
Hôm nay:
1861
Hôm qua:
1836
Tuần này:
10191
Tháng này:
41837
Tất cả:
4.406.717