NHIỆT LIỆT CHÀO MỪNG KỶ NIỆM 114 NĂM NGÀY QUỐC TẾ PHỤ NỮ 8/3 ( 8/3/1910 – 8/3/2024) VÀ 1984 NĂM KHỞI NGHĨA HAI BÀ TRƯNG!

Trường Chính trị tỉnh: Đổi mới nghiên cứu khoa học và tổng kết thực tiễn

Đăng lúc: 14:52:50 15/02/2016 (GMT+7)1171 lượt xem

 
Báo cáo Chính trị của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XVII tại Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Thanh Hóa lần thứ XVIII, nhiệm kỳ 2015 - 2020 trong phần công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị đã chỉ rõ: “Xây dựng Trường Chính trị tỉnh trở thành trung tâm đào tạo, bồi dưỡng cán bộ lãnh đạo, quản lý của tỉnh và khu vực”. Đây là nhiệm vụ nặng nề, cũng rất vinh quang, đòi hỏi mỗi cán bộ, giảng viên, học viên nhà trường phải ý thức rõ hơn trách nhiệm, nghĩa vụ truyền thụ và lĩnh hội kiến thức của mình. Để làm tốt nhiệm vụ đó, nhà trường xác định  phải đổi mới hơn nữa công tác nghiên cứu khoa học và tổng kết thực tiễn.

          Năm học 2015 - 2016 trường đã tổ chức 3 hội thảo khoa học cấp Học viện và cấp tỉnh, đó là: “Đổi mới công tác đánh giá hoạt động dạy - học trung cấp lý luận chính trị - hành chính”; “Giải pháp nâng cao nhận thức cho đội ngũ lãnh đạo cấp phòng về chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh ở Thanh Hóa”; “Nghiên cứu, vận dụng Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVIII, nhiệm kỳ 2015 - 2020 vào nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng cán bộ ở Thanh Hóa”.  Trường cũng bảo vệ đúng tiến độ và đạt loại xuất sắc 3 đề tài khoa học cấp tỉnh; tiếp tục đăng ký 3 đề tài mới. Hoàn thành tổng kết 7 vấn đề thực tiễn năm 2015, đó là: Giải pháp gắn đào tạo, bồi dưỡng với sử dụng cán bộ trong hệ thống chính trị cấp cơ sở ở Thanh Hóa hiện nay; phát huy dân chủ trong xây dựng nông thôn mới; giải pháp nâng cao hiệu quả hoạt động của HTX dịch vụ nông nghiệp ở Thanh Hóa; giải pháp nâng cao hiệu quả thực hiện cải cách thủ tục hành chính ở các sở, ngành và UBND cấp huyện, nhằm thực hiện tốt Nghị quyết 02 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XVII; nâng cao hiệu quả hoạt động giám sát của HĐND cấp xã; nâng cao chất lượng hoạt động giám sát và phản biện xã hội của MTTQ cấp xã; nâng cao năng lực lãnh đạo của cấp ủy, quản lý, điều hành của chính quyền cấp xã ở các huyện miền núi trong thực hiện Nghị quyết 09 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XVII.

              Nhà trường cũng đã triển khai 5 vấn đề thực tiễn năm 2016, đó là: Thực trạng và giải pháp nâng cao chất lượng cải cách thủ tục hành chính theo mô hình một cửa, một cửa liên thông của cấp xã trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa; thực trạng và giải pháp nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của tổ chức cơ sở Đảng ở doanh nghiệp ngoài quốc doanh trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa; thực trạng liên kết kinh tế giữa hộ nông dân với doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa; thực trạng và giải pháp nâng cao năng lực tham mưu và quản lý của đội ngũ cán bộ lãnh đạo cấp phòng ở Thanh Hóa; thực trạng và giải pháp nâng cao hiệu quả việc xây dựng và nhận diện các điển hình tiên tiến học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh ở Thanh Hóa hiện nay.
Để công tác nghiên cứu khoa học và tổng kết thực tiễn trong thời gian tới phù hợp với thực tế giảng dạy cũng như yêu cầu đặt ra từ cơ sở, nhà trường xác định rõ nội dung nghiên cứu phải tập trung vào việc quán triệt, cập nhật những vấn đề mới như nghị quyết mới, chủ trương mới, tình hình thế giới, trong nước, trong tỉnh, đời sống nhân dân để đưa vào giảng dạy. Đồng thời nghiên cứu làm sáng rõ cơ sở lý luận và thực tiễn 5 chương trình trọng tâm và 4 khâu đột phá mà Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVIII đã xác định. Trên cơ sở đó là việc tổng kết các nghị quyết mà Đảng bộ tỉnh đã ban hành trong nhiệm kỳ 2010 - 2015 tập trung vào việc xây dựng Đảng, chính quyền. Việc tổng kết phải gắn liền với bài giảng, với từng lớp học, từng đối tượng học viên để sao cho phù hợp, bảo đảm sự cảm thụ và tiếp thu tốt nhất, ứng dụng vào thực tế cao nhất sau khi học viên rời ghế nhà trường. Theo đó, cần phải tổ chức các mô hình lớp học 3 - 3 - 3. Nghĩa là 3 mục tiêu, 3 nội dung, 3 hoạt động. 3 mục tiêu gồm: Bảo đảm nâng cao nhận thức niềm tin, trách nhiệm; nâng cao kiến thức; hoàn thiện kỹ năng công tác theo vị trí chức danh, vị trí việc làm. 3 nội dung là: Cập nhật chủ trương, nghị quyết mới; cập nhật khoa học lãnh đạo, quản lý; chia sẻ, trao đổi kinh nghiệm cách làm tốt trong thực tiễn lãnh đạo, chỉ đạo cơ sở. 3 hoạt động là: Học các chuyên đề; tổ chức hội thảo khoa học chuyên đề; tổ chức nghiên cứu thực tế. Đây được xem là khâu đột phá để trở thành mô hình bồi dưỡng ở Trường Chính trị tỉnh. Muốn làm được điều đó nhà trường phải tăng cường tổ chức các hội thảo, đẩy mạnh xuất bản tập san nghiên cứu khoa học. Về lâu dài, đề nghị Tỉnh ủy cho chủ trương xây dựng Đề án đổi mới công tác nghiên cứu khoa học, tổng kết thực tiễn góp phần nâng cao công tác giảng dạy ở Trường Chính trị tỉnh giai đoạn 2016 - 2020; Đề án nâng cấp tập san nghiên cứu lý luận và thực tiễn phục vụ cho cán bộ cơ sở.
Đồng thời nhà trường sẽ tiếp tục đổi mới cách thức giảng dạy. Trước đây việc giảng dạy của giảng viên chủ yếu sử dụng từ giáo trình, nay yêu cầu phải tìm hiểu thực tế, tổng kết thực tiễn để giảng dạy. Giảng viên thực sự là nhà tổ chức, quản lý, định hướng việc học tập; học viên là chủ và làm chủ quá trình lĩnh hội kiến thức. Phương châm dạy là chuyển từ cái thầy có sang cái học viên cần. Giảng viên phải cập nhật kiến thức thực tiễn địa phương, ngành, lĩnh vực phù hợp với đối tượng đào tạo, bồi dưỡng như xây dựng Đảng, phát triển kinh tế... Mời các đồng chí thường trực, thường vụ huyện ủy, thị ủy, thành ủy, lãnh đạo ngành tham gia dạy cho học viên. Giáo viên Trường Chính trị tỉnh về địa phương nào giảng dạy phải nghiên cứu về địa phương đó trước khi đứng lên bục giảng. Giáo viên chủ nhiệm phải chủ động đề nghị, phối hợp với địa phương để tổng kết thực tiễn vấn đề giảng dạy. Đây là bước tiến về nhận thức, đòi hỏi cả giảng viên và học viên đều phải thay đổi tư duy. Mỗi cán bộ, giảng viên Trường Chính trị phải xác định rõ việc lấy hiệu quả phục vụ, thành công của học viên, tín nhiệm của Đảng bộ và nhân dân trong tỉnh làm mục tiêu phấn đấu...

Theo Hiệu trưởng Trường Chính trị tỉnh Lương Trọng Thành, năm 2016 nhà trường sẽ ký kết chương trình phối hợp phục vụ công tác nghiên cứu thực tế, tổng kết thực tiễn về gắn đào tạo với sử dụng cán bộ, xây dựng hệ thống chính trị, phát triển kinh tế - xã hội và luân chuyển giảng viên về giữ chức danh phó bí thư đảng ủy xã, phường, thị trấn với 5 đơn vị cấp huyện, 3 trường chính trị các tỉnh, thành phố và từ 8 - 10 đơn vị cấp xã. Xuất bản 3 cuốn sách về: Nâng cao năng lực lãnh đạo của cấp ủy, quản lý của chính quyền cấp xã trong xây dựng nông thôn mới; nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng cán bộ lãnh đạo quản lý cấp xã; nâng cao hiệu quả hoạt động của HTX dịch vụ nông nghiệp ở Thanh Hóa hiện nay.
Với việc dạy thực chất, học thực chất, đánh giá thực chất; tăng cường nghiên cứu khoa học và tổng kết thực tiễn, Trường Chính trị tỉnh đang hướng tới mục tiêu góp phần hiện thực hóa Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVIII nhiệm kỳ 2015 - 2020 để Thanh Hóa sớm trở thành tỉnh khá của cả nước.
 
 
Trọng Lam

Số lượt truy cập
Hôm nay:
4229
Hôm qua:
2605
Tuần này:
13047
Tháng này:
63204
Tất cả:
4.361.741