NHIỆT LIỆT CHÀO MỪNG KỶ NIỆM 114 NĂM NGÀY QUỐC TẾ PHỤ NỮ 8/3 ( 8/3/1910 – 8/3/2024) VÀ 1984 NĂM KHỞI NGHĨA HAI BÀ TRƯNG!

Tìm hiểu tư tưởng Hồ Chí Minh về xây dựng xã hội học tập suốt đời

Đăng lúc: 08:49:49 18/05/2018 (GMT+7)2543 lượt xem

 ThS. Dương Thị Hằng
Phó trưởng Khoa Lý luận Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh
 
Những năm gần đây, xây dựng và phát triển xã hội học tập đã và đang trở thành xu thế ở nhiều quốc gia trên thế giới. Ở nước ta, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã sớm đề ra quan điểm học tập suốt đời khi nhiều lần yêu cầu mọi người phải học để không bị lùi so với yêu cầu công việc, yêu cầu xã hội. Người chủ trương xây dựng một nền giáo dục cho mọi người, không phân biệt tuổi tác, nghề nghiệp, với mục đích, nội dung và phương pháp phong phú, linh hoạt. Vận dụng quan điểm của Người sẽ giúp chúng ta có phương pháp giáo dục đúng đắn, góp phần xây dựng một xã hội học tập phát triển và đạt hiệu quả cao.
1. Vì sao phải học suốt đời
Khi chủ trương xây dựng nước Việt Nam mới, Chủ tịch Hồ Chí Minh từng chỉ rõ, trong xây dựng nước nhà đòi hỏi phải có nguồn nhân lực dồi dào và có những nhân tài. Do đó, người cổ vũ toàn dân: “chúng ta phải học và hoạt động cách mạng suốt đời. Còn sống thì còn phải học[①]. Người còn nhấn mạnh:  “không học thì không theo kịp, công việc nó sẽ gạt mình lại phía sau”[②], mọi người ai cũng cần phải học và học tập suốt đời vì “thế giới tiến bộ không ngừng, ai không học là lùi[③]. Để chống nạn mù chữ cho toàn dân, Người yêu cầu từ trẻ đến già, dù là đàn ông hay đàn bà, dù làm công việc gì thì ai cũng phải đi học, người biết chữ dạy cho người chưa biết chữ, “Vì lợi ích 10 năm thì phải trồng cây. Vì lợi ích trăm năm thì phải trồng người[④].
2. Ai phải học suốt đời
Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, để xây dựng một nền giáo dục lâu dài thì ai cũng phải tham gia học tâp, phải xác định rõ việc học cho từng đối tượng một cách thiết thực. Đối với học sinh tiểu học thì học yêu Tổ quốc, yêu đồng bào, yêu lao động, yêu khoa học, coi trọng của công; học sinh trung học thì học những tri thức phổ thông “chắc chắn, thiết thực, thích hợp với nhu cầu và tiền đồ xây dựng nước nhà”, bỏ những phần không cần thiết; với sinh viên thì “kết hợp lý luận với thực hành, ra sức học tập lý luận và khoa học tiên tiến của các nước bạn kết hợp với thực tiễn nước nhà...”. Từ đó, giúp học sinh biết phân biệt phải trái, đúng sai để ủng hộ cái đúng, chống lại những gì trái với quyền lợi của Tổ quốc và lợi ích của nhân dân, trái với khoa học, trái với đạo đức… Đối với người lớn, cần học những gì phù hợp với  trình độ, việc làm và nhu cầu của từng người; chẳng hạn như: Cán bộ công đoàn phải học khoa học, còn người quản lý xí nghiệp thì học quản lý xí nghiệp; cán bộ văn hóa thì học nghệ thuật, nghiệp vụ, văn hóa; “Tất cả các giáo viên chớ nên cho học thế này đã là đủ, mà phải tiếp tục học tập thêm để tiến bộ mãi[⑤] …  
Người còn cho rằng, trong cuộc sống có rất nhiều vấn đề cần quan tâm, nếu thấy cái gì học cái ấy thì chúng ta chỉ thu được một mớ kiến thức hỗn tạp, không có tác dụng với chính người học và cũng không đủ thời gian để học, hiểu hết tất cả. Do đó, ngoài việc học ở nhà trường theo chương trình quy định, chúng ta phải căn cứ vào trình độ nhận thức, công việc đang đảm nhiệm và vị trí của bản thân để lựa chọn những điều cơ bản, thiết thực, những vấn đề cần cho lĩnh vực công tác đang đảm nhiệm hoặc nhu cầu của mình để học. Và Người động viên: “Bác thường nghe nói có đồng chí 40 tuổi đã cho mình là già nên ít chịu khó học tập. Nghĩ như vậy là không đúng, 40 tuổi chưa phải là già. Bác đã 76 tuổi nhưng vẫn cố gắng học thêm. Chúng ta phải học và hoạt động cách mạng suốt đời. Còn sống thì còn phải học, còn phải hoạt động cách mạng[⑥]
3. Cách học tập suốt đời
Thứ nhất, “lấy tự học làm cốt”.
Chủ tịch Hồ Chí Minh cho rằng học hỏi là một việc phải tiếp tục suốt đời, do đó cần quan tâm đến phương pháp học tập, trong đó đặc biệt phải coi trọng phương pháp tự học, “học ở trường, học ở sách vở, học lẫn nhau và học ở nhân dân[⑦],  “học trong đời sống của mình,... học ở giai cấp công nhân[⑧], “chúng ta phải học và hoạt động cách mạng suốt đời. Còn sống thì còn phải học[⑨]. Mỗi người cần tranh thủ sự giúp đỡ, hướng dẫn chỉ bảo của thầy cô, bạn bè, đồng nghiệp và thực hiện phương châm học ở mọi lúc, mọi nơi, học trong khi giao tiếp, trong công việc hằng ngày, trong việc lớn cũng như việc nhỏ, trong kinh nghiệm thành công cũng như thất bại và học trong công tác vận động quần chúng.
Thứ hai, học mọi lúc, mọi nơi.
 Chủ tịch Hồ Chí Minh từng chỉ rõ: “Học ở đâu? Học ở trường, học ở sách vở, học lẫn nhau và học nhân dân, không học nhân dân là một thiếu sót rất lớn[⑩]. Chính việc thông qua học tập, tiếp xúc với nhân dân mà cán bộ, đảng viên có điều kiện gần gũi, nắm được tâm tư, nguyện vọng của nhân dân, từ đó tham mưu, đề xuất tiếp tục bổ sung, sửa đổi, hoàn thiện đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước đúng đắn, phù hợp với nguyện vọng của nhân dân. Theo Người, cuộc sống là một trường học thực tế sinh động, là nơi để “thực hành” những điều đã học. Học tập suốt đời là mỗi ngày phải học hỏi thêm được những điều mới mẻ; học đến đâu, luyện tập và thực hành đến đó. Trong lao động, làm việc là quá trình tự học tập, tích lũy, bổ sung kinh nghiệm, đúc kết kiến thức từ thực tiễn, và phải nghiên cứu kinh nghiệm cũ để giúp cho thực hành mới, lại đem thực hành mới để phát triển kinh nghiệm cũ làm cho nó đầy đủ, dồi dào thêm. Người còn nhắc nhở cán bộ ở các cơ quan “mỗi ngày ít nhất phải học tập một tiếng đồng hồ[11] và xem việc cán bộ, đảng viên lấy lý do vì bận việc mà xao nhãng chuyện học tập là “một khuyết điểm rất to[12].
Tư tưởng Hồ Chí Minh về học suốt đời là di sản vô giá, tạo động cơ thôi thúc mọi người ham học và học suốt đời. Trong nền kinh tế tri thức và hội nhập toàn cầu hiện nay, tư tưởng học tập suốt đời của Chủ tịch Hồ Chí Minh càng trở nên đúng đắn và gắn liền với giá trị thời đại. Việc học tập suốt đời sẽ góp phần tạo ra sự bình đẳng cho mọi người, làm cho mọi người đều có cơ hội học tập phù hợp với điều kiện và nhu cầu của mình. Thêm vào đó, tri thức nhân loại có khối lượng khổng lồ, luôn luôn phát triển và không ngừng đổi mới. Do đó, những kiến thức ban đầu, kỹ năng và tay nghề mà người học tiếp thu được trong nhà trường sẽ trở nên lỗi thời nếu không thường xuyên, liên tục được đào tạo, tự đào tạo và đào tạo lại thì không thể đáp ứng, thích ứng với nhu cầu xã hội mới.
Vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh, Đảng và Nhà nước ta đã đề ra chủ trương giáo dục suốt đời. Nghị quyết Hội nghị lần thứ hai Ban Chấp hành Trung ương khóa VIII nêu rõ, cần phát huy mạnh mẽ tinh thần tự học, bảo đảm thời gian tự học, tự nghiên cứu cho mọi người, và đặt ra một yêu cầu: “Phát triển mạnh phong trào tự học, tự đào tạo thường xuyên và rộng khắp trong toàn dân nhất là trong thanh niên[13]. Bộ Chính trị cũng ban hành Chỉ thị số 11-CT/TW ngày 13-4-2007 về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập, trong đó xác định: “Xây dựng xã hội học tập là nhiệm vụ của toàn Đảng, toàn dân, là mục tiêu cơ bản trong chiến lược chấn hưng và phát triển giáo dục của nước ta[14]. Gần đây là Nghị quyết số 29-NQ/TW ngày 4/11/2013 Hội nghị Trung ương 8 khóa XI về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, trong đó có nhiệm vụ là “Hoàn thiện hệ thống giáo dục quốc dân theo hướng hệ thống giáo dục mở, học tập suốt đời và xây dựng xã hội học tập[15]. Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc của Đảng cũng nhiều lần nêu ra chủ trương chuyển dần mô hình giáo dục hiện nay mô hình giáo dục mở - mô hình xã hội học tập và tư tưởng Hồ Chí Minh về học tập suốt đời, nhằm nâng cao dân trí, phát triển nguồn nhân lực, đào tạo nhân tài phục vụ công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước, nhất là trong bối cảnh nước ta hội nhập ngày càng sâu rộng vào nền kinh tế thế giới...
Có thể nói, điều cốt lõi trong xây dựng một xã hội học tập, học suốt đời là đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo cả về mục tiêu, nội dung, phương pháp giảng dạy lẫn cách kiểm tra, đánh giá; đề cao năng lực tự học mà chủ yếu là học cách học, đưa người học từ vị trí thụ động trở thành người chủ động, sáng tạo trong quá trình lĩnh hội kiến thức; hình thức giáo dục phải đa dạng, linh hoạt, phương pháp khoa học, áp dụng phương tiện hiện đại, tạo điều kiện cho mọi người, ở mọi lứa tuổi, mọi ngành nghề, mọi trình độ đều được học tập, cập nhật kiến thức, nâng cao năng lực, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế. 
Tài liệu tham khảo
1.                      Hồ Chí Minh toàn tập (Tập 4), Nxb CTQG, H. 2000.
2.                      Hồ Chí Minh toàn tập (Tập 5), Nxb CTQG, H. 2000.
3.                      Hồ Chí Minh toàn tập (Tập 6), Nxb CTQG, H. 2000.
4.                      Hồ Chí Minh toàn tập (Tập 9), Nxb CTQG, H. 2000
5.                      Hồ Chí Minh toàn tập (Tập 12), Nxb CTQG, H. 2000.
6.                      Chỉ thị số 11-CT/TW ngày 13-4-2007 của Bộ Chính trị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập.
7.                      Nghị quyết số 29-NQ/TW ngày 4/11/2013 Hội nghị Trung ương 8 khóa XI về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo.
 
 


[①] Hồ Chí Minh toàn tập (Tập 12), NXBCTQG, H.2000, tr. 92
[②] Hồ Chí Minh toàn tập (Tập 4), NXBCTQG, H.2000, tr.161
[③] Hồ Chí Minh toàn tập (Tập 4), NXBCTQG, H.2000, tr.161
[④] Hồ Chí Minh toàn tập (Tập 9), NXBCTQG, H.2000, tr.228
[⑤] Hồ Chí Minh toàn tập (Tập 9), NXBCTQG, H.2000, tr.222
[⑥] Hồ Chí Minh toàn tập (Tập 12), NXBCTQG, H.2000, tr. 92
[⑦] Hồ Chí Minh toàn tập (Tập 6), NXBCTQG, H.2000, tr.50
[⑧] Hồ Chí Minh toàn tập (Tập 9), NXBCTQG, H.2000, tr.416
[⑨] Hồ Chí Minh toàn tập (Tập 12), NXBCTQG, H.2000, tr. 92
[⑩] Hồ Chí Minh toàn tập (Tập 6), NXBCTQG, H.2000, tr.50
[11] Hồ Chí Minh toàn tập (Tập 5), NXBCTQG, H.2000, tr.273
[12] Hồ Chí Minh toàn tập (Tập 5), NXBCTQG, H.2000, tr.231
[13] Nghị quyết Hội nghị lần thứ tư Ban Chấp hành Trung ương khóa XII, Văn phòng Trung ương Đảng, Hà nội, 2016, tr. 28
[14] Chỉ thị số 11-CT/TW ngày 13-4-2007 của Bộ Chính trị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập.
[15] Nghị quyết số 29-NQ/TW ngày 4/11/2013 Hội nghị Trung ương 8 khóa XI về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo
Số lượt truy cập
Hôm nay:
2309
Hôm qua:
1933
Tuần này:
4242
Tháng này:
40823
Tất cả:
4.339.360