HƯỞNG ỨNG NGÀY SÁCH VÀ VĂN HOÁ ĐỌC VIỆT NAM (21/4/2021 - 21/4/2024)

Tuyên ngôn Độc lập - Cơ sở, nền tảng của Hiến pháp Việt Nam

Đăng lúc: 16:22:32 08/11/2021 (GMT+7)1050 lượt xem

 ThS. Lê Thị Lan Anh - GVC Khoa NN và PL

 Tuyên ngôn Độc lập do Chủ tịch Hồ Chí Minh soạn thảo và công bố ngày 2/9/1945 khai sinh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, đánh dấu sự kết thúc của chế độ quân chủ chuyên chế và chế độ thực dân, mở ra kỷ nguyên mới cho dân tộc Việt Nam, kỷ nguyên độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội. Tuyên ngôn Độc lập đã kế thừa những giá trị truyền thống hết sức quý báu của dân tộc được thể hiện trong những áng thiên cổ hùng văn mang ý nghĩa dân tộc và thời đại sâu sắc; Bản Tuyên ngôn còn chứa đựng tư tưởng giải phóng con người về nhân quyền và dân quyền của tiến bộ nhân loại; biểu hiện về quyền tự do, quyền con người, quyền mưu cầu hạnh phúc của mỗi người dân gắn với quyền bình đẳng thiêng liêng giữa các dân tộc; thể hiện ý chí sắt đá và tinh thần đấu tranh cho độc lập, tự do của nhân dân Việt Nam.
Chủ tịch Hồ Chí Minh tuyên bố với quốc dân và thế giới “Nước Việt Nam có quyền hưởng tự do và độc lập, và sự thực đã thành một nước tự do độc lập. Toàn thể dân tộc Việt Nam quyết đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mệnh và của cải để giữ vững quyền tự do và độc lập ấy”. Tuyên bố đó đã thể hiện ý chí và khí phách của dân tộc Việt Nam “Thà hy sinh tất cả, chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ”. Đó cũng là lời hịch truyền gửi đến muôn đời con cháu mai sau với tinh thần “Không có gì quý hơn độc lập, tự do”.
         Tuyên ngôn Độc lập là một văn kiện lịch sử, văn bản pháp lý ngắn gọn, chặt chẽ, sắc bén, chứa đựng những nội dung cốt lõi, có cơ sở pháp lý vững chắc, khẳng định chủ quyền quốc gia và giá trị về quyền con người của người dân một nước độc lập - một tác phẩm đỉnh cao, tiêu biểu, phản ánh đầy đủ nhất, sâu sắc nhất quan điểm triết học, quan điểm chính trị và quan điểm nhân sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh, trong đó chứa đựng cả những giá trị của văn minh nhân loại, những “lẽ phải không ai chối cãi được” về quyền con người, quyền dân tộc; thể hiện trí tuệ sắc sảo, tư duy lỗi lạc của Người. Đây là kết quả của một quá trình tư duy khoa học, độc đáo và thiên tài của Chủ tịch Hồ Chí Minh.
          Trước yêu cầu của lịch sử dân tộc, ngay sau khi giành được chính quyền và sau khi đọc Tuyên ngôn độc lập vào ngày 2-9-1945, khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký sắc lệnh số 34, ngày 20-9-1945, lập Ủy ban Dự thảo Hiến pháp của nước Việt Nam dân chủ cộng hòa, gồm 7 đồng chí: Hồ Chí Minh, Vĩnh Thụy, Đặng Thai Mai, Vũ Trọng Khánh, Lê Văn Hiến, Nguyễn Lương Bằng và Đặng Xuân Khu; Chủ tịch Hồ Chí Minh làm Trưởng ban.
Trong nhiều phiên họp của Ủy ban Dự thảo Hiến pháp, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nêu và đề nghị đưa quan điểm “lấy dân làm gốc” vào bản Hiến pháp với những điều luật ngang tầm với nền chính trị và pháp luật tiên tiến của thế giới lúc bấy giờ và có những điều còn có giá trị vượt thời gian cho đến hôm nay. Song, để có được những giá trị chính trị và pháp lý căn bản đó, cần phải thấy rõ những tư tưởng vĩ đại trong Tuyên ngôn Độc lập do Chủ tịch Hồ Chí Minh khởi thảo đã được quán triệt sâu sắc vào trong bản Hiến pháp năm 1946. Hiến pháp năm 1946 gắn bó hữu cơ với Tuyên ngôn Độc lập và Tuyên ngôn Độc lập là cơ sở, nền tảng của Hiến pháp và pháp luật Việt Nam, điều đó đã được thể hiện qua những nội dung cơ bản sau:
Thứ nhất, Tuyên ngôn Độc lập khẳng định quyền độc lập dân tộc
Để khẳng định quyền độc lập của dân tộc Việt Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khởi đầu bằng cụm từ “Tất cả mọi người đều có quyền”, “Đó là những lẽ phải không ai có thể chối cãi được”, chính là quyền bình đẳng, quyền được sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc. Từ đó, Người đã suy rộng ra là: “tất cả các dân tộc trên thế giới đều sinh ra bình đẳng; dân tộc nào cũng có quyền sống, quyền sung sướng và quyền tự do”. Tiếp đó, Người khẳng định với thế giới rằng: “Nước Việt Nam có quyền hưởng tự do và độc lập, và sự thật đã thành một nước tự do và độc lập”. Lời hiệu triệu đó là cơ sở, là nền tảng đầu tiên để Hiến pháp ghi nhận các quyền năng của đất nước và của con người Việt Nam.
Trong Lời nói đầu Hiến pháp 1946 đã nhấn mạnh: “Cuộc cách mạng tháng Tám đã giành lại chủ quyền cho đất nước, tự do cho nhân dân và lập ra nền dân chủ cộng hòa”Tiếp theo, Chương I là việc tự xác lập Chính thể của riêng mình; đặc biệt là việc khẳng định: “Đất nước Việt Nam là một khối thống nhất Trung Nam Bắc không thể phân chia”, có Quốc kỳ, Quốc ca và Thủ đô. Tất cả nội dung và tinh thần của Hiến pháp năm 1946 đã thể hiện sự kế thừa và cụ thể hóa ý chí độc lập dân tộc và hiện thực độc lập dân tộc của nhân dân ta mà Tuyên ngôn Độc lập đã khẳng định và tuyên bố. Quyền độc lập dân tộc, quyền căn bản nhất của một quốc gia đã được thể hiện trong Hiến pháp 1946 là sự kết tinh tinh thần độc lập và tự quyết dân tộc, toàn bộ thể chế chính trị và luật pháp, quyền hạn của các cơ quan nhà nước, quyền và nghĩa vụ công dân… tất thảy đều do nhân dân Việt Nam tự định ra và tổ chức thực hiện, mà không được có sự can thiệp hay sự áp đặt của bất cứ quốc gia hay thế lực nào.
Thứ haiTuyên ngôn Độc lập khẳng định quyền dân chủ và chủ quyền của nhân dân Việt Nam đối với vận mệnh của dân tộc mình
“Dân ta đánh đổ các xiềng xích thực dân gần một trăm năm nay để gây dựng nên nước Việt Nam độc lập. Dân ta lại đánh đổ chế độ quân chủ mấy mươi thế kỷ mà lập nên chế độ Dân chủ Cộng hòa”. “Dân ta”; “Toàn dân tộc Việt Nam”, cụ thể là “nhân dân cả nước ta nổi dậy, giành chính quyền lập nên nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa”. Khẳng định trong Tuyên ngôn Độc lập chẳng những sự phụ thuộc với chế độ thực dân đã không còn mà những quyền uy của chế độ chuyên chế quân chủ cũng bị nhân dân ta lật nhào. Quyền dân chủ và chủ quyền của nhân dân Việt Nam tự nhân dân là người thiết lập nên chính thể “Dân chủ Cộng hòa”. Mà dân chủ và chủ quyền quốc gia chính là một trong những điều kiện thiết yếu tiếp theo của Hiến pháp đã được Tuyên ngôn xác lập. Nhà nước Việt Nam dân chủ cộng hòa đã được hình thành ngay sau khi Tuyên ngôn công khai tuyên bố với toàn thế giới.
Điều thứ 1 Hiến pháp ghi nhận: “Tất cả quyền binh trong nước là của toàn thể nhân dân Việt Nam, không phân biệt nòi giống, gái trai, giàu nghèo, giai cấp, tôn giáo”. Bên cạnh đó, những quyền cơ bản của công dân đều được Hiến pháp ghi rõ: “Tất cả công dân Việt Nam đều ngang quyền về mọi phương diện: chính trị, kinh tế, văn hoá” (Điều thứ 6); “đều bình đẳng trước pháp luật, đều được tham gia chính quyền và công cuộc kiến quốc tùy theo tài năng và đức hạnh của mình” (Điều thứ 7). Tiếp đó, những điều căn bản nhất khẳng định chủ quyền quốc gia thuộc về nhân dân đã được xác lập, như: Nhân dân có quyền bãi miễn các đại biểu mình đã bầu ra; Nhân dân có quyền phúc quyết về Hiến pháp và những việc quan hệ đến vận mệnh quốc gia; Nghị viện nhân dân do công dân Việt Nam bầu ra… 
Như vậy, một lần nữa cho thấy Hiến pháp năm 1946 được công bố thì những điều căn bản nhất về chủ quyền quốc gia thuộc về nhân dân mà Tuyên ngôn định ra đã được thể hiện đầy đủ nhất trong Hiến pháp - văn bản pháp lý cao nhất khởi đầu cho cuộc đấu tranh chính trị pháp lý tiến bộ xã hội tầm vóc thế giới và hình thành một nhà nước độc lập, thực hiện quyền tự quyết của dân tộc độc lập quản lý đất nước, quản lý xã hội bằng pháp luật minh bạch, công minh và dân chủ.
Thứ baTuyên ngôn Độc lập thiết lập đường hướng chính thể dân chủ cộng hòa.
Tuyên ngôn Độc lập xác lập và khẳng định: “Nước Việt Nam có quyền hưởng tự do và độc lập và sự thật đã trở thành một nước tự do độc lập. Toàn thể dân tộc Việt Nam quyết đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mạng và của cải để giữ vững quyền tự do độc lập ấy”. Lời khẳng định trong Tuyên ngôn là cơ sở thiết lập đường hướng Chính thể mà dân ta lập nên là “Chế độ Dân chủ Cộng hòa”. Cùng với lời tuyên bố trong Tuyên ngôn Độc lập, Hiến pháp đã ghi nhận về Chính thể “Nước Việt Nam là một nước dân chủ cộng hòa”, “Với tinh thần đoàn kết, phấn đấu sẵn có của toàn dân, dưới một chính thể dân chủ rộng rãi, nước Việt Nam độc lập và thống nhất tiến bước trên đường vinh quang, hạnh phúc, cùng nhịp với trào lưu tiến bộ của thế giới và ý nguyện hoà bình của nhân loại”. Hơn nữa, Hiến pháp tiếp tục ghi nhận một hình thức đại diện để thực hiện quyền lực của nhân dân là thông qua Nghị viện nhân dân: Nghị viện nhân dân là cơ quan có quyền cao nhất của nước Việt Nam dân chủ cộng hòa; do công dân Việt Nam bầu ra; không phải chỉ thay mặt cho địa phương mình mà còn thay mặt cho toàn thể nhân dân; giải quyết mọi vấn đề chung cho toàn quốc, đặt ra các pháp luật, biểu quyết ngân sách, chuẩn y các hiệp ước mà Chính phủ ký với nước ngoài.
Thứ tư, Tuyên ngôn Độc lập đặt nền tảng pháp lý xây dựng nhà nước pháp quyền
Lời đầu tiên Tuyên ngôn Độc lập, Chủ tịch Hồ Chí Minh viện dẫn hai bản Tuyên ngôn của hai quốc gia, đó là “Tuyên ngôn Độc lập” năm 1776 của Mỹ và “Tuyên ngôn Nhân quyền và Dân quyền” năm 1791 của Cách mạng Pháp. Tất cả mọi người đều sinh ra bình đẳng. Tạo hóa cho họ những quyền không ai có thể xâm phạm được, trong những quyền ấy, có quyền được sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc”; “Người ta sinh ra tự do và bình đẳng về quyền lợi, và phải luôn luôn được tự do và bình đẳng về quyền lợi”. Điều đó khẳng định, mọi quyền dân chủ của nhân dân phải được thể chế hóa bằng pháp luật, phải được pháp luật bảo vệ, bảo đảm sự công bằng, bình đẳng về giá trị, quyền lợi, và tinh thần, là công cụ phát huy quyền dân chủ của nhân dân, bảo đảm cho nhân dân thực hiện quyền dân chủ trong khuôn khổ của pháp luật; tại phiên họp đầu tiên của Chính phủ lâm thời vào sáng ngày mùng 3/9/1945, trong 6 nhiệm vụ cấp bách cần làm ngay của Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa có nhiệm vụ soạn thảo và ban hành Hiến pháp. Người nói: “Trước chúng ta đã bị chế độ quân chủ chuyên chế cai trị, rồi đến chế độ thực dân không kém phần chuyên chế, nên nước ta không có hiến pháp. Nhân dân ta không được hưởng quyền tự do dân chủ. Chúng ta phải có một hiến pháp dân chủ”. Rõ ràng, khẳng định việc thiết lập chế độ Dân chủ Cộng hòa, Tuyên ngôn Độc lập đã tạo ra cơ sở pháp lý cho sự ra đời của Hiến pháp 1946 - Hiến pháp của nhà nước dân chủ, là cơ sởnền tảng pháp lý của việc xây dựng nhà nước pháp quyền ở Việt Nam của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân.
Có thể thấy rằng, sự thống nhất biện chứng giữa lý luận và thực tiễn, giữa tư tưởng và hành động trong một nhân cách vĩ đại và thời đại - Nhân cách Hồ Chí Minh; tác giả khởi thảo cả hai văn bản nổi tiếng: Tuyên ngôn Độc lập năm 1945 và Hiến pháp nước Việt Nam dân chủ cộng hòa năm 1946 càng cho thấy một chỉnh thể thống nhất giữa hai văn bản này. Giá trị của Tuyên ngôn độc lập chính là ở chỗ mở ra một kỷ nguyên độc lập dân tộc và dân chủ cộng hòa, độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, mở ra một nền tảng tư tưởng chiến lược cho việc xác lập các bản Hiến pháp của nước ta trong thời kỳ cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân, cũng như trong thời kỳ cách mạng xã hội chủ nghĩa hiện nay./.

 
  Hồ Chí Minh toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia. H.2002, tập 4, tr.1,7,8, 21
Số lượt truy cập
Hôm nay:
207
Hôm qua:
2395
Tuần này:
10385
Tháng này:
56759
Tất cả:
4.421.639