HƯỞNG ỨNG NGÀY SÁCH VÀ VĂN HOÁ ĐỌC VIỆT NAM (21/4/2021 - 21/4/2024)

TÌM HIỂU TƯ TƯỞNG HỒ CHÍ MINH VỀ GIẢI PHÓNG PHỤ NỮ

Đăng lúc: 13:15:26 19/10/2016 (GMT+7)1152 lượt xem

 
ThS. Đinh Thị Bình
Khoa LL Mác – Lênin, TT Hồ Chí Minh

Tư tưởng Hồ Chí Minh là một hệ thống quan điểm toàn diện và sâu sắc về những vấn đề cơ bản của cách mạng Việt Nam, mà nội dung cốt lõi là giải phóng dân tộc, giải phóng giai cấp, giải phóng con người. Cách mạng là sự nghiệp của quần chúng và vì quần chúng, trong đó, phụ nữ là một lực lượng quan trọng. Vì vậy, một trong những nhiệm vụ quan trọng của cách mạng là phải giải phóng phụ nữ, thực hiện nam nữ bình quyền. Đây cũng chính là một trong những nội dung cơ bản thể hiện tính nhân văn cao cả trong tư tưởng Hồ Chí Minh.  
Sự quan tâm to lớn của Người đối với sự nghiệp giải phóng phụ nữ được thể hiện ngay trong những bài báo đầu tiên Người viết ở Pháp. Người phản ánh trong các bài viết sắc sảo tình cảnh của người phụ nữ Việt Nam, đó là nỗi khổ cực của họ dưới chế độ thực dân phong kiến, bị coi thường và bị đàn áp vô cùng dã man.Trong tờ báo Lơ Paria ngày 1-8-1922, Người đã tố cáo tội ác man rợ của chế độ thực dân đối với người phụ nữ. Người viết: “Chế độ thực dân, tự bản thân nó đã là một hành động bạo lực của kẻ mạnh đối với kẻ yếu rồi. Bạo lực đó đem ra đối xử với trẻ em và phụ nữ lại càng bỉ ổi hơn nữa” (1). Người gọi chế độ thực dân là chế độ “ăn cướp và hiếp dâm”. Do đó, chỉ khi nào đánh đuổi được bọn thực dân cướp nước, giành độc lập dân tộc, người phụ nữ mới được giải phóng. Nếu không giải phóng phụ nữ thì không thể xây dựng được chủ nghĩa xã hội. Và chỉ có chủ nghĩa xã hội mới thật sự đem lại lợi ích cho con người, trong đó phụ nữ được chăm lo, được giải phóng. Đó cũng là công việc quan trọng trong công cuộc kiến thiết nước nhà, tiến lên xây dựng chủ nghĩa xã hội.
 Phải giải phóng phụ nữ, bởi lẽ trongxã hội Việt Nam, do chịu ảnh hưởng mạnh mẽ tư tưởng “trọng nam, khinh nữ”,  những quan niệm “nhất nam viết hữu, thập nữ viết vô”, quan niệm về “tam tòng”, tứ đức, “công dung ngôn hạnh… Những quan niệm này cùng với những quy định hà khắc của xã hội phong kiến đối với phụ nữ đã không những trói buộc người phụ nữ trong bổn phận làm vợ, làm mẹ, mà còn làm cho họ tự trói mình trong tâm lý tự ti, an phận, cam chịu, không cho họ có cơ hội và điều kiện được học hành, được tham gia các hoạt động ngoài xã hội. Như vậy, tư tưởng trọng nam khinh nữ là một tư tưởng đã ăn sâu trong đầu mọi người, mọi gia đình, mọi tầng lớp xã hội. Cho nên  muốn giải phóng phụ nữ, muốn “Giải phóng người đàn bà, đồng thời phải tiêu diệt tư tưởng phong kiến, tư tưởng tư sản trong người đàn ông”, không thể dùng bạo lực để đấu tranh hay dùng biện pháp hành chính cưỡng bức để loại bỏ mà phải thông qua cuộc cách mạng tư tưởng, các cuộc vận động, giáo dục, thuyết phục để xóa bỏ dần tư tưởng lạc hậu đó, xây dựng tư tưởng tiến bộ, tích cực trong mọi gia đình, mọi người trong xã hội. Việc xóa bỏ tư tưởng phân biệt nam- nữ phải thực hiện trên ba lĩnh vực: trong hoạt động xã hội; trong hôn nhân và gia đình; trong cuộc sống cá nhân, trí tuệ, tâm lý, tình cảm. Đó là một cuộc cách mạng to và khó. Bởi đây là vấn đề xã hội, nó đòi hỏi sự quan tâm của mọi người. Cái gốc là ở chỗ phải phát triển kinh tế, chính trị, văn hóa, pháp luật, phải cách mạng từng người, từng gia đình đến toàn dân. Giành quyền bình đẳng, chống sự phân biệt đối xử với phụ nữ không phải ai làm cho họ mà chính họ phải vươn lên, phải đấu tranh tự cường, tự lập để giữ lấy quyền lợi của mình.
Theo Hồ Chí Minh, phụ nữ muốn tiến bộ, muốn được bình đẳng thì phải “Nâng cao tinh thần làm chủ; phải xoá bỏ tư tưởng bảo thủ, tự ti; phải phát triển chí khí tự cường, tự lập, phải cố gắng học tập chính trị, văn hoá, kỹ thuật; nâng cao tinh thần yêu nước và giác ngộ xã hội chủ nghĩa” (2). Muốn làm được điều này “chị em phụ nữ không nên ngồi chờ Chính phủ, chờ Đảng ra chỉ thị giải phóng cho mình mà tự mình phải tự cường, phải đấu tranh”(3) ; “chúng ta làm cách mạng là để tranh lấy bình quyền bình đẳng, trai gái đều ngang quyền như nhau. Muốn làm được điều đó phụ nữ cần phải học, đã lâu chị em bị kìm hãm, đây là lúc chị em phải cố gắng để kịp nam giới, để xứng đáng mình là một phần tử trong nước, có quyền bầu cử và ứng cử” (4). Theo Hồ Chí Minh, phụ nữ chỉ thực sự được giải phóng khi xã hội không còn áp bức, bóc lột. Cho nên, Người đặt vấn đề giải phóng phụ nữ trong sự thống nhất với sự nghiệp giải phóng dân tộc, giải phóng xã hội và giải phóng con người qua các cuộc cách mạng dân tộc dân chủ và cách mạng xã hội chủ nghĩa. Đây là một sự nghiệp giải phóng chân chính, toàn diện và triệt để nhất, nhưng mới chỉ là bước đi đầu tiên có ý nghĩa quyết định mở đường cho quá trình dành quyền bình đẳng cho phụ nữ.
          Theo Hồ Chí Minh, giải phóng phụ nữ trước hết là giải phóng về chính trị. Giải phóng phụ nữ là một bộ phận của giải phóng dân tộc. Giải phóng dân tộc là tiền đề để giải phóng phụ nữ. Dân tộc được giải phóng, chính quyền được giải phóng, thì phụ nữ cũng phải được giải phóng,phụ nữ có quyền bình đẳng với nam giới trong việc ứng cử và bầu cử vào các cơ quan dân cử, hệ thống chính trị theo Hiến pháp, pháp luật. Trong Hiến pháp đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, Hồ Chủ tịch đã đưa vào hiến định là:“Tất cả quyền binh trong nước là của toàn thể nhân dân Việt Nam, không phân biệt nòi giống, gái trai, giàu nghèo, giai cấp, tôn giáo.” (5)  hay “Đàn bà ngang quyền với đàn ông về mọi phương diện” (6)
Muốn giải phóng phụ nữ một cách triệt để thì phải bằng các hình thức thích hợp đào tạo và bồi dưỡng họ trở thành những cán bộ giỏi, đủ sức thực hiện tốt nhiệm vụ được giao. Các cấp uỷ đảng, cơ quan, đơn vị phải quan tâm chăm lo công tác phụ nữ, đào tạo, bồi dưỡng cán bộ nữ, vì sự nghiệp giải phóng phụ nữ. Chính vì vậy Bác rất coi trọng xây dựng tổ chức làm công tác giải phóng phụ nữ. Người từng nhấn mạnh: “Non sông gấm vóc Việt Nam do phụ nữ ta, trẻ cùng già, ra sức dệt thêu mà thêm tốt đẹp, rực rỡ” (7)
          Giải phóng phụ nữ không chỉ giải phóng về mặt chính trị, mà còn giải phóng cả về mặt xã hội. Phụ nữ được bình đẳng với nam giới trong việc tham gia công việc xã hội; đồng thời bình đẳng trong hôn nhân với chế độ một vợ một chồng. Ngay sau khi Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ đạo xây dựng Hiến pháp và Luật Hôn nhân gia đình. Bác nhiều lần bày tỏ chính kiến trước công luận là phải tiêu diệt tư tưởng phong kiến và đầu óc gia trưởng, tư tưởng tư sản, trọng nam khinh nữ. Đồng thời phụ nữ phải tự giải phóng, tự vươn lên làm tốt vai trò của mình trong chế độ mới, chú trọng thiên chức của người phụ nữ trong gia đình. Người chỉ rõ: Công bằng cho phụ nữ là sự phân công một cách hợp lý công việc đến từng người, tuỳ theo khả năng, hoàn cảnh cá nhân và sức khoẻ. Sự bình đẳng phải được thể hiện trên mọi mặt chính trị, kinh tế, văn hoá, xã hội.
 Để giải phóng phụ nữ một cách triệt để hơn, thì theo Người phải bằng các hình thức thích hợp đào tạo, bồi dưỡng để người phụ nữ trở thành những cán bộ giỏi đủ sức thực hiện tốt nhiệm vụ được giao vì sự nghiệp cách mạng của toàn dân tộc nói chung và sự nghiệp giải phóng phụ nữ nói riêng.Theo Hồ Chí Minh  “Tất cả phải hăng hái nhận lấy trách nhiệm của người làm chủ đất nước, tức là phải ra sức thi đua, tăng gia sản xuất và thực hành tiết hiệm để xây dựng nước nhà, xây dựng Chủ nghĩa xã hội. Muốn làm tròn nhiệm vụ vẻ vang đó, phụ nữ ta phải xóa bỏ cái tâm lý tự ti và ỷ lại; phải có ý chí tự cường, tự lập… Phụ nữ phải nhận rõ địa vị người làm chủ nước nhà; phải có quyết tâm mới, đạo đức mới, tác phong mới để góp phần xứng đáng vào công cuộc xây dựng xã hội chủ nghĩa” (8).
Thực hiện những di huấn của Chủ tịch Hồ Chí Minh về giải phóng phụ nữ, thực hiện nam nữ bình quyền trong giai đoạn hiện nay, Đảng và Nhà nước ta đã bằng các việc làm, hành động cụ thể như thông qua các khung chính sách, pháp luật về bình đẳng giới, đồng thời luật hóa các quy định liên quan trong các công ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên qua các văn bản pháp luật tiêu biểu như: Luật Cán bộ, công chức, Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội, Luật Bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân… Luật Bình đẳng giới được Quốc hội thông qua năm 2006 đánh dấu bước ngoặt và có tính đột phá trong sự nghiệp bình đẳng giới ở Việt Nam. Ngày 27/4/2007, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết 11-NQ/TW về “Công tác phụ nữ thời kỳ đẩy mạnh CNH, HĐH đất nước” nhằm tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, tiếp tục đổi mới công tác phụ nữ, để phụ nữ tham gia đóng góp ngày càng nhiều và có hiệu quả hơn cho sự phát triển của đất nước, gia đình và xã hội. Nghị quyết ghi rõ: “Phấn đấu đến năm 2020, cán bộ nữ tham gia cấp ủy Đảng các cấp đạt từ 25% trở lên, nữ đại biểu Quốc hội và HĐND các cấp từ 35% đến 40%, các cơ quan đơn vị có tỷ lệ nữ từ 30% trở lên, nhất thiết có cán bộ lãnh đạo chủ chốt là nữ...”.
Luôn ghi nhớ công ơn, sự quan tâm của Bác cũng như của Đảng và Nhà nước dành cho phụ nữ, các thế hệ phụ nữ Việt Nam đã luôn cố gắng hết mình phấn đấu đóng góp công sức vào sự phát triển của đất nước trong từng giai đoạn lịch sử. Trong hơn thập kỷ qua, liên tục có Phó chủ tịch nước là nữ; lần đầu tiên trong Quốc hội Việt Nam có một vị Chủ tịch là nữ. Các nhiệm kỳ Đại hội Đảng luôn có nữ là ủy viên Bộ Chính trị, Ban Bí thư Trung ương Đảng và nhiều ủy viên Trung ương, bộ trưởng, thứ trưởng; tỷ lệ nữ trong quốc hội chiếm 25%...   ngày càng nhiều phụ nữ trở thành nhà chính trị, nhà khoa học, nhà quản lý, nhà văn, nghệ sỹ... Nhiều lĩnh vực không thể thiếu sự có mặt của người phụ nữ như giáo dục, dệt, may mặc, dịch vụ.
Có thể nói phụ nữ đã có những đóng góp quan trọng vào thành tựu của đất nước trên từng chặng đường phát triển. Và hiện nay, trong sự nghiệp đẩy mạnh CNH, HĐH đất nước, phụ nữ Việt Nam luôn vươn lên khẳng định vị trí người làm chủ bản thân, xã hội và gia đình. Trên tất cả các lĩnh vực sản xuất, đời sống, xã hội đều có và ngày càng nhiều phụ nữ tiêu biểu cho phẩm chất, năng lực, đạo đức con người mới. Vị thế và vai trò người phụ nữ ngày càng nâng cao.
(1). Hồ Chí Minh toàn tập, tập 2, Nxb CTQG, H.1995, Tr.96).
(3). Trích Bài nói tại Hội nghị cán bộ thảo luận Luật hôn nhân và gia đình ngày 10-10-1959, Sđd, t9, tr523,524
(4). Hồ Chí Minh toàn tập, t.4, Nxb CTQG, H, 1995, tr. 37).
(5). Hiến pháp năm 1946  (Điều 1)
(6). Hiến pháp năm 1946  (Điều 9)
(7). Hồ Chí Minh toàn tập, Tập 5, Nxb CTQG, Hà nội 1995,Tr.204
(8) . Hồ Chí Minh toàn tập, Tập 10, Nxb CTQG, Hà Nội 1995, Tr.294 -296)
 
Số lượt truy cập
Hôm nay:
1606
Hôm qua:
2628
Tuần này:
4234
Tháng này:
50608
Tất cả:
4.415.488