HƯỞNG ỨNG NGÀY SÁCH VÀ VĂN HOÁ ĐỌC VIỆT NAM (21/4/2021 - 21/4/2024)

Tìm hiểu sự vận dụng của Đảng, Nhà nước ta về việc giải quyết vấn đề quyền con người

Đăng lúc: 11:54:14 01/02/2019 (GMT+7)1631 lượt xem

ThS. Bùi Thị Thu, Trưởng Khoa LLMLN, TTHCM
ThS. Nguyễn Thị Vân, GV Khoa Xây dựng Đảng
Vấn đề về quyền con người luôn được Đảng và Nhà nước ta nhất quán thực hiện, đây là nội dung, mục tiêu xuyên suốt quá trình tiến hành cách mạng do Đảng lãnh đạo. Tìm hiểu sự vận dụng của Đảng, Nhà nước ta trong việc giải quyết vấn đề quyền con người có thể tìm hiểu trên nhiều nội dung. Tuy nhiên, bài viết mạnh dạn trao đổi một số nội dung cơ bản sau:
Thứ nhất, quyền con người là mục tiêu của cách mạng nước ta
Trên thực tế, ngay sau Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công, thay mặt Nhà nước Việt Nam dân chủ cộng hòa, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã công bố Tuyên ngôn độc lập (2 - 9 -1945). Tuyên ngôn chỉ rõ: Tất cả mọi người sinh ra có quyền bình đẳng, tạo hoá cho họ những quyền không ai có thể xâm phạm được. Trong những quyền ấy, có quyền được sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc…. Tuyên ngôn không chỉ để khẳng định Việt Nam, một quốc gia độc lập mà còn tuyên ngôn việc thực hiện quyền con người là nhiệm vụ cao cả của cuộc cách mạng xã hội chủ nghĩa (XHCN) ở Việt Nam. Tiếp đó, Nghị quyết Đại hội Quốc dân Tân Trào (16-8-1945) đã xác định phải: “Ban bố những quyền của dân, cho dân: Nhân quyền, tài quyền (quyền sở hữu), dân quyền; quyền phổ thông đầu phiếu, quyền tự do dân chủ...”(1).
Nhằm khẳng định quyền con người là mục tiêu nhất quán của cách mạng XHCN nước ta, ngay bản Hiến pháp đầu tiên (năm 1946) của Nhà nước Việt Nam dân chủ cộng hoà và tiếp đến các Hiến pháp năm 1959, 1980, 1992, 2013 đều đã Hiến định rất rõ ràng. Từ đó, quyền con người luôn là giá trị được Đảng, Nhà nước và nhân dân Việt Nam đồng lòng, đồng sức, nêu cao ý chí quyết tâm bảo vệ và thực hiện.
Do nhất quán vấn đề quyền con người là khát vọng của nhân dân ta; là mục tiêu, nhiệm vụ hướng tới của cách mạng Việt Nam. Trong thời kỳ đổi mới, vì mục tiêu xã hội chủ nghĩa, từ thực tiễn của đất nước, Ban Bí thư Trung ương Đảng đã ban hành Chỉ thị số 12- CT/TW (12/7/1992), một lần nữa khẳng định: “Nhân quyền là thành quả của cuộc đấu tranh lâu dài qua các thời đại của nhân dân lao động và các dân tộc bị áp bức trên thế giới và cũng là thành quả của cuộc đấu tranh của loài người làm chủ thiên nhiên; qua đó, nhân quyền trở thành giá trị chung của nhân loại””(2). Vì vậy, nhiệm vụ rất quan trọng đối với sự nghiệp giải phóng con người mà cách mạng Việt Nam phải thực hiện là: Kế thừa và phát huy những truyền thống văn hoá tốt đẹp của tất cả các dân tộc trong nước, tiếp thu những tinh hoa văn hoá nhân loại, xây dựng một xã hội dân chủ, văn minh vì lợi ích chân chính về phẩm giá con người . Hơn thế còn xác định Việt Nam phải là thành viên có trách nhiệm cùng cộng đồng quốc tế nhằm bảo vệ các giá trị cao quý về quyền con người.
Điều đó cho thấy, Đảng, Nhà nước ta không chỉ thừa nhận, tôn trọng mà còn có trách nhiệm bảo vệ những giá trị về quyền con người; luôn coi đó là một trong các mục tiêu lớn của cách mạng nước ta.
Thứ hai, độc lập dân tộc, chủ quyền quốc gia và chủ nghĩa xã hội là điều kiện, tiền đề để thực hiện quyền con người
 Với bản chất nhân văn, Đảng ta luôn ý thức rằng, chỉ dưới chế độ XHCN quyền con người mới được thực thi đầy đủ và có điều kiện để đảm bảo một cách chắc chắn. Thứ nữa, chủ quyền quốc gia chính là điều kiện tiên quyết nhằm bảo đảm trên thực tế về quyền con người. Quyền con người chỉ được thực thi đầy đủ và đảm bảo khi chủ quyền quốc gia giữ vững. Mọi sự xâm phạm đến chủ quyền quốc gia chính là sự chà đạp lên nhân quyền cũng như quyền con người của người dân quốc gia đó. Nhấn mạnh điều này, sinh thời Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhiều lần nhắc nhở chúng ta, nếu nước độc lập mà dân không được hưởng hạnh phúc, tự do, thì độc lập cũng chẳng có ý nghĩa gì
 Báo cáo quốc gia kiểm định định kỳ việc thực hiện nhân quyền ở Việt Nam (trình bày tại phiên họp tháng 5/2009 của Hội đồng Liên hợp quốc về nhân quyền) đã khẳng định: “Qua thực tiễn, Nhà nước và nhân dân Việt Nam hiểu rõ nhân quyền gắn với độc lập, hòa bình, dân chủ và phát triển. Việc duy trì một môi trường hòa bình, ổn định từ khi đất nước thống nhất năm 1975 đến nay là một thành tựu to lớn và cũng là nền tảng vững chắc cho việc bảo vệ và thực hiện các quyền con người ở Việt Nam”(3).
Như vậy, để giành quyền con người, trước hết phải giành quyền tự do của mỗi con người. Có được điều đó, phải giành quyền tự do cho cả dân tộc, nhất là chủ quyền Quốc gia. Chủ quyền Quốc gia chính là nhân quyền tập thể của nhân dân, vì vậy, chủ quyền Quốc gia phải được tôn trọng và bảo vệ bằng pháp lý quốc tế. Hành vi xâm phạm đến chủ quyền quốc gia chính là hành vi chà đạp lên quyền con người. Nghĩa là nhân quyền không thể cao hơn chủ quyền; quyền con người bị xâm hại khi chủ quyền quốc gia bị xâm hại, nền độc lập dân tộc bị ảnh hưởng.
 Thứ ba, bảo đảm quyền con người gắn với trình độ phát triển kinh tế, văn hóa của quốc gia, dân tộc
Trên thực tế, quyền con người là giá trị chung, là sản phẩm của nhân loại sáng tạo nên trong lịch sử chinh phục, cải tạo thế giới. Tuy nhiên, quyền con người chỉ được thực hiện và bảo đảm trong hoàn cảnh lịch sử - xã hội rất cụ thể, gắn với  điều kiện về kinh tế, chính trị, văn hóa,… của mỗi quốc gia. Điều đó đặt ra, khi tiếp cận và xử lý vấn đề quyền con người đòi hỏi phải kết hợp hài hòa các chuẩn mực, nguyên tắc chung của luật pháp quốc tế với điều kiện đặc thù về lịch sử, chính trị, kinh tế - xã hội, các giá trị văn hóa, tôn giáo, tín ngưỡng, phong tục, tập quán của mỗi quốc gia và khu vực. Tách rời điều kiện, hoàn cảnh đó sẽ là giáo điều và ảo tưởng. Nhấn mạnh điều đó, Chỉ thị số 12 - CT/TW, Đảng ta đã chỉ rõ: “Nhân quyền luôn luôn gắn liền với lịch sử, truyền thống và phụ thuộc vào trình độ phát triển kinh tế, văn hóa của đất nước. Do vậy, không thể áp đặt hoặc sao chép máy móc các tiêu chuẩn, mô thức của nước này cho nước khác”(4).  “Nhà nước cần tiếp tục hoàn chỉnh hệ thống pháp luật, từng bước thể chế hoá nội dung các quyền con người phù hợp với điều kiện cụ thể nước ta và với tiêu chuẩn tiến bộ về quyền con người đã được quốc tế thừa nhận rộng rãi”(5). 
Nhằm đảm bảo quyền con người được thực hiện đi liền vớitrình độ phát triển kinh tế, văn hóa của quốc gia, dân tộc, Đảng ta đã kịp thời chỉ đạo nhà nước từng bước cụ thể hoá những giá trị về quyền con người, nhất là quyền làm chủ xã hội của mọi công dân Việt Nam thành các đạo luật cơ bản để thực hiện. Bởi vì, các quyền và lợi ích cơ bản của con người nếu không được pháp luật ghi nhận và bảo vệ thì không thể có bất cứ một quyền con người nào.
Thứ tư, quyền con người phải được bảo đảm bằng pháp luật, phải đủ cơ sở pháp lý thực hiện
 Nhận thức rõ quyền con người là sự thống nhất giữa quyền và nghĩa vụ công dân; lợi ích cá nhân với lợi ích cộng đồng. Nhưng phải có đủ cơ sở pháp lý, phải được quy định rõ ràng bằng pháp luật một cách đồng bộ và minh bạch. Vì thế, ở nước ta các quyền và lợi ích công dân, lợi ích cá nhân, lợi ích cộng đồng đã được Đảng và Nhà nước quy định rất rõ ràng trong các bản Hiến pháp và văn bản pháp luật. Cương lĩnh bổ sung, phát triển năm 2011 xác định: “Nhà nước tôn trọng và bảo đảm các quyền con người, quyền công dân; chăm lo hạnh phúc, sự phát triển tự do của mỗi người. Quyền và nghĩa vụ công dân do Hiến pháp và pháp luật quy định. Quyền của công dân không tách rời nghĩa vụ công dân. Nhân dân thực hiện quyền làm chủ thông qua hoạt động của Nhà nước, của cả hệ thống chính trị và các hình thức dân chủ trực tiếp, dân chủ đại diện”(6).  Để thực hiện các quyền con người, không thể tách rời nghĩa vụ và trách nhiệm công dân với nhà nước, cá nhân với xã hội trên nguyên tắc kỷ cương, bằng pháp luật. Thực hiện quyền con người của mình, mọi công dân Việt Nam có quyền thực hiện quyền tự do cá nhân khi pháp luật không cấm, nhưng không được xâm phạm quyền và lợi ích hợp pháp của người khác, của cộng đồng; nghiêm cấm mọi hành vi nguy hại đến an ninh quốc gia và trật tự xã hội. Đây chính là cách giải quyết và thực hành vấn đề nhân quyền trong thực tiễn. Nên, Hiến pháp (năm 2013) một lần nữa đã quy định rõ : “1) Quyền công dân không tách rời nghĩa vụ công dân. 2) Mọi người có nghĩa vụ tôn trọng quyền của người khác. 3) Công dân có trách nhiệm thực hiện nghĩa vụ đối với Nhà nước và xã hội. 4) Việc thực hiện quyền con người, quyền công dân không được xâm phạm lợi ích quốc gia, dân tộc, quyền và lợi ích hợp pháp của người khác”(7). Văn kiện Đại hội Đảng lần thứ XII, Đảng ta tiếp tục khẳng định: “Tập trung xây dựng những văn bản pháp luật liên quan trực tiếp đến quyền làm chủ của nhân dân”(8). Mặt khác, để quyền con người được bảo đảm và thực hiện trên thực tế, không chỉ Hiến định, Nhà nước ta còn ban hành nhiều văn bản pháp luật khác quy định rất cụ thể; đề ra và thực thi nhiều chính sách; luôn tích cực tham gia các điều ước quốc tế về quyền con người. Vì vậy, ở nước ta những năm qua, thực tế thực hiện vấn đề quyền con người luôn gắn liền nhiệm vụ xây dựng nước Việt Nam xã hội chủ nghĩa -  “dân giàu, nước mạnh, xã hội dân chủ, công bằng, văn minh”. Đồng thời còn đóng góp vào cuộc đấu tranh chung của nhân loại tiến bộ vì mục tiêu quyền con người.
(1) Đảng CSVN: Văn kiện Đảng toàn tập, Nxb CTQG, Hà Nội, 2000, t.7, tr 560.
(3)  Bộ Ngoại giao, “Báo cáo quốc gia kiểm điểm định kỳ việc thực hiện quyền con người ở Việt Nam”, đoạn 11, http://www.mofa.vn/vi/.
(2,) (4), (5)  Chỉ thị 12 - CT/TW, ngày 12-7-1992 của Ban Bí thư.
(6) Đảng CSVN: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI, Nxb CTQG, Hà Nội, 2011, tr 85.
(7) Quốc hội nước CHXHCN Việt Nam, Hiến pháp nước CHXHCNVN, Nxb CTQG, Hà Nội, 2013, Tr.15.
(8) Đảng CSVN: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Nxb CTQG, Hà Nội, 2016, tr 169.
 
Số lượt truy cập
Hôm nay:
1718
Hôm qua:
1836
Tuần này:
10048
Tháng này:
41694
Tất cả:
4.406.574