NHIỆT LIỆT CHÀO MỪNG KỶ NIỆM 114 NĂM NGÀY QUỐC TẾ PHỤ NỮ 8/3 ( 8/3/1910 – 8/3/2024) VÀ 1984 NĂM KHỞI NGHĨA HAI BÀ TRƯNG!

Tìm hiểu tư tưởng Hồ Chí Minh về đoàn kết Lương Giáo từ góc độ lịch sử

Đăng lúc: 17:08:49 18/05/2016 (GMT+7)1087 lượt xem

 ThS. Lê Thị Huyền - ThS. Lê Na
Giảng viên Khoa Xây dựng Đảng
 
Đoàn kết lương giáo là một trong những tư tưởng quan trọng của Chủ tịch Hồ Chí Minh về xây dựng khối đại đoàn kết dân tộc. Tư tưởng đoàn kết lương giáo của Hồ Chí Minh được tiếp thu sâu sắc Chủ nghĩa Mác - Lê Nin trong quá trình Người ra đi tìm đường cứu nước và vận dụng sáng tạo vào Việt Nam trong bối cảnh toàn dân tộc đang bị thực dân Pháp áp bức và đô hộ. Đây cũng chính là kim chỉ nam để Đảng, Nhà nước ta vạch ra đường lối, chính sách về tín ngưỡng, tôn giáo phù hợp với tình hình thực tế ở Việt Nam trong các chặng đường  phát triển tiếp theo của đất nước.
Trong quá trình ra đi tìm đường cứu nước, vấn đề tôn giáo và đoàn kết lương giáo được Chủ tịch Hồ Chí Minh quan tâm, phản ánh qua một số tác phẩm, tiêu biểu là Bản án chế độ thực dân Pháp, trên cơ sở phân tích các hành động tàn bạo của những người trong đứng đầu Giáo hội, Người đã chỉ cho độc giả thấy thời bấy giờ đời sống của người công giáo cũng chịu nhiều khổ cực như đồng bào lương. Những nông dân công giáo cũng chịu khổ đau, áp bức như người nông dân không theo tôn giáo, còn các môn đồ của Chúa không khác gì chúa đất:  “Giáo hội Xiêm thì chiếm một phần ba diện tích ruộng đất trong nước; giáo hội Nam kỳ một phần năm ruộng đất Nam kỳ, chỉ riêng ở Hà Nội đã chiếm một phần tư đất đai, lại có thêm một cái vốn nho nhỏ là 10 triệu phờ răng nữa”1. Năm 1941, Hồ Chí Minh về nước trực tiếp lãnh đạo cách mạng Việt Nam, thành lập Mặt trận Việt Minh (19/5/1941) tại chiến khu Việt Bắc, nhằm tập hợp rộng rãi mọi tầng lớp nhân dân mà ở đó: “… không phân biệt đảng phái, không phân biệt giai cấp, tôn giáo và xu hướng chính trị…”2 để phấn đấu cho mục tiêu đánh đuổi đế quốc Pháp và phát xít Nhật giải phóng và giành độc lập dân tộc. Ngoài ra, Người cũng đã tập hợp đông đảo quần chúng nhân dân vào một số tổ chức hội đoàn khác như: Công giáo cứu quốc, Phật giáo cứu quốc, Cao Đài cứu quốc… Sự ra đời của Mặt trận Việt Minh, các tổ chức hội đoàn như trên không chỉ làm cho đồng bào tín đồ các tôn giáo thực sự hòa mình vào cuộc đấu tranh của dân tộc, mà còn có giá trị lý luận thực tiễn cao trong việc khắc phục sự thiếu hụt trong tư duy đoàn kết truyền thống. Tư tưởng đoàn kết của Người đã được các Linh mục và giáo dân hết sức ủng hộ, như lời kể của linh mục Trần Tam Tỉnh: “Năm 1945, giám mục, Linh mục và giáo dân Việt Nam, tất cả đều ủng hộ Hồ Chủ Tịch3.
Năm 1946, cách mạng Việt Nam ở vào thế tựa “ngàn cân treo sợi tóc”, chính quyền cách mạng vừa mới thành lập đã phải đối diện với nhiều thứ giặc như: giặc đói, giặc dốt và giặc ngoại xâm. Đứng trước hoàn cảnh ấy, Chủ tịch Hồ Chí Minh và Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đã thực hiện tư tưởng “không phân biệt” nhằm đoàn kết hết thảy sức mạnh của cả dân tộc, lãnh đạo cách mạng Việt Nam vượt qua nhiều khó khăn, thách thức, bảo vệ thành công những giá trị mà cuộc cách mạng tháng Tám năm 1945 mang lại. Trong đó, Hồ Chí Minh đã chú trọng đến việc đoàn kết lương, giáo, Người cho rằng: bên cạnh việc đẩy mạnh nhiệm vụ đấu tranh với những kẻ nhân danh Chúa chống lại Tổ quốc, thì nhiệm vụ to lớn hơn của toàn Đảng toàn dân ta là đoàn kết với hàng triệu đồng bào Công giáo để xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân, đưa cuộc cách mạng đến thắng lợi. Trong một bức thư gửi lời cảm ơn tới đồng bào Công giáo ở các tỉnh Vinh, Hà Tĩnh, Quảng Bình năm 1945, Hồ Chí Minh đã khẳng định: “Đức GiêSu hy sinh vì muốn loài người được tự do hạnh phúc, đồng bào ta cả lương và giáo cũng vì tự do hạnh phúc cho toàn dân mà hy sinh phấn đấu4.  Trong Hiến pháp đâu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ghi rõ:“... từ bỏ con đường cũ, con đường của một Giáo hội Việt Nam hoàn toàn phụ thuộc vào thực dân Pháp, phục vụ cho những mục đích xâm lược và cai trị của chúng, để vươn lên tự làm chủ mình, đặng xác định đúng vị trí của mình trong lòng đại dân tộc Việt Nam”5
Tư tưởng đoàn kết lương, giáo được phát triển cao hơn trong Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến của Người ngày 19/12/1946: “Hỡi đồng bào! Chúng ta phải đứng lên! Bất kì đàn ông, đàn bà, bất kỳ người già, người trẻ, không chia tôn giáo, đảng phái, dân tộc, hễ là người Việt Nam thì phải đứng lên đánh thực dân Pháp, cứu Tổ quốc6. Thời kỳ này, nội dung các bài viết về vấn đề tôn giáo, Chủ tịch luôn gắn liền việc đạo với việc đời, tự do tín ngưỡng với giành độc lập dân tộc. Trong bài “Giặc Pháp và bù nhìn khinh phá đạo”, sau khi nêu ra tội ác của giặc Pháp và tay sai phản Chúa hại nước hại dân, Người kêu gọi: “ Lương giáo đoàn kết.
                                                         Diệt hết quân thù 7.
Sau khi thành lập Chính phủ mới, ban Thường vụ Trung ương, chủ trương đoàn kết hơn nữa với tất cả các giới, kể cả những cá nhân thuộc các dân tộc, tôn giáo khác nhau. Linh mục Lê Văn Yên được mời làm ủy viên Ủy ban kháng chiến tỉnh Bắc Ninh. Linh mục Phạm Bá Trực tự nguyện tham gia gánh vác nhiệm vụ làm cố vấn Chính phủ và đã “hứa sẽ cố gắng làm việc, một lòng vì nước vì dân8.
Trong những năm giữ cương vị Chủ tịch nước, Hồ Chí Minh thường viết thư, hoặc đi thăm các vùng có dân theo đạo để nắm sát tình hình và động viên giáo dân. Trong thư gửi các vị linh mục và đồng bào công giáo Việt Nam nhân ngày lễ Giáng sinh đầu tiên khi nước nhà được độc lập, Người viết: “Ngày nay đồng bào cả nước, giáo và lương đều đoàn kết chặt chẽ, nhất tâm nhất trí như con một nhà, cương quyết giữ vững quyền tự do độc lập. Ngoài sa trường các chiến sĩ lương và giáo đã xây nên một bức thành kiên cố vĩ đại để ngăn cản kẻ thù chung là bọn thực dân Pháp. Ở khắp nơi trong nước, đồng bào giáo và lương đang nỗ lực giúp vào việc kháng chiến và kiến quốc9. Đối với đồng bào công giáo lầm đường, lỡ bước Hồ Chí Minh luôn có thái độ mềm mỏng và khuyên bảo mọi người nên mở rộng tấm lòng “…đã là con Lạc cháu Hồng thì ai cũng ít nhiều có lòng ái quốc. Đối với những đồng bào lạc lối lầm đường, ta phải lấy tình thân ái mà cảm hóa họ. Có như thế mới thành đoàn kết, có đại đoàn kết tương lai chắc chắn sẽ vẻ vang…”10.
Bước vào thời kì chống đế quốc Mỹ xâm lược, vấn đề đoàn kết lương giáo của cả hai miền đặc biệt là ở miền Nam trở nên rất phức tạp. Đế quốc Mỹ không từ một thủ đoạn nào nhằm câu kết với bọn phản động lợi dụng Thiên chúa giáo để chống cách mạng miền Nam Việt Nam. Cuối năm 1958, dưới thời Ngô Đình Diệm, Miền Nam có 10% dân số là Công giáo mà có tới 30% dân biểu với 3 vị chủ tịch liên tiếp là công giáo trong chính quyền; 50% quân đội của Diệm là người Công giáo, khoảng 40% tướng tá ngụy là công giáo. Trước hoàn cảnh đó, Hồ Chí Minh không chỉ lo và đồng cảm với nỗi đau khổ của đồng bào Công giáo mà Người còn tiếp tục kêu gọi, động viên đồng bào phải chủ động noi theo gương sáng của Đức Chúa và phải thể hiện vào việc đời cụ thể. Người nói với đồng bào công giáo: “Phúc âm dạy chúng ta rằng: Chúa cơ đốc sinh ra làm gương mọi giống phúc đức như: hy sinh vì nước vì dân, làm gương lao động, công bằng ruộng đất, tin thờ Chúa bằng tinh thần. Chúng ta kháng chiến cứu nước, thi đua tăng gia sản xuất và tiết kiệm, cải cách ruộng đất đã làm cho người cày có ruộng, tín ngưỡng tự do. Như thế là những việc Chính phủ làm và nhân dân làm đều hợp tinh thần phúc âm. Cho nên tôi chúc đồng bào công giáo làm tròn chính sách của Chính phủ cũng là làm tròn tinh thần của Chúa Cơ đốc11.
Như vậy, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn quan tâm xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc, trong đó chú trọng việc đoàn kết lương, giáo nhằm tạo nên sức mạnh tổng hợp đánh thắng mọi kẻ thù xâm lược. Người kêu gọi đoàn kết lương giáo không chỉ nhằm xóa đi những thành kiến vốn có trong quá khứ, mà còn nhằm chống lại chính sách chia rẽ lương giáo nguy hiểm của bọn thực dân, phong kiến để phát huy truyền thống đoàn kết dân tộc, tăng cường lực lượng đáp ứng những yêu cầu của nhiệm vụ cách mạng, không chỉ kháng chiến mà cả kiến quốc, không chỉ trong cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân mà cả trong cách mạng xã hội chủ nghĩa. Chính tư tưởng đoàn kết lương giáo của Người sẽ mãi là chỉ dẫn quan trọng cho Đảng và Nhà nước ta thực hiện các chủ trương, chính sách về đoàn kết lương, giáo hiện nay nhằm phát huy sức mạnh cả dân tộc xây dựng và bảo vệ vững chắc độc lập Tổ quốc.
 
Chú thích:
1. Hồ Chí Minh, Tuyển tập, Nsb Sự thật, Hà Nội, 1960, Tr 165.
2.  Văn kiện Đảng 1930 -1945, Tập 3, Ban NCLSĐTƯ, H, 1977, Tr.448
3. Trần Tam Tỉnh, Thiên chúa và Hoàng đế - người Công giáo trong lịch sử của dân tộc Việt Nam, Ủy ban đoàn kết công giáo yêu nước Việt Nam, Nxb: Tp.HCM, Tr.52
4. Hữu Hợp – Tố Thanh, Công giáo Việt Nam trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược (1945 -1954),  T/C Nghiên cứu Lịch sử, số 1 -2/1988, Tr. 61.
5. Dẫn theo, Hữu Hợp – Tố Thanh, Công giáo Việt Nam trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược (1945 -1954), Bài đã dẫn, Tr.61
6. Hồ Chí Minh,Toàn tập, Tập 4: 1945-1946 (xuất bản lần thứ hai), Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 1995, Tr. 115
7. Hồ Chí Minh, Tuyển tập, Sđd, Tr.248.
8. Con đường hạnh phúc, con đường suy vong. Nxb Sự thật, 1953, Tr.34.
9. Hồ Chí Minh – Toàn tập, Tập 1, Sđd , Tr 430.
10. Hồ Chí Minh- Toàn tập, Tập 4, Sđd, Tr.121
11. Dẫn theo, Hữu Hợp - Tố Thanh, Công giáo Việt Nam trong kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược (1945 -1954), T/C Nghiên cứu Lịch sử, số 1-2/ 1988, Tr.62
12.  Hồ Chí Minh,Toàn tập, Tập VII: 1953-1955, Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 1995, Tr.197./.
 
Số lượt truy cập
Hôm nay:
3827
Hôm qua:
2605
Tuần này:
12645
Tháng này:
62802
Tất cả:
4.361.339