HƯỞNG ỨNG NGÀY SÁCH VÀ VĂN HOÁ ĐỌC VIỆT NAM (21/4/2021 - 21/4/2024)

VAI TRÒ VÀ TRÁCH NHIỆM CỦA NGƯỜI LÀM CÔNG TÁC ĐÀO TẠO CÁN BỘ TRONG TƯ TƯỞNG HỒ CHÍ MINH

Đăng lúc: 11:03:57 25/01/2016 (GMT+7)1495 lượt xem

 
TS. Hà Thị Thu
Trường Chính trị tỉnh Thanh Hóa
 
Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh rất coi trọng công tác đào tạo cán bộ, Người từng chỉ rõ: đào tạo cán bộ là trách nhiệm, “là công việc gốc của Đảng”[1]. Người coi việc đào tạo cán bộ là “một công việc rất quan trọng và rất cần thiết”, chỉ rõ Đảng phải có trách nhiệm giáo dục, tổ chức, hướng dẫn họ thành những người kế tục trung thành và xuất sắc sự nghiệp cách mạng của Đảng và nhân dân. Để phát triển sự nghiệp đào tạo đội ngũ cán bộ đòi hỏi nhiều yếu tố, trong đó, những người làm công tác đào tạo là lực lượng góp phần không nhỏ vào kết quả đào tạo cán bộ. Tư tưởng của Người có ý nghĩa lý luận và thực tiễn sâu sắc, là bài học quý giá cho những người làm công tác giảng dạy ở trường Chính trị, giúp chúng ta có nhận thức đúng và vận dụng vào việc nâng cao chất lượng đội ngũ giảng viên trong hoạt động dạy học, góp phần xây dựng đội ngũ cán bộ vững mạnh, đáp ứng nhu cầu cán bộ phục vụ nhân dân trong từng giai đoạn lịch sử.
1. Vai trò của người làm công tác đào tạo cán bộ
Thứ nhất, là người “đào tạo cán bộ ra phục vụ nhân dân”2. Đây là “những cán bộ tốt”3, những người sẽ cống hiến sức mình phục vụ nhân dân, đại biểu cho nhân dân để lo toan công việc nước nhà. Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ rõ, để hoàn thành vai trò vừa là người lãnh đạo, vừa là đầy tớ trung thành của nhân dân, người cán bộ phải được đào tạo, rèn luyện để trở thành người “vừa hồng, vừa chuyên”, “có gan phụ trách, có gan làm việc”, thực hiện tốt nhiệm vụ cách mạng được giao phó.
Thứ hai, là người nâng cao trình độ văn hóa cho cán bộ, để họ trở thành những công dân chân chính, hết lòng hết sức phục vụ nhân dân, qua đó “giúp chúng ta đẩy mạnh công cuộc khôi phục kinh tế, phát triển dân chủ”, “xây dựng nước ta thành một nước hoà bình, thống nhất, độc lập, dân chủ, văn minh và giàu mạnh4. Do đó, “Vì lợi ích mười năm thì phải trồng cây, vì lợi ích trăm năm thì phải trồng người”5.
Thứ ba, nâng cao năng lực tư duy và hoạt động thực tiễn cho cán bộ. Công việc đào tạo cán bộ nhằm mục đích làm cho mỗi cán bộ tiếp thu, bổ sung thêm những hiểu biết mới, nâng cao tầm nhận thức về đường lối, chủ trương của Đảng, tu dưỡng đạo đức cách mạng, tin tưởng vào thắng lợi của sự nghiệp cách mạng, tiền đồ của dân tộc, rèn luyện phong cách làm việc. Khi người cán bộ được đào tạo, họ sẽ công tác tốt hơn, biết gắn lý luận với thực tiễn, làm việc hiệu quả hơn, cống hiến được nhiều hơn.
2. Về trách nhiệm của người làm công tác đào tạo cán bộ
Một là, chú trọng công tác đào tạo lý luận chính trị
Đào tạo lý luận chính trị là yêu cầu đầu tiên và bắt buộc cho cán bộ và phải được tiến hành thường xuyên. Chủ tịch Hồ Chí Minh từng nhấn mạnh: “Lý luận như cái kim chỉ nam, nó chỉ phương hướng cho chúng ta trong công việc thực tế”, “Không có lý luận thì lúng túng như nhắm mắt mà đi”6 , người cán bộ nếu có văn hóa, giỏi chuyên môn, giàu kinh nghiệm mà không có lý luận chính trị như “một mắt sáng một mắt mờ”. Sự yếu kém về nhận thức chính trị và tình trạng thiếu kiến thức về lý luận sẽ gây hậu quả nghiêm trọng, nó làm cho cán bộ lúng túng, thiếu vững vàng về lập trường giai cấp công nhân, về niềm tin vào con đường đi lên của đất nước. Việc đào tạo lý luận chính trị phải biết lựa chọn, sắp xếp nội dung trước sau tùy theo trình độ cán bộ, tùy theo nhiệm vụ từng thời kỳ cách mạng để phát huy tác dụng, phục vụ thực tiễn. Ví như, trong thời kỳ cách mạng dân tộc dân chủ, phải chú trọng các vấn đề liên quan đến cách mạng thuộc địa, giành chính quyền, tập hợp, vận động quần chúng, xây dựng chế độ dân chủ mới... Trong thời kỳ xây dựng chủ nghĩa xã hội, phải chú trọng giảng dạy lý luận chủ nghĩa xã hội khoa học, đường lối xây dựng chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam... Ngoài ra, còn phải căn cứ vào từng ngành nghề đặc thù của người cán bộ để thiết kế chương trình đào tạo lý luận chính trị cho phù hợp, cần chú trọng hai phương diện là đào tạo dựa trên những tin tức cập nhật và đào tạo dựa trên những chính sách của Đảng và Nhà nước. Trong đó, đào tạo dựa trên những tin tức cập nhật là “khuyên gắng và đốc thúc cán bộ xem báo, thảo luận và giải thích những vấn đề quan trọng và định kỳ khai hội cán bộ, báo cáo thời sự”7, còn đào tạo dựa trên những chính sách của Đảng và Nhà nước là “đốc thúc các cán bộ nghiên cứu và thảo luận những nghị quyết, những chương trình, những tuyên ngôn của Đảng, của Chính phủ”8, nhờ đó giúp người cán bộ nắm chắc những vấn đề chủ yếu của đường lối, chính sách và pháp luật, đồng thời có thể phát hiện những bất cập trong đường lối, chính sách và pháp luật để kiến nghị với Đảng, Nhà nước sửa đổi, hoàn thiện cho sát hợp thực tế.
Hai là, quan tâm công tác đào tạo văn hóa
Theo Hồ Chí Minh, đào tạo văn hóa cũng là một yêu cầu quan trọng trong công tác đào tạo cán bộ, đặc biệt là đối với những cán bộ còn kém văn hóa. Vì “Nếu không học tập văn hóa, không có trình độ văn hóa thì không học tập được kỹ thuật, không học tập được kỹ thuật thì không theo kịp được nhu cầu kinh tế nước nhà; nhưng phải chú ý học tập chính trị vì nếu chỉ học văn hóa, kỹ thuật mà không có chính trị thì như người nhắm mắt mà đi”9. Do đó, phải “phấn đấu nâng cao chất lượng văn hóa và chuyên môn nhằm thiết thực giải quyết các vấn đề do cách mạng nước ta đề ra và trong một thời gian không xa, đạt trình độ cao khoa học và kỹ thuật của thế giới”10. Công tác đào tạo văn hóa là tiền đề phát triển tri thức, nâng cao trình độ mọi mặt của người cán bộ. Nếu người cán bộ không nắm được những kiến thức thông thường sẽ rất khó khăn trong nghiên cứu lý luận hoặc học chuyên môn, nghiệp vụ. Do đó, “phải chú ý dạy văn hóa cho những đồng chí kém văn hóa để giúp cho họ tiến bộ về lý luận và công tác”11 . Trong khi đào tạo văn hóa cho cán bộ, không chỉ dạy cho người cán bộ những kiến thức thông thường về lịch sử, địa lý, khoa học tự nhiên, khoa học xã hội, cách viết báo cáo… mà còn phải dạy cho họ hiểu được nghĩa vụ và quyền lợi công dân; phải chú trọng cả hai phương diện: bồi dưỡng kiến thức văn hóa phổ thông, đồng thời đào tạo những môn bổ trợ để giúp người cán bộ vừa có hiểu biết rộng, vừa có kiến thức chuyên sâu, từ đó có thể đáp ứng được những yêu cầu thực hiện nhiệm vụ cách mạng ngày càng cao.
Ba là, gắn nội dung đào tạo với công tác thực tiễn
Hồ Chí Minh chorằng, để đào tạo cán bộ một cách đúng đắn, giúp họ có thể vừa hiểu lý luận sâu, lại vừa làm tốt công tác thực tiễn, thì “trong lúc học lý luận phải nghiên cứu công việc thực tế, kinh nghiệm thực tế”. Bảo đảm sau khi học “họ có thể tự mình tìm ra phương hướng chính trị, có thể làm được những công việc thực tế, có thể trở nên người tổ chức và lãnh đạo. Thế là lý luận thiết thực, có ích”12 , chứ không phải “chỉ đem lý luận khô khan nhét cho đầy óc họ. Rồi bày cho họ viết những chương trình, những hiệu triệu rất kêu. Nhưng đối với việc thực tế tuyên truyền, vận động, tổ chức, kinh nghiệm chỉ nói qua loa mà thôi. Thế là lý luận suông, vô ích”13. Người còn chỉ rõ, lý luận gắn với thực tiễn là “liên hệ với những vấn đề thực tế ở trong nước và trên thế giới, những vấn đề và nhiệm vụ cách mạng hiện nay đề ra cho Đảng ta, đem lý luận học được tìm xem đường lối và phương pháp giải quyết các vấn đề đó như thế nào cho đúng; hoặc phân tích các kinh nghiệm công tác đã qua của Đảng và tìm nguyên nhân của những thành công và thất bại của Đảng”14 . Có như vậy, bằng kiến thức lý luận, người cán bộ sẽ giải quyết được những vấn đề trong thực tiễn, củng cố lập trường, nâng cao quan điểm và phương pháp làm việc.
Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, mỗi cán bộ đều có một công tác thực tiễn cụ thể, do đó, khi đào tạo họ phải nắm được ngành nghề mà họ công tác thuộc lĩnh vực nào để đào tạo đúng chuyên môn của họ, “phải thực hành khẩu hiệu: Làm việc gì, học việc ấy”15. Tức là không học tập và giảng dạy một cách qua loa, đối phó, mà phải giúp cho họ thành thạo lĩnh vực công tác của mình, làm nghề gì thạo nghề ấy, học việc gì thạo việc ấy; “phải theo trình độ văn hóa cao hay thấp mà đặt lớp, chứ không theo cấp bậc cán bộ cao hay thấp”16, phải xây dựng chiến lược đào tạo, bồi dưỡng và huấn luyện cán bộ một cách khoa học; phải đầu tư trí tuệ, công sức và tiến hành công tác đào tạo cán bộ một cách “công phu”, “chu đáo”. Để gắn nội dung đào tạo với công tác thực tiễn, người giảng viên phải chú trọng những công việc như: tìm hiểu và nắm bắt công tác của người cán bộ; nghiên cứu, học tập các chính sách, Chỉ thị, Nghị quyết liên quan đến nghề nghiệp của người cán bộ; tìm hiểu và tích lũy những kinh nghiệm thành công và thất bại của các cơ quan và cán bộ trong ngành nghề đang học, đang làm; nắm bắt lịch sử biến đổi của môn học, của ngành nghề; đào sâu nghiên cứu lý luận, “cán bộ của môn nào thì nghiên cứu sâu lý luận của môn ấy”… Người còn chỉ rõ: Trách nhiệm của người làm công tác đào tạo cán bộ là phải đào tạo ra những người cán bộ biết chuyên sâu vào lĩnh vực chuyên môn của mình, qua đó không chỉ trở thành người lãnh đạo, người quản lý, mà còn trở thành chuyên gia trong ngành hoặc lĩnh vực mà họ được giao phó; có tinh thần học tập và rèn luyện nghiệp vụ nghiêm ngặt, để hoàn thành được nhiệm vụ được giao, tránh bị tụt hậu, tự sa thải trước sự tiến bộ và đòi hỏi của thực tiễn ngày càng cao.
Bốn là, đào tạo cán bộ phải kiên trì, dài lâu
Hồ Chủ tịch chỉ rõ, cán bộ có cán bộ đảng, cán bộ nhà nước, cán bộ đoàn thể, cán bộ ở Trung ương, địa phương và cơ sở... Do đó, đào tạo cán bộ phải bỏ thời gian xây dựng nội dung, kế hoạch phù hợp với từng loại cán bộ trong những lĩnh vực cụ thể. Việc xác định rõ đào tạo ai, ai đào tạo, đào tạo nội dung gì, tài liệu đào tạo ra sao... cũng đòi hỏi người giáo viên phải bỏ thời gian tìm tòi nghiên cứu, đồng thời không ngừng cập nhật những nội dung và kiến thức mới nhằm đáp ứng yêu cầu xã hội và phù hợp với đối tượng đào tạo. Hơn nữa, công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ là một công việc quan trọng, phải được tiến hành thường xuyên; “không phải vài ba tháng hoặc vài ba năm, mà đào tạo được một người cán bộ tốt... cần phải công tác, đấu tranh, huấn luyện lâu năm mới được”17. Do đó, phải xác định công tác đào tạo cán bộ là một việc làm lâu dài, đòi hỏi sự kiên trì, công phu và bền bỉ của người giáo viên. Ngoài ra, khi đào tạo cán bộ, phải kết hợp theo dõi thường xuyên với đánh giá định kỳ. Đây là một quá trình cần có một thời gian nhất định, yêu cầu người giáo viên phải luôn chú ý đến công tác và tình hình học tập của cán bộ, kiểm thảo họ, hễ thấy khuyết điểm thì giúp đỡ họ sửa chữa ngay, để vun trồng thói có gan phụ trách, cả gan làm việc của họ. Nhờ đó mà giúp họ học tập, tiến bộ thêm, giúp họ giải quyết những vấn đề khó khăn gặp phải trong quá trình công tác... Đồng thời, nắm bắt được những ưu điểm, những thành công của người cán bộ, từ đó mà vun đắp chí khí của họ, giúp họ rèn luyện tinh thần cách mạng “bại không nản, thắng cũng không kiêu”.
Có thể thấy, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dày công đào tạo, huấn luyện và xây dựng một đội ngũ cán bộ tận tụy, kiên cường, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ cách mạng vẻ vang. Suốt cuộc đời hoạt động cách mạng của mình, Người luôn chú trọng đến việc đào tạo đội ngũ cán bộ có đủ năng lực và phẩm chất để hoàn thành sự nghiệp vẻ vang của cách mạng. Những yêu cầu về vai trò và trách nhiệm của người làm công tác đào tạo cán bộ trong tư tưởng của Người, là bài học sâu sắc cho những người làm công tác đào tạo cán bộ hiện nay. Đối với đội ngũ giảng viên trường chính trị, để thực hiện được sứ mệnh cao cả là “Đào tạo, bồi dưỡng cán bộ lãnh đạo, quản lý của Đảng, Chính quyền, Đoàn thể nhân dân cấp cơ sở về lý luận chính trị, hành chính nhà nước…, trên cơ sở tiếp thu tư tưởng của Người, cần phải xác định rõ vai trò cũng như trách nhiệm của mình trong công tác đào tạo cán bộ là: “có bản lĩnh chính trị vững vàng, giỏi về chuyên môn nghiệp vụ, am hiểu thực tế”18:
Thứ nhất, phải là người có “phẩm chất chính trị và đạo đức cách mạng”, có lập trường chính trị vững vàng, có nhân sinh quan và thế giới quan khoa học; có tinh thần trách nhiệm, ý thức đúng đắn về trách nhiệm của mình trong hoạt động đào tạo cán bộ. Trang bị lý luận giáo dục, lý luận chính trị, nắm chắc quan điểm, đường lối giáo dục của Đảng. Rèn luyện đạo đức, tư tưởng để không đi chệch, xa rời mục tiêu giáo dục của Đảng và Nhà nước. Khiêm tốn học hỏi từ nhiều nguồn tri thức, học từ nhà trường, sách vở, báo chí, internet; học từ bạn bè, đồng chí, đồng nghiệp, nhân dân; học ngay trong sinh hoạt đời thường và học từ chính những người cán bộ mà mình đào tạo…
Thứ hai, phải có chuyên môn giỏi để thực hiện tốt nhiệm vụ đào tạo cán bộ, đồng thời có kiến thức liên ngành bổ trợ cho chuyên ngành mình đảm nhận; tích cực tham gia thực hiện nghiên cứu khoa học về các vấn đề thực tiễn xảy ra trong đời sống kinh tế, chính trị, xã hội của đất nước, từ đó đưa ra những kiến nghị mới để giải quyết các vấn đề thực tiễn đặt ra. Không ngừng học tập nâng cao trình độ chuyên môn, trau dồi kiến thức lý luận chính trị để đáp ứng nhu cầu giáo dục cán bộ theo từng giai đoạn phát triển của xã hội và yêu cầu của Đảng, Nhà nước. Đồng thời nắm bắt và kịp thời quán triệt những quan điểm mới nhất của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước vào nội dung bài giảng để cung cấp cho đội ngũ cán bộ một cách thiết thực và sâu sắc.
Thứ ba, trong công tác đào tạo cán bộ, phải có phương pháp giáo dục đa dạng. Người giảng viên làm công tác đào tạo cán bộ phải nhận thức được rằng, cán bộ đi học thường có nhiều thế hệ, có cán bộ đã lớn tuổi, có cán bộ trẻ. Trong đó, cán bộ lớn tuổi thường có kinh nghiệm về mặt lãnh đạo, được rèn luyện, thử thách nhiều trong thực tế... Còn cán bộ trẻ thì hăng hái, nhạy cảm với cái mới, chịu khó học tập, nên tiến bộ nhanh. Từ đó, biết kết hợp nhiều phương pháp giáo dục nhằm phù hợp với nhiều đối tượng cán bộ, kích thích họ phát huy điểm mạnh của mình. Phải xác định những nội dung đào tạo một cách toàn diện, bao gồm lý tưởng, phẩm chất, đạo đức, kiến thức; cả kiến thức văn hóa lẫn kỹ năng lãnh đạo, quản lý, đặc biệt là kiến thức quản lý nhà nước, quản lý xã hội, quản lý kinh tế…; bồi dưỡng, rèn luyện cán bộ thành những cán bộ tốt, có phẩm chất và năng lực phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân.
Thứ tư, phải chú trọng hoạt động nghiên cứu thực tế, nhằm gắn lý luận với thực tiễn trong công tác đào tạo cán bộ, từ đó góp phần nâng cao chất lượng giảng dạy. Khi giảng viên kết hợp những nội dung giảng dạy với tình hình và diễn biến thực tế ở các ngành, các địa phương, ở trong nước và trên thế giới để minh họa, chứng minh, làm sáng tỏ những nguyên lý, nguyên tắc, quan điểm, lý luận môn học, sẽ giúp người cán bộ tiếp thu hiệu quả những kiến thức mà giảng viên truyền đạt, gắn được nội dung môn học với hoạt động thực tế, công tác của bản thân. Trong quá trình học tập, nghiên cứu, cần khuyến khích học viên nêu ra những suy nghĩ, những khó khăn, vướng mắc trong việc thực hiện đường lối, chủ trương chính sách của Đảng và Nhà nước, trong phạm vi ngành và địa phương của mình để cùng nhau trao đổi thảo luận và áp dụng những kiến thức được học nhằm giải quyết công việc một cách hiệu quả nhất. Kích thích người cán bộ vừa học tập, vừa trao đổi những nội dung mới, đồng thời vận dụng kinh nghiệm của bản thân, của địa phương, cơ sở để làm sáng tỏ nội dung đang học tập, nâng cao vốn hiểu biết rộng hơn, sâu hơn để thực hành tốt hơn sau khi được đào tạo. Đây cũng chính là quá trình học viên vận dụng những kiến thức lý luận đã học vào thực tiễn, góp phần giải đáp những vấn đề đặt ra trong thực tế.
 


Tài liệu tham khảo
[1](1),(6),(7),(8),(12),(13),(15),(17) Hồ Chí Minh toàn tập (2000), t. 5, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, tr. 269, 233-234, 271,271,272,272,270,282.
(2),(4),(9),(14)Hồ Chí Minh toàn tập (2000), t. 8, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, tr. 225,281,221,498.
(3) Hồ Chí Minh toàn tập (2000), t. 4, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, tr. 494.
(5) Hồ Chí Minh toàn tập (2000), t. 9, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, tr. 222.
(10) Hồ Chí Minh toàn tập (2000), t. 12, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, tr. 403.
(11),(16) Hồ Chí Minh toàn tập (2000), t. 6, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, tr. 47, 271,
(18) Nghị quyết số 04-NQ/TU ngày 12/-3-2012 của Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh Thanh Hóa “Về tiếp tục  xây dựng đội ngũ cán bộ và đổi mới công tác cán bộ đáp ứng yêu cầu xây dựng Thanh Hóa trở thành một tỉnh tiên tiến vào năm 2020”.
Số lượt truy cập
Hôm nay:
1028
Hôm qua:
2925
Tuần này:
8811
Tháng này:
55185
Tất cả:
4.420.065