HƯỞNG ỨNG NGÀY SÁCH VÀ VĂN HOÁ ĐỌC VIỆT NAM (21/4/2021 - 21/4/2024)

Trường Chính trị tỉnh Thanh Hóa thực hiện tốt nhiệm vụ hợp tác đào tạo Trung cấp Lý luận Chính trị - Hành chính cho cán bộ lãnh đạo, quản lý cấp phòng của tỉnh Hủa Phăn, .....

Đăng lúc: 16:47:24 02/01/2019 (GMT+7)841 lượt xem

         Trường Chính trị tỉnh Thanh Hóa thực hiện tốt nhiệm vụ hợp tác đào tạo Trung cấp Lý luận Chính trị - Hành chính cho cán bộ lãnh đạo, quản lý cấp phòng của tỉnh Hủa Phăn, nước Cộng hòa dân chủ nhân dân Lào
            
 TS. Thịnh Văn Khoa - Phó Hiệu trưởng
ThS. Lê Thị Hương - Phó trưởng Phòng Đào tạo
 
Thực hiện Thỏa thuận Hợp tác kinh tế  -  xã hội, an ninh - quốc phòng giữa tỉnh Thanh Hóa, nước CHXHCN Việt Nam với  tỉnh Hủa Phăn, nước CHDCND Lào, giai đoạn 2016 - 2020, ký kết ngày 13/7/2016, trong đó có nội dung hợp tác về đào tạo, bồi dưỡng cán bộ cho tỉnh Hủa Phăn; căn cứ vào chức năng, nhiệm vụ và điều kiện thực tế của Nhà trường, ngày 13/7/2016, tại Trường Chính trị tỉnh Thanh Hóa đã diễn ra Lễ ký kết Biên bản ghi nhớ hợp tác đào tạo giữa Trường Chính trị tỉnh Thanh Hóa và Trường Chính trị - Hành chính tỉnh Hủa Phăn với các nội dung: (1)Trường Chính trị tỉnh Thanh Hóa hỗ trợ đào tạo Trung cấp lý luận chính trị - hành chính cho cán bộ lãnh đạo, quản lý và hỗ trợ bồi dưỡng kiến thức quản lý nhà nước, kỹ năng lãnh đạo, quản lý cho cán bộ lãnh đạo, quản lý cấp phòng của tỉnh Hủa Phăn, nước CHDCND Lào; (2)Tổ chức trao đổi về đổi mới phương pháp giảng dạy; đổi mới nghiên cứu khoa học, tổng kết thực tiễn; đổi mới quản lý nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng cán bộ giữa hai trường. Cụ thể hóa nội dung ký kết trên, năm 2017 và 2018, Trường Chính trị tỉnh Thanh Hóa đã và đang hợp tác đào tạo 02 lớp Trung cấp lý luận chính trị - hành chính dành cho cán bộ lãnh đạo, quản lý cấp phòng của tỉnh Hủa Phăn,  nước CHDCND Lào, với số lượng 68 học viên.
Qua hai năm hợp tác, Trường Chính trị tỉnh Thanh Hóa đã thực hiện tốt nhiệm vụ đào tạo Trung cấp Lý luận chính trị - hành chính cho lãnh đạo, quản lý cấp phòng của tỉnh Hủa Phăn, nước CHDCND Lào, thể hiện trên các nội dung sau:
1.     Công tác tham mưu, phối hợp tổ chức thực hiện
Trên cơ sở Biên bản ghi nhớ, Trường Chính trị tỉnh Thanh Hóa chủ động tham mưu cơ chế, chính sách; xin ý kiến chỉ đạo của Thường trực Tỉnh ủy, UBND tỉnh Thanh Hóa, chủ động phối hợp với Trường Chính trị - Hành chính tỉnh Hủa Phăn tổ chức chiêu sinh, mở lớp theo hướng đảm bảo đúng đối tượng, đủ số lượng và rõ nguồn quy hoạch. Theo đó, mỗi năm đào tạo từ 30 đến 40 học viên, đối tượng đào tạo là cán bộ lãnh đạo đương chức và dự nguồn các chức danh lãnh đạo, quản lý cấp phòng của tỉnh Hủa Phăn, nước CHDCND Lào; tuổi đời dưới 45, có sức khoẻ tốt, có lý lịch rõ ràng, đã học Tiếng Việt và đã qua sơ tuyển tại hai tỉnh trước khi nhập học. Chủ động phối hợp với Ban Tổ chức Tỉnh ủy, Sở Ngoại vụ và các sở có liên quan trong việc chuẩn bị các cơ sở vật chất, kinh phí và các điều kiện cần thiết khác cho việc tổ chức hợp tác đào tạo diễn ra thuận lợi, đạt chất lượng và hiệu quả.
2. Về thực hiện nội dung chương trình đào tạo, đổi mớiphương pháp dạy - học
Thời gian đào tạo 08 tháng, trong đó 01 tháng học Tiếng Việt và 06 tháng đào tạo Trung cấp Lý luận chính trị - hành chính, 01 tháng nghỉ hè (vào tháng 7). Xây dựng lịch giảng dạy và học tập ngay từ đầu khóa học và ưu tiên thực hiện trong tổng thể chung các lớp, các hệ đào tạo, bồi dưỡng của Nhà trường. Mặc dù học viên đã được học Tiếng Việt tại nước Lào ít nhất 03 tháng trước khi sang nhập học, nhưng Nhà trường đã quan tâm, tạo điều kiện để học viên được học thêm Tiếng Việt 01 tháng đầu của khóa học. Mục đích giúp học viên ôn luyện và nâng cao trình độ Tiếng Việt, đồng thời giúp học viên thích nghi dần với môi trường học tập mới.
Trên cơ sở nội dung chương trình đào tạo của Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh; để đảm bảo cho việc giảng dạyvà học tập thông qua phiên dịch, Giám hiệu Nhà trường đã tổ chức biên soạn tập bài giảng Trung cấp Lý luận chính trị - hành chính cho cán bộ lãnh đạo, quản lý cấp phòng của tỉnh Hủa Phăn, nước CHDCND Lào. Theo đó, các giảng viên đã tích cực, chủ động tìm hiểu, nghiên cứu, soạn giáo án đảm bảo phù hợp với đối tượng người học; đảm bảo kiến thức cơ bản, trọng tâm và có cập nhật, liên hệ thực tiễn đất nước Lào; công tác thẩm định, thông qua giáo án giảng dạy các phần học được tiến hành khoa học, chất lượng, hiệu quả. Mặt khác, để  góp phần soạn giảng đảm bảo tính cập nhật, liên hệ thực tiễn đất nước Lào, hàng năm được sự cho phép của Tỉnh ủy, UBND tỉnh Thanh Hóa, Giám hiệu chọn cử cán bộ, giảng viên đi nghiên cứu thực tế ở một số địa phương của đất nước Lào nhằm cập nhật kiến thức thực tiễn đưa vào bài giảng đảm bảo phù hợp đối tượng người học và sát tình hình thực tế đất nước Lào. Đây là nội dung rất quan trọng, giúp cho các giảng viên, học viên có tài liệu để nghiên cứu, giảng dạy và học tập một cách có hệ thống, toàn diện, khoa học những kiến thức cơ bản, trọng tâm của các phần học.
Với phương châm “học đi đôi với hành, lý luận gắn với thực tiễn”, trong thời gian 8 tháng học tập, Nhà trường đã quan tâm bố trí thời gian hợp lý tổ chức cho lưu học viên Lào đi tham quan, nghiên cứu thực tế nhiều lần, nhiều nơi ở trong và ngoài tỉnh. Qua mỗi chuyến đi, lưu học viên Lào được trải nghiệm thực tế, hiểu biết thêm về phong cảnh, đất nước, con người Việt Nam, từ đó thắt chặt hơn tình đoàn kết, hữu nghị Việt - Lào, Thanh Hóa - Hủa Phăn.Sau chuyến đi nghiên cứu thực tế mỗi học viên viết bài thu hoạch và báo cáo trước hội đồng giám khảo, được hội đồng giám khảo đánh giá cao.
Cách thức giảng dạy thông qua phiên dịch giúp cho học viên tiếp thu kiến thức được thuận lợi, dễ dàng hơn, góp phần đảm bảo chất lượng đào tạo. Do có sự chuẩn bị kỹ lưỡng giáo án giảng dạy, gửi cho phiên dịch và lưu học viên nghiên cứu trước khi lên lớp nên trong khi giảng dạy có sự phối hợp nhịp nhàng, ăn khớp giữa người giảng và phiên dịch, giúp cho việc lĩnh hội kiến thức của học viên được thuận lợi, hiệu quả cao. Phương pháp dạy - học được đổi mới theo hướng tích cực, phát huy tính chủ động của lưu học viên Lào.
Các giảng viên được phân công giảng dạy đã tích cực đổi mới phương pháp giảng dạy theo hướng “3 tăng, 3 giảm”: 3 tăng (tăng chủ động, tăng đối thoại,  tăng xử lý tình huống), 3 giảm (giảm thụ động, giảm độc thoại, giảm lý thuyết). Theo đó, trong quá trình giảng dạy, giảng viên gợi mở, trao đổi, phát huy tính chủ động của học viên trong việc liên hệ, so sánh với thực tiễn đất nước Lào liên quan đến bài học. Điều đó đã tạo hứng thú, sôi nổi cho học viên, giúp học viên vừa lĩnh hội kiến thức, vừa rèn luyện kỹ năng tư duy, kỹ năng thuyết trình, kỹ năng phân tích, tổng hợp; mặt khác, qua trao đổi, thảo luận với các lưu học viên Lào, giúp giảng viên cập nhật, bổ bung kiến thức thực tiễn tỉnh Hủa Phăn, đất nước Lào vào bài giảng thêm sinh động, phong phú và phù hợp đối tượng  người học.
3.     Công tác quản lý và phục vụ
Công tác quản lý lưu học viên Lào được thực hiện chặt chẽ, đồng bộ giữa các bộ phận, các khâu, như: quản lý của giảng viên bộ môn và khoa chuyên môn, quản lý của các phòng chức năng, quản lý của ban chủ nhiệm lớp.Nhà trường thành lập Ban chủ nhiệm lớp gồm 03 người, trong đó có 01 người phụ trách quản lý học viên ở ký túc xá, đây là điều kiện thuận lợi để thường xuyên theo dõi, quản lý  việc ăn, ở, sinh hoạt của các lưu học viên Lào. Ban chủ nhiệm lớpthường xuyên nắm bắt tâm tư, nguyện vọng, phản ánh từ phía lưu học viên Lào và báo cáo với Giám hiệu để có những biện pháp giải quyết kịp thời nhằm phục vụ và hỗ trợ lưu học viên Lào trong học tập và sinh hoạt.
Thực hiện đánh giá kết quả học tập của học viên theo hình thức đánh giá quá trình học tập, rèn luyện. Thi hết phần, thi tốt nghiệp đều được tổ chức bằng hình thức hỏi thi vấn đáp. Đây là biện pháp đánh giá chính xác và khách quan năng lực học tập của học viên,tránh tình trạng sao chép, copy, sử dụng tài liệu trong khi thi. Với hình thức thi này, các lưu học viên Lào đã rất tích cực tự học, tự nghiên cứu, từng bước chuyển từ học thụ động sang học chủ động, sáng tạo vận dụng kiến thức lý luận vào thực tiễn công tác. Trong mỗi buổi hỏi thi vấn đáp, các giảng viên đã động viên, khuyến khích các lưu học viên Lào trả lời câu hỏi bằng Tiếng Việt và được các thầy, cô giáo đánh giá cao. Với cách thức này, khóa học vừa đạt mục tiêu đào tạo Trung cấp LLCT- HC, vừa nhằm nâng cao trình độ, rèn luyện Tiếng Việt cho các lưu học viên Lào.
Tất cả chế độ của lưu học viên Lào được bộ phận tài vụ của Nhà trường cấp phát đầy đủ, kịp thời, đúng quy định của pháp luật hiện hành; tổ chức khám sức khỏe toàn diện cho lưu học viên đầu vào, đầu ra và chăm sóc y tế kịp thời khi học viên ốm đau.
 Để đảm bảo thuận lợi cho việc học tập, sinh hoạt của các lưu học viên Lào, Nhà trường đã tạo điều kiện cơ sở vật chất tốt nhất như: nơi ăn, ở, học tập, vui chơi giải trí (sân thể thao, bóng đá)được bố trí tập trung nên rất thuận lợi cho việc quản lý. Trang bị đầy đủ các trang thiết bị hiện đại như máy chiếu, máy tính, mi-cờ-rô, bàn ghế đáp ứng yêu cầu để thực hiện giảng dạy theo phương pháp tích cực; 12 phòng nghỉ đã được bố trí đầy đủ hệ thống điều hòa nhiệt độ, tivi, giường, tủ, chăn, màn, đệm, công trình vệ sinh khép kín đạt tiêu chuẩn chất lượng. Ngoài ra, Nhà trường bố trí phòng ăn tập thể và cử nhân viên có kinh nghiệm phục vụ tốt cho việc ăn uống, đảm bảo sức khỏe để các lưu học viên an tâm học tập tại trường.
Cùng với nâng cao chất lượng đào tạo, Nhà trường chú trọng xây dựng môi trường giáo dục kỷ cương, thân thiện, giàu tính Đảng. Theo đó, các lưu học viên Lào luôn có tinh thần thái độ, ý thức học tập tốt, xác định đúng đắn động cơ và mục đích học tập, đã tham gia đầy đủ các buổi học, thực hiện nghiêm túc nội quy, quy chế, quy định của Nhà trường. Vì vậy, tại Hội nghị giao ban của Nhà trường đã bình chọn tập thể lớp kiểu mẫu, học viên gương mẫu về học tập và rèn luyệnđược Hiệu trưởng biểu dương khen thưởng tại buổi lễ chào cờ hàng tháng.
Để giúp lưu học viên Lào có điều kiện được hiểu biết thêm về văn hóa truyền thống, con người Việt Nam, Nhà trường thường xuyên tổ chức thực hiện có hiệu quả “ngày thứ 7 kết nối” thông qua các hoạt động như: Giao lưu văn hóa, văn nghệ, thể dục, thể thao, liên hoan cùng với các lớp trong trường, với các trường trong tỉnh; các lưu học viên Lào tập múa, tập hát cho các thầy, cô giáo về những bài múa, hát truyền thống của Lào như múa Lăm vông....; đóng góp nhiều tiết mục văn nghệ đặc sắc trong các sự kiện lớn của Nhà trường; đồng thời  Nhà trường tổ chức lớp dạy thêm Tiếng Việt cho lưu học viên Lào vào ngày thứ 7 hàng tuần. Ngoài ra, các thầy, cô giáo trong trường đã mời các lưu học viên Lào đến thăm và cùng tham gia một số hoạt động, sinh hoạt tại gia đình. Qua chuỗi các hoạt động này, các lưu học viên Lào hiểu biết thêm về văn hóa, đất nước, con người Việt Nam; góp phần tăng cường, củng cố sự đoàn kết, gắn bó keo sơn tình hữu nghị giữa hai tỉnh Thanh Hóa - Hủa Phăn, hai nước Việt - Lào.
Với  những hoạt động thiết thực như trên, năm 2017 (đào tạo 01 lớp với 30 lưu học viên Lào), năm 2018 (đào tạo 01 lớp với 38 lưu học viên). Khóa học đầu tiên (năm 2017)  đã thành công tốt đẹp trên 3 phương diện: (1) nâng cao nhận thức, kiến thức về lý luận chính trị, góp phần củng cố niềm tin, lập trường, quan điểm cho cán bộ lãnh đạo cấp phòng tỉnh Hủa Phăn; (2) rèn luyện kỹ năng, phương pháp làm việc khoa học cho cán bộ lãnh đạo cấp phòng tỉnh Hủa Phăn; (3) tăng cường sự hiển biết về văn hóa, con người Xứ Thanh, sự gắn bó, thắt chặt mối quan hệ giữa 2 dân tộc, hai nước Việt- Lào. Từ đó, học viên có thể vận dụng một cách sáng tạo vào thực tiễn công tác. Khóa học đã tạo được dấu ấn, sự tin tưởng, phấn khởi và hài lòng của học viên, góp phần thực hiện cam kết hợp tác và phát triển mối quan hệ tốt đẹp giữa hai tỉnh Thanh Hóa - Hủa Phăn.
Từ thực tiễn công tác hợp tác đào tạo ở Trường Chính trị tỉnh Thanh Hóa thời gian qua, chúng tôi rút ra một số kinh nghiệm bước đầu đó là:
1. Chủ động trong tham mưu, chặt chẽ trong phối hợp, sáng tạo và linh hoạt trong tổ chức thực hiện. Theo đó, Nhà trường luôn chủ động tham mưu cho Tỉnh ủy, UBND tỉnh Thanh Hóa có cơ chế, chính sách tốt; phối hợp chặt chẽ với Trường Chính trị - Hành chính tỉnh Hủa Phăn, với Sở Ngoại vụ và các đơn vị có liên quan từ khâu xây dựng kế hoạch, chiêu sinh mở lớp, tổ chức triển khai thực hiện chương trình và tổng kết, đánh giá công tác hợp tác đào tạo.
2. Phát huy vai trò lãnh đạo, chỉ đạo sát sao của Đảng ủy, Ban Giám hiệu đã tạo cơ chế tốt, định hướng tốt, môi trường tốt cho học viên học tập, nghiên cứu và sinh hoạt. Bố trí đội ngũ giảng viên có kinh nghiệm, có phương pháp, tâm huyết, trách nhiệm tham gia giảng dạy; bảo đảm điều kiện thuận lợi nhất về nơi ăn, ở, học tập, sinh hoạt và vui chơi giải trí (sân thể thao, bóng đá…) giúp các lưu học viên Lào yên tâm, phấn khởi học tập, rèn luyện; chuyển mạnh từ quản lý hành chính sang quản lý phục vụ và kiến tạo; tạo sân chơi cho học viên Lào và học viên các lớp trong nhà trường giao lưu, chia sẻ, học tập kinh nghiệm, tổ chức nhiều chuyến đi nghiên cứu thực tế thiết thực, hiệu quả để tạo hứng thú, chủ động, tích cực tham gia của học viên với tinh thần tự giác, trách nhiệm.
3. Phát huy vai trò của đội ngũ giảng viên Nhà trường tận tâm, tận lực, luôn đổi mới phương pháp giảng dạy phù hợp với đối tượng học viên Lào; thường xuyên cập nhật kiến thức mới; sáng tạo, linh hoạt trong việc liên hệ thực tiễn đất nước Lào vào bài giảng thêm sinh động, tạo hứng thú cho người học. Giảng viên không chỉ truyền đạt kiến thức mà còn quan tâm, động viên, chia sẻ với các lưu học viên Lào thông qua các hoạt động giao lưu văn hóa, văn nghệ; tổ chức cho lưu học viên Lào tham gia các buổi sinh hoạt cùng gia đình của các thầy, cô giáo.
4. Phát huy vai trò của học viên các lớp trong nhà trường thực hiện “kết nối” với các bạn lưu học viên Lào thông qua nhiều hoạt động thiết thực, bổ ích như giao lưu văn hóa, văn nghệ, thể dục, thể thao, chia sẻ, học tập kinh nghiệm.
5. Phát huy vai trò là chủ, làm chủ của các lưu học viên Lào. Học viên Lào không chỉ được học kiến thức trên lớp mà học được nhiều kinh nghiệm, cách làm hay trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền ở các địa phương trong và ngoài tỉnh Thanh Hóa thông qua nhiều chuyến đi nghiên cứu thực tế. Các lưu học viên Lào luôn chấp hành nghiêm túc nội quy, quy chế của nhà trường, có tác phong học tập nghiêm túc, đúng giờ, cầu thị và trách nhiệm trong học tập. Điều này đã để lại nhiều ấn tượng đẹp cho toàn thể cán bộ, giảng viên, người lao động và học viên nhà trường.
Có thể khẳng định những kết quả đạt được trong công tác hợp tác đào tạo Trung cấp Lý luận chính trị - hành chính cho cán bộ lãnh đạo, quản lý cấp phòng của tỉnh Hủa Phăn là hướng đi đúng; mở ra tầm nhìn chiến lược trong hợp tác đào tạo với tư duy mới giữa Trường Chính trị tỉnh Thanh Hóa với Trường Chính trị - Hành Chính tỉnh Hủa Phăn, góp phần thúc đẩy mối quan hệ hữu nghị truyền thống lâu đời, tình đoàn kết đặc biệt và hợp tác toàn diện giữa hai tỉnh Thanh Hóa - Hủa Phăn mãi mãi xanh tươi, đời đời bền vững./.
Số lượt truy cập
Hôm nay:
434
Hôm qua:
2925
Tuần này:
8217
Tháng này:
54591
Tất cả:
4.419.471