HƯỞNG ỨNG NGÀY SÁCH VÀ VĂN HOÁ ĐỌC VIỆT NAM (21/4/2021 - 21/4/2024)

Từng bước xây dựng Trường Chính trị tỉnh Thanh Hóa đạt chuẩn, nằm trong nhóm dẫn đầu cả nước

Đăng lúc: 08:06:16 04/01/2022 (GMT+7)1038 lượt xem

 TS. Lương Trọng Thành - Tỉnh ủy viên, Hiệu trưởng
(Bài viết được đăng tải trên Baothanhhoa.vn, ngày 01/01/2022)
 
Năm 2022 bắt đầu bằng việc Nghị quyết số 37/2021/QH15 của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh Thanh Hóa có hiệu lực, đang mở ra cho Thanh Hóa tiềm năng khác biệt, cơ hội nổi trội, lợi thế cạnh tranh và không gian mới cho phát triển. Để tận dụng cơ hội này đòi hỏi phải có sự đồng lòng, đồng sức và sự nỗ lực, quyết tâm rất cao của cả hệ thống chính trị trong tỉnh, trong đó có cán bộ, giảng viên, học viên Trường Chính trị tỉnh.
th1x.jpg
Tiến sỹ Lương Trọng Thành, Tỉnh ủy viên, Hiệu trưởng Trường Chính trị tỉnh
chủ trì Hội thảo khoa học thực tiễn và kinh nghiệm xây dựng các mô hình,
điển hình góp phần hoàn thành các tiêu chí trường chính trị chuẩn hiện nay.
Một năm mới đã đến, và một mùa xuân phơi phới sức xuân nữa đang về với đất trời, lòng người, với mỗi cán bộ, giảng viên, học viên Trường Chính trị tỉnh Thanh Hóa. Trong thời khắc đất trời chuyển mùa vào xuân, cũng là lúc chúng ta cùng nhìn lại quá khứ, để thêm tự hào, vững tin, củng cố quyết tâm hướng tới tương lai tươi đẹp hơn.
Có thể nói, đi qua một năm với rất nhiều khó khăn do dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp và thời tiết dị thường… nhưng với sự lãnh đạo, chỉ đạo kịp thời, quyết liệt, đồng bộ, sáng tạo, sâu sát và bài bản của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh, cùng với sự quyết tâm cao, nỗ lực lớn, hành động quyết liệt và hiệu quả của cả hệ thống chính trị trong tỉnh; sự chung tay, góp sức của cộng đồng doanh nghiệp, đồng tình ủng hộ của các tầng lớp Nhân dân, Thanh Hóa đã từng bước vượt qua khó khăn, thách thức, đạt được nhiều kết quả quan trọng, có 21/26 chỉ tiêu chủ yếu đạt và vượt kế hoạch (còn 1 chỉ tiêu chưa đánh giá); thu ngân sách Nhà nước trên địa bàn đạt cao nhất từ trước đến nay; GRDP của tỉnh đứng trong tốp 5 cả nước...
Đóng góp vào thành công chung ấy có một phần công sức, trí tuệ của cán bộ, giảng viên, học viên Trường Chính trị tỉnh - những người đứng trên bục giảng truyền dạy công tác lý luận và làm nhiệm vụ nghiên cứu khoa học, tổng kết thực tiễn, đã không ngừng đổi mới, chủ động khắc phục khó khăn để hoàn thành tốt nhiệm vụ giảng dạy, thâm nhập thực tế, đề xuất chủ trương, mô hình mới...
Nhìn lại năm 2021 - năm đầu tiên thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Nghị quyết số 58-NQ/TW của Bộ Chính trị (khóa XII) về xây dựng và phát triển tỉnh Thanh Hóa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX, nhiều chủ trương, chính sách mới về công tác xây dựng Đảng, xây dựng đội ngũ cán bộ đã được triển khai thực hiện. Nhất là ngày 19-5-2021, Ban Bí thư Trung ương Đảng (khoá XIII) đã ban hành Quy định số 11-QĐ/TW về trường chính trị chuẩn, mở ra định hướng và cơ sở quan trọng để Trường Chính trị tỉnh Thanh Hoá chủ động tham mưu tạo cơ chế, nguồn lực nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động. Cùng với đó, nhà trưởng tiếp tục nhận được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo đồng bộ của Ban Thường vụ Tỉnh uỷ, sự chỉ đạo về chuyên môn của Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh; sự phối hợp chặt chẽ của các ban, sở, ngành, địa phương trong triển khai công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ; phát huy tinh thần đoàn kết, nỗ lực của tập thể cán bộ, viên chức nhà trường trong thực hiện nhiệm vụ năm học.
Theo đó, trong năm các loại hình đào tạo, bồi dưỡng của nhà trường tương đối phong phú, đa dạng; quy mô đào tạo, bồi dưỡng lớn, chất lượng tiếp tục được nâng lên, thể hiện ở con số 92 lớp/7.194 học viên, vượt kế hoạch đề ra, gồm đào tạo trung cấp lý luận chính trị, bồi dưỡng kiến thức quản lý nhà nước ngạch chuyên viên và chuyên viên chính, bồi dưỡng cán bộ lãnh đạo cấp phòng, cấp xã… Nội dung chương trình đào tạo, bồi dưỡng được cập nhật các chủ trương, nghị quyết mới; bổ sung các chuyên đề thực tiễn đảm bảo rõ hơn về lý luận, sát với đối tượng, phù hợp với thực tiễn, tiếp tục thực hiện tốt nguyên tắc “học đi đôi với hành, lý luận gắn liền với thực tiễn”. Cùng với đó, công tác tổng kết thực tiễn, nghiên cứu khoa học được quan tâm phát triển toàn diện. Nhà trường đã chủ trì, phối hợp tổ chức thành công 1 hội thảo khoa học cấp khu vực, 1 hội thảo khoa học cấp tỉnh; chủ động tổ chức nhiều hội thảo cấp trường, cấp khoa; thực hiện thành công 1 nhiệm vụ khoa học cấp bộ; 2 đề tài khoa học cấp tỉnh được Hội đồng nghiệm thu xếp loai xuất sắc. Từ các sản phẩm tổng kết thực tiễn, nghiên cứu khoa học, nhà trường đã phối hợp với các NXB có uy tín biên tập 3 cuốn sách tham khảo, chuyên khảo, phát hành 4 số tập san phục vụ nghiên cứu, giảng dạy và công tác lãnh đạo, quản lý ở cơ sở.
Công tác xây dựng đội ngũ cán bộ, giảng viên tiếp tục được quan tâm, trong năm có thêm nhiều cán bộ, giảng viên theo học nghiên cứu sinh, hoàn chỉnh trình độ thạc sỹ, cao cấp lý luận chính trị và văn bằng 2; Đặc biệt, được sự thống nhất của Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, nhà trường đã cử 45 cán bộ, giảng viên tham gia lớp Bồi dưỡng kiến thức kinh điển về Chủ nghĩa Mác - Lênin, Tư tưởng Hồ Chí Minh. Đồng thời, cử hơn 100 lượt cán bộ, giảng viên tham gia các lớp tập huấn, bồi dưỡng về chuyên môn, nghiệp vụ nhằm nâng cao phẩm chất, năng lực, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ mới về công tác đào tạo bồi dưỡng cán bộ hiện nay, qua đó góp phần nâng cao phẩm chất, năng lực và chuẩn hoá đội ngũ theo tiêu chí trường chính trị chuẩn.
Bên cạnh đó, nhà trường đã lựa chọn và bồi dưỡng 3 giảng viên tham gia Hội thi giáo viên dạy giỏi do Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh tổ chức, có 2 giảng viên đạt danh hiệu “Giảng viên dạy giỏi suất xắc”, 1 giảng viên đạt danh hiệu “Giảng viên dạy giỏi” cấp Học viện.
Đối với công tác xây dựng môi trường giáo dục kỷ cương, thân thiện, giàu tính Đảng gắn với thực hiện các phong trào thi đua được đẩy mạnh và mang lại hiệu quả thiết thựcnhà trường đã tập trung đổi mới phương thức quản trị nhà trường theo hướng khoa học. Triển khai thực hiện mô hình phát triển:“5 nhất, 4 trụ cột, 5 định hướng đổi mới” đảm bảo đúng định hướng; phù hợp với thực tiễn; huy động tối đa nguồn lực; tạo sự đồng thuận của toàn thể cán bộ, giảng viên, học viên tích cực tham gia đổi mới và nâng cao chất lượng mọi mặt hoạt động của nhà trường. Việc xây dựng hình ảnh, tác phong của cán bộ, giảng viên và học viên trong dạy - học lý luận chính trị tiếp tục được quan tâm; phát huy dân chủ, tạo động lực tổ chức có hiệu quả phong trào thi đua “5 tốt”: Nghiên cứu tốt, tham mưu tốt, quản trị tốt, dạy - học tốt và tư vấn tốt.
Bước sang năm 2022 - năm có ý nghĩa quan trọng, tạo nền tảng thực hiện các mục tiêu của kế hoạch 5 năm (2021-2025) của tỉnh, cũng là năm đầu tiên Nhà trường triển khai thực hiện Kết luận của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về “Xây dựng và phát triển trường Chính trị tỉnh Thanh Hoá đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”, trên cơ sở bám sát mục tiêu của kết luận; tranh thủ cơ hội, vượt qua khó khăn thách thức, tập thể cán bộ, viên chức Nhà trường xác định tập trung thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp sau đây:
Một là, nắm chắc chủ trương, nghị quyết của tỉnh; tiếp tục phát huy tinh thần đoàn kết, sáng tạo với quyết tâm cao, nỗ lực lớn, hành động quyết liệt, thực hiện xây dựng, phát triển Nhà trường sớm đạt chuẩn và vượt chuẩn. Theo đó, tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác quán triệt, triển khai các chủ trương, nghị quyết của Ban Thường vụ Tỉnh uỷ đến toàn thể cán bộ, viên chức và học viên để làm rõ cơ sở lý luận và thực tiễn, định hướng cho cán bộ, giảng viên kịp thời cập nhật vào giảng dạy. Tập trung triển khai Kết luận “Xây dựng và phát triển Trường Chính trị tỉnh Thanh Hoá đến năm 2025, định hướng đến năm 2030” của Ban Thường vụ Tỉnh uỷ đến cán bộ, giảng viên, học viên. Phát huy truyền thống tốt đẹp, tinh thần tự lực, tự cường; nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng bộ; tạo sự đoàn kết, thống nhất, quyết tâm cao, nỗ lực lớn, thi đua thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp đã được chỉ ra trong Kết luận. Tiếp tục khơi dậy khát vọng đổi mới sáng tạo, phát triển toàn diện, thực chất mọi mặt hoạt động của Nhà trường đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới góp phần xây dựng, phát triển nhà trường sớm đạt chuẩn và vượt chuẩn theo yêu cầu Quy định 11-QĐ/TW.
Hai là, tiếp tục đổi mới đồng bộ và nâng cao chất lượng toàn diện các khâu trong công tác đào tạo, bồi dưỡng, góp phần chuẩn hoá và nâng cao phẩm chất năng lực cho đội ngũ cán bộ các ngành, địa phương, cơ sở. Tiếp tục phối hợp với các ngành, địa phương tuyển sinh, mở lớp đảm bảo đúng tiêu chí, tiêu chuẩn. Triển khai đầy đủ, kịp thời, có hiệu quả và thực hiện nghiêm túc quy chế mới về công tác đào tạo, bồi dưỡng của Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh gắn với thực hiện Chương trình trung cấp lý luận chính trị ban hành kèm theo Quyết định số 292-QĐ/HVCTQG. Tiếp tục đổi mới phương pháp giảng dạy, học tập theo hướng “3 tăng”, “3 giảm”, thực hiện mô hình “nghiên cứu trước, hệ thống sau, trao đổi thảo luận sâu và vận dụng, xử trí sáng tạo”. Đồng thời, kiên trì đổi mới tổ chức thi, kiểm tra, đánh giá theo định hướng mở, tài liệu mở, tư duy mở gắn với việc dạy - học thực chất, đánh giá thực chất. Kiên quyết khắc phục tình trạng lười học, ngại học lý luận chính trị.
Ba là, tiếp tục quan tâm phát triển toàn diện công tác tổng kết thực tiễn, nghiên cứu khoa học làm cơ sở đổi mới, nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng cán bộ và cung cấp luận cứ khoa học phục vụ công tác lãnh đạo, quản lý. Nhà trường sẽ chủ động phối hợp với các vụ, viện của Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, các trường chính trị trong cụm thi đua tổ chức các hội thảo khoa học cấp khu vực. Tiếp tục chủ động đăng ký đảm nhận nhiệm vụ khoa học cấp Bộ. Phát huy vai trò của Hội đồng khoa học và các nhóm nghiên cứu của nhà trường trong việc chủ động nghiên cứu bám sát các chương trình trọng tâm, khâu đột phá phát triển kinh tế - xã hội… của tỉnh để đăng ký và tổ chức thực hiện các đề tài, hội thảo khoa học, nhiệm vụ tổng kết thực tiễn cấp tỉnh nhằm cung cấp những luận cứ khoa học và thực tiễn phục vụ công tác xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền và nâng cao năng lực lãnh đạo, quản lý của đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp, ngành, địa phương trong tỉnh. Tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng Tập san; biên tập sách lý luận, chính trị; nâng cao chất lượng các kênh thông tin của Nhà trường góp phần cập nhật kịp thời chủ trương, quan điểm mới, tư tưởng chỉ đạo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh và kiến thức, kỹ năng, kinh nghiệm, các mô hình, điển hình trong hoạt động lãnh đạo, quản lý tới đội ngũ giảng viên, học viên và cán bộ ở cơ sở.
Bốn là, xây dựng, phát triển đội ngũ cán bộ, giảng viên đáp ứng yêu cầu nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡngNhà trường sẽ xây dựng quy hoạch, kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ, giảng viên. Tiếp tục ưu tiên nguồn lực, quan tâm chọn cử giảng viên đi đào tạo nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ. Đồng thời quan tâm rèn luyện, bồi dưỡng cán bộ, giảng viên trong thực tiễn. Chủ động phối hợp với các ban, ngành, địa phương, cơ sở tạo điều kiện để cán bộ, giảng viên nghiên cứu thực tế, tổng kết thực tiễn đáp ứng yêu cầu chuẩn hoá đội ngũ theo Quy định 11-QĐ/TW về trường chính trị chuẩn. Chú trọng đổi mới công tác đánh giá, phân loại cán bộ, giảng viên đảm bảo đồng bộ các nguyên tắc, trình tự, dựa trên vị trí việc làm, nhiệm vụ được phân công. Lấy thái độ, trách nhiệm, hiệu quả phục vụ, chất lượng sản phẩm làm thước đo đánh giá và làm cơ sở thực hiện các khâu trong công tác cán bộ.
Năm là, xây dựng văn hóa trường Đảng chuẩn mực, kiểu mẫu, tạo động lực thúc đẩy đổi mới sáng tạo trong mọi hoạt động của nhà trường và tạo sức lan tỏa đến các trung tâm chính trị, địa phương, cơ sở. Theo đó, tiếp tục nghiên cứu cụ thể hóa định hướng phát triển văn hóa trường Đảng của Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh và của tỉnh vào thực tiễn Trường Chính trị và các trung tâm chính trị cấp huyện. Ban hành quy định và thực hiện có hiệu quả văn hóa ứng xử, gắn với việc học tập, làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh theo Kế hoạch 39-KH/TU của Tỉnh ủy, chú trọng xây dựng tác phong, hình ảnh của cán bộ, giảng viên và học viên trong dạy - học lý luận chính trị. Phát huy tốt vai trò học viên là trung tâm, nhà trường là nền tảng, giảng viên là động lực, tiếp tục kiến tạo môi trường tốt cho cán bộ, giảng viên và học viên học tập, rèn luyện, phát triển kỹ năng, tác phong làm việc khoa học, chú trọng hiệu quả thực tế; coi trọng nghiên cứu và tổng kết thực tiễn; ứng xử văn hoá, tôn trọng và gắn bó mật thiết với Nhân dân. Quản lý, sử dụng có hiệu quả cơ sở vật chất hiện có, đề xuất đầu tư nâng cấp, xây dựng Nhà trường đồng bộ, khang trang, hiện đại đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ và đạt chuẩn theo quy định.
Năm 2022 bắt đầu bằng việc Nghị quyết số 37/2021/QH15 của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh Thanh Hóa có hiệu lực, đang mở ra cho Thanh Hóa tiềm năng khác biệt, cơ hội nổi trội, lợi thế cạnh tranh và không gian mới cho phát triển. Để tận dụng cơ hội này đòi hỏi phải có sự đồng lòng, đồng sức và sự nỗ lực, quyết tâm rất cao của cả hệ thống chính trị trong tỉnh, trong đó có cán bộ, giảng viên, học viên Trường Chính trị tỉnh.
Với tinh thần quyết tâm cao, nỗ lực lớn, tiếp tục đổi mới sáng tạo của tập thể cán bộ, viên chức Nhà trường trong việc thực hiện đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp nêu trên, chắc chắn sẽ góp phần quan trọng vào việc thực hiện thành công Kết luận “Xây dựng và phát triển trường Chính trị tỉnh Thanh Hoá đến năm 2025, định hướng đến năm 2030” của Ban Thường vụ Tỉnh uỷ, từ đó từng bước xây dựng Trường Chính trị tỉnh Thanh Hóa sớm đạt chuẩn, nằm trong nhóm dẫn đầu cả nước.
 
Số lượt truy cập
Hôm nay:
1444
Hôm qua:
2147
Tuần này:
7938
Tháng này:
39584
Tất cả:
4.404.464