HƯỞNG ỨNG NGÀY SÁCH VÀ VĂN HOÁ ĐỌC VIỆT NAM (21/4/2021 - 21/4/2024)

Triết lý giáo dục phương Đông trong tư tưởng Hồ Chí Minh

Đăng lúc: 07:19:33 01/09/2016 (GMT+7)1321 lượt xem

 
 
 
TS. Hà Thị Thu[i]*
 
Giáo dục là một trong những vấn đề trọng yếu của một quốc gia, quan tâm đến vấn đề giáo dục là một trong những biện pháp mà các nhà chính trị phương Đông từ cổ chí kim dùng để trị nước, cũng là một trong những tư tưởng hạt nhân của Nho học. Sinh ra trong một gia đình nhà Nho, từ nhỏ Hồ Chí Minh đã tiếp xúc, học tập và lớn lên trong môi trường văn hóa Nho học, từ đó Người đã dần tiếp thu và học tập triết lý giáo dục của các nhà Nho. Tuy nhiên, trong quá trình tiếp thu và phát triển tư tưởng Nho gia, Người đã không sao chép giản đơn, “tuyệt đối hóa” các quan điểm của bậc tiền bối, mà từ những nội dung cơ bản trong tư tưởng Nho gia, Người đã tiếp thu, cải tạo và vận dụng sáng tạo, đưa vào những nội dung mới phù hợp với điều kiện xã hội Việt Nam hiện đại.
Đối với vấn đề giáo dục, Hồ Chí Minh đặc biệt quan tâm đến phương pháp giáo dục, vì theo Người, con người hoạt động tại bất cứ lĩnh vực nào đều cần có phương pháp, cách thức đúng đắn mới đạt được mục đích đặt ra; trong sự nghiệp giáo dục, phương pháp giáo dục là một trong những vấn đề quan trọng nhất, vì có phương pháp khoa học thì người học sẽ tiếp cận và tiếp thu tri thức nhanh nhất, nhiều nhất, đạt được thành tích tốt nhất. Do đó, Người chủ trương vận dụng sáng tạo triết lý giáo dục Đông – Tây, trong đó sử dụng các phương pháp giáo dục đúng đắn, tiến bộ của nhà Nho, xem đó như những kinh nghiệm phong phú để hoàn thiện quan điểm giáo dục của mình và là chìa khóa để gặt hái thành công trong sự nghiệp giáo dục.
Sự tiếp thu, vận dụng và phát triển phương pháp giáo dục Nho gia trong tư tưởng Hồ Chí Minh thể hiện trong một số nội dung sau:
1. Lấy giáo dục phát triển nhân tính
Hồ Chí Minh chủ trương lấy giáo dục để phát triển nhân tính, Người dùng lý luận về tính thiện của Nho gia để lập luận cho tính tất yếu của giáo dục đối với con người, cho rằng, con người ai cũng có thiện tâm, bản nhân, nhưng do sự ảnh hưởng của môi trường sống mà dần thay đổi, “mỗi con người đều có thiện và ác ở trong lòng. Ta phải biết làm cho phần tốt ở trong mỗi con người nảy nở như hoa mùa xuân và phần xấu bị mất dần đi”1. Vậy làm thế nào để tu dưỡng thiện tâm, rèn luyện nhân tâm, làm cho phần tốt nảy nở? Theo Người, chỉ có nhờ vào giáo dục, bởi vì giáo dục sẽ phát huy được tính thiện trong con người, hạn chế tính ác, vì:
Ngủ thì ai cũng như lương thiện, 
Tỉnh dậy phân ra kẻ dữ hiền. 
Hiền dữ đâu phải là tính sẵn, 
Phần nhiều do giáo dục mà nên.2
Tuy nhiên, Hồ Chí Minh không đồng ý với quan điểm “thiên phú” của các nhà Nho, Người cho rằng tính người phần lớn do giáo dục tạo nên, nhân cách con người có quan hệ mật thiết với hoạt động thực tiễn của bản thân họ. Người còn nhấn mạnh, con người sinh ra ai cũng trong sạch, tinh khiết, sau này trở thành tốt hay xấu phần nhiều đều do giáo dục:  “Óc những người trẻ tuổi trong sạch như một tấm lụa trắng. Nhuộm xanh thì nó sẽ xanh. Nhuộm đỏ thì nó sẽ đỏ. Vì vậy, sự học tập ở trường có ảnh hưởng rất lớn cho tương lai của thanh niên”3.
2. Kết hợp giữa “học” và “tư duy”, “học” và “hành”
Tán đồng quan điểm “học nhi thời tập chi”4 (học phải đi đôi với hành), “học nhi bất tư, tư nhi bất học tắc đãi”5 (học mà không suy nghĩ thì là học vẹt, cũng chỉ bằng không học, suy nghĩ mà không có tri thức thì chỉ là những suy nghĩ ảo, không có căn cứ để tin tưởng) của Khổng Tử, Hồ Chí Minh nhấn mạnh: “học phải nghĩ, học phải liên hệ với thực tiễn, phải có thực nghiệm và thực hành, học phải kết hợp với hành”6, tiếp thu tri thức phải đi kèm với suy nghĩ, học là phải suy nghĩ để vận dụng vào thực tiễn chứ không phải dùng lý thuyết suông. Người còn tiến một bước yêu cầu: học phải gắn với hành, phải kết hợp hoạt động giáo dục với hoạt động lao động sản xuất, nhà trường gắn với xã hội, lý luận gắn với thực tiễn… có như thế mới có kết quả giáo dục đúng đắn, hiệu quả. Theo Người, nguyên tắc thống nhất giữa lý luận với thực tiễn là một trong những phương pháp cơ bản của giáo dục, một người muốn trở thành người có tài năng thật sự, muốn trở thành người có ích cho xã hội phải nỗ lực học tập, học phải nghĩ, học phải làm, vì “Học mà không hành thì học vô ích. Hành mà không học thì hành không trôi chảy.”7
Từ việc phê phán nền giáo dục cũ chỉ chú trọng văn chương sách vở, xa rời thực tế; học chỉ để “vinh thân”, Hồ Chí Minh chỉ rõ, vai trò cốt lõi của nền giáo dục mới là “vì con người”, “giúp con người” và xây dựng nên những con người mới; học tập là “để làm việc, làm người, làm cán bộ. Học để phục vụ đoàn thể, giai cấp, nhân dân, tổ quốc và nhân loại”8; học để sửa đổi tư tưởng, vì tư tưởng có đúng thì hành động mới tránh được sai lầm, mới hoàn thành được nhiệm vụ cách mạng; học để rèn luyện đạo đức cách mạng, vì có đạo đức cách mạng mới không nề gian khổ hy sinh, thực hiện sự nghiệp cách mạng đạt đến thắng lợi hoàn toàn; học để nâng cao trình độ chuyên môn, hiểu biết quá trình phát sinh, phát triển của sự vật hiện tượng, đồng thời dự đoán, nắm bắt được kết quả của các vấn đề phát sinh, từ đó mà tin tưởng vào đoàn thể, tin tưởng vào nhân dân và tin tưởng vào tương lai của dân tộc.
3. Phát huy tính tích cực, chủ động trong học tập
Khổng Tử trong quá trình dạy học thường xuyên sử dụng phương pháp dẫn dắt nhằm giúp học sinh phát huy tính sáng tạo của mình, ông yêu cầu người học thường xuyên phát biểu ý kiến, nêu lên quan điểm của mình vì người học đóng vai trò chủ thể trong quá trình dạy học, thái độ, ý thức học tập quyết định kết quả học tập của họ... Nguyện làm “học trò nhỏ”9 của các bậc tiền bối, Hồ Chí Minh đã một đời không ngừng học tập và vun đắp cho sự nghiệp “trồng người”, trở thành tấm gương trong việc tự học, tự rèn luyện. Theo Người, trong quá trình học tập, người học phải phát huy tinh thần chủ động, sáng tạo, không nên tiếp thu tri thức một cách thụ động, máy móc; phải rèn luyện tác phong độc lập suy nghĩ và tự do tư tưởng, không nên nhất nhất tin vào từng câu, từng chữ trong sách vở; khi gặp vấn đề thì phải nêu ra cùng thảo luận để làm rõ; thường xuyên đặt câu hỏi cho mỗi vấn đề. để tìm ra đáp án chính xác, phù hợp với thực tế nhất; nâng cao tinh thần tự học, tự rèn luyện, xem việc tự học cũng là một yêu cầu bắt buộc của cá nhân; học gương người xưa để rèn luyện tinh thần tự học và không ngừng tiến bộ. Trả lời cho câu hỏi “học ở đâu?” Người chỉ rõ: “học ở trường, học ở sách vở, học lẫn nhau và học nhân dân. Không học ở nhân dân là một thiếu sót rất lớn”10. Người còn chỉ ra rằng, sự thành bại của việc học, không chỉ dựa vào khả năng dẫn dắt, hướng dẫn của người thầy, mà còn phản ánh năng lực học tập, tư duy của người học, “ý thức làm chủ không phải chỉ tỏ rõ ở tinh thần hăng hái lao động, mà còn phải tỏ rõ ở tinh thần say mê học tập để không ngừng nâng cao năng lực làm chủ của mình”11. Muốn có được kết quả học tập tốt, người học phải chú trọng việc nâng cao tính chủ động tìm kiếm và tiếp thu tri thức, trong quá trình học tập phải  phát huy năng lực tự tư duy, chủ động đ xuất ý kiến. Tri thức của con người không phải ở trên trời rơi xuống, mà phải thông qua sự chủ động của mỗi cá nhân trong việc tìm tòi, nắm vững và tích lũy tri thức. Mỗi người cần có thái độ học tập đúng đắn, chân thành, khiêm tốn, thật thà, “không biết phải học hỏi quần chúng nhân dân, không giấu dốt”12, phải xem việc học như một nhiệm vụ cần phải nỗ lực, tích cực để hoàn thành.
4. Học tập suốt đời
Khổng Tử cả đời vì nghiệp học, tận lực cho sự nghiệp giáo dục mà không bao giờ thấy thõa mãn, luôn chủ trương “ôn cố tri tân”13(tức là khi học phải dựa trên những tri thức đã được tích lũy từ các thế hệ trước, trên cơ sở đó không ngừng sáng tạo ra tri thức mới, mỗi lần học đều có một cách tư duy, lý giải, sáng tạo mới); “kiến hiền tư tề yên, kiến bất hiền nhi nội tự tỉnh dã”14(gặp bậc hiền nhân nên hướng đến học hỏi, gặp người không phải bậc hiền nhân thì tự ngẫm lại mình xem có mắc những tật xấu như người ta không mà sửa chữa) …
Tiếp tục tư tưởng của tiền bối, Hồ Chí Minh cho rằng, học tập là việc cả đời, không có giới hạn tuổi tác; muốn có kết quả học tập tốt, người học phải học ở mọi nơi, mọi lúc, học mọi người; học suốt đời; coi trọng việc tự học, tự đào tạo và đào tạo lại; học không biết chán, không bao giờ đủ, còn sống còn phải học. Học tập tại trường chỉ là một phần, phần chủ yếu là học trong lúc lao động, khi công tác và hoạt động thực tiễn, bởi vì không phải chỉ ở trường mới có những người thầy, mà những người bạn, người đồng chí, đồng nghiệp, đặc biệt là đông đảo quần chúng nhân dân chính là những người thầy tốt, những tấm gương sáng cho ta học tập; kiến thức thu hoạch được không chỉ giới hạn trong trường học, không có đủ đầy trong sách vở, mà phải được bổ xung từ những hoạt động thực tiễn, từ trong hiện thực cộng sống, đó là nguồn tri thức bất tận của con người. Hồ Chí Minh còn chỉ ra rằng, nhà giáo là người có vai trò to lớn trong sự nghiệp “trồng người”, là những người thầy cao quý, những “anh hùng vô danh”15. Tuy nhiên, nhà giáo muốn xứng đáng với vinh hạnh này, trước hết phải là những người học trò tốt, phải tự mình bồi dưỡng đạo đức cách mạng, không ngừng học tập nâng cao trình độ chuyên môn, phải là tấm gương sáng trong nói và làm, là chuẩn mực cho học sinh học tập noi theo, phải không ngừng học tập tiến bộ, phải luôn ghi nhớ “học tập không mỏi, cải tiến không ngừng”16.
Có thể thấy, trong quá trình tiếp thu Nho học truyền thống, Hồ Chí Minh đã vận dụng và phát triển phù hợp với thời đại mới, điều kiện lịch sử mới của dân tộc Việt Nam, từ đó tạo nên sự phong phú và hoàn thiện trong tư tưởng của mình, đồng thời đạt được hiệu quả giáo dục cao nhất. Điều này có ý nghĩa to lớn, bởi vì tư tưởng của Người, là sự tổng kết những giá trị tư tưởng của các bậc tiền bối đi trước, là những quan điểm phản ánh đúng đắn quy luật của đời sống xã hội, là những tổng kết lý luận được đúc rút từ chính hoạt động thực tiễn và thời gian dạy và học của bản thân Người. Phương pháp giáo dục của Người là những bài học quý giá, có giá to lớn cho các thế hệ người học tập và vận dụng để không ngừng hoàn thiện sự nghiệp giáo dục với mục tiêu phát triển con người, phát triển xã hội.
 


[i]*[i] Giảng viên Khoa Lý luận Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh.
Tài liệu tham khảo
(1),(3),(6) Hồ Chí Minh toàn tập (2000), T. 12, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, tr. 558, 102, 333
(2) Hồ Chí Minh toàn tập (2000), T. 3, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, tr. 383
(4),(5),(13),(14) Dương Bá Tuấn . Luận ngữ bình chú (1980), Nxb Trung hoa thư cục, Bc Kinh, tr. 1, 18, 17, 39
(7),(10) Hồ Chí Minh toàn tập (2000), T. 6, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, tr. 50, 50
(8) Hồ Chí Minh toàn tập (2000), T. 5, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, tr. 684
(9) Hồ Chí Minh về vấn đề tôn giáo và tín ngưỡng, Nxb Khoa học xã hội, H.1996, tr. 152
(11) Hồ Chí Minh toàn tập (2000), T. 10, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, tr. 103 – 104
(12) Hồ Chí Minh toàn tập (2000), T. 7, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, tr. 107
(15) Hồ Chí Minh toàn tập (2000), T. 4, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, tr. 548
(16) Báo Nhân Dân, tháng 3 năm 1960
Số lượt truy cập
Hôm nay:
720
Hôm qua:
2925
Tuần này:
8503
Tháng này:
54877
Tất cả:
4.419.757