VỀ Ý NGHĨA NHÂN VĂN TRONG BẢN DI CHÚC CỦA BÁC HỒ
Trước lúc đi xa, Chủ tịch Hồ Chí Minh - nhà lãnh đạo thiên tài vô cùng kính yêu của Đảng và nhân dân ta; người chiến sĩ lỗi lạc trong phong trào cộng sản và công nhân quốc tế; danh nhân văn hoá thế giới đã để lại cho đời sau một bản Di chúc lịch sử.
Phó Trưởng Khoa Lý luận Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh
Trước lúc đi xa, Chủ tịch Hồ Chí Minh - nhà lãnh đạo thiên tài vô cùng kính yêu của Đảng và nhân dân ta; người chiến sĩ lỗi lạc trong phong trào cộng sản và công nhân quốc tế; danh nhân văn hoá thế giới đã để lại cho đời sau một bản Di chúc lịch sử. Nội dung bản Di chúc của Bác vừa mang ý nghĩa của một Cương lĩnh hành động cho Đảng và dân tộc ta, lại vừa thấm đậm chất nhân văn sâu sắc, thể hiện tâm hồn cao đẹp của một con người vô cùng vĩ đại nhưng lại cũng vô cùng bình dị, thanh cao, rất gần gũi với tất cả mọi người. Ngay từ khi Bác mới qua đời, có một nhà thơ Xô viết đã viếng Bác bằng những vần thơ:
"Bình sinh đầu ngẩng tới trời xanh
Khuất bóng hồn thiêng quyện đất lành
Anh hùng Hồ dễ gây nghiệp ấy
Tâm hồn bình dị, Chí anh Minh".
Để có thể bàn rõ thêm về ý nghĩa nhân văn sâu sắc trong bản Di chúc lịch sử của Bác Hồ, chúng ta hãy quay trở về thời điểm Bác đặt bút viết những lời dặn dò các thế hệ mai sau.
Sau sự kiện Vịnh Bắc bộ (8/1964), kể từ tháng 02 năm 1965 không quân và hải quân Mỹ ồ ạt leo thang bắn phá miền Bắc nước ta với lời tuyên bố huênh hoang rằng "trong vòng 6 tháng sẽ đưa Bắc Việt Nam trở về thời kỳ đồ đá"; tháng 3 năm 1965, quân viễn chinh Mỹ - một đội quân mà cho đến lúc bấy giờ chưa hề biết đến thua trận bắt đầu đổ bộ vào Đà Nẵng, chính thức tiến hành chiến lược "chiến tranh cục bộ" với các cuộc hành quân "tìm diệt" lực lượng vũ trang của ta. Thế giặc mạnh và vô cùng hung hãn. Một lần nữa, lịch sử lại đặt dân tộc ta trước một thử thách cực kỳ nghiêm trọng. Những bất đồng dẫn đến bất hoà giữa các đảng anh em, nhất là trong việc đánh giá kẻ thù cũng làm cho Bác phải suy nghĩ nhiều. Trên thế giới lại đang có không ít người tỏ ra khiếp sợ trước sức mạnh quân sự của đế quốc Mỹ. Trong hoàn cảnh ấy, Bác Hồ đã bình tĩnh phân tích tình hình, chỉ rõ những chỗ mạnh, chỗ yếu của địch và ta, đánh giá đúng tương quan so sánh lực lượng hai bên để đi đến nhận định: Đế quốc Mỹ mạnh nhưng không phải lúc nào cũng mạnh và không phải ở đâu cũng mạnh. Khi đến Việt Nam, Mỹ không mạnh và nhất định sẽ thất bại. Với nhận định ấy, tháng 4 năm 1965, tại kỳ họp thứ hai, Quốc hội nước Việt Nam dân chủ cộng hoà khoá III, Bác nói:"Giặc Mỹ đang trắng trợn xâm phạm nước ta. Chúng hòng dùng sức mạnh của vũ khí để bắt 30 triệu đồng bào ta làm nô lệ cho chúng. Nhưng chúng đã lầm to, nhất định chúng sẽ thất bại nhục nhã ... Dù Mỹ đưa thêm mấy chục vạn binh sỹ Mỹ và cố lôi kéo thêm quân đội chư hầu vào cuộc chiến tranh tội ác này, thì quân và dân ta cũng quyết đánh thắng chúng" (Hồ Chí Minh: Toàn tập, tập 11, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2000, trang 433 - 434).
Cũng năm 1965, Bác Hồ 75 tuổi, đã thuộc vào lớp người "xưa nay hiếm". Cảm nhận được sức khoẻ của mình ngày một giảm sút, từ ngày 10 tháng 5 năm ấy, Bác bắt đầu viết Di chúc. Ở đoạn mở đầu, sau khi khẳng định sự tất thắng của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của nhân dân ta, Bác viết rằng tinh thần, đầu óc của Bác vẫn rất sáng suốt, tuy sức khoẻ có kém so với vài năm trước đây, vì "Khi người ta đã ngoài 70 xuân, thì tuổi tác càng cao, sức khoẻ càng thấp. Điều đó cũng không có gì lạ.
Nhưng ai mà đoán biết tôi còn phục vụ cách mạng, phục vụ Tổ quốc, phục vụ nhân dân được bao lâu nữa?
Vì vậy, tôi để sẵn mấy lời này, phòng khi tôi sẽ đi gặp cụ Các Mác, cụ Lênin và các vị cách mạng đàn anh khác, thì đồng bào cả nước, đồng chí trong Đảng và bầu bạn khắp nơi đều khỏi cảm thấy đột ngột".
Như vậy là Bác Hồ viết Di chúc trong hoàn cảnh "nước sôi, lửa bỏng", tình hình thế giới vô cùng phức tạp: dân tộc ta và cả loài người tiến bộ đang đứng trước những thử thách nghiêm trọng, có rất nhiều công việc hệ trọng cả ở tầm quốc gia và quốc tế buộc phải suy nghĩ, tính toán. Trong hoàn cảnh ấy, trước tình trạng sức khoẻ giảm sút theo quy luật "sinh, lão, bệnh, tử", Bác đã không hề có một chút lo lắng nào cho riêng mình mà chỉ nghĩ đến sự nghiệp đấu tranh vì độc lập dân tộc, vì một nền hoà bình, dân chủ trên thế giới đang còn dang dở; chỉ lo làm sao cho đồng bào, đồng chí và bầu bạn khắp nơi được vui vẻ và "khỏi cảm thấy đột ngột". Từ thời trai trẻ Bác đã ra đi bôn ba nước ngoài, vào tù ra tội, xông pha nơi rừng thẳm núi cao để lo cho dân, cho nước, cho hoà bình hữu nghị giữa các dân tộc. Đến những năm tháng cuối đời, khi dự cảm sắp đến lúc phải đi xa, Bác cũng vẫn chỉ có những nỗi lo ấy. Vì thế mà ý nghĩa nhân văn sâu sắc, lòng vị tha cao cả được toát ra ngay từ đoạn mở đầu của Di chúc.
Những lời dặn lại trong Di chúc, Bác viết không dài, song rất súc tích và bao hàm đầy đủ những công việc, những vấn đề trọng yếu của cách mạng, đó là: nói về Đảng - lực lượng lãnh đạo cách mạng; về đoàn viên và thanh niên - đội hậu bị của Đảng; về quần chúng nhân dân - lực lượng chủ yếu tiến hành cách mạng; về đoàn kết quốc tế - vấn đề mang ý nghĩa chiến lược của cách mạng; về xây dựng, kiến thiết đất nước, chăm lo cho đời sống nhân dân sau chiến tranh - mục tiêu của cách mạng. Tất cả những vấn đề ấy được Bác viết rất ngắn gọn nhưng từng câu, từng chữ đều thấm đậm chủ nghĩa nhân văn sâu sắc, thể hiện lòng thương yêu con người vô bờ bến và tinh thần trách nhiệm rất cao đối với sự nghiệp cách mạng của nhân dân ta. Đúng như lời Bác đã từng tâm sự: "Tôi chỉ có một ham muốn, ham muốn tột bậc, là làm sao cho đất nước ta được hoàn toàn độc lập, dân ta được hoàn toàn tự do, đồng bào ai cũng có cơm ăn áo mặc, ai cũng được học hành" (Hồ Chí Minh: Toàn tập, tập 4, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2000, trang 161). "Cả đời tôi chỉ có một mục đích, là phấn đấu cho quyền lợi của Tổ quốc, và hạnh phúc của quốc dân.
Những khi tôi phải ẩn nấp nơi núi non, hoặc ra vào chốn tù tội, xông pha sự hiểm nghèo - là vì mục đích đó.
Đến lúc nhờ quốc dân đoàn kết, tranh được chính quyền, uỷ thác cho tôi gánh việc Chính phủ, tôi lo lắng đêm ngày, nhẫn nhục cố gắng - cũng vì mục đích đó.
... Bất kỳ bao giờ, bất kỳ ở đâu, tôi cũng chỉ theo đuổi một mục đích, làm cho ích quốc lợi dân" (Sách đã dẫn, trang 568)
Cả cuộc đời chỉ có một ham muốn tột bậc và vì một mục đích duy nhất ấy, mà sinh thời, khi còn một người dân đói, còn một người dân rét là Bác ăn không ngon, ngủ không yên. Cho đến lúc chuẩn bị đi xa, Bác cũng suy nghĩ nhiều nhất về việc chăm lo cho đời sống và hạnh phúc của nhân dân. Ngoài bản đánh máy hoàn chỉnh năm 1965 có chữ ký của Bác và chữ ký chứng kiến của đồng chí Lê Duẩn ra, hàng năm, từ 1966 đến 1969, cứ vào dịp sinh nhật mình, Bác lại đem bản "Tài liệu tuyệt mật" (tức bản Di chúc) ra để xem lại và sửa chữa, bổ sung. Qua những lần sửa chữa, bổ sung ấy, Bác đã căn dặn rất cụ thể về những việc cần làm sau chiến tranh và những việc phải làm ngay sau khi Bác mất. Bác yêu cầu "Sau khi tôi đã qua đời, chớ nên tổ chức điếu phúng linh đình, để khỏi lãng phí thì giờ và tiền bạc của nhân dân" và đề nghị, nơi mai táng "không nên có bia đá, tượng đồng, mà nên xây một ngôi nhà giản đơn, rộng rãi, chắc chắn, mát mẻ để những người đến thăm viếng có chỗ nghỉ ngơi". "Nên có kế hoạch trồng cây trên và chung quanh đồi (nơi mai táng). Ai đến thăm thì trồng một vài cây làm kỷ niệm. Lâu ngày, cây nhiều thành rừng sẽ tốt cho phong cảnh và lợi cho nông nghiệp". Rất rõ ràng, toàn bộ những suy nghĩ của Bác là suy nghĩ cho nhân dân, vì nhân dân. Nói rộng hơn là suy nghĩ cho con người, vì con người.
Tháng 5 năm 1968, Bác viết bổ sung thêm 6 trang viết tay (là lần viết bổ sung dài nhất), trong đó nhấn mạnh: sau chiến tranh "việc cần phải làm trước tiên là chỉnh đốn lại đảng, làm cho mỗi đảng viên, mỗi đoàn viên, mỗi chi bộ đều ra sức làm tròn nhiệm vụ đảng giao phó cho mình, toàn tâm toàn ý phục vụ nhân dân". Tiếp theo ngay sau "việc cần làm trước tiên" đó, Bác lại viết "Đầu tiên là công việc đối với con người". Điều đó cho thấy, trong suy nghĩ của Bác, cả hai việc đều quan trọng như nhau, không thể xem nhẹ việc nào, "Đảng là đạo đức, là văn minh" thì Đảng phải làm tốt được cả hai việc ấy, vì đó là trách nhiệm của Đảng đối với nhân dân, với con người, và cũng là lý do tồn tại của Đảng. Bác đã nói rất cụ thể về chính sách đền ơn đáp nghĩa, về việc chăm lo cho đời sống của các tầng lớp nhân dân. Ngay cả đối với những người từng là nạn nhân của chế độ cũ, Bác cũng căn dặn "Nhà nước phải vừa dùng giáo dục, vừa dùng pháp luật để cải tạo họ, giúp họ trở nên những người lao động lương thiện".
Suốt cả cuộc đời Bác là vì nước, vì dân, với một "ham muốn tột bậc là làm sao cho đất nước ta được hoàn toàn độc lập, dân ta được hoàn toàn tự do, đồng bào ai cũng có cơm ăn áo mặc, ai cũng được học hành" và mong muốn tích cực đấu tranh cho một thế giới hoà bình, hữu nghị, dân chủ và phồn vinh. Vì vậy mà khi viết "Về việc riêng", Bác cũng "chỉ tiếc là tiếc rằng không được phục vụ lâu hơn nữa, nhiều hơn nữa", "không có điều gì phải hối hận"!
Để kết thúc bản Di chúc, Bác viết: "tôi để lại muôn vàn tình thân yêu cho toàn dân, toàn Đảng, cho toàn thể bộ đội, cho các cháu thanh niên và nhi đồng"; "gửi lời chào thân ái đến các đồng chí, các bầu bạn, và các cháu thanh niên, nhi đồng quốc tế", và nêu tâm nguyện cuối cùng là "Toàn Đảng, toàn dân ta đoàn kết phấn đấu, xây dựng một nước Việt Nam hoà bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh, và góp phần xứng đáng vào sự nghiệp cách mạng thế giới".
Tóm lại, toàn bộ bản Di chúc của Bác mang đậm tính nhân văn sâu sắc. Đó là một bản Di chúc cho con người, vì con người, thể hiện lòng nhân ái bao la của một con người vĩ đại nhưng lại cũng vô cùng bình dị. Điều đó đòi hỏi toàn Đảng, toàn dân ta còn phải tiếp tục nỗ lực phấn đấu nhiều hơn nữa để xây dựng cho được một nước Việt Nam giàu mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh và góp phần xứng đáng vào phong trào cách mạng thế giới như mong muốn của Bác Hồ kính yêu./.
- Học tập suốt đời - Yêu cầu tất yếu đối với giảng viên Trường Chính trị tỉnh Thanh Hoá
- Sở hữu toàn dân về đất đai ở Việt Nam là thực hiện quyền làm chủ của Nhân dân
- Sự cần thiết khách quan phải chuyển đổi số và những vấn đề đặt ra ở tỉnh Thanh hóa hiện nay
- Vận dụng quan điểm của Đảng, chính sách của Nhà nước về xây dựng xã hội học tập khi giảng dạy Bài 6 bộ môn Quản lý hành chính nhà nước
- Trường Chính trị tỉnh Thanh Hoá tiếp tục phát huy kết quả Cuộc thi chính luận bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng
- Mô hình “5 được, 5 sản phẩm, 5 quán xuyến, 5 thông qua, 5 vai trò” trong công tác chủ nhiệm lớp
- Nữ cán bộ, viên chức Trường Chính trị tỉnh Thanh Hoá đẩy mạnh phong trào thi đua xây dựng trường đạt chuẩn mức 2
- Vận dụng quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh về chống thói ba hoa trong tác phẩm “Sửa đổi lối làm việc” để nâng cao chất lượng giảng dạy lý luận chính trị
- Giải phóng Thủ đô Hà Nội - Sự kiện trọng đại của dân tộc Việt nam
- Ý nghĩa của Tuyên ngôn Độc lập đối với cách mạng Việt Nam