NHIỆT LIỆT CHÀO MỪNG KỶ NIỆM 114 NĂM NGÀY QUỐC TẾ PHỤ NỮ 8/3 ( 8/3/1910 – 8/3/2024) VÀ 1984 NĂM KHỞI NGHĨA HAI BÀ TRƯNG!

Tìm hiểu chính sách kinh tế mới của Lê - Nin và sự vận dụng trong nền kinh tế thị trường định hướng XHCN ở Việt Nam hiện nay

Đăng lúc: 10:50:06 20/03/2018 (GMT+7)5961 lượt xem

ThS. Nguyễn Thị Lan Hương
 P. Trưởng Khoa LL Mác - Lênin, TT Hồ Chí Minh
 
          Một trong những di sản lý luận quan trọng nhất của V.I. Lênin về xây dựng chủ nghĩa xã hội (CNXH) là Chính sách kinh tế mới (NEP). Đến nay, tư tưởng của V.I. Lênin về NEP vẫn còn nguyên giá trị và có ý nghĩa quan trọng trong quá trình xây dựng CNXH ở Việt Nam, đặc biệt trong phát triển nền kinh tế thị trường (KTTT) định hướng xã hội chủ nghĩa (XHCN) hiện nay.
NEP là chương trình cải cách kinh tế ở Liên Xô, tháng 3 năm 1921, tại Đại hội X Đảng Cộng sản Bônsêvích Nga, dưới sự lãnh đạo của V.I. Lênin đã chuyển từ chính sách cộng sản thời chiến sang NEP. Người viết: “Chính sách kinh tế mới có nghĩa là thay thế chế độ trưng thu lương thực thừa bằng chế độ thu thuế. Chỉ có chính sách thuế lương thực mới phù hợp với nhiệm vụ chính trị của giai cấp vô sản, mới củng cố được cơ sở của CNXH1. Quyết định đó là bước ngoặt quan trọng trong việc V.I. Lênin và các lãnh đạo Bônsêvích Nga tìm tòi con đường xây dựng CNXH. NEP không thuần túy là một chính sách với nghĩa là một công cụ quản lý vĩ mô về kinh tế - xã hội của chính quyền Xô Viết, mà nó còn là tổng thể cải cách kinh tế - xã hội nước Nga theo XHCN. NEP bao gồm nhiều nội dung liên quan đến các lĩnh vực kinh tế, chính trị và xã hội, biểu hiện tập trung nhất trên các vấn đề cơ bản sau:
Một là, thực hiện chế độ thu thuế lương thực thay chế độ trưng thu lương thực thừa, cho phép người nông dân sau khi nộp thuế cho nhà nước được tự do buôn bán, trao đổi sản phẩm. Với tư cách là khâu đầu tiên, là “đòn xeo”, là “biện pháp cấp tốc, cương quyết nhất và cấp thiết nhất” để cải thiện đời sống nông dân và nâng cao lực lượng sản xuất của họ, và qua đó đã khuyến khích hàng hoá sản xuất nhiều và lưu thông nhanh chóng, quyền lợi của người nông dân tỷ lệ thuận với sự tích luỹ của xã hội. Nhờ thực hiện chính sách này khối lượng sản phẩm nông nghiệp tăng trưởng liên tục, kinh tế nông thôn hoạt động sôi nổi lên, sản xuất nông nghiệp được phục hồi nhanh chóng. Cùng với chính sách thuế lương thực, việc hủy bỏ các lệnh cấm buôn bán và việc đề ra các chính sách có tác động tích cực đến quan hệ tỷ giá giữa sản phẩm nông nghiệp và sản phẩm công nghiệp đã cải thiện đời sống của công nhân và nông dân. Theo V.I.Lênin, tự do buôn bán là "khôi phục chủ nghĩa tư bản trên một mức độ lớn", tuy nhiên "Kinh tế nông dân, với tư cách là một nền kinh tế tiểu nông, không thể đứng vững được, nếu không có một sự tự do trao đổi nào đó"2. Trong thời kỳ quá độ lên CNXH vẫn còn tồn tại chủ nghĩa tư bản, vì nó cần cho đông đảo quần chúng nông dân và cho tư bản tư nhân - những người phải buôn bán để thoả mãn nhu cầu của nông dân.
Hai là, chuyển cơ chế quản lý hành chính tâp trung cao độ sang quản lý dựa trên sử dụng quan hệ hàng hóa - tiền tệ, phát triển nền kinh tế nhiều thành phần, phát triển thị trường. Theo V.I.Lênin, giai cấp vô sản sau hai cuộc chiến tranh không có kinh nghiệm quản lý và do vậy, không có khả năng khẳng định sở hữu xã hội đối với tất cả các tư liệu sản xuất của xã hội. Để phát triển lực lượng sản xuất trong điều kiện mới hình thành, cần phải kiên quyết duy trì nền kinh tế nhiều thành phần. Hay nói cách khác, trong thời kỳ ban đầu, ngoài phương thức sản xuất xã hội chủ nghĩa (XHCN) mới được hình thành có vai trò chủ đạo thì cần phải cho phép tồn tại những phương thức sản xuất khác.Lênin khẳng định con đường đưa những người sản xuất hàng hóa nhỏ lên CNXH, đó là con đường hợp tác hóa. Lênin đã đưa ra hai loại hình hợp tác xã(HTX): HTX của những người nông dân và thợ thủ công và HTX tồn tại dưới hình thức CNTB HTX, được nhà nước sử dụng hướng vào con đường xây dựng CNXH.
Bên cạnh đó, theo V.I.Lênin, phải sử dụng CNTB nhà nước để xây dựng CNXH. CNTB nhà nước trong điều kiện chính quyền công nông là sự kiểm kê, kiểm soát và chi phối, tác động của Nhà nước XHCN vào các cơ sở sản xuất dựa trên chế độ sở hữu tư nhân về tư liệu sản xuất. Đối với tư bản nước ngoài, phải thu hút, thông qua chính sách tô nhượng nhà nước cho nhà tư bản nước ngoài thuê xí nghiệp, hầm mỏ, khu rừng, đất đai,... thông qua những hợp đồng buôn bán với các nhà tư bản lớn, và những hình thức khác để khôi phục và phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, nhận của họ những sản phẩm công nghiệp, những máy móc. Một điều quan trọng theo V.I.Lênin: "Tất cả các đồng chí đều phải làm kinh tế. Bên cạnh các đồng chí sẽ có những nhà tư bản, cũng sẽ có những nhà tư bản nước ngoài... Họ sẽ làm giàu bên cạnh các đồng chí. Cứ để cho họ làm giàu; còn các đồng chí thì sẽ học ở bọn họ cách quản lý kinh tế, chỉ có như thế, các đồng chí mới xây dựng được nước cộng hoà cộng sản chủ nghĩa"3. Có thể khẳng định, phát triển CNTB nhà nước không chỉ với tư cách một biện pháp “quá độ đặc biệt”, một mắt khâu “trung gian quan trọng xây dựng CNXH”, mà còn với tư cách là “chiếc cầu nhỏ vững chắc” mà giai cấp vô sản cần phải bắc để “xuyên qua” nó đi vào chủ nghĩa xã hội và đảm bảo cho CNXH được củng cố.
 Ba là, phải học tập và sử dụng những giá trị của CNTB đã tạo ra. V.I.Lênin kiên quyết phản đối việc đối lập tuyệt đối giữa CNTB và CNXH. Theo Người “lùi một bước” và “thỏa hiệp” với giai cấp tư sản như thu phục và trả lương cao chuyên gia tư sản là giải pháp tốt nhất  xúc tiến CNXH. V.I.Lênin cho rằng, không có sự chỉ đạo của các chuyên gia am hiểu các lĩnh vực khoa học, kỹ thuật và có kinh nghiệm tổ chức quản lý, thì không thể nào chuyển lên CNXH được, vì CNXH đòi hỏi một bước tiến có ý thức và có tính chất quần chúng để đi tới một năng xuất lao động cao hơn dưới CNTB dựa trên cơ sở những kết quả mà CNTB đã đạt được. V.I.Lênin nhấn mạnh, phải học khoa học và công nghệ, tổ chức lãnh đạo quản lý, giáo dục và đào tạo. CNXH có thể thực hiện được hay không là tùy vào sự kết hợp giữa chính quyền Xô Viết với những tiến bộ mới nhất của CNTB. V.I.Lênin chỉ rõ: “Dùng cả hai tay mà lấy những cái tốt đẹp của nước ngoài: Chính quyền Xô Viết + trật tự nước Phổ + kỹ thuật và cách tổ chức các tơrớt Mỹ + ngành giáo dục quốc dân Mỹ +… = CNXH4
Bốn là, xây dựng bộ máy quản lý nhà nước, phát huy vai trò của quần chúng nhân dân, chống chủ nghĩa quan liêu. Khi thực hiện chính sách kinh tế mới, V.I.Lênin rất chú ý đến việc xây dựng và kiện toàn bộ máy quản lý nhà nước, phát huy khả năng sáng tạo, tính năng động của quần chúng nhân dân sử dụng đội ngũ chuyên gia tư sản, thực hiện dân chủ, chống mọi biểu hiện của quan liêu,.. Theo Lênin phải xây dựng nhà nước pháp quyền XNCN từ lập pháp, hành pháp và tư pháp; đào tạo đội ngũ cán bộ có phẩm chất và phương pháp công tác tốt, thành thạo, biết tổ chức công việc. V.I.Lênin xác định ba kẻ thù có liên quan đến hiệu lực của bộ máy nhà nước: tính kiêu ngạo CSCN; nạn mù chữ; nạn hối lộ. Tính kiêu ngạo cộng sản dễ đưa người ta đến quá say sưa với những thắng lợi và từ đó rơi vào bệnh chủ quan duy ý chí, xa rời quần chúng, tham nhũng. Vì vậy, V.I.Lênin cho rằng để xây dựng được một bộ máy quản lý nhà nước có chất lượng, đủ sức thắng lợi công cuộc cải tạo và phát triển nền kinh tế đất nước theo tinh thần NEP, thì trước hết, chúng ta phải làm tốt công tác đào tạo, huấn luyện cán bộ. V.I.Lênin  đặc biệt nhấn mạnh việc tự học tập, tự rèn luyện trong thực tiễn công tác, coi trọng kiến thức thực tế, học hỏi kinh nghiệm quản lý của nước ngoài, tổ chức thi tuyển cán bộ để chọn ra những người có năng lực quản lý thực sự.
Như vậy, có thể khẳng định, NEP và việc thực hiện NEP ở nước Nga đầu những năm 20 của thế kỷ XX đã đặt ra nhiều vấn đề lý luận và thực tiễn cho sự nghiệp xây dựng CNXH trong thời đại ngày nay. NEP chính là một mẫu hình mới cho sự kết hợp những quy luật chung với những đặc điểm lịch sử - cụ thể của mỗi nước và trong mỗi giai đoạn phát triển lịch sử. NEP - một kiểu mẫu cho việc giai quyết những vấn đề cơ bản nhất, thiết yếu nhất trong thực tiễn sinh động của thời kỳ quá độ lên CNXH. Những vấn đề lý luận và thực tiễn ấy không chỉ có ý nghĩa cấp bách đối với nước Nga thời điểm đó mà hiện vẫn còn mang tính thời sự đối với việc phát triển nền KTTT định hướng XHCN ở nước ta hiện nay.
Trong hơn 30 năm đổi mới, Đảng ta đã vận dụng, phát triển sáng tạo NEP của V.I. Lênin trong việc phát triển nền KTTT định hướng xã hội chủ nghĩa phù hợp với điều kiện cụ thể của Việt Nam. Với tư duy đổi mới toàn diện đất nước, Đại hội VI của Đảng đã mở ra một bước ngoặt quan trọng trong việc phát triển nền kinh tế trong thời kỳ quá độ lên CNXH ở nước ta. Đại hội đã khẳng định việc giải phóng sức sản xuất và điều chỉnh cơ cấu đầu tư, xây dựng và hoàn thiện một bước quan hệ sản xuất mới phù hợp với tính chất và trình độ phát triển của lực lượng sản xuất theo hướng cơ cấu kinh tế nhiều thành phần là một đặc trưng của thời kỳ quá độ. Trên cơ sở nghiên cứu lý luận và tổng kết thực tiễn của của những năm tiến hành sự nghiệp đổi mới, Đảng ta đã tiếp tục khẳng định những tư tưởng cơ bản của V.I.Lênin về NEP và việc thực hiện NEP trên thực tế là một trong những cơ sở lý luận của đường lối đổi mới ở nước ta. Đường lối đổi mới đó cho phép chúng ta từng bước hình dung ngày càng sáng rõ hơn về CNXH, về con đường quá độ lên CNXH từ một nước tiểu nông, sản xuất hàng hóa nhỏ. Nghị quyết Hội nghị Đại biểu toàn quốc giữa nhiệm kỳ khóa VII của Đảng đã khẳng định: “Phải vận dụng sáng tạo và tiếp tục phát triển chủ nghĩa Mác – Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh, đặc biệt tư tưởng của Lênin về chính sách kinh tế mới.”5 Để thực hiện đường lối trên, Đại hội VIII đề ra nhiệm vụ đẩy mạnh công cuộc đổi mới toàn diện và đồng bộ, tiếp tục phát triển nền kinh tế nhiều thành phần vận hành theo cơ chế thị trường có sự quản lý của Nhà nước theo định hướng XHCN: “Thực hiện nhất quán, lâu dài chính sách kinh tế hàng hóa nhiều thành phần”. Đến Đại hội Đảng lần thứ IX, khái niệm KTTT định hướng XHCN chính thức được thể hiện trong các văn kiện, đồng thời khẳng định phát triển KTTT định hướng XHCN là  đường lối chiến lược nhất quán, là mô hình tổng quát trong suốt thời kỳ quá độ lên CNXH ở Việt Nam. Đây là mô hình kinh tế vừa có những đặc điểm chung của kinh tế thị trường, vừa có những đặc điểm riêng phù hợp với những đặc thù của Việt Nam. Kế thừa tư duy lý luận của Đại hội IX, Đại hội X của Đảng đã làm rõ thêm nội dung cơ bản của việc tiếp tục hoàn thiện thể chế KTTT định hướng XHCN trên các phương diện: nắm vững định hướng XHCN trong nền KTTT ở nước ta; nâng cao vai trò và hiệu lực quản lý của Nhà nước; phát triển đồng bộ và quản lý có hiệu quả sự vận hành các loại thị trường cơ bản theo cơ chế cạnh tranh lành mạnh. Đến Đại hội Đảng lần thứ XII, Đảng đã có bước phát triển mới về nền KTTT định hướng XHCN ở Việt Nam: “là nền kinh tế vận hành đầy đủ, đồng bộ theo các quy luật của nền KTTT, đồng thời đảm bảo định hướng XHCN phù hợp với từng giai đoạn phát triển của đất nước. Đó là nền KTTT hiện đại và hội nhập quốc tế; có sự quản lý của Nhà nước pháp quyền XHCN, do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo.6
Tóm lại, có thể khẳng định, những tư tưởng của V.I.Lênin về NEP và việc thực hiện NEP vừa là cơ sở lý luận, vừa là bài học kinh nghiệm trong quá trình phát triển nền KTTT định hướng XHCN ở nước ta hiện nay. Qua tổng kết thực tiễn, đúc rút kinh nghiệm và nghiên cứu lý luận, Đảng ta đã khẳng định một cách đúng đắn rằng: Trong thời đại ngày nay, con đường đưa nước ta đi lên CNXH một cách vững chắc không thể là con đường nào khác ngoài việc vận dụng một cách sáng tạo và tiếp tục phát triển chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, đặc biệt là tư tưởng của Lênin về NEP nhằm sáng tạo ra nhiều hình thức quá độ, nhiều nấc thang trung gian, phù hợp với thực tiễn nước ta nhằm thực hiện mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”. Chính vì vậy, những tư tưởng của V.I.Lênin về NEP là “cái cẩm nang thần kỳ” - là cơ sở lý luận để chúng ta hoạch định con đường quá độ lên CNXH ở nước ta trong giai đoạn hiện nay.
 
 

1.      V.I. Lê-nin: Toàn tập, tập 43, Nxb CTQG, ST, HN, 2005, Tr6;
2.      V.I.Lênin: Toàn tập, Nxb. Tiến bộ, Mátxcơva, 1978, t. 43, tr. 376;
3.V.I.Lênin: Toàn tập, Nxb Tiến bộ, Mátxcơva, 1978, t. 44, tr. 209;
4. V.I.Lênin: Toàn tập, tập 36, Nxb CTQG, ST, HN, 2005, Tr684;
5. Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Hội nghị đại biểu giữa nhiệm kỳ khóa VII, tháng 1 – 1994, Tr 24;
6. Văn kiện Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Nxb. Chính trị quốc gia - Sự thật, Hà Nội, 2016, tr. 102.
 
Số lượt truy cập
Hôm nay:
2142
Hôm qua:
1933
Tuần này:
4075
Tháng này:
40656
Tất cả:
4.339.193