HƯỞNG ỨNG NGÀY SÁCH VÀ VĂN HOÁ ĐỌC VIỆT NAM (21/4/2021 - 21/4/2024)

Tầm vóc vĩ đại của Cách mạng tháng tám lịch sử năm 1945

Đăng lúc: 10:23:04 18/08/2021 (GMT+7)1135 lượt xem

ThS. Lê Na 
Khoa Xây dựng Đảng
 
          Cách đây 76 năm, ngày 19/8/1945 đã đi vào lịch sử dân tộc Việt Nam như một mốc son chói lọi - Cách mạng Tháng Tám thành công, mở ra một kỷ nguyên mới - kỷ nguyên độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội và Nhà nước dân chủ công nông đầu tiên ở Đông Nam Á đã ra đời. Thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám đã cho thấy tinh thần yêu nước và sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc dưới sự lãnh đạo đúng đắn, tài tình của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại. Từ đây nhân dân ta thoát khỏi xiềng xích nô lệ của thực dân và phong kiến trở thành người làm chủ đất nước, làm chủ vận mệnh của mình.
          Thế nhưng, hiện nay các thế lực thù địch và phần tử cơ hội chính trị đang tìm mọi cách để xuyên tạc ý nghĩa của Cách mạng Tháng Tám, phủ nhận vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam đối với cuộc cách mạng này, chúng thường rêu rao: “Cách mạng Tháng Tám là thứ quả ngọt trời cho!” hay “Thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám là sự ăn may của lịch sử!”... Và để biện hộ cho luận điệu đó, chúng còn cho rằng: Cách mạng Tháng Tám diễn ra trong bối cảnh không có đối tượng cụ thể, trực tiếp và những người làm cách mạng chỉ tiến công vào một cánh cửa chính trị khép hờ nên không cần phải làm gì thì cũng giành được thắng lợi vì với xu thế chính trị sau Chiến tranh thế giới thứ hai, thực dân Pháp sẽ tự trao trả độc lập cho Việt Nam. Thậm chí, các thế lực phản động còn lập luận rằng: Từ sau cuộc đảo chính của Nhật (9/3/1945), Đông Dương nói chung và Việt Nam nói riêng không còn là thuộc địa của Pháp, mà là thuộc địa của Nhật. Trong khi đó, phát xít Nhật đã bị quân Đồng minh đánh cho tơi tả, chịu thất bại thảm hại và tuyên bố đầu hàng vô điều kiện. Như vậy, ở Đông Dương xuất hiện “khoảng trống quyền lực”, cho nên cách mạng chỉ cần nổ ra là giành thắng lợi thì đây là một sự xuyên tạc trắng trợn. Trên thực tế, khi Cách mạng Tháng Tám nổ ra, quân Nhật vẫn rất mạnh, “riêng tại Hà Nội lúc đó có khoảng 1 vạn quân Nhật chiếm đóng”.Và như vậy, chẳng hề có một "khoảng trống về quyền lực" nào cả. Có chăng sự tấn công của Liên Xô và quân Đồng minh chỉ làm cho quân Nhật suy yếu, tạo ra thời cơ thuận lợi cho cách mạng Việt Nam mà thôi.
          Vì vậy, để có thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám, Đảng đã có cả một quá trình dài chuẩn bị chu đáo và công phu trong 15 năm đầy gian khổ, hy sinh trải qua 3 cuộc vận động cách mạng lớn. Trước hết là cuộc đấu tranh cách mạng giai đoạn 1930 - 1935 mà đỉnh cao là Xô Viết Nghệ-Tĩnh 1930-1931, sau đó Đảng bị thực dân Pháp khủng bố trắng và cách mạng lâm vào thoái trào (1932 - 1935). Kế đến là cuộc vận động 1936 -1939 mà nổi bật là cao trào đấu tranh Dân chủ (1938), sự khủng bố gắt gao, ráo riết của thực dân Pháp trong khoảng thời gian này đã gây ra cho Đảng những tổn thất to lớn. Vượt lên những tổn thất ấy, Đảng đã đưa cuộc cách mạng bước tiếp sang chặng đường mới bằng cao trào cách mạng 1939 - 1945. Điểm nổi bật trong khoảng thời gian này là Đảng đã xây dựng và phát triển cả lực lượng chính trị, lực lượng vũ trang quần chúng, từ đó phát triển thành lực lượng vũ trang cách mạng. Chính sự dấy lên của các cao trào tiền khởi nghĩa ấy là cơ sở để Đảng chủ động chuẩn bị lực lượng, nắm bắt thời cơ và phát động toàn dân tiến hành tổng khởi nghĩa sau này.
          Mặt khác, thông qua 3 cuộc vận động ấy đã giúp Đảng từng bước xác định và hoàn thiện đường lối chiến lược, sách lược tiến hành cách mạng, đặc biệt là phương châm chiến lược: Kết hợp chặt chẽ đấu tranh chính trị với đấu tranh vũ trang, phát triển từ khởi nghĩa từng phần tiến tới tổng khởi nghĩa. Ngay từ Hội nghị lần thứ Tám của Trung ương Đảng (5/1941), Đảng đã xác định đây là cuộc cách mạng dân tộc dân chủ, thực hiện đồng thời hai nhiệm vụ chống đế quốc và chống phong kiến, nhưng trước mắt tập trung vào nhiệm vụ giải phóng dân tộc. Giữa tháng Tám năm 1945, từ mảnh đất Tân Trào lịch sử, khi Lệnh Tổng khởi nghĩa được phát ra, Nguyễn Ái Quốc kêu gọi: “Giờ quyết định cho vận mệnh dân tộc ta đã đến. Toàn quốc đồng bào hãy đứng dậy đem sức ta mà tự giải phóng cho ta”. Tổng bộ Việt Minh ra hiệu triệu: “Trước cơ hội có một không hai này, toàn thể dân tộc ta phải đem hết lực lượng, dùng hết can đảm, bao quanh đạo quân Giải phóng Việt Nam, tung xương máu ra đánh đuổi giặc Nhật, đòi lấy tự do, hạnh phúc cho nhân dân” nên thắng lợi mà chúng ta có được là do chính sự nỗ lực cố gắng của nhân dân dưới sự lãnh đạo của Đảng mới giành được.
          Tuy nhiên, xét ở khía cạnh khác, Cách mạng Tháng Tám thắng lợi một phần là do điều kiện khách quan đưa tới. Cuộc chiến tranh thế giới thứ hai tạo cho chúng ta một cơ hội thuận lợi: Kẻ thù của chúng ta lúc đó là thực dân Pháp và phát-xít Nhật đã tự loại nhau. Từ sau đêm 9/3/1945, đối tượng chủ yếu của cách mạng Việt Nam là phát-xít Nhật. Khi đội quân Quan Đông của phát-xít Nhật bị Hồng quân Liên Xô đánh bại ở Mãn Châu (Trung Quốc), giáng đòn quyết định buộc phát-xít Nhật đầu hàng Đồng minh, thì ở Việt Nam lúc đó quân Nhật hoảng loạn, quân Pháp chưa đủ sức quay lại, chính quyền tay sai hoang mang cực độ, tạo điều kiện khách quan cho cuộc Tổng khởi nghĩa giành thắng lợi. Nhưng cho dù điều kiện khách quan có thuận lợi đến đâu mà điều kiện chủ quan chưa chín muồi cho việc chớp thời cơ, phát động khởi nghĩa, thì cách mạng cũng không thể thành công. Thực tế đã cho thấy, cũng trong hoàn cảnh khách quan thuận lợi (thắng lợi của Đồng minh và thất bại của phát-xít Nhật), nhưng không phải nước nào cũng tiến hành khởi nghĩa và giành lại độc lập dân tộc. Tại thời điểm đó, chỉ có ở Việt Nam, dưới sự lãnh đạo của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, với tinh thần “Đem sức ta mà tự giải phóng cho ta”, toàn dân đã tiến hành cuộc Tổng khởi nghĩa lật đổ sự thống trị của phát-xít Nhật và bọn tay sai, giành lại độc lập, tự do cho dân tộc.
          Vậy thử hỏi nếu không có tầm nhìn và tư duy chiến lược sắc bén, nếu không có sự chỉ đạo chiến lược tài tình của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh thì Cách mạng Tháng Tám có nổ ra đúng thời cơ và giành được thắng lợi? Thử hỏi nếu không có sự chủ động chuẩn bị về chính trị, tổ chức và lực lượng thì khi thời cơ đến, Việt Nam có chớp cơ hội để tiến hành tổng khởi nghĩa được không? Chắc chắn là không! Hơn nữa, nếu không dự đoán thời cơ chính xác, không kịp thời chớp thời cơ “ngàn năm có một” thì Đảng ta có thể phát huy được sức mạnh tổng hợp của quần chúng để phát động tổng khởi nghĩa thắng lợi hay không? Chắc chắn là không thể! Vậy căn cứ vào đâu để nói rằng thành công của Cách mạng Tháng Tám năm 1945 là “một sự ăn may”? Và nếu không có 15 năm đấu tranh quyết liệt, đầy hy sinh gian khó thì không thể nào có được thắng lợi vẻ vang của Cách mạng Tháng Tám năm 1945. Như vậy, có thể khẳng định thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám không phải “từ trên trời rơi xuống” và càng không phải là sự “ăn may”, “cướp công” như các thế lực thù địch rêu rao.
          Tiếp nối truyền thống vẻ vang của Cách mạng Tháng Tám 1945 trong thời kỳ mới, dân tộc ta luôn chủ động nêu cao tinh thần tự lực, tự cường, không phó mặc, không trông chờ, không dựa vào sự giúp đỡ của bất cứ quốc gia, dân tộc nào để bảo vệ chủ quyền lãnh thổ quốc gia và độc lập, tự do cho dân tộc mình. Trong thời gian tới, để tiếp tục phát huy hiệu quả những bài học, những kinh nghiệm quý báu từ Cách mạng Tháng Tám trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc là rất quan trọng. Việc tăng cường đấu tranh phê phán các quan điểm sai trái của các thế lực thù địch xuyên tạc về thắng lợi của cách mạng Tháng Tám, phủ nhận vai trò lãnh đạo của Đảng là hết sức cần thiết, là đòi hỏi khách quan, là nhiệm vụ cấp bách trước mắt, đồng thời cũng là nhiệm vụ thường xuyên, cơ bản, lâu dài, diễn ra quyết liệt trên tất cả lĩnh vực của đời sống xã hội, đặc biệt trên lĩnh vực tư tưởng, lý luận.
          Để làm được điều đó, cần tiếp tục quán triệt sâu sắc tầm quan trọng của công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch, tiếp tục kiên quyết, kiên trì thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu mà Nghị quyết số 35-NQ/TW của Bộ Chính trị khóa XII đã đề ra, nhận thức rõ đây là nhiệm vụ chính trị đặc biệt quan trọng không chỉ là công việc của các cơ quan đảng, Nhà nước mà là của cả hệ thống chính trị, là trách nhiệm của mọi cán bộ, đảng viên và nhân dân đúng với tinh thần Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng đưa ra: “Tăng cường xây dựng Đảng về chính trị. Hết sức coi trọng xây dựng Đảng về tư tưởng. Kiên định, vững vàng trên nền tảng chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, đồng thời không ngừng bổ sung, phát triển sáng tạo, phù hợp với thực tiễn Việt Nam; kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội…”, “…không ngừng nâng cao trình độ lý luận chính trị cho cán bộ, đảng viên; thường xuyên đấu tranh, ngăn chặn âm mưu, hoạt động chống phá của các thế lực thù địch, phản động, đấu tranh, phản bác các quan điểm sai trái, thù địch, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng”. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền rộng rãi trong nhân dân, nhất là trong giới trẻ về lịch sử dân tộc, lịch sử cách mạng và lịch sử Đảng, từ đó hình thành nhân sinh quan cách mạng, nâng cao bản lĩnh chính trị, năng lực phân biệt đúng - sai, khả năng miễn nhiễm trước các thông tin xấu, độc. Tiếp tục phát triển đội ngũ cán bộ chuyên trách làm công tác tư tưởng, lý luận có bản lĩnh, trí tuệ, năng lực, phương pháp và kỹ năng đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới.
          Ở Thanh Hóa, trong thời gian qua, các thế lực thù địch, phần tử cơ hội ráo riết sử dụng các hoạt động chống phá chính quyền, nhất là vào thời điểm này, trên địa bàn tỉnh đang chuẩn bị các hoạt động kỷ niệm ngày chiến thắng của Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2/9. Trong số hoạt động chống phá, nổi lên là các hoạt động đăng tải các thông tin xuyên tạc, bóp méo sự thật về thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám, phủ nhận vai trò lãnh đạo của Đảng, kích động của một số tổ chức như: Đảng Việt Tân, Hội anh em dân chủ, Đảng dân chủ Việt Nam, Chính phủ quốc gia Việt Nam lâm thời, Dân oan khiếu kiện. Các đối tượng thu thập thông tin đăng tải tin, bài tập trung vào những nội dung: Xuyên tạc, bôi nhọ, hạ uy tín lãnh đạo các cấp; Tuyên truyền kích động nhân dân chống đối việc triển khai giải phóng mặt bằng các dự án lớn ở Khu kinh tế Nghi Sơn (Dự án Cảng container Long Sơn, Nhà máy Nhiệt điện Nghi Sơn 2); Dự án quảng trường biển và trục cảnh quan lễ hội Sầm Sơn; việc khắc phục thiên tai, lũ lụt trên địa bàn tỉnh; Sử dụng tài khoản facebook ảo, đánh cắp tài khoản facebook của người dân trên địa bàn để chuyển tải những thông tin xấu, độc… Hoạt động của chúng có lúc âm thầm, lẩn khuất, có lúc công khai, trắng trợn; thường tập trung vào thời điểm diễn ra các sự kiện chính trị trong tỉnh, sự kiện đối ngoại quan trọng của Đảng và Nhà nước ta hoặc thời điểm xảy ra các vụ, việc phức tạp, nhạy cảm. Thậm chí, chúng triệt để lợi dụng mạng xã hội, các hình thức truyền thông mới để tuyên truyền chống phá; tán dương, cổ vũ lẫn nhau trong một “thế trận” có “kịch bản”, đánh vào nhận thức, tâm lý “đám đông” theo kiểu “mưa dầm thấm lâu”, “góp gió thành bão”… Tính chất nguy hiểm của những phương thức, thủ đoạn này ở chỗ, chúng tạo dựng nhận thức sai lệch, mơ hồ, hoài nghi, hoang mang, dao động, gây “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ, làm lung lay niềm tin của cán bộ, đảng viên và nhân dân trong tỉnh vào vai trò lãnh đạo của Đảng, sự quản lý của Nhà nước, tạo tâm lý bức xúc, chống đối trong xã hội gây ra những khó khăn, thách thức không nhỏ cho công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng trong đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch của chúng.
          Trước các hoạt động chống phá của các thế lực thù địch, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Thanh Hóa đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo triển khai các biện pháp tuyên truyền, đấu tranh phản bác làm thất bại âm mưu, thủ đoạn của các thế lực thù địch. Trong đó, khẩn trương chỉ đạo các cơ quan chức năng tập trung các biện pháp để tiến hành triệt phá, xử lý các đối tượng chính trị, phần tử cơ hội có mặt trên địa bàn tỉnh thực hiện việc đăng tải các quan điểm sai trái, thù địch chống phá Đảng, Nhà nước. Đồng thời, hệ thống tuyên truyền của tỉnh đã kịp thời tổ chức quán triệt, triển khai, tuyên truyền sâu rộng trong toàn Đảng bộ Nghị quyết số 35-NQ/TW của Bộ Chính trị về “Tăng cường bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trong tình hình mới” ; Kết luận số 53-KL/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng về việc “Chỉ đạo đấu tranh ngăn chặn, xử lý, gỡ bỏ, triệt phá tin giả, thông tin sai sự thật, xấu độc trên Internet, mạng xã hội”; Chỉ thị số 23-CT/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng về “Tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả học tập, nghiên cứu, vận dụng và phát triển Chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh trong tình hình mới” đã tạo ra sự chuyển biến tích cực trong nhận thức của các tầng lớp nhân dân.
          Trong thời gian tới, Ban Thường vụ Tỉnh ủy tiếp tục triển khai sâu rộng trên toàn tỉnh Chương trình trọng tâm bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch theo định hướng Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng mà Ban Chỉ đạo 35 Trung ương mới ban hành ngày 5/7/2021, trong đó xác định rõ nội dung, công việc cần làm trên điều kiện thực tế của địa phương, đơn vị. Ngoài ra, thông qua các cơ quan báo chí, thường xuyên có bài viết biểu dương người tốt, việc tốt, những mô hình hay, cách làm mới trong thực tiễn để cổ vũ, lấy cái đẹp dẹp cái xấu, đồng thời, đấu tranh phản bác các luận điệu xuyên tạc, sai trái; thường xuyên có các bài viết đấu tranh, phản bác lại các thông tin xấu độc để định hướng dư luận. Bằng các hình thức tuyên truyền phù hợp của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Thanh Hóa, giúp cán bộ, đảng viên, nhân dân tin tưởng, phấn khởi vào đường lối của Đảng, pháp luật của Nhà nước góp phần làm thất bại âm mưu, hoạt động “diễn biến hòa bình” của các thế lực thù địch.
          Đối với Trường Chính trị Thanh Hóa, là trung tâm đào tạo cán bộ lớn nhất trong tỉnh, có chức năng, nhiệm vụ đào tạo, bồi dưỡng về lý luận chính trị, quản lý nhà nước, pháp luật, nghiệp vụ công tác xây dựng Đảng, công tác đoàn thể cho cán bộ chủ chốt ở cơ sở trong tỉnh. Trong thời gian qua, Đảng ủy, Ban Giám hiệu nhà trường rất chú trọng lãnh đạo cán bộ, giảng viên nỗ lực cố gắng nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ, nêu cao tinh thần chủ động, tích cực, tự học hỏi, tìm tòi, phát huy hiệu quả những bài học kinh nghiệm quý báu từ cuộc Cách mạng Tháng Tám năm 1945 vào công tác giảng dạy cũng như tham gia nghiên cứu khoa học, tổng kết thực tiễn ở địa phương gắn với nội dung bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng bằng những hoạt động cụ thể, thiết thực trên cơ sở Nghị quyết 35 của Bộ Chính trị. Trên thực tế, hiện nay các thế lực phản động vẫn không ngừng các hoạt động chống phá Đảng và Nhà nước ta trên các lĩnh vực, đặc biệt là lĩnh vực tư tưởng, lý luận, chúng ra sức phủ nhận và xuyên tạc vai trò lãnh đạo của Đảng trong quá trình lãnh đạo cách mạng Việt Nam trong đó có thắng lợi của cách mạng Tháng Tám 1945. Lợi dụng bối cảnh quốc tế diễn biến phức tạp, khó dự báo, tình hình trong nước còn nhiều khó khăn, thách thức. Chúng liên tục thay đổi phương thức, thủ đoạn chống phá, tuyên truyền xuyên tạc, phủ nhận nền tảng tư tưởng, lý luận của Đảng một cách tinh vi và xảo quyệt.
          Chính vì vậy, để bác bỏ những quan điểm sai trái, những luận điệu xuyên tạc của các thế lực này, mỗi một cán bộ, giảng viên của Nhà trườngluôn luôn kiên định, giữ vững lập trường chính trị tư tưởng, đạo đức cách mạng, không dao động trước khó khăn, thách thức, tuyệt đối trung thành với Đảng, với Tổ quốc; kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội; cống hiến, tâm huyết, trách nhiệm trong thực hiện nhiệm vụ được giao, đặt lợi ích tập thể lên trên lợi ích cá nhân. Trong giảng dạy, đội ngũ giảng viên phải xây dựng cho mình một phong cách giảng dạy sáng tạo và phù hợp, nghiên cứu nắm chắc nội dung chuyên ngành giảng dạy, cập nhật thường xuyên kiến thức thực tiễn trong tỉnh, trong nước và thế giới để vận dụng nhuần nhuyễn vào bài giảng, qua đó dẫn dắt học viên trao đổi, thảo luận làm rõ cơ sở lý luận và thực tiễn của vấn đề nghiên cứu.
          Ngoài ra, độ ngũ giảng viên Nhà trường phải thực sự tâm huyết với nghề nghiệp, tích cực trau dồi nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ, phong cách sư phạm, kỷ luật làm việc, kỷ luật phát ngôn, bản lĩnh chính trị vững vàng, nâng cao năng lực đấu tranh bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, phản bác lại những luận điệu xuyên tạc, sai trái của các thế lực phản động qua nội dung giảng bài trên lớp, góp phần củng cố và tăng cường niềm tin cho học viên về chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh cũng như các chủ trương, Nghị quyết của Đảng.
          Như vậy, với tư cách là một trong những cơ quan tích cực tham gia xây dựng và bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng. Trong thời gian tới, Đảng ủy, Ban Giám hiệu nhà trường sẽ tiếp tục phát huy vai trò của đội ngũ cán bộ, giảng viên, đoàn kết, năng động, sáng tạo, quyết tâm thực hiện hiệu quả nhiệm vụ tăng cường bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng trong tình hình mới. Đảng ủy, cán bộ, giảng viên Trường Chính trị Thanh Hóa luôn tự hào đã góp phần to lớn vào nhiệm vụ quan trọng, thiêng liêng đó, đặc biệt là đối với mỗi giảng viên của Nhà trường vì đây là lực lượng chính làm công tác tuyên truyền nền tảng tư tưởng của Đảng sau này.
          Hiện nay, đất nước ta vừa tổ chức thành công Đại hội lần thứ XIII của Đảng,đây là kỳ Đại hội quan trọng trong giai đoạn mới với quyết tâm vượt qua mọi khó khăn, thách thức, nhất là tác động nặng nề của cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu. Đặc biệt, trong năm 2021, đại dịch Covid-19 gây ra nhiều thiệt hại về kinh tế - xã hội, song nhờ phát huy được sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, sự ưu việt của chế độ xã hội chủ nghĩa, sự tham gia đồng bộ, quyết liệt của cả hệ thống chính trị dưới sự lãnh đạo đúng đắn của Đảng, sự đồng lòng ủng hộ của nhân dân, đất nước ta sẽ từng bước ổn định đời sống nhân dân; góp phần củng cố, tăng cường niềm tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước và chế độ xã hội chủ nghĩa mà chúng ta đang xây dựng./.
 
Số lượt truy cập
Hôm nay:
1545
Hôm qua:
1983
Tuần này:
11858
Tháng này:
43504
Tất cả:
4.408.384