NHIỆT LIỆT CHÀO MỪNG 49 NĂM NGÀY GIẢI PHÓNG MIỀN NAM, THỐNG NHẤT ĐẤT NƯỚC (30/4/1975 - 30/4/2024)

Xây dựng đội ngũ cán bộ, giảng viên có đủ phẩm chất, năng lực, uy tín đáp ứng yêu cầu đổi mới công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ trong thời kỳ mới

Đăng lúc: 16:39:16 16/11/2018 (GMT+7)1072 lượt xem

                                                                  
                                                                 TS. Lương Trọng Thành
                                                                 Tỉnh ủy viên, Hiệu trưởng
 
          Sinh thời khi bàn về vai trò của cán bộ và công tác huấn luyện cán bộ, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định: “Cán bộ là gốc của mọi công việc… huấn luyện cán bộ là công việc gốc của Đảng”(1).
           Bám sát vào định hướng tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh và các quan điểm của Đảng ta về công tác cán bộ và đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, đặc biệt từ yêu cầu thực tiễn của sự nghiệp đẩy mạnh CNH, HĐH đất nước và hội nhập quốc tế; căn cứ vào chức năng, nhiệm vụ của trường chính trị cấp tỉnh, thời gian qua cùng với việc đổi mới nội dung chương trình, mô hình, phương thức quản lý đào tạo, bồi dưỡng, Trường Chính trị Thanh Hóa đã quan tâm xây dựng đội ngũ cán bộ, giảng viên “Có bản lĩnh chính trị vững vàng, giỏi về chuyên môn nghiệp vụ, am hiểu thực tiễn”(2).
          Với vị thế là chủ và vai trò làm chủ trong quá trình tổ chức quản lý đào tạo, bồi dưỡng, đội ngũ cán bộ, giảng viên không chỉ là người định hướng, tổ chức, dẫn dắt, hỗ trợ học viên trong quá trình học tập, tiếp thu hệ thống kiến thức về lý luận chính trị, khoa học quản lý, kỹ năng nghiệp vụ… mà còn định hướng về quá trình tự học, tự nghiên cứu để phát triển tư duy, tầm nhìn, phương pháp luận khoa học xử lý các vấn đề thực tiễn.
           Đặc biệt, với trách nhiệm là chủ thể quản trị Nhà trường, đội ngũ cán bộ, giảng viên còn có sứ mệnh xây dựng môi trường giáo dục giàu tính Đảng với các đặc trưng: kiên định, kỷ cương, đoàn kết, nêu gương, sáng tạo mà điều cốt lõi nhất ở môi trường giáo dục đó phải kiến tạo được thể chế, điều kiện, môi trường tốt nhất phục vụ cán bộ, giảng viên và học viên nghiên cứu, dạy - học, phấn đấu rèn luyện, phát triển phẩm chất, năng lực. Theo đó, để hoàn thành xuất sắc vai trò, chức trách, nhiệm vụ đòi hỏi mỗi cán bộ, giảng viên không chỉ có đủ phẩm chất, tố chất của một nhà giáo mà còn có đủ phẩm chất, năng lực của nhà khoa học, nhà lãnh đạo, quản lý…
          Nhận thức sâu sắc về vai trò “then chốt” của đội ngũ cán bộ, giảng viên đối với việc đổi mới và nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, Đảng ủy, Ban Giám hiệu Nhà trường đã quan tâm đổi mới đồng bộ và gắn kết giữa các khâu từ công tác tuyển dụng, sử dụng, đào tạo, bồi dưỡng, luân chuyển đến việc đánh giá, bổ nhiệm, đề xuất nâng ngạch, bậc và thực hiện chính sách cán bộ. Trong đó, nổi bật là việc thực hiện phương châm 3 tốt: Định hướng tốt, cơ chế tốt, môi trường tốt trong xây dựng đội ngũ cán bộ, giảng viên.
         Theo đó, thông qua chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển đội ngũ, Nhà trường đã xác định mục tiêu xây dựng đội ngũ cán bộ, giảng viên trở thành cán bộ quản lý giáo dục giỏi, thành chuyên gia trên các lĩnh vực không chỉ có khả năng tư vấn cho học viên trong quá trình học tập, rèn luyện ở trường mà còn đồng hành, tư vấn, hỗ trợ cấp ủy, chính quyền nâng cao năng lực lãnh đạo, quản lý, phát triển KT - XH, xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị ở các địa phương, đơn vị.
         Nhằm hiện thực hóa mục tiêu phát triển đội ngũ, Nhà trường đã xác định khâu đột phá là tạo cơ chế tốt, môi trường tốt trong công tác huấn luyện đội ngũ thông qua việc ban hành cơ chế hỗ trợ đặc biệt, khuyến khích học tập nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ, lý luận chính trị, khoa học lãnh đạo, quản lý, nhất là học tập nghiên cứu sinh.
         Song hành với việc quan tâm nâng cao trình độ, Đảng ủy, Ban Giám hiệu đã chú trọng bồi dưỡng đội ngũ thông qua các hoạt động thực hành - trải nghiệm thực tiễn như: giao chủ trì các nhiệm vụ nghiên cứu khoa học cấp bộ, cấp tỉnh, cấp trường, các hoạt động lãnh đạo, quản lý…; quan tâm tạo động lực và áp lực trong công tác tổng kết thực tiễn, biên tập tài liệu, sách chuyên khảo, tham khảo, các hoạt động thao giảng, dự giờ, hội thi giảng viên giỏi 3 cấp độ (giảng viên có giờ dạy giỏi, dạy giỏi và giỏi); kịp thời biểu dương, khen thưởng cán bộ quản lý tiêu biểu, các danh hiệu giảng viên, các công trình khoa học tiêu biểu, vinh danh các tập thể kiểu mẫu, giảng viên gương mẫu. Công tác chăm lo xây dựng đội ngũ cán bộ, giảng viên của Nhà trường đến nay đã đạt được những kết quả đáng phấn khởi và tự hào: 100% cán bộ quản lý và giảng viên đạt chuẩn và vượt chuẩn về chuyên môn nghiệp vụ, lý luận chính trị. Là trường có số lượng tiến sĩ và nghiên cứu sinh nhiều nhất trong hệ thống trường chính trị cấp tỉnh trên cả nước.
Quan trọng hơn, thông qua việc chăm lo xây dựng đội ngũ, Nhà trường đã phát huy tất cả cán bộ, giảng viên nâng cao bản lĩnh chính trị, tâm huyết, dám nghĩ, dám làm, dám đổi mới vì sự phát triển, tạo được những dấu ấn đặc biệt trong việc xây dựng mô hình Nhà trường 5 nhất, 4 trụ cột, 5 định hướng đổi mới với những kết quả tiêu biểu như: phối hợp với các ban, sở, ngành cấp tỉnh; với cấp ủy, chính quyền các địa phương tham mưu cho Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh ban hành các cơ chế, chính sách đồng bộ về công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ. Chủ động đổi mới và nâng cao hiệu quả công tác quản lý, điều hành hoàn thành quy mô đào tạo, bồi dưỡng lớn với chất lượng tốt nhất (khoảng từ 120 - 150 lớp/12000 học viên/năm). Sáng tạo huy động nguồn lực phát triển toàn diện công tác nghiên cứu khoa học, tổng kết thực tiễn. Xây dựng môi trường giáo dục giàu tính Đảng, nâng cao hình ảnh, vị thế của cán bộ, giảng viên Nhà trường đối với sự ghi nhận của học viên, cấp ủy, chính quyền, các địa phương, đơn vị trong tỉnh và hệ thống các trường chính trị trong cả nước.
          Bước vào năm học 2018 - 2019, kỷ niệm 70 năm ngày truyền thống Trường Chính trị tỉnh Thanh Hóa (4/6/1949 - 4/6/2019), với sự quan tâm ngày càng đồng bộ, cụ thể hơn về công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ của Đảng và Nhà nước, đội ngũ cán bộ, giảng viên hôm nay càng trân trọng, tự hào về truyền thống, công lao xây dựng và phát triển Nhà trường của các thế hệ cha anh.
          Phấn khởi về những thành tựu vượt bậc trong sự nghiệp đổi mới công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ càng nhận thức đầy đủ, toàn diện và sâu sắc hơn về tầm nhìn: xây dựng Trường Chính trị trở thành trung tâm chất lượng cao về đào tạo, bồi dưỡng cán bộ; nghiên cứu khoa học, tổng kết thực tiễn và sứ mệnh: đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực chất lượng cao - đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý có đủ phẩm chất, năng lực và uy tín đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong thời kỳ mới ở các địa phương, đơn vị.
           Để thực hiện được sứ mệnh đầy vinh quang và trách nhiệm lớn lao đó, đòi hỏi phải xây dựng được đội ngũ cán bộ, giảng viên Nhà trường có đủ phẩm chất, năng lực, uy tín. Theo đó, cần thực hiện đồng bộ 5 giải pháp như sau:
          Một là, phát triển tư duy, tầm nhìn; xóa bỏ nếp nghĩ, cách làm “cầm chừng”, “vừa đủ”; xử lý hài hòa các mối quan hệ để tiếp tục đổi mới và phát triển.
          Dấu ấn rõ nét nhất, thành công nhất trong sự nghiệp đổi mới công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ là đã xây dựng được mô hình Nhà trường 5 nhất, 4 trụ cột, 5 định hướng đổi mới. Trong đó, điểm nổi bật nhất là đã tạo ra môi trường tốt, bầu không khí nghiên cứu học tập sôi nổi; đưa thực tiễn cuộc sống vào hoạt động dạy - học; đồng thời cán bộ, giảng viên Nhà trường đã và đang thâm nhập thực tiễn theo phương châm “sâu địa bàn, sát lĩnh vực, phát hiện kịp thời, tư vấn giải pháp”. Mặt tích cực của thành công đã giúp cho mỗi cán bộ, giảng viên tự hào, có thêm động lực, song mặt trái của nó dễ làm cho một bộ phận tự mãn, say sưa và “ngủ quên” trong thành tích. Thói quen, nếp nghĩ, cách làm “vừa đủ”, “cầm chừng” trong một bộ phận cán bộ, giảng viên đã và đang là rào cản lớn trong sự nghiệp phát triển Nhà trường. Để tiếp tục giữ vững mô hình phát triển đồng thời hiện thực hóa được tầm nhìn chiến lược, đòi hỏi mỗi cán bộ, giảng viên cần mở rộng tầm nhìn, quyết tâm xóa bỏ rào cản với tư duy “không gì cũ hơn thành tích của ngày hôm qua”, tự chỉnh đốn, tự đổi mới để vượt lên chính mình, tập trung xử lý hài hòa 5 mối quan hệ, cụ thể như sau: (1) Đổi mới, ổn định và phát triển. (2) Đào tạo, bồi dưỡng với quy hoạch và sử dụng cán bộ. (3) Quy mô đào tạo, bồi dưỡng với chất lượng đào tạo, bồi dưỡng cán bộ. (4) Đào tạo, bồi dưỡng với nghiên cứu khoa học, tổng kết thực tiễn. (5) Xử lý khối lượng công việc nhiều hơn, tiến độ đòi hỏi nhanh hơn, yêu cầu chất lượng tốt hơn với tổ chức bộ máy tinh gọn, giảm về biên chế.
Hai là, nuôi dưỡng đam mê, khuyến khích sáng tạo, xóa bỏ thói quen ngại khó, ngại khổ; phát triển tinh thần tận hiến vì sự nghiệp đào tạo, bồi dưỡng cán bộ của Đảng.
Vinh dự, tự hào được công tác và cống hiến trong “nghề cao quý nhất trong những nghề cao quý”(3), càng phấn khởi, tin tưởng hơn bởi lẽ chưa bao giờ như thời kỳ này, Đảng, Nhà nước quan tâm đồng bộ hơn, cụ thể hơn đến công tác cán bộ và công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ. So với các trường cao đẳng, đại học trên địa bàn, đội ngũ cán bộ, giảng viên Trường Chính trị đang có nhiều việc để làm, có nhiều học viên để yêu thương và có tương lai sáng lạn để mong đợi. Được hạnh phúc công tác trong môi trường tốt đẹp như thế, sáng tạo phải trở thành mệnh lệnh của cuộc sống, đam mê phải trở thành mệnh lệnh của con tim trong mỗi cán bộ, giảng viên Nhà trường. Chỉ có tự nuôi dưỡng đam mê và sáng tạo, “có tinh thần sáng tạo, tìm tòi cái mới, học tập cái mới, ủng hộ cái mới, thực hiện cái mới thì việc gì cũng làm được” (4). Và chính trong quá trình nghiên cứu, học tập, rèn luyện, cống hiến với niềm đam mê, đầy sáng tạo, với tinh thần tận hiến: Lấy hiệu quả phục vụ, thành công của học viên, tín nhiệm của Đảng bộ và nhân dân trong tỉnh làm mục tiêu phấn đấu; đồng hành chăm lo và phát huy học viên trong: (1) phát triển tư duy, tầm nhìn; (2) phát triển kỹ năng lãnh đạo, quản lý;  (3) phát triển văn hóa đọc; (4) xây dựng hình ảnh học viên; (5) xây dựng môi trường giàu tính Đảng thì mỗi cán bộ, giảng viên sẽ vượt lên chính mình, tự bỏ thói quen “ngại khó, ngại khổ”, hoàn thiện, phát triển bản thân và khẳng định vị thế, đóng góp nhiều hơn trong sự nghiệp đổi mới công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ của Đảng.
          Ba là, thực sự cầu thị, xóa bỏ tư duy “bằng cấp”, rèn luyện tác phong, nâng cao hình ảnh, vị thế cán bộ, giảng viên Trường Đảng.
          Học viên của hệ thống Trường Đảng cần có tinh thần thực sự cầu thị với ý nghĩa: (1) nỗ lực học tập; (2) làm giàu trí tuệ; (3) nắm bắt quy luật; (4) làm chủ vận mệnh; (5) chinh phục thời đại.  Trong xu thế hội nhập hiện nay, mỗi cán bộ, giảng viên Trường Chính trị tỉnh cần phải biết giao lưu học hỏi, tiếp thu những tinh hoa của thời đại để tinh thần thực sự cầu thị, tận lực trong học tập nâng cao trình độ chuyên môn - nghiệp vụ, lý luận chính trị, khoa học lãnh đạo, quản lý, ngoại ngữ, tin học. Theo đó, mỗi cán bộ, giảng viên Nhà trường phải là tấm gương về tinh thần thực tìm hiểu, thực nghiên cứu, thực trải nghiệm, thực tổng kết và thực dạy; đồng thời phải tiếp tục tu dưỡng, rèn luyện tác phong “nghiêm về giờ giấc, đẹp về trang phục, chuẩn trong phát ngôn, đúng mực trong ứng xử, quyết liệt trong đổi mới phương pháp dạy - học, thi, kiểm tra, đánh giá”. Chỉ khi nào mỗi cán bộ, giảng viên Nhà trường quyết liệt hành động trước, nói đi đôi với làm, thực hành chuẩn mực, biết chịu khó hy sinh và có trách nhiệm trong quản lý chế độ tự quản của học viên theo tinh thần giảm đóng góp, quản được lợi dụng, lạm dụng, tránh phiền hà, đề cao nghĩa tình đạo lý văn hóa; đồng thời hướng dẫn, tổ chức học viên rèn luyện tác phong theo nguyên tắc 3 không (không vào lớp muộn, ra sớm; không cẩu thả; không làm việc riêng, sử dụng điện thoại trong giờ học), 3 có (có mục tiêu, động lực học tập tích cực; có tác phong, hình ảnh đẹp; có phương pháp học tập, rèn luyện khoa học) thì khi đó hình ảnh của đội ngũ cán bộ, giảng viên mới được nâng lên và Nhà trường mới được nâng cao vị thế.
          Bốn là, xây dựng môi trường tạo động lực thực hiện có hiệu quả phong trào  thi đua 5 tốt
          Bám sát định hướng chủ đề hàng năm trong thực hiện Chỉ thị 05 của Bộ Chính trị về Học tập, làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, Đảng ủy, Ban Giám hiệu Nhà trường tiếp tục rà soát, bổ sung, hoàn thiện, cụ thể hóa thành các tiêu chí, tiêu chuẩn gắn liền với vị trí việc làm và chức danh làm mục tiêu phấn đấu và cơ sở đánh giá kết quả học tập, rèn luyện, công tác của mỗi cán bộ, giảng viên. Cụ thể hóa phong trào thi đua 5 tốt: nghiên cứu tốt, tham mưu tốt, quản trị tốt, dạy - học tốt, tư vấn tốt thành chương trình hành động của các tập thể và cá nhân. Chú trọng xây dựng các tập thể kiểu mẫu, cá nhân gương mẫu gắn liền với các hoạt động biểu dương, tôn vinh: cán bộ quản lý tiêu biểu, các danh hiệu giảng viên giỏi… Tiếp tục tạo cơ chế tốt khích lệ cán bộ, giảng viên học tập nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ, lý luận chính trị, khoa học lãnh đạo quản lý, ngoại ngữ, tin học. Ưu tiên nguồn lực đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, giảng viên thông qua các hoạt động thực hành - trải nghiệm, nghiên cứu thực tế, tổng kết thực tiễn theo phương châm: xã hội hóa nghiên cứu tìm hiểu, ưu tiên nghiên cứu phát hiện, khuyến khích nghiên cứu tư vấn. Quan tâm đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị hiện đại phục vụ công tác quản lý điều hành, nghiên cứu, giảng dạy theo hướng khoa học, chuyên nghiệp. Đặc biệt, vừa chú trọng thực hiện kỷ luật, kỷ cương, đề cao giá trị nghĩa tình, đạo lý trong văn hóa ứng xử; tạo bầu không khí dân chủ, khuyến khích đổi mới và sáng tạo. Qua đó, để mỗi cán bộ, giảng viên phải thực sự nêu gương và tiêu biểu về tinh thần kiên định, kỷ cương, đoàn kết, nêu gương, sáng tạo trong công tác và cuộc sống.
          Năm là, đổi mới và thực hiện đồng bộ các khâu trong công tác cán bộ, coi đổi mới đánh giá là khâu đột phá.
          Trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ, tổ chức bộ máy của các trường chính trị cấp tỉnh đã được Bộ Chính trị, Ban Bí thư phê duyệt; bám sát vào định hướng của Tỉnh ủy, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh và tình hình thực tiễn; Đảng ủy, Ban Giám hiệu Nhà trường sẽ khẩn trương phối hợp chuẩn bị các điều kiện trình Ban Thường vụ Tỉnh ủy phê duyệt chức năng, nhiệm vụ, tổ chức bộ máy, biên chế; phê duyệt đề án vị trí việc làm của Nhà trường. Làm tốt công tác tư tưởng, sắp xếp tổ chức bộ máy, biên chế cán bộ, giảng viên các khoa, phòng theo hướng phù hợp với chuyên môn, trình độ, năng lực đáp ứng được yêu cầu, nhiệm vụ. Đồng thời tiếp tục rà soát, hoàn thiện các quy chế, quy định về công tác cán bộ. Tiếp tục đổi mới, thực hiện đồng bộ và gắn kết giữa các khâu từ quy hoạch đến đào tạo, bồi dưỡng và sử dụng cán bộ, giảng viên. Đặc biệt, coi đổi mới đánh giá là khâu đột phá theo hướng: “xuyên suốt, liên tục, đa chiều, theo tiêu chí, bằng sản phẩm, thông qua khảo sát, công khai kết quả và so sánh với chức danh tương đương”(5). Qua đó, xây dựng đội nghũ cán bộ, giảng viên có đủ phẩm chất, năng lực, uy tín đáp ứng yêu cầu đổi mới công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, xây dựng Trường Chính trị Thanh Hóa đạt chuẩn đầu tiên trong hệ thống các trường chính trị của cả nước./.
         
          Chú thích:
(1) (3) (4)  Hồ Chí Minh (2009) Toàn tập, Nxb CTQG, Hà Nội.
(2) Tỉnh ủy Thanh Hóa – Nghị quyết số 04-NQ/TU Về tiếp tục xây dựng đội ngũ cán bộ và đổi mới mạnh mẽ công tác cán bộ đáp ứng yêu cầu Thanh Hoá thành tỉnh tiên tiến vào năm 2020.
 (5) Tài liệu học tập Các văn kiện hội nghị lần thứ bảy Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII, Nxb Chính trị Quốc gia sự thật, tr.56.
 
Số lượt truy cập
Hôm nay:
211
Hôm qua:
2004
Tuần này:
12393
Tháng này:
58767
Tất cả:
4.423.647