NHIỆT LIỆT CHÀO MỪNG KỶ NIỆM 114 NĂM NGÀY QUỐC TẾ PHỤ NỮ 8/3 ( 8/3/1910 – 8/3/2024) VÀ 1984 NĂM KHỞI NGHĨA HAI BÀ TRƯNG!

Tiếp tục nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, hướng tới xây dựng Trường Chính trị tỉnh Thanh Hóa đạt chuẩn giai đoạn 2018 - 2020

Đăng lúc: 08:18:34 05/09/2017 (GMT+7)1648 lượt xem

TS. Lương Trọng Thành
Tỉnh ủy viên, Hiệu trưởng
 
Thực hiện Quyết định 184-QĐ/TW ngày 3-8-2008 của Ban Bí thư (khóa X) về chức năng, nhiệm vụ, tổ chức bộ máy của Trường Chính trị tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và Kết luận số 117-KL/TW ngày 20-11-2015 của Ban Bí thư về công tác đào tạo, bồi dưỡng tại các trường chính trị tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, trong những năm qua, tập thể cán bộ, giảng viên và học viên Trường Chính trị tỉnh Thanh Hóa đã đoàn kết, quyết tâm thực hiện sự nghiệp đổi mới, nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng cán bộ; nghiên cứu khoa học, tổng kết thực tiễn, đã tạo ra những chuyển biến tích cực và đạt được nhiều kết quả quan trọng.
Nhà trường đã thực hiện tốt công tác tham mưu cho Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh và Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh hoàn thiện thể chế đào tạo, bồi dưỡng cán bộ; chất lượng đào tạo, bồi dưỡng cán bộ ngày càng được nâng cao; hoạt động nghiên cứu khoa học, tổng kết thực tiễn phát triển toàn diện; công tác xây dựng đội ngũ cán bộ quản lý, giảng viên được quan tâm; thường xuyên chăm lo xây dựng môi trường giáo dục kỷ cương, thân thiện, giàu tính Đảng; phát huy tốt mối quan hệ giữa nhà trường với các địa phương; các ban, sở, ngành cấp tỉnh; các học viện và các trường chính trị trong cả nước. Từ đó tạo môi trường, động lực cho đội ngũ cán bộ, giảng viên và học viên nỗ lực vươn lên hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ.
Tuy nhiên, trước yêu cầu đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục theo hướng chuẩn hóa, hiện đại hóa, xã hội hóa, dân chủ hóa và hội nhập quốc tế (1); tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về chất lượng, hiệu quả của công tác đào tạo, bồi dưỡng lý luận chính trị, góp phần xây dựng đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp có đủ phẩm chất chính trị, đạo đức và năng lực, phong cách làm việc hiệu quả đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa (theo tinh thần Nghị quyết số 32-NQ/TW ngày 26/5/2014 của Bộ Chính trị về tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng công tác đào tạo, bồi dưỡng lý luận chính trị cho cán bộ lãnh đạo, quản lý); Xây dựng Trường Chính trị tỉnh thành trung tâm đào tạo, bồi dưỡng cán bộ lãnh đạo, quản lý của tỉnh và khu vực (2), đòi hỏi Trường Chính trị tỉnh phải tiếp tục đổi mới mạnh mẽ, toàn diện các mặt hoạt động, nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng cán bộ; nghiên cứu khoa học, tổng kết thực tiễn, góp phần xây dựng đội ngũ cán bộ trong hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở có phẩm chất, năng lực đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong thời kỳ mới. Theo đó, nhà trường xác định lấy nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng, nghiên cứu khoa học, tổng kết thực tiễn là trung tâm; đổi mới công tác quản lý là then chốt; đổi mới đánh giá kết quả học tập của học viên là khâu quan trọng, đột phá; xây dựng môi trường giáo dục kỷ cương, thân thiện, giàu tính Đảng là nhiệm vụ thường xuyên; hướng tới thực hiện thành công mụctiêu: “Xây dựng Trường Chính trị tỉnh Thanh Hóa trở thành trung tâm chất lượng cao (đạt chuẩn mức độ cao) về đào tạo, bồi dưỡng cán bộ lãnh đạo, quản lý và nghiên cứu khoa học, tổng kết thực tiễn, góp phần nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, xây dựng Thanh Hóa trở thành tỉnh khá của cả nước vào năm 2020, tỉnh công nghiệp theo hướng hiện đại vào năm 2030”.
Quán triệt sâu sắc quan điểm của Đảng về phương hướng, nhiệm vụ đổi mới công tác tư tưởng, lý luận tại Đại hội đại biểu Đảng toàn quốc lần thứ XII: “Tiếp tục đổi mới nội dung, phương thức, nâng cao hơn nữa tính chiến đấu, tính thuyết phục, hiệu quả của công tác tư tưởng, phục vụ yêu cầu thực hiện nhiệm vụ chính trị, phù hợp với từng giai đoạn, tạo sự thống nhất trong Đảng, đồng thuận trong xã hội; đẩy mạnh tuyên truyền, học tập chủ nghĩa Mác- Lê nin, tư tưởng Hồ Chí Minh, quan điểm, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước phù hợp với từng đối tượng theo hướng cụ thể, thiết thực, hiệu quả”. Để đáp ứng được yêu cầu đó, trong thời gian tới, Trường Chính trị tỉnhxác định nhiệm vụ và các giải pháp chủ yếu sau:
Một là, đổi mới đồng bộ và nâng cao chất lượng toàn diện công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ
Nhà trường chú trọng việc khảo sát, đánh giá, xác định nhu cầu về đào tạo, bồi dưỡng cán bộ; đánh giá thực trạng về sử dụng cán bộ sau đào tạo, bồi dưỡng; gắn kết công tác đào tào, bồi dưỡng với quy hoạch và sử dụng cán bộ. Quan tâm  cải tiến, bổ sung, biên soạn các chương trình đào tạo, bồi dưỡng theo phương châm: Cơ bản, hệ thống, thực tiễn, hiện đại; đảm bảo cân đối về quy mô đào tạo Trung cấp Lý luận chính trị - hành chính tập trung và tại chức; đa dạng hóa các loại hình bồi dưỡng; phối hợp tổ chức có hiệu quả các lớp bồi dưỡng theo Quy định 1254 của Tỉnh ủy;  tích cực, chủ động chuẩn bị các điều kiện tốt nhất để mở lớp đào tạo, bồi dưỡng cán bộ nguồn cho Tỉnh ủy; huyện, thị, thành ủy, nhiệm kỳ 2020 - 2025.  Thực hiện tốt phương châm dạy - học:  gắn lý luận gắn với thực tiễn; chú trọng phương pháp dạy – học hiểu, dạy – học vận dụng, dạy - học xử trí; kiên trì thực hiện quy trình tìm hiểu, nghiên cứu, thực hành, tổng kết, dạy đối với giảng viên; học, nghiên cứu thực tế, báo cáo chuyên đề thực tiễn, thi, kiểm tra, đánh giá đối với học viên. Phát huy vai trò quản lý, tư vấn, hướng dẫn của giảng viên và vai trò làm chủ của học viên trong dạy – học; thực hiện tốt phương châm 3 tăng (tăng tính chủ động; tăng rèn phẩm chất, kỹ năng; tăng xử lý tình huống), 3 giảm (giảm thụ động; giảm lý thuyết; giảm độc thoại). Thực hiện có hiệu quả việc kết nối giữa giảng với học viên trước, trong, sau quá trình đào tạo, bồi dưỡng.Tăng cường cập nhật kiến thức mới, các chuyên đề thực tiễn; các hoạt động ngoại khóa; nghe báo cáo chuyên đề của các nhà khoa học, các chuyên gia, các nhà quản lý về phát triển kinh tế - xã hội, công tác xây dựng Đảng, nâng cao chất lượng hoạt động của hệ thống chính trị… nhằm rèn luyện kỹ năng lãnh đạo, quản lý cho học viên.Đổi mới công tác kiểm tra, đánh giá chất lượng dạy – học theo hướng chuyển mạnh từ đánh giá điểm số sang  đánh giá quá trình học tập, rèn luyện của học viên. Thực hiện tốt phương châm 4 hóa trong đánh giá hồ sơ hóa, quy trình hóa, chuẩn hóa, chuyên nghiệp hóa. Đa dạng hóa các kênh đánh giá theo mục tiêu đào tạo, bồi dưỡng. Tăng cường phối hợp với cấp ủy, chính quyền, thủ trưởng cơ quan, đơn vị trong quản lý, đánh giá học viên. Thực hiện 2 lần/khóa học, nhà trường gửi kết quả học tập, rèn luyện của học viên về cơ quan, đơn vị. Lấy kết quả học tập, rèn luyện là một tiêu chí đánh giá cán bộ, đồng thời lấy kết quả xếp loại cán bộ là tiêu chí đánh giá, xếp loại học tập, rèn luyện của học viên.
Hai là,  phát triển toàn  diện và nâng cao chất lượng hoạt động nghiên cứu khoa học, tổng kết thực tiễn
Tập trung nguồn lực phát triển toàn diện và hiện thực hóa 3 mục tiêu nghiên cứu khoa học, tổng kết thực tiễn: Nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng cán bộ; chất lượng đội ngũ cán bộ, giảng viên; cung cấp cơ sở lý luận và thực tiễn phục vụ hoạt động lãnh đạo, quản lý của cấp ủy, chính quyền trong tỉnh. Nội dung nghiên cứu tập trung vào việc đổi mới các khâu, quy trình trong công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ; nghiên cứu về công tác xây dựng Đảng, phát huy vai trò của hệ thống chính trị, các chương trình trọng tâm, các khâu đột phá, các cơ chế chính sách của tỉnh và địa phương trong phát triển kinh tế - xã hội … Theo đó, nhà trường chủ động đề xuất đảm nhận các đề tài, hội thảo khoa học cấp bộ, cấp tỉnh; các nhiệm vụ tổng kết thực tiễn; biên tập sách chuyên khảo, tham khảo; nâng cấp Tập san lên Tạp chí Nghiên cứu lý luận và thực tiễn phục vụ cán bộ lãnh đạo, quản lý cấp cơ sở. Đổi mới phương thức nghiên cứu theo phương châm sâu địa bàn, sát lĩnh vực, phát hiện được vấn đề, đề xuất được giải pháp. Theo đó, tăng cường nghiên cứu chuyên đề theo lĩnh vực, địa bàn cung cấp cơ sở lý luận, thực tiễn phục vụ nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng và tư vấn, hỗ trợ nâng cáo chất lượng, hiệu quả công tác lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền trong tỉnh. Phát huy vai trò định hướng của Giám hiệu; chủ động tích cực đề xuất ý tưởng, nhiệm vụ nghiên cứu khoa học của cán bộ, giảng viên. Nâng cao trách nhiệm nêu gương của đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý trong thực hiện nhiệm vụ nghiên cứu khoa học. Tạo sức lan tỏa và đẩy mạnh phong trào nghiên cứu khoa học, tổng kết thực tiễn đến cán bộ, giảng viên, học viên nhà trường. Nâng cao chất lượng cuộc thi Thuyết trình ý tưởng; kịp thời ứng dụng, thông tin, trao đổi kết quả nghiên cứu khoa học, tổng kết thực tiễn của nhà trường với các địa phương, các học viện, các cơ sở đào tạo cán bộ, các trường chính trị trong và ngoài nước. Đổi mới cơ chế quản lý chất lượng gắn với thực hiện 3 mục tiêu của hoạt động nghiên cứu khoa học, tổng kết thực tiễn. Theo đó, nhà trường đẩy mạnh xã hội hóa hoạt động nghiên cứu tìm hiểu, ưu tiên nguồn lực nghiên cứu phát hiện, khuyến khích nghiên cứu tư vấn, hỗ trợ phục vụ đổi mới quản lý đào tạo, bồi dưỡng và công tác lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền trong tỉnh.
Ba là, xây dựng và phát triển đội ngũ cán bộ, giảng viên
Trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ; tổ chức bộ máy và Đề án vị trí việc làm được Tỉnh ủy phê duyệt, nhà trường chủ động xây dựng kế hoạch, phương án sử dụng có hiệu quả nguồn nhân lực phục vụ đổi mới, nâng cao chất lượng toàn diện công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ.Định hướng phát triển đội ngũ cán bộ, giảng viên phải có trách nhiệm chính trị cao, am hiểu sâu – rộng về chuyên môn, nghiệp vụ; có tố chất, phẩm chất của nhà sư phạm, nhà khoa học, nhà lãnh đạo, quản lý. Xây dựng phong cách làm việc khoa học, dân chủ, nêu gương. Chú trọng xây dựng đội ngũ chuyên gia trên các lĩnh vực, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ cách mạng thời kỳ mới. Tiếp tục tạo cơ chế tốt, lựa chọn, khuyến khích cán bộ, giảng viên học các chuyên ngành tiến sĩ; bồi dưỡng nâng cao trình độ về lý luận chính trị, trình độ chuyên môn, nghiệp vụ; tin học, ngoại ngữ ở Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh; ở các cơ sở đào tạo có uy tín trong và ngoài nướcTiếp tục tạo cơ hội tốt, môi trường tốt cho đội ngũ cán bộ, giảng viên được học tập, rèn luyện thông qua hoạt động thực tiễn, nhất là thực tiễn về hoạt động khoa học, lãnh đạo, quản lý của nhà trường và các địa phương trong tỉnh. Đề xuất xây dựng đội ngũ giảng viên thỉnh giảng là những đồng chí lãnh đạo, nguyên là lãnh đạo tỉnh, huyện; các chuyên gia trên các lĩnh vực tham gia giảng dạy, truyền đạt các kinh nghiệm trong hoạt động lãnh đạo, quản lý cho cán bộ, giảng viên, học viên nhà trường.
          Bốn là, xây dựng môi trường giáo dục kỷ cương, thân thiện, giàu tính Đảng
Chú trọng cụ thể hóa các quy chế chuyên môn do Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh ban hành; bổ sung, hoàn thiện và xây dựng các quy chế nội bộ làm cơ sở cho công tác quản lý, điều hành hoạt động của nhà trường đảm bảo tính dân chủ, khoa học, đúng pháp luật. Xây dựng kế hoạch, phương án quản lý, sử dụng có hiệu quả cơ sở vật chất được tỉnh đầu tư. Chủ động xã hội hóa đầu tư các trang thiết bị phù hợp; đề xuất đầu tư chống xuống cấp và trang bị mới các hạng mục, công trình, trang thiết bị dạy – học theo hướng đồng bộ, hiện đại đảm bảo phục vụ đổi mới, nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng cán bộ. Tiếp tục nghiên cứu, bổ sung, cụ thể hóa 05 giá trị chuẩn mực học tập, làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh: Kiên định, kỷ cương, đoàn kết, nêu gương, sáng tạo vào các tiêu chí, tiêu chuẩn rèn luyện phấn đấu hàng năm của cán bộ, giảng viên, học viên và các hoạt động của nhà trường. Quan tâm cụ thể hóa phong trào thi đua: “nghiên cứu tốt, phục vụ tốt, giảng dạy tốt, quản lý tốt xây dựng nhà trường kiểu mẫu”. Chuyển mạnh từ quả lý hành chính sang quản lý phục vụ và kiến tạo. Tạo dựng cơ chế, môi trường thuận lợi với việc quản lý tốt mục tiêu, xây dựng thái độ học tập tích cực, phương pháp rèn luyện tư duy khoa học cho học viên. Phát huy vai trò là chủ, làm chủ của học viên trong học tập, rèn luyện phát triển phẩm chất và năng lực. Nâng cao chất lượng, sức lan tỏa của hoạt động biểu dương, tôn vinh tập thể kiểu mẫu, học viên gương mẫu gắn với nghi lễ chào cờ đầu tuần, đầu tháng. Quan tâm xây dựng Đảng bộ nhà trường  trong sạch, vững mạnh; phát huy vai trò của các đoàn thể chính trị - xã hội; các tổ chức nghề nghiệp trong đồng hành – phát huy đoàn viên, hội viên chủ động đổi mới tư duy, phong cách nghiên cứu, phục vụ, giảng dạy, quản lý đáp ứng yêu cầu xây dựng Trường Chính trị đạt chuẩn, giai đoạn 2017 - 2020.
          Năm là, nâng cao chất lượng và mở rộng quan hệ hợp tác quốc tế
Thực hiện Bản Ghi nhớ hợp tác giữa Trường Chính trị tỉnh Thanh Hóa và Trường Chính trị - Hành chính tỉnh Hủa Phăn, nước CHDCND Lào, giai đoạn 2016 - 2020,nhà trường chú trọng việctổ chức, quản lý có chất lượng và hiệu quả các lớp đào tạo Trung cấp Lý luận chính trị - hành chính và bồi dưỡng chương trình lãnh đạo cấp phòng cho đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý cấp phòng tỉnh Hủa Phăn. Luân phiên tổ chức các chương trình trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm về đổi mới phương pháp giảng dạy, nghiên cứu khoa học và quản lý nhà trường giữa cán bộ, giảng viên Trường Chính trị - Hành chính tỉnh Hủa Phăn với Trường Chính trị Thanh Hóa. Hàng năm tham mưu cho tỉnh tổ chức các hoạt động giao lưu văn hóa; gặp gỡ, động viên các học viên của nước Cộng hòa dân chủ nhân dân Lào đang học tập, rèn luyện tại Thanh Hóa. Tham mưu, đề xuất nghiên cứu tổng kết các hoạt động hợp tác quốc tế giữa tỉnh Thanh Hóa với tỉnh Hủa Phăn, giai đoạn 2015 – 2020, hướng tới thực hiện hiệu quả chương trình hợp tác giữa hai tỉnh và hai nhà trường, góp phần tô thắm tình hữu nghị Việt – Lào, Thanh Hóa – Hủa Phăn mãi mãi xanh tươi, đời đời bền vững./.
-------------------
(1) Theo tinh thần Nghị quyết số 29-NQ/TW ngày 04/11/2014 của Ban chấp hành Trung ương Đảng, khóa XI về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế
(2) Theo tinh thần Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVIII.   
Số lượt truy cập
Hôm nay:
1657
Hôm qua:
1933
Tuần này:
3590
Tháng này:
40171
Tất cả:
4.338.708