NHIỆT LIỆT CHÀO MỪNG KỶ NIỆM 114 NĂM NGÀY QUỐC TẾ PHỤ NỮ 8/3 ( 8/3/1910 – 8/3/2024) VÀ 1984 NĂM KHỞI NGHĨA HAI BÀ TRƯNG!

Trí thức Thanh Hóa trong phong trào yêu nước chống thực dân Pháp 30 năm đầu thế kỷ XX

Đăng lúc: 09:20:41 30/05/2017 (GMT+7)1342 lượt xem

 
 ThS. Lê Thị Hương
Phó trưởng Phòng N/C KH -TT - TL
                                                               
         Đầu thế kỷ XX, sau thất bại của các phong trào đấu tranh chống thực dân Pháp, nhất là phong trào Cần Vương yêu nước, giới nhân sĩ trí thức Việt Nam đã vượt qua ý thức hệ phong kiến “trung quân ái quốc”, chuyển sang lập trường mới, “yêu nước, thương dân, đòi quyền lợi cho nhân dân; nước với dân gắn chặt với nhau. Những trào lưu tư tưởng mới, nhất là tư tưởng dân chủ tư sản làm chuyển biến xã hội Việt Nam, làm nảy sinh các phong trào yêu nước cách mạng theo khuynh hướng dân chủ tư sản do các sĩ phu phong kiến vượt lên trên ý thức hệ phong kiến tiếp nhận, dẫn dắt lãnh đạo phong trào, đó là: Duy Tân Hội và phong trào Đông Du (1905- 1909) do Phân Bội Châu lãnh đạo; phong trào Duy Tân (1903- 1908) do các sĩ phu như: Phan Chu Trinh, Huỳnh Thúc Kháng, Trần Quý Cáp… khởi xướng, rồi phong trào Đông Kinh Nghĩa Thục của các sĩ phu Bắc Hà phát động. Các phong trào đấu tranh đó, đã tác động, ảnh hưởng mạnh mẽ đến tầng lớp trí thức ở Thanh Hóa.
          Cũng như các địa phương trong cả nước, nhân sĩ trí thức yêu nước Thanh Hóa lúc bấy giờ đã bắt gặp những tư tưởng tiến bộ của thời đại qua “Tân thư, Tân văn”, họ nhiệt huyết tham gia hưởng ứng các phong trào cách mạng theo khuynh hướng dân chủ tư sản như: Phong trào Đông Du, Duy Tân và Đông Kinh Nghĩa Thục... Tiêu biểu cho tầng lớp trí thức yêu nước chống Pháp lúc bấy giờ như: Nguyễn Xứng, Nguyễn Soạn, Nguyễn Lợi Thiệp, Nguyễn Đôn Dự, Lê Nguyên Thành, Hoàng Văn Khải… họ là những người từng thi cử đỗ đạt, làm quan trong triều, nhưng thấy rõ sự bất lực của vua, quan phong kiến Việt Nam, cảnh sống khốn cùng của nhân dân trong tỉnh, đã trở về quê nhà tham gia cuộc đấu tranh chống Pháp với việc truyền bá tư tưởng Duy Tân vào phong trào quân chúng nhân dân, thông qua việc tổ chức thảo truyền đơn kêu gọi nhân dân trong tỉnh đoàn kết chống lại chế độ thực dân, phong kiến; thực hiện cải cách văn hóa, xã hội, kinh tế nhằm nâng cao dân trí, dân khí và dân sinh; chống sưu cao, thuế nặng; chống chế độ bắt phu, bắt lính…
         Cùng với việc đấu tranh ở trong nước là phong trào xuất dương của tầng lớp trí thức Thanh Hóa. Năm 1906, trước khi sang Nhật, nhà chí sĩ yêu nước Phan Bội Châu đã dừng chân tại Thanh Hóa, gặp gỡ nhóm sĩ phu yêu nước xứ Thanh, cùng nhau bàn bạc về con đường cứu nước. Cụ Phan đã chọn Lê Khiết (người Thị xã Thanh Hóa) là một trong những “du học sinh” đầu tiên qua Nhật học ở Trường Đồng Văn thư viện.
         Như vậy, nhân sĩ Thanh Hóa trong chuyến xuất dương lần này là những người đầu tiên tham gia vào hoạt động phong trào Đông Du của Phan Bội Châu, cũng là những người mở đầu cho con đường cứu nước theo khuynh hướng dân chủ tư sản ở Thanh Hóa, góp phần thúc đẩy phong trào “xuất dương” của sĩ phu yêu nước trong tỉnh, dẫn đến sự ra đời Hội Duy Tân ở huyện Hoằng Hóa, dưới sự lãnh đạo của Thủ khoa Dự (Nguyễn Đôn Dự)...
         Phong trào “xuất dương” ở Thanh Hóa tuy diễn ra bí mật, không sôi nổi và mạnh mẽ, nhưng đã tác động đến phong trào đấu tranh trong toàn tỉnh, lôi kéo được các tầng lớp nhân dân trong tỉnh tham gia, nhất là tầng lớp trí thức. Phong trào Đông Du có một ý nghĩa lớn trong lịch sử dân tộc nói chung và Thanh Hóa nói riêng. Có thể khẳng định rằng phong trào Đông Du là hoạt động đầu tiên chống chủ nghĩa thực dân Pháp trên nền tảng Duy Tân, đổi mới.
         Năm 1907, Nguyễn Thượng Hiền, nguyên Đốc học Thanh Hóa, một yếu nhân trong phong trào Đông Kinh Nghĩa Thục đã tích cực truyền bá những tư tưởng cải cách văn hóa, xã hội theo xu hướng mới vào Thanh Hóa đặc biệt là vào tầng lớp trí thức với những tác phẩm nổi tiếng của Phan Bội Châu như “Việt Nam Vong quốc sử”, “Hải Ngoại Huyết thư”... Qua đây họ không chỉ được tìm hiểu về cuộc các mạng dân chủ tư sản mà còn tìm thấy con đường cứu nước mới, để lập nên “Tân Đảng” và tham gia phong trào Đông Du, từ đó, dẫn tới sự ra đời một số trường học và cơ sở kinh tế theo mô hình “Nghĩa Thục”, như: Hạc Thành Thư xã, Phương Lâu Công ty. Đây cũng chính là những cơ sở bí mật hoạt động tuyên truyền yêu nước, nuôi dưỡng những mầm mống cách mạng trong nhân dân Thanh Hóa, để rồi khi thời cơ đến sẽ thành một “động lực” của phong trào rộng lớn trên đất xứ Thanh, nhằm phối hợp với phong trào đấu tranh trong cả nước.
         Như vậy, cuộc vận động Duy Tân do các tầng lớp sĩ phu lãnh đạo được nhân dân hưởng ứng sôi nổi, diễn ra trên nhiều lĩnh vực như: Lập hội buôn, trại cày, cổ động hàng nội, mở mang dân trí, lập trường dạy chữ quốc ngữ, phong trào cắt tóc ngắn,…đã nhanh chóng đi vào các tầng lớp nhân dân từ đô thị về các làng quê nhưng phát triển mạnh mẽ nhất ở Thị xã Thanh Hóa.
         Giữa lúc cuộc vận động Duy Tân đang diễn ra sôi nổi, thì tiếng vang của phong trào Chống thuế ở Trung Kỳ dồn dập đến với Thanh Hóa, càng giục giã trí thức ở đây tham gia, hưởng ứng cuộc đấu tranh đòi quyền lợi từ tay bọn thực dân, phong kiến.
          Mở đầu là cuộc họp bí mật của các sĩ phu huyện Nông Cống, đó là: Cụ Tú Kiều, Lê Trọng Nhị, hai anh em Nguyễn Xứng, Nguyễn Soạn, Nguyễn Lợi Thiệp;  huyện Đông Sơn có Lê Nguyên Thành, Lê Văn Tiến, huyện thọ Xuân có Lê Duy Tá, Phủ huyện Thiệu Hóa có Lê Văn Tấn, Lê Xuân Mai… Họ bàn bạc, tổ chức đấu tranh bằng cách viết văn thơ ủng hộ phong trào chống sưu, thuế, cổ vũ lòng yêu nước của nhân dân trong tỉnh. Tờ hiệu triệu dán ở khắp đường phố, tại các gốc cây to ngoài đường, đại ý như: “Dân chúng Nam- Nghĩa miền Trung đã vì khổ chung của đồng bào mà họp nhau cầu giảm thuế là một việc chính đáng sẽ có kết quả tốt. Ấp Thanh Mộc ta là đất danh tiếng xưa nay, há toàn là đàn bà, không có bọn mày râu hay sao? Nếu dân tỉnh Thanh ta lãnh đạm, ngày sau được ân xá thuế sưu, chúng ta đang hổ thẹn ăn năn cũng muộn rồi…”. Dưới sự lãnh đạo của các sĩ phu Thanh Hóa dân chúng cùng nhau kéo đến Dinh Tổng Đốc và Tòa Công Sứ để đưa yêu sách giảm bớt sưu, thuế, điều chỉnh thể lệ đi phu. Kết quả, cùng với các tỉnh Trung Kỳ cuộc biểu tình Chống thuế ở Thanh Hóa buộc thực dân Pháp phải nới tay trong chính sách bóc lột của chúng, như giảm thuế thân từ 2,4 đồng xuống 2,2 đồng; giảm 4 ngày đi sưu xuống còn 3 ngày; giảm số ngày đi xâu làm việc “hàng tỉnh” từ 8 ngày xuống 5 ngày. [5;164]. Dưới sự lãnh đạo của các sĩ phu Thanh Hóa, phong trào chống thuế của nông dân mới chỉ diễn ra trong phạm vi phủ, huyện, chưa lên đến tỉnh, nhưng phong trào diễn ra sôi nổi, có tổ chức, thể hiện lòng yêu nước, chí căm thù, sức mạnh quật khởi, khả năng cách mạng to lớn và nguyện vọng sâu sắc của quần chúng nhân dân và chủ yếu là nông dân đứng lên chống thực dân, phong kiến. Cuộc biểu tình diễn ra tuy ngắn ngủi (chỉ trong vòng một tuần lễ) nhưng đã thu hút nhân dân xứ Thanh tham gia đông đảo và biểu hiện những nét mới của phong trào dân tộc, dân chủ.
           Từ hoạt động của phong trào Duy Tân cải cách đến phong trào Chống thuế ở Thanh Hóa, đều chứng minh sự tồn tại của khuynh hướng cách mạng dân chủ tư sản, đã làm chuyển biến về mặt lực lượng và phương thức đấu tranh. Mặc  dù các phong trào diễn ra sôi nổi, mạnh mẽ, nhưng cuối cùng bị thất bại. Điều đó chứng tỏ sự khủng hoảng về đường lối cứu nước và thiếu một giai cấp tiên phong lãnh đạo, hơn nữa phong trào đấu tranh theo khuynh hướng dân chủ tư sản không còn phù hợp. Thực tế này, đòi hỏi phải tìm ra con đường cứu nước mới, đó là con đường cứu nước theo khuynh hướng cách mạng vô sản.
          Trong hoàn cảnh đó, một bộ phận trí thức Thanh Hóa đã tìm đường ra nước ngoài, đến với chủ nghĩa Mác- Lênin, đến với con đường cách mạng vô sản được Nguyễn Ái Quốc giúp đỡ và dẫn dắt, tiêu biểu nhất là Lê Hữu Lập. Họ chính là người đầu tiên gieo hạt giống cách mạng, truyền bá chủ nghĩa Mác- Lênin vào quần chúng đang sục sôi tinh thần yêu nước trên quê hương của mình. Từ đấy, con đường cứu nước mới đầy triển vọng của cách mạng Việt Nam được hình thành - con đường cách mạng theo khuynh hướng vô sản.        Lê Hữu Lập tích cực hoạt động trong việc vận động thanh niên yêu nước sang Quảng Châu (Trung Quốc) để dự lớp huấn luyện chính trị của Nguyễn Ái Quốc giảng dạy. Sau khi được trang lý luận cách mạng vô sản, Lê Hữu Lập được chọn cử về nước trực tiếp lãnh đạo phong trào cách mạng ở Thanh Hóa. Lê Hữu Lập nhanh chóng phát động phong trào đọc sách báo cách mạng tại. Thành lập  Hội Việt Nam Cách mạng Thanh tại Thanh Hóa. Để phục vụ tốt cho việc tuyên truyền sách báo cách mạng cho nhân dân trong tỉnh, Lê Hữu Lập cùng một số đồng chí khi trở về nước mang theo sách báo mới đó là: “Báo Thanh niên”, tác phẩm “Đường Cách Mệnh” của Nguyễn Ái Quốc và lịch sử các nước trên thế giới như: Cách mạng tháng Mười Nga, tài liệu về chủ nghĩa Cộng sản…, những sách báo này nhằm mục đích giác ngộ quần chúng nhân dân đứng lên chống thực dân, phong kiến, giành độc lập. Những buổi trao đổi về tình hình cách mạng trong và ngoài nước bắt đầu được tổ chức, thu hút nhiều thanh niên trí thức trong tỉnh tham gia, nhưng tiêu biểu nhất là hoạt động thơ, văn cổ vũ tinh thần cách mạng. Nhiều đồng chí đã sáng tác thơ ca cổ động tinh thần yêu nước cùng với thơ ca cách mạng của Nguyễn Ái Quốc.
         Dưới sự lãnh đạo của Tổng Hội Thanh niên cách mạng Thanh Hóa, phong trào cách mạng trong tỉnh đã phát triển đòi hỏi phải có một tổ chức đảng cộng sản ra đời để lãnh đạo phong trào cách mạng đi đến thắng lợi. Trước yêu cầu đó, ở Thanh Hóa xuất hiện 3 chi bộ cộng sản như: Chi bộ Hàm Hạ, Thiệu Hóa, Thọ Xuân, đã tạo cơ sở quan trọng cho việc ra đời của Đảng bộ tỉnh Thanh Hóa.
         Ngày 29/7/1930, dưới sự chủ trì của đồng chí Lê Doãn Chấp, hội nghị đại biểu của ba chi bộ được tổ chức tại làng Yên Trường (Thọ Xuân). Hội nghị bàn đến công tác phát triển Đảng, gây dựng các tổ chức quần chúng như: Nông Hội đỏ, Công Hội đỏ…lấy tờ báo “Tiến lên” làm cơ quan ngôn luận của Đảng bộ và bầu Ban Chấp hành, đồng chí Lê Thế Long được bầu làm Bí thư. Đây là sự kiện trọng đại đánh dấu bước ngoặt của phong trào đấu tranh của tỉnh nhà. Từ đây nhân dân Thanh Hóa đã có một chính đảng vô sản lãnh đạo, vững bước tiến lên lập nhiều chiến công, viết tiếp những trang sử vẻ vang trong suốt những chặng đường cách mạng của mình góp phần to lớn vào sự nghiệp cách mạng chung của dân tộc.
         Như vậy, các phong trào yêu nước chống thực dân Pháp của tầng lớptrí thức Thanh Hóa 30 năm đầu, thế kỷ XX, đã có những bước phát triển quan trọng. Từ phong trào đấu tranh theo khuynh hướng dân chủ tư sản, với hoạt động tích cực của các sĩ phu yêu nước tiến bộ, đã chuyển sang khuynh hướng cách mạng vô sản dưới sự dẫn dắt và lãnh đạo của Nguyễn Ái Quốc. Sự tiếp nhận con đường cứu nước mới và sự nỗ lực của tầng lớp trí thức Thanh Hóa đã dẫn tới sự ra đời Đảng bộ tỉnh năm1930. Sau khi được thành lập Đảng lãnh đạo nhân dân giành được nhiều thắng lợi trong cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc và công cuộc đổi mới quê hương Thanh Hóa, từ đó góp phần từng bước thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVIII đã đề ra, sớm đưa Thanh Hóa trở thành tỉnh kiểu mẫu như sinh thời Chủ tịch Hồ Chí Minh hằng mong muốn.
 
 
         TÀI LIỆU THAM KHẢO
 
         1. Nguyễn Thế Anh (1973), “Phong Trào Kháng Thuế ở miền Trung 1908 qua châu bản triều Duy Tân”, Nxb Văn hóa, giáo dục, Sài Gòn.
         2. Nguyễn Thế Anh (1970), “Việt Nam dưới thời Pháp đô hộ”, Nxb Lửa Thiêng, Sài Gòn.
         3. BCH Đảng bộ tỉnh Thanh Hóa (2000), “Lịch sử Đảng bộ tỉnh Thanh Hóa”, Nxb Thanh Hóa.
         4. Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy tỉnh Thanh Hóa (2010), “Những Chiến sỹ cách mạng trung kiên tỉnh Thanh Hóa” (tập 1), Nxb Thanh Hóa.
         5. Nguyễn Văn Khánh (2004), “Trí thức với Đảng, Đảng với trí thức trong sự nghiệp giải phóng và xây dựng đất nước”, Nxb Thông tấn, Hà Nội.
Số lượt truy cập
Hôm nay:
3458
Hôm qua:
2605
Tuần này:
12276
Tháng này:
62433
Tất cả:
4.360.970