NHIỆT LIỆT CHÀO MỪNG 49 NĂM NGÀY GIẢI PHÓNG MIỀN NAM, THỐNG NHẤT ĐẤT NƯỚC (30/4/1975 - 30/4/2024)

Trao đổi về việc đổi mới khâu thi tốt nghiệp hệ Trung cấp Lý luận chính trị - Hành chính ở Trường Chính trị tỉnh Thanh Hóa

Đăng lúc: 09:48:17 28/12/2015 (GMT+7)1734 lượt xem

 
                                                                               ThS. Lê Mỹ Dung
                                                                           Khoa Xây dựng Đảng
 
Để tạo bước chuyển biến về chất lượng đào tạo lý luận chính trị - hành chính đáp ứng ngày càng cao hơn nhu cầu học tập của cán bộ cơ sở, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh đã ban hành Chương trình đào tạo Trung cấp Lý luận Chính trị - Hành chính theo Quyết định số 1479/QĐ-HVCTQG thay cho chương trình đào tạo ban hành theo Quyết định số 1845/QĐ-HVCT-HCQG ngày 29/7/2009 của Học viện. Theo đó, Học viện đã ban hành Hướng dẫn về việc viết tiểu luận cuối khoá và thi tốt nghiệp đào tạo Trung cấp Lý luận Chính trị - Hành chính. Đây là sự đổi mới rất cần thiết.
Thực hiện Hướng dẫn số 08/HD-HVCTQG ngày 29/5/2014 của Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh về viết tiểu luận cuối khóa và thi tốt nghiệp đào tạoTrung cấp Lý luận Chính trị - Hành chính, từ tháng 8 năm 2014, Trường Chính trị Thanh Hoá đã tập trung đổi mới công tác ra đề thi tốt nghiệp theo hướng dẫn số 08/HD - HVCTQG với nội dung thuộc 03 khối kiến thức, của 10 phần học.
Qua triển khai thực hiện cho thấy, đa số các nội dung câu hỏi trong đề thi đã bám sát mục tiêu đánh giá về trình độ nhận thức của học viên về nội dung kiến thức khá cụ thể trong cấu trúc chương trình đào tạo và yêu cầu liên hệ với thực tiễn ở địa phương, đơn vị. Đề thi tốt nghiệp dưới dạng các câu hỏi như trên đòi hỏi học viên phải thực sự chú tâm nghe giảng, chủ động trao đổi, nghiên cứu, tìm hiểu kiến thức của bài học, môn học, đồng thời yêu cầu đối với người học phải biết lựa chọn nội dung kiến thức để trình bày cho phù hợp với yêu cầu của đề ra, cũng như dung lượng thời gian cho phép.
Qua các kỳ thi tốt nghiệp ở một số lớp tại chức mở ở các huyện trong tỉnh cho thấy, đa số học viên làm bài đạt kết quả tốt. Bởi vì, trình độ chuyên môn của cán bộ cơ sở hiện nay khá cao, nhiều học viên đã có trình độ chuyên môn đại học, trên đại học, thậm chí có cả học viên có học vị Tiến sĩ, cộng với họ đã có kinh nghiệm, có thời gian làm công tác quản lý ở địa phương, đơn vị và nét nổi bật là học viên đã có nhiều sáng tạo trong quá trình làm bài thi.
Tuy nhiên, với cách ra đề đó thì số học viên thuộc đối tượng dự nguồn, học viên thuộc đối tượng kế cận nguồn do chưa được cọ xát nhiều với thực tế, trình độ chuyên môn thấp, nên trong quá trình làm bài còn lúng túng và chất lượng của bài thi chưa cao, chưa đáp ứng được yêu cầu của đề thi. Ngoài ra còn tình trạng có một bộ phận học viên không chịu học, nghiên cứu chỉ trông chờ vào việc mang sách, vở ra chép hoặc photo đề cương của người khác đem vào phòng thi chép lại. Do đó, khi câu hỏi không giống đề cương chuẩn bị thì không làm được bài hoặc làm bài thi bị lạc đề.
Từ thực tiễn khâu thi đánh giá kết quả học tập của học sinh qua một số lớp Trung cấp lý luận chính trị - hành chính, tôi xin mạnh dạn đề xuất đổi mới khâu thi tốt nghiệp Trung cấp lý luận chính trị - hành chính cụ thể như sau:
Thứ nhất, Thực hiện Hướng dẫn của Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh về việc thi tốt nghiệp cuối khoá, nhưng có sự vận dụng để đảm bảo phù hợp với trình độ, đặc điểm nhận thức của người học, nhất là việc học lý luận chính trị mà đối tượng là cán bộ cơ sở (vừa học, vừa làm), thì chúng ta nên ra đề thi dưới dạng học hiểu thay vì đề thi dưới dạng học thuộc và đặc biệt đề thi phải có dung lượng, nội dung kiến thức cân đối, phù hợp với thời gian làm bài.
Thứ hai, Bên cạnh việc trực tiếp quan tâm đến khâu ra đề thi và đáp án, cần từng bước đổi mới toàn diện cả quá trình đào tạo: từ việc tuyển sinh đúng đối tượng; cho đến việc đổi mới, nâng cao chất lượng soạn, giảng của giảng viên; chú trọng áp dụng các phương pháp giảng dạy tích cực, hướng dẫn, giúp đỡ về phương pháp tự học, tự nghiên cứu của người học. Đồng thời phải đổi mới phương pháp quản lý học viên nhằm nâng cao ý thức, trách nhiệm học tập trên lớp, tự học tập, tự nghiên cứu. Đảm bảo để học viên nắm chắc kiến thức, biết sử dụng những kiến thức đã học, hình thành tư duy, sáng tạo vận dụng, liên hệ, đề xuất những giải pháp đúng đắn, cụ thể và khả thi vào điều kiện cụ thể của địa phương, đơn vị.
Trong quá trình ra đề và đáp án thi tốt nghiệp bao giờ cũng có hai phần (phần lý luận và phần liên hệ thực tiễn ở cơ quan, đơn vị). Do vậy, phần lý luận chỉ cần nêu những nội dung chính, còn yêu cầu học viên vận dụng nó trong thực tiễn công tác của mình như thế nào và cần tăng thang điểm cho phần liên hệ thực tiễn (phần lý luận: 4.0 điểm; phần liên hệ thực tiễn: 6.0 điểm). Ví dụ: Môn Nghiệp vụ công tác Đảng, đây là môn thuộc Khối kiến thức thứ ba (phần kỹ năng và nghiệp vụ). Phần lý luận của môn học đã có những văn bản của Đảng quy định, hướng dẫn rất cụ thể, chi tiết người học chỉ cần nắm vững và triển khai những ý chính nhất, phần này điểm tối đa là 4.0 điểm. Phần liên hệ thực tiễn ở cơ quan, đơn vị đòi hỏi sự vận dụng sáng tạo của học viên trong quá trình làm bài của mình và điểm cho phần này là 6.0 điểm.
Thứ ba, Xây dựng quy trình ra đề thi và đáp án chặt chẽ, khoa học; các đề thi được phân loại để đảm bảo phù hợp với từng nhóm đối tượng học viên (vì chúng ta có hai loại hình đào tạo: tập trung và tại chức, trong đó trình độ học viên là khác nhau). Vì vậy, để có thể sử dụng đề phù hợp cho từng nhóm loại đối tượng, chúng ta có thể sử dụng nhiều bộ đề thi cho từng loại đối tượng lớp học.
Việc đổi mới khâu thi tốt nghiệp ở Trường Chính trị tỉnh Thanh Hoá, thiết nghĩ, nếu thực hiện tốt những công việc trên sẽ góp phần tích cực về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, góp phần xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức cấp cơ sở Tỉnh Thanh Hoá có năng lực đáp ứng yêu cầu phát triển của tỉnh nhà trong giai đoạn đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa./.
  
Số lượt truy cập
Hôm nay:
1620
Hôm qua:
2395
Tuần này:
11798
Tháng này:
58172
Tất cả:
4.423.052