HƯỞNG ỨNG NGÀY SÁCH VÀ VĂN HOÁ ĐỌC VIỆT NAM (21/4/2021 - 21/4/2024)

Tìm hiểu Tư tưởng Hồ Chí Minh về quan hệ kinh tế quốc tế

Đăng lúc: 06:31:02 13/05/2016 (GMT+7)1134 lượt xem

 
ThS.  Nguyễn Thị Lan Hương
Phó trưởng khoa LL Mác - Lênin, TT Hồ Chí Minh
 
          Trên con đường bôn ba tìm đường cứu nước, giành độc lập cho dân tộc, mang lại tự do và hạnh phúc cho nhân dân. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã quan tâm đến việc mở rộng quan hệ quốc tế, đưa đất nước ta thoát khỏi ách đô hộ, khỏi nghèo nàn lạc hậu. Quá trình ấy đã sớm hình thành tư duy về quan hệ với kinh tế khu vực và kinh tế thế giới trong tư tưởng của Người. Có thể nói, Chủ tịch Hồ Chí Minh là người đặt nền móng cho vấn đề hội nhập kinh tế quốc tế của Việt Nam hiện nay.
          Đúng vậy, nội dung kinh tế nói chung và những quan điểm quan hệ kinh tế quốc tế nói riêng trong tư tưởng Hồ Chí Minh hình thành rất sớm và được bổ sung, hoàn chỉnh trong suốt tiến trình Người cùng Đảng ta lãnh đạo cách mạng Việt Nam. Ngay lúc còn hoạt động ở Pháp, tại Hội nghị Véc - xây (năm 1919) cùng với việc đưa ra yêu sách 8 điểm đòi quyền tự do dân chủ cho dân tộc mình, Nguyễn Ái Quốc đã bày tỏ sự tin tưởng vào việc hợp tác giữa các nước trong xây dựng và phát triển kinh tế. Người đã đưa ra nhận xét: “Xét về nguyên tắc, tiến bộ chung phụ thuộc vào sự phát triển chủ nghĩa quốc tế; và văn minh chỉ có lợi khi các quan hệ quốc tế được mở rộng và tăng cường1. Có thể thấy, trong những trang khảo sát về đời sống cơ cực của nhân dân Việt Nam, nhân dân Đông Dương và nhân dân các nước thuộc địa khác dưới ách áp bức thống trị của bọn thực dân, đế quốc, Người có tư tưởng khuyến khích các dân tộc phải mở cửa giao lưu, quan hệ bình đẳng, cùng có lợi và kịch liệt phê phán tư tưởng biệt lập áp đặt giữa dân tộc này với dân tộc khác.
          Cách mạng tháng Tám thành công, nước Việt Nam dân chủ cộng hòa ra đời, trong lúc kháng chiến còn đang gian khổ, ác liệt, Chủ tịch Hồ Chí Minh và chính quyền cách mạng vẫn nói rõ chủ trương mở rộng quan hệ hợp tác kinh tế quốc tế khi hòa bình được lập lại “Việt Nam sẽ đứng với tất cả các nước bầu bạn2.
          Ngay sau khi giành chính quyền bên cạnh việc củng cố và xây dựng dựng chính quyền còn non trẻ, Người đã đề xuất đến việc mở rộng quan hệ quốc tế nhằm đưa nước ta từ nghèo nàn, lạc hậu vươn lên sánh vai cùng các cường quốc năm châu. Trong bức thư gửi Tổng Thư ký Liên Hiệp Quốc tháng 12/1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định: “Đối với các nước dân chủ, nước Việt Nam sẵn sàng thực thi chính sách mở cửa và hợp tác trong mọi lĩnh vực:
a) Nước Việt Nam dành sự tiếp nhận thuận lợi cho đầu tư của các nhà tư bản, nhà kỹ thuật nước ngoài trong tất cả các ngành kỹ nghệ của mình;
b) Nước Việt Nam sẵn sàng mở rộng các cảng, sân bay và đường sá giao thông cho việc buôn bán và quá cảnh quốc tế;
c) Nước Việt Nam chấp nhận sự tham gia mọi tổ chức hợp tác kinh tế quốc tế dưới sự lãnh đạo của Liên Hiệp Quốc;
d) Nước Việt Nam sẵn sàng ký kết với các lực lượng hải quân, lục quân trong khuôn khổ của Liên Hiệp Quốc trong những hiệp định an ninh đặc biệt…”3.
Như vậy, ngay từ khi mới giành được độc lập, trong lúc đất nước đang chống thù trong giặc ngoài, nhưng Bác vẫn sớm có tầm nhìn chiến lược để gửi tới nhân loại bức thông điệp rõ ràng, sâu sắc, thể hiện nguyện vọng chân chính vì hòa bình và hợp tác yêu tự do và luôn phấn đấu để phát triển. Quan điểm sẵn sàng mở rộng hợp tác quốc tế kể cả với Pháp - một nước vốn cai trị, áp bức dân tộc Việt Nam trong gần một thế kỷ qua. Tuy nhiên, sự hợp tác phải dựa trên nguyên tắc hợp tác quốc tế một cách bình đẳng và cùng có lợi.
Tháng 1/1950, khi đi thăm nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa, thay mặt Chính phủ, Chủ tịch Hồ Chí Minh một lần nữa khẳng định: “Chính phủ nước Việt Nam dân chủ cộng hòa sẵn sàng đặt quan hệ ngoại giao với chính phủ nước nào trong quyên bình đẳng, chủ quyền lãnh thổ và chủ quyền quốc gia của nước Việt Nam, để cùng nhau bảo vệ hòa bình và xây đắp dân chủ thế giới.4 Quan điểm này vừa phù hợp với thực tại lịch sử, giữ được bản sắc văn hóa của dân tộc Việt Nam, vừa đúng với luật pháp và quy định quốc tế. Do đó, đã phát huy được tiềm năng sức mạnh của dân tộc và tranh thủ được sự ủng hộ, giúp đỡ của cộng đồng quốc tế.
Chủ tịch Hồ Chí Minh còn khẳng định, vấn đề hợp tác quốc tế nói chung và hợp tác kinh tế nói riêng, chỉ có thể thực hiện trên cơ sở tự nguyện và tôn trọng lẫn nhau. Người nói: “Người ta chỉ có thể hợp tác quốc tế chặt chẽ với nhau khi mối quan hệ đó là hoàn toàn tự nguyện, không có sự ép buộc và bất bình đẳng5. Và ngay trong những ngày lâm bệnh nặng, trong lá thư gửi Richard Nixon – Tổng thống Mỹ vào ngày 25/8/1969, Chủ tịch Hồ Chí Minh vẫn khẳng định: “Nhân dân Việt Nam chúng tôi rất yêu chuộng hòa bình, một nền hòa bình chân chính trong độc lập tự do thực sự…”6 Có thể khẳng định rằng, tư tưởng hòa bình, hữu nghị trong hợp tác quốc tế luôn thường trực trong con người lãnh tụ Hồ Chí Minh.
Tóm lại, tư tưởng về quan hệ kinh tế quốc tế của Chủ tịch Hồ Chí Minh là những quan điểm sáng tạo, có tầm nhìn vượt thời gian, là ngọn đuốc soi đường cho cách mạng Việt Nam. Đó là những bài học quý báu trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế hiện nay của nước ta. Vận dụng tư tưởng của Người trong công cuộc đổi mới, Đảng ta chủ trương xây dựng nền kinh tế mở, với phương châm đa phương hóa, đa dạng hóa nền kinh tế, hướng mạnh về xuất khẩu, tranh thủ vốn, công nghệ và thị trường quốc tế để công nghiệp hóa, hiện đại hóa nền kinh tế. Thực hiện chủ trương hội nhập kinh tế quốc tế của Đảng, đất nước chúng ta đã từng bước hội nhập ngày càng sâu rộng vào nền kinh tế khu vực và thế giới. Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ VII của Đảng đã xác định: “Việt Nam sẵn sàng là bạn với tất cả các nước trong cộng đồng quốc tế, phấn đấu vì hòa bình, độc lập dân tộc và tiến bộ xã hội.”7 Ngày 3/2/1994 lệnh cấm vận kinh tế chống Việt Nam của Mỹ kể từ năm 1975 chính thức được hủy bỏ, đã mở đường cho các cuộc đàm phán tiến tới bình thường hóa quan hệ hai nước. Tiếp theo là việc gia nhập ASEAN, APEC, WTO … cái đích cuối cùng của lộ trình hội nhập và cũng là điểm nút cuối cùng cần được tháo gỡ để kiến tạo một môi trường quốc tế thuận lợi cho sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Nhiều dự án đầu tư đã và đang góp phần làm tăng năng lực sản xuất, tạo ra sản phẩm mới, ngành nghề mới, xây dựng hình ảnh mới cho Việt Nam trên trường quốc tế. Vì thế, trong Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên CNXH (Bổ sung, phát triển năm 2011), Đảng ta tiếp tục khẳng định: “Thực hiện nhất quán đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, hòa bình, hợp tác và phát triển; đa phương hóa, đa dạng hóa quan hệ, chủ động và tích cực hội nhập quốc tế; nâng cao vị thế của đất nước …; là bạn, đối tác tin cậy và thành viên có trách nhiệm trong công đồng quốc tế, góp phần vào sự nghiệp hòa bình, độc lập dân chủ và tiến bộ xã hội trên thế giới8. Như vậy, trong quá trình đổi mới, trên nền tảng tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh, chúng ta đã xây dựng một đường lối đối ngoại phù hợp với tình hình trong nước và quốc tế, cho việc mở rộng kinh tế đối ngoại. Tiếp theo đó, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 22 – NQ/TW ngày 10/4/2013 đã xác định rõ hội nhập quốc tế sẽ được triển khai sâu rộng trên nhiều lĩnh vực, đặc biệt hội nhập kinh tế phải gắn với yêu cầu đổi mới mô hình tăng trưởng và tái cơ cấu nền kinh tế.
Có thể khẳng định rằng, tư tưởng Hồ Chí Minh là tài sản vô giá của Đảng cộng sản Việt Nam và dân tộc Việt Nam. Trong đó những quan điểm tư tưởng của Người về quan hệ kinh tế quốc tế luôn là cẩm nang cho mọi hoạch định của Đảng ta về đường lối, chủ trương, chính sách trong hội nhập kinh tế quốc tế. Những thành công trong công cuộc đổi mới hôm nay trên đất nước chúng ta đang là biểu hiện cho sức sống mãnh liệt của tư tưởng Hồ Chí Minh, khẳng định giá trị lý luận và thực tiễn đối với công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội ở nước ta.
 
 
1.      Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb Chính trị Quốc gia, HN, 2002, t1, Tr 9
2. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb Chính trị Quốc gia, HN, 2002, t5, Tr 567
3. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb Chính trị Quốc gia, HN, 2002, t4, Tr 470
4. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb Chính trị Quốc gia, HN, 2002, t6, Tr 7-8
5. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb Chính trị Quốc gia, HN, 2002, t10, Tr 345
6. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb Chính trị Quốc gia, HN, 2002, t12, Tr 448
7. Văn kiện Đại hội Đảng: Toàn tập, Nxb Chính trị Quốc gia, HN, 2007, t 51, Tr 52 -53
8. Văn kiện Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XI, Nxb Chính trị Quốc gia, HN, 2011, Tr 83 - 84
Số lượt truy cập
Hôm nay:
457
Hôm qua:
2230
Tuần này:
5315
Tháng này:
51689
Tất cả:
4.416.569