NHIỆT LIỆT CHÀO MỪNG KỶ NIỆM 114 NĂM NGÀY QUỐC TẾ PHỤ NỮ 8/3 ( 8/3/1910 – 8/3/2024) VÀ 1984 NĂM KHỞI NGHĨA HAI BÀ TRƯNG!

Trường Chính trị tỉnh Thanh Hóa khát vọng đổi mới để phát triển

Đăng lúc: 20:27:54 02/06/2019 (GMT+7)875 lượt xem

Nhà báo Nguyễn Minh Thúy
Giám đốc Kênh Truyền hình VH – DL  VTC6 –
                         Đài Truyền hình kỹ thuật số VTC                         
 
Năm 2019 đánh dấu sự kiện 990 năm ra đời và tồn tại danh xưng Thanh Hóa với tư cách là một đơn vị hành chính trực thuộc Trung ương. Trong gần một thiên niên kỷ ấy, xứ Thanh đã hòa vào một dải Việt Nam tươi đẹp nhưng luôn khẳng định được vị thế riêng trong lòng dân tộc.
            Đó là sự kết tinh của khí phách cha ông, của truyền thống hào hùng đã được hun đúc qua hàng ngàn năm lịch sử thăng trầm, là kết quả của tinh thần lao động bền bỉ, sáng tạo của Nhân dân các dân tộc trong tỉnh; là ý thức, trách nhiệm và sự kiên trì, quyết liệt theo đuổi những mục tiêu đã lựa chọn của nhiều thế hệ lãnh đạo tỉnh mà còn là sự vào cuộc đồng bộ của cả hệ thống chính trị, trong đó vấn đề then chốt là công tác xây dựng Đảng, xây dựng đội ngũ cán bộ có đủ phẩm chất, năng lực, uy tín, có khát vọng và quyết tâm xây dựng tỉnh Thanh Hóa sớm trở thành tỉnh kiểu mẫu như chủ tịch Hồ Chí Minh sinh thời hằng mong muốn.
Bám sát quan điểm của chủ tịch Hồ Chí Minh: “Cán bộ là gốc của mọi công việc, huấn luyện cán bộ là công việc gốc của Đảng” và chủ trương, đường lối đổi mới của Đảng ta về công tác cán bộ và đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, Trường Chính trị tỉnh Thanh Hóa đã đổi mới toàn diện và đạt kết quả nổi bật trong công tác đào tạo bồi dưỡng, nghiên cứu khoa học, góp phần vào thành tựu chung của sự nghiệp đổi mới quê hương, đất nước.   
           Đổi mới là quy luật của sự vận động và phát triển. Đổi mới để phát triển vừa là mục tiêu, động lực, vừa là khát vọng của các thế hệ cán bộ, giảng viên, học viên Trường Chính trị tỉnh. Với tư duy và phương pháp luận khoa học, trong đổi mới, Nhà trường đã biết kế thừa, chắt lọc và phát huy những giá trị tốt đẹp, đồng thời bám sát định hướng, nhạy bén, nắm bắt quy luật của sự vận động và phát triển, lựa chọn cách làm phù hợp, biết huy động nguồn lực đã sáng sạo ta nhiều mô hình mới, giá trị mới chưa có trong tiền lệ, góp phần nâng cao hình ảnh, vị thế Nhà trường trong hệ thống các trường chính trị cấp tỉnh,với các ban, sở, ngành và các địa phương trong tỉnh.
Công tác đào tạo cán bộ chỉ thực sự được đổi mới và nâng cao chất lượng khi gắn liền với công tác quy hoạch và sử dụng cán bộ. Nhận thức sâu sắc là vậy nhưng từ nhận thức đến hành động là cả một quá trình tìm tòi, nghiên cứu, khảo nghiệm đầy trăn trở và tâm huyết. Điểm đột phá đầu tiên mà Nhà trường đã làm và phải làm là tháo gỡ cơ chế.
Với phương châm rõ về chức năng, nhiệm vụ, rõ về cơ chế phối hợp, rõ về cách thức huy động nguồn lực, Nhà trường đã chủ động tham mưu cho Ban Thường vụ Tỉnh ủy ban hành chức năng, nhiệm vụ, quy chế, quy định về chế độ cập nhật kiến thức mới cho đội ngũ lãnh đạo, quản lý; các đề án, kế hoạch về đào tạo, bồi dưỡng cán bộ.
           Kể từ đây, Nhà trường bước sang thời kỳ mới phát triển đồng bộ và toàn diện hơn (1)từ chức năng đào tạo, bồi dưỡng phát triển thêm chức năng nghiên cứu khoa học; (2)từ đào tạo là chủ yếu sang đào tạo và bồi dưỡng theo chức danh, vị trí làm việc;(3)từ ĐT trong tỉnh, trong nước  mở rộng thêm ĐT quốc tế;(4) từ thi đua dạy tốt, học tốt chuyển mạnh sang thi đua nghiên cứu tốt, tham mưu tốt, quản trị tốt, dạy - học tốt, tư vấn tốt; (5)chuyển từ sử dụng nguồn lực trong trường là chủ yếu sang huy động và phát huy nguồn lực xã hội.
Một trong những mô hình mới nổi bật nhất, hội tụ thành quả của quá trình đổi mới và phát triển phối hợp với các huyện, thị, thành ủy mở các lớp bồi dưỡng cán bộ nguồn cấp ủy và các chức danh lãnh đạo chủ chốt cấp huyện, nhiệm kỳ 2020-2025, 2021- 2026 . Với 3 mục tiêu, 3 nội dung và 3 hoạt động, lớp bồi dưỡng cán bộ nguồn cấp ủy cấp huyện là mô hình hoàn thiện nhất, tiêu biểu nhất và thực sự là kiểu mẫu về kỷ cương dạy - học, về quản lý và phục vụ, về hiệu quả và chất lượng, góp phần quan trọng vào việc chuẩn hóa, chủ động tạo nguồn, nâng cao năng lực lãnh đạo, quản lý và hình ảnh, vị thế của đội ngũ cán bộ chủ chốt cấp huyện và các địa phương trong tỉnh.
Quán triệt và cụ thể hóa 4 trụ cột trong đổi mới và phát triển: Nâng cao chất lượng là trung tâm, đổi mới quản lý là then chốt, đổi mới phương pháp dạy- học, thi, kiểm tra, đánh giá là đột phá, Nhà trường đã đổi mới đồng bộ từ công tác tuyển sinh, cải tiến nội dung chương trình, biên soạn tài liệu, bổ sung, cập nhật các chuyên đề mới, đồng thời, sáng tạo, linh hoạt đa dạng hóa các mô hình đào tạo, bồi dưỡng vừa đáp ứng nhu cầu chuẩn hóa, vừa nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ ở các địa phương trong tỉnh. Đặc biệt với quyết tâm: quy mô đào tạo, bồi dưỡng lớn nhưng chất lượng phải tốt, nhà trường đã chọn khâu đột phá là đổi mới thi, kiểm tra, đánh giá mà trước tiên là đổi mới phương pháp dạy - học theo phương châm: dạy - học hiểu, dạy - học vận dụng, dạy - học xử trí với phương thức 3 tăng: tăng chủ động, tăng đối thoại, tăng xử lý tình huống; 3 giảm: giảm thụ động, giảm độc thoại, giảm lý thuyết.
Nhờ có đổi mới đồng bộ nên kết quả đào tạo, bồi dưỡng những năm gần đây, Nhà trường tổ chức thành công từ 120- 150 lớp tương ứng với khoảng 10.000 - 12.000 học viên.   
           Qua đào tạo, bồi dưỡng, đội ngũ cán bộ, công chức ở các địa phương, đơn vị được nâng cao về nhận thức, niềm tin và trách nhiệm chính trị, phát triển kiến thức về lãnh đạo, quản lý và hoàn thiện phương pháp, kỹ năng tư duy, giải quyết các vấn đề thực tiễn, giao tiếp ứng xử đúng mực với Nhân dân.
Với nhận thức chỉ có nghiên cứu khoa học, tổng kết thực tiễn mới nâng cao chất lượng đội ngũ, chỉ có nghiên cứu khoa học mới nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, chỉ có nghiên cứu khoa học, tổng kết thực tiễn mới thực hiện được mục tiêu cung cấp luận cứ khoa học phục vụ công tác lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền các địa phương trong tỉnh.
          Theo đó, phương châm nghiên cứu khoa học, tổng kết thực tiễn mà Nhà trường đề ra đó là: sâu địa bàn, sát lĩnh vực, phát hiện kịp thời, đề xuất  giải pháp với tư duy phân bổ nguồn lực: xã hội hóa nghiên cứu tìm hiểu, ưu tiên nghiên cứu phát hiện và khuyến khích nghiên cứu tư vấn. Nhờ đổi mới về tư duy, thời gian qua, Nhà trường  đã đa dạng hóa các loại hình nghiên cứu khoa học, tổng kết thực tiễn. Từ năm 2010 đến nay, Trường Chính trị Thanh Hóa đã chủ trì tổ chức thành công 15 hội thảo khoa học cấp quốc gia, khu vực và cấp tỉnh, hàng trăm hội thảo cấp trường, hội thảo chuyên đề cấp khoa; chủ trì, bảo vệ thành công 4 đề tài khoa học cấp bộ, 10 đề tài khoa học cấp tỉnh. Đặc biệt đã phối hợp với Nhà Xuất bản Chính trị quốc gia - Sự thật, Nhà Xuất bản Thanh Hóa biên tập 25 sách tham khảo, chuyên khảo, phát hành 25 số tập san nghiên cứu lý luận và thực tiễn với số lượng 30.000 cuốn phục vụ công tác nghiên cứu, giảng dạy cho cán bộ, giảng viên và công tác lãnh đạo, quản lý của cấp ủy, chính quyền các địa phương trong tỉnh.
           Nét mới và đạt kết quả nổi bật trong nghiên cứu khoa học của Nhà trường là bám sát vào các nhiệm vụ, chương trình trọng tâm, các khâu đột phá của tỉnh, những vấn đề mà cấp ủy, chính quyền và Nhân dân quan tâm để nghiên cứu, tổng kết, điển hình tiêu biểu như: nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng, nâng cao chất lượng hoạt động của Hội đồng Nhân dân cấp huyện, xã; chất lượng hoạt động của hợp tác xã nông nghiệp; hiệu quả trong công tác quản lý, điều hành của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền cấp xã; về phát triển đội ngũ nữ lãnh đạo quản lý, phát triển kỹ năng lãnh đạo quản lý cho cán bộ chủ chốt cấp xã…đặc biệt là việc nghiên cứu, tổng kết thực tiễn về phát huy dân chủ, nâng cao năng lực lãnh đạo của cấp ủy,  quản lý của chính quyền cấp xã trong xây dựng nông thôn mới…
Gốc của đổi mới là gian khó, quả của đổi mới là ngọt ngào. Quá trình đổi mới đồng nghĩa với quá trình vượt lên chính mình để thay đổi từ tư duy đến hành động, từ cách nghĩ đến cách làm và ứng xử. Và chính từ trong quá trình tìm tòi, khám phá và tạo dựng những giá trị mới tốt đẹp đã hình thành một tập thể tràn đầy khát vọng, dám dấn thân, thích ứng, đủ năng lực dẫn dắt sự nghiệp đổi mới và phát triển.
Với phương châm 3 tốt: định hướng tốt, cơ chế tốt, môi trường tốt, Đảng ủy, Ban giám hiệu Nhà trường đã tập trung nguồn lực, dồn sức xây dựng đội ngũ cán bộ, giảng viên đủ phẩm chất, năng lực, uy tín thông qua việc thực hiện đồng bộ và có hiệu quả các khâu trong công tác cán bộ. Trong đó, chú trọng công tác quy hoạch, ưu tiên nguồn lực cho đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ lý luận, chuyên môn, nghiệp vụ. Đặc biệt quan tâm phát triển tư duy, tầm nhìn, nuôi dưỡng khát vọng, khuyến khích đổi mới, sáng tạo và tạo đột phá trong xây dựng tác phong, hình ảnh. Kết quả từ năm 2010 đến nay, đã cử 63 cán bộ, giảng viên đi đào tạo trình dộ lý luận chính trị, chọn cử 46 cán bộ, giảng viên đào tạo trình độ thạc sỹ, tiếp nhận và cử 10 cán bộ, giảng viên đào tạo trình độ tiến sỹ và nghiên cứu sinh.
            Xác định xây dựng môi trường giáo dục, kỷ cương  giàu tính Đảng là nhiệm vụ quan trọng thường xuyên; bám sát vào quy chế, quy định của Đảng và Nhà nước, của Học viện Chính  trị Quốc gia Hồ Chí Minh, Nhà trường đã chủ động, sáng tạo, cụ thể hóa thành bộ quy chế nội bộ làm cơ sở cho công tác lãnh đạo, quản lý điều hành theo hướng khoa học, dân chủ và đúng pháp luật. Bên cạnh đó, quan tâm, sắp xếp, tổ chức bộ máy theo hướng tinh gọn, hiệu lực; quản lý, sử dụng có hiệu quả cơ sở vật chất được đầu tư, đồng thời đẩy mạnh xã hội hóa trang thiết bị theo hướng đồng bộ, hiện đại, phục vụ tốt công tác ăn, ở, sinh hoạt, học tập, nghiên cứu cho cán bộ, giang viên, học viên Nhà trường, đặc biệt đề xuất mở rộng quy hoạch từ 3,5ha lên 12ha và trong tương lai xây dựng theo hướng khang trang, hiện đại.
Nhằm cụ thể hóa định hướng đổi mới: chuyển mạnh từ quản lý hành chính sang phục vụ và kiến tạo, hiện thực hóa 5 giá trị chuẩn mực theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh: kiên định, kỷ cương, đoàn kết, nêu gương, sáng tạo, đội ngũ cán bộ giảng viên, học viên Nhà trường đã tổ chức phong trào thi đua 5 tốt: nghiên cứu tốt, tham mưu tốt, quản trị tốt, dạy học tốt, tư vấn tốt, xây dựng Nhà trường kiểu mẫu. Đồng thời tổ chức 5 chương trình vì học viên mà một trong các chương trình đó là xây dựng hình ảnh, tác phong học tập, rèn luyện theo phương châm 3 không (không vào muộn, ra sớm, không cẩu thả, không làm việc riêng và sử dụng điện thoại trong giờ học), 3 có (có mục tiêu, động lực học tập tích cực, có tác phong, hình ảnh đẹp, có phương pháp rèn luyện khoa học). Theo đó, muốn trở thành Trường kiểu mẫu phải có tập thể kiểu mẫu, học viên gương mẫu. Và mô hình tập thể lớp kiểu mẫu, học viên  gương mẫu đã được tổ chức bài bản, khoa học và có ý nghĩa thiết thực. Điểm nhấn nổi bật đã tạo sức lay động và lan tỏa khi các tập thể kiểu mẫu được biểu dương, tôn vinh trong Lễ chào cờ. Để có các tập thể kiểu mẫu, đòi hỏi phát huy vai trò nêu gương, của cán bộ, giảng viên Nhà trường theo phương châm: nghiêm về giờ giấc, đẹp về trang phục, chuẩn trong phát ngôn, đúng mực trong ứng xử…., từ đó lan tỏa tới toàn thể học viên Nhà trường. 
Đổi mới để phát triển, đã tạo ra sự thay đổi kỳ diệu, không chỉ ở diện mạo sạch hơn, xanh hơn, sáng hơn, đẹp hơn mà cốt lõi là ở tầm vóc, dư duy, tầm nhìn của một Trung tâm đào tạo bồi dưỡng cán bộ; trung tâm nghiên cứu khoa học, tổng kết thực tiễn lớn của Xứ Thanh giàu truyền thống văn hóa cách mạng, với sứ mệnh đào tạo bồi dưỡng đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý có đủ phẩm chất, năng lực, uy tín, luôn cháy sáng khát vọng vì một Thanh Hóa thịnh vượng./.
                                                     
 
Số lượt truy cập
Hôm nay:
3984
Hôm qua:
2605
Tuần này:
12802
Tháng này:
62959
Tất cả:
4.361.496