Trao đổi về cách thức xây dựng “công dân gương mẫu” ở Thanh Hóa hiện nay
Đăng lúc: 10:14:24 15/07/2016 (GMT+7)8336 lượt xem
ThS. Dương Thị Hằng
Khoa Lý luận Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh
Chủ tịch Hồ Chí Minh - lãnh tụ thiên tài của dân tộc, nhà giáo dục, nhà văn hóa lớn. Người đã hiến trọn đời mình cho sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc và bảo vệ hòa bình trên thế giới. Mong muốn cháy bỏng của Người là: “Suốt đời tôi chỉ có một ham muốn, ham muốn tột bậc, là làm sao cho nước ta được hoàn toàn độc lập, dân ta được hoàn toàn tự do, đồng bào ai cũng có cơm ăn áo mặc, ai cũng được học hành"1. Do vậy, sinh thời, mặc dù bộn bề với công việc lãnh đạo cách mạng nhưng Bác Hồ đã trực tiếp về các địa phương thăm hỏi cán bộ, nhân dân, gặp gỡ người già, trẻ nhỏ..., tìm hiểu thực tiễn, khái quát thành lý luận và chỉ đạo giải quyết tận gốc các vấn đề cách mạng từ cơ sở. Với Thanh Hóa, Bác đã nhiều lần về thăm và dành nhiều tình cảm đặc biệt. Theo Người, Thanh Hóa là vùng đất địa linh nhân nhân kiệt, có hào khí cách mạng kiên cường, có vị trí địa chiến lược quan trọng trên bản đồ đất nước, có nhiều lợi thế, tiềm năng phát triển. Trong lần đầu tiên về thăm Thanh Hóa, nói chuyện với các nhân sỹ, trí thức, phú hào tỉnh Thanh Hóa vào ngày 20/2/1947, Bác đã giao nhiệm vụ cho Thanh Hóa: “Tỉnh Thanh Hóa phải trở nên một tỉnh kiểu mẫu thì làm sao cho mọi mặt chính trị, kinh tế, quân sự phải là kiểu mẫu”. Về tiến trình xây dựng thành tỉnh kiểu mẫu, Bác chỉ rõ: “làm một người kiểu mẫu, một nhà kiểu mẫu, một làng kiểu mẫu, một huyện kiểu mẫu, một tỉnh kiểu mẫu. Quyết tâm làm sẽ trở thành kiểu mẫu”2.
Thực hiện di huấn của Người, để từng bước vững chắc xây dựng thành tỉnh kiểu mẫu, Thanh Hóa đã dành nhiều thời gian và tâm huyết để nghiên cứu và thực hiện. Rất nhiều hội thảo khoa học về tư tưởng Hồ Chí Minh, thực tiễn xây dựng con người mới trong thời kỳ hội nhập quốc tế, đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước đã được tỉnh tổ chức với sự tham gia của nhiều nhà khoa học, nhà lý luận nổi tiếng cả nước, tạo ra nhiều sản phẩm khoa học giá trị cao. Và từ những luận cứ khoa học đó, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã có chủ trương chỉ đạo UBND tỉnh cụ thể hóa các tiêu chí, tiêu chuẩn về “kiểu mẫu”. Ngày 17/2/2014, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 488/2014/QĐ – UBND quy định các tiêu chí kiểu mẫu và trình tự, thủ tục xét công nhận các danh hiệu kiểu mẫu theo lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa quê hương, đất nước giai đoạn 2014 – 2020. Tại quyết định số 488/2014/QĐ – UBND quy định công dân gương mẫu là công dân đạt được các tiêu chí sau:
“1. Gương mẫu chấp hành đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, các nội quy, quy định của cơ quan nơi công tác và địa phương nơi cư trú.
2. Yêu Tổ quốc, yêu quê hương, sống có lý tưởng cách mạng, có sức khỏe, năng động sáng tạo, có tri thức và kỹ năng nghề nghiệp, không ngừng nâng cao hiểu biết, trình độ chuyên môn, thực hiện tốt các chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp, có lòng nhân hậu, có tinh thần hợp tác quốc tế.
3. Cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư; có ý thức tập thể, có tinh thần tự nguyện vì lợi ích chung, có ý thức vươn lên trong học tập, công tác, sản xuất kinh doanh, vươn lên làm giàu chính đáng.
4. Có lối sống văn hóa lành mạnh, nếp sống văn minh, trung thực, nhân nghĩa, đoàn kết, sản xuất kinh doanh giỏi. Đạt các danh hiệu xuất sắc của các tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội; tổ chức xã hội nghề nghiệp.”
Công dân gương mẫu đã trở thành tiêu chí cơ bản trong hệ tiêu chí bình xét kiểu mẫu cho các đối tượng còn lại như: Gia đình kiểu mẫu với toàn thể các thành viên trong gia đình đạt công dân gương mẫu; cơ quan, đơn vị kiểu mẫu; doanh nghiệp kiểu mẫu với 95% trở lên cán bộ, công chức, viên chức, chiến sỹ lực lượng vũ trang, người lao động đạt công dân gương mẫu.
Để phấn đấu “Thanh Hóa phải trở thành tỉnh kiểu mẫu” và xây dựng “con người kiểu mẫu” ở Thanh Hóa đi vào thực tiễn có hiệu quả tạo ra động lực thúc đẩy phong trào, bài viết này trao đổi về cách thức xây dựng công dân gương mẫu ở Thanh Hóa như sau:
Thứ nhất, Đăng ký danh hiệu công dân gương mẫu
Cá nhân đăng ký danh hiệu công dân gương mẫu với cơ quan, đơn vị, tổ chức theo thẩm quyền được quy định tại Quyết định 488/2014/QĐ-UBND. Cụ thể: công dân ở khu dân cư đăng ký tại UBND xã; các cơ quan, đơn vị đăng ký tại bộ phận Thường trực Hội đồng Thi đua – khen thưởng của cơ quan, đơn vị mình.
Cá nhân đăng ký công dân gương mẫu phải nhận thức sâu sắc về chủ trương, quy định về công dân gương mẫu. Xuất phát từ thực tế của bản thân mình như: nhân thân; môi trường hoạt động, vị trí việc làm; quan hệ gia đình, xã hội…Qua đó xác định những tiêu chí cơ bản nhất mà bản thân mình cần đạt được mà đặt mục tiêu phấn đấu. Ví dụ: Doanh nhân thì tạo ra bao nhiêu lợi nhuận, tạo thêm bao nhiêu việc làm, tham gia hoạt động xã hội như thế nào, bảo vệ môi trường ra sao? Đối với công chức thì công chức lãnh đạo khác với công chức thường như thế nào trong thực hiện chức trách nhiệm vụ…
Tập thể, cơ quan, đơn vị có cá nhân đăng ký gương mẫu xem xét, lựa chọn công dân có khả năng hoàn thành mục tiêu lập danh sách để đưa vào diện theo dõi, bồi dưỡng và giúp đỡ. Tránh tình trạng động viên đăng ký theo phong trào, làm giảm ý nghĩa, giá trị và tầm quan trọng của danh hiệu.
Thứ hai, Thực hiện tiêu chí công dân gương mẫu
Sau khi đăng ký thực hiện công dân gương mẫu, cá nhân phải tự xây dựng chương trình hành động phù hợp để thực hiện. Quá trình thực hiện cần xác định những tiêu chí cơ bản, cốt lõi như: rèn luyện về đạo đức, lối sống; xây dựng ý thức chấp hành đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, các quy định của địa phương, đơn vị; những tiêu chí đặc thù của cá nhân mình. Bởi vì, khi những tiêu chí cơ bản phấn đấu tốt sẽ chi phối một cách tích cực để đạt các tiêu chí còn lại. Để đạt hiệu quả như mong muốn, công dân đó cần nhận thức rõ về mối quan hệ biện chứng giữa nhân tố chủ quan của bản thân và những điều kiện khách quan chi phối quá trình phấn đấu đạt tiêu chí công dân gương mẫu. Bên cạnh nỗ lực cố gắng tự thân, trong trường hợp cần thiết, cá nhân đề nghị được sự giúp đỡ từ tập thể.
Cấp ủy Đảng, chính quyền, đoàn thể, cơ quan, đơn vị nơi các cá nhân đăng ký gương mẫu sinh sống, học tập, công tác phải hết sức quan tâm, tạo các điều kiện thuận lợi cho họ phấn đấu, rèn luyện và cống hiến. Đó là sự hoàn thiện, đồng bộ về chủ trương, cơ chế, chính sách để cá nhân phát huy năng lực, sáng tạo, đảm bảo đầy đủ các quyền và nghĩa vụ theo quy định của pháp luật. Là những chính sách đặc thù về các lĩnh vực mà các cá nhân cần được hỗ trợ để vươn lên đạt những mục tiêu đã đăng ký. Ví dụ: cơ chế, chính sách đặc thù về thu hút đầu tư, hỗ trợ vay vốn phát triển sản xuất; cơ chế, chính sách về sử dụng nhân tài…
Thứ ba, Bầu chọn, công nhận công dân gương mẫu.
Hàng năm các địa phương, đơn vị tiến hành bầu chọn công dân gương mẫu. Những người đã đăng ký danh hiệu được Khu dân cư, Hội đồng Thi đua – khen thưởng của cơ quan đưa ra xem xét bầu chọn. Sau khi có kết quả, báo cáo Chủ tịch UBND cấp xã, Thủ trưởng cơ quan xem xét công nhận. Tuy nhiên, việc xem xét, bầu chọn, công nhận công dân gương mẫu phải trung thực, khách quan, dân chủ, công khai và minh bạch. Trong xem xét, bên cạnh việc rà soát, đối chiếu các tiêu chí theo quy định với bản đăng ký, bản khai thành tích; căn cứ vào thực tế, tập thể xem xét phải tính đến tiêu chí cơ bản mà người đề nghị xem xét đã đăng ký, cần tính đến mối quan hệ biện chững giữa các tiêu chí đó xem trong quá trình phấn đấu gặp những khó khăn, trở ngại gì để xem xét một cách khách quan, thấu đáo.
Thứ tư, Phương thức tôn vinh công dân gương mẫu.
Sau khi có Quyết định công nhận công dân gương mẫu, các địa phương, đơn vị phải kịp thời tổ chức lễ tôn vinh, trao Giấy chứng nhận và phần thưởng cho công dân đạt danh hiệu. Công dân gương mẫu là một danh hiệu thi đua vì vậy, rất dễ đánh đồng với các danh hiệu thi đua khác của cá nhân. Việc lựa chọn phương thức tôn vinh riêng đối với công dân gương mẫu là hết sức khó bởi nó cần có sắc thái và nội dung chuyên biệt. Đăc biệt là hình mẫu mà tỉnh Thanh Hóa lần đầu tiên xây dựng. Mặt khác, nếu tổ chức một cách qua loa, đại khái sẽ làm cho chủ trương lớn của tỉnh bị đánh giá không đúng với tầm vóc của nó. Để vừa tiết kiệm cho ngân sách của tỉnh, đồng thời đáp ứng các điều kiện, ý nghĩa, giá trị lý luận và thực tiễn của chủ trương xây dựng tỉnh kiểu mẫu, các địa phương, đơn vị cần xây dựng nội dung, hình thức tôn vinh để lồng ghép trong các chương trình tổng kết thi đua của địa phương, cơ quan, đơn vị nhưng phải đặt nó ở tầm vóc và giá trị cao để người được tôn vinh xứng đáng là công dân gương mẫu, là tấm gương cho tập thể, cộng đồng và xã hội noi theo.
Thứ năm, Nhân rộng điển hình công dân gương mẫu.
Như trên đã đề cập, trong quá trình bầu chọn, công nhận và tôn vinh, công dân gương mẫu nếu thực hiện một cách căn bản, khoa học, thực chất sẽ có hiệu ứng tích cực và sức lan tỏa lớn trong tập thể, cộng đồng và toàn xã hội. Cá nhân gương mẫu tiếp tục phấn đấu trở thành điển hình tiên tiến trong việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh ở từng giai đoạn và có những tấm gương suốt đời. Xây dựng cá nhân kiểu mẫu, tập thể kiểu mẫu để xây dựng tỉnh kiểu mẫu là việc làm thiết thực, có ý nghĩa nhân văn cao cả. Trước hết mỗi cá nhân phải tự ý thức sâu sắc vấn đề này, đồng thời, tập thể phải có tác động tích cực, thường xuyên để xây dựng và nhân rộng điển hình bằng phương thức nêu gương, bằng truyền thông và các cơ chế tác động khác.
Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh nói chung và thực hiện những lời dạy của Người đối với đồng bào Thanh Hóa nói riêng có rất nhiều nội dung, song, xây dựng công dân gương mẫu là thiết thực và có ý nghĩa ở Thanh Hóa trong thời kỳ đẩy mạnh CNH, HĐH quê hương, đất nước hiện nay. Hướng tới kỷ niệm 70 năm Thanh Hóa làm theo lời Bác, Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVIII, nhiệm kỳ 2015-2020 đã đề ra quyết tâm: " ...xây dựng Thanh Hóa thành tỉnh khá của cả nước vào năm 2020, đến năm 2030 cơ bản trở thành tỉnh công nghiệp theo hướng hiện đaị, phấn đấu trở thành "Tỉnh Kiểu Mẫu" như sinh thời Bác Hồ kính yêu hằng mong muốn"3.
Chú thích:
1. Hồ Chí Minh, Toàn tập, NXB CTQG, HN, 2002, T4, Tr 161
2. Hồ Chí Minh, Toàn tập, NXB Sự Thật, HN, 1984, T4, Tr 286
3. Văn kiện Đại hội Đảng bộ tỉnh Thanh Hóa lần thứ XVIII, Tr 212
Các tin khác
- Mô hình “5 được, 5 sản phẩm, 5 quán xuyến, 5 thông qua, 5 vai trò” trong công tác chủ nhiệm lớp
- Nữ cán bộ, viên chức Trường Chính trị tỉnh Thanh Hoá đẩy mạnh phong trào thi đua xây dựng trường đạt chuẩn mức 2
- Vận dụng quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh về chống thói ba hoa trong tác phẩm “Sửa đổi lối làm việc” để nâng cao chất lượng giảng dạy lý luận chính trị
- Giải phóng Thủ đô Hà Nội - Sự kiện trọng đại của dân tộc Việt nam
- Ý nghĩa của Tuyên ngôn Độc lập đối với cách mạng Việt Nam
- Học tập Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh về đoàn kết quốc tế
- Một số giải pháp xây dựng văn hóa doanh nghiệp trong cộng đồng doanh nghiệp tỉnh Thanh Hóa giai đoạn hiện nay - Thực tiễn từ Tổng Công ty Hợp Lực, Thanh Hóa
- Báo cáo từ chương trình nghiên cứu thực tế lớp Bồi dưỡng cán bộ dự nguồn Ban Chấp hành Đảng bộ và các chức danh lãnh đạo, quản lý huyện Thạch Thành, nhiệm kỳ 2025 - 2030, 2026 - 2031
- Giải pháp nâng cao chất lượng Trang thông tin điện tử Trường Chính trị tỉnh Thanh Hoá đáp ứng yêu cầu chuẩn hóa theo Quy định số 11
- Đóng góp của lực lượng vũ trang Thanh Hóa trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược
Liên kết website
Số lượt truy cập
Hôm nay:
714
Hôm qua:
1497
Tuần này:
6833
Tháng này:
14754
Tất cả:
5.107.263