HƯỞNG ỨNG NGÀY SÁCH VÀ VĂN HOÁ ĐỌC VIỆT NAM (21/4/2021 - 21/4/2024)

Xây dựng tác phong, hình ảnh học viên trường chính trị từ thực tiễn Trường Chính trị tỉnh Thanh hóa

Đăng lúc: 13:37:22 14/09/2019 (GMT+7)1822 lượt xem

ThS. Lê Ái Bình
Phó trưởng Khoa Xây dựng Đảng 
 
Tác phong là lề lối, cách thức, phong thái đã trở thành nền nếp ổn định của con người được thể hiện trong tất cả các mặt hoạt động như lao động, học tập, sinh hoạt, tạo nên những nét riêng biệt của chủ thể đó.Xây dựng tác phong có liên quan chặt chẽ với việc tạo dựng hình ảnh cá nhân của mỗi người, giúp cho mỗi người tạo được nét riêng và uy tín của mình trước tập thể trong quá trình giao tiếp, xử lý công việc, đồng thời cũng góp phần xây dựng nên những giá trị chung của tập thể và tổ chức. Với đặc thù học viên trường chính trị hầu hết là cán bộ lãnh đạo, quản lý hoặc nguồn cán bộ lãnh đạo, quản lý trong hệ thống chính trị cấp cơ sở và cán bộ, công chức, viên chức của các địa phương trên địa bàn tỉnh. Vì vậy, để tạo được uy tín trong nhân dân thì đòi hỏi họ phải luôn không ngừng tu dưỡng rèn luyện đạo đức, tác phong để tạo dựng hình ảnh người cán bộ, công chức, viên chức thực sự mẫu mực, được dân tin, dân yêu và dân kính trọng. Tuy nhiên, việc xây dựng tác phong, hình ảnh của người cán bộ, công chức, viên chức không phải là việc làm có tính chất nhất thời mà phải là việc làm thường xuyên, lâu dài và phải được thực hiện ở mọi lúc, mọi nơi, kể cả trong quá trình công tác tại địa phương, đơn vị cũng như trong quá trình học tập, rèn luyện tại trường.
Đối với Trường Chính trị tỉnh Thanh Hóa, trong những năm qua, với chức năng, nhiệm vụ là trường đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, nhà trường luôn xác định lấy hiệu quả phục vụ, thành công của học viên, tín nhiệm của Đảng bộ và nhân dân trong tỉnh làm mục tiêu phấn đấu. Vì vậy, cùng với việc không ngừng đổi mới, nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng, nhà trường luôn chú trọng xây dựng tác phong, hình ảnh của học viên và xác định đây là một trong 5 chương trình trọng tâm vì học viên của nhà trường (chương trình phát triển tư duy, tầm nhìn; chương trìnhphát triển kỹ năng lãnh đạo, quản lý; chương trình phát triển văn hóa đọc; chương trìnhxây dựng tác phong, hình ảnh học viên; chương trìnhxây dựng môi trường giáo dục kỷ cương, thân thiện, giàu tính Đảng). Trong đó, việc xây dựng tác phong, hình ảnh của học viên được chú trọng từ việc xây dựng động cơ, thái độ đúng đắn trong học tập lý luận chính trị; xây dựng tác phong khoa học, tích cực, chủ động và kỷ cương, nề nếp trong học tập, rèn luyện đến xây dựng tác phong, hình ảnh đẹp trong giao tiếp, ứng xử.
Trước hết, về xây dựng động cơ, thái độ đúng đắn trong học tập lý luận chính trị.
Như Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng ta đã nhiều lần khẳng định, học tập lý luận chính trị là công việc thường xuyên, lâu dài đối với mỗi cán bộ, đảng viên nhằm hình thành thế giới quan, phương pháp luận khoa học, cách mạng, từ đó vận dụng vào thực tiễn công tác. Tuy nhiên, thực tế khi đi học lý luận chính trị, nhiều học viên chưa xác định được mục đích đúng đắn của việc học tập lý luận chính trị, không coi học tập lý luận chính trị là nhiệm vụ thường xuyên và lâu dài của cán bộ, đảng viên, cho rằng chỉ cần có trình độ chuyên môn là đủ, còn việc học tập lý luận chính trị chỉ là để đủ tiêu chuẩn về bằng cấp, để đáp ứng tiêu chuẩn được đề bạt, bổ nhiệm lên những vị trí cao hơn chứ không phải học để nắm vững lý luận chính trị phục vụ nhu cầu công tác. Từ đó dẫn đến tình trạng là khi tham gia học tập, không ít học viên có tư tưởng “có mặt” để điểm danh mà chưa thực tâm chú ý lắng nghe; không có sự trăn trở và sáng tạo trong quá trình học tập,thường nghe giảng một cách thụ động; khi học chỉ quan tâm đến việc làm thế nào để thi hết môn đạt yêu cầu, ngại phát biểu ý kiến xây dựng bài, ít tìm hiểu tài liệu để nghiên cứu và gần như không chủ động dành thời gian để tự học...và đa số học viên chỉ dừng lại ở việc nghe giảng trên lớp và đối phó với yêu cầu của giảng viên. 
Vì vậy, việc định hướng xây dựng động cơ, thái độ đúng đắn cho học viên trong học tập lý luận chính trị đã được nhà trường thực hiện ngay đầu mỗi khóa học, thông qua việc trang bị cho học viên kiến thức về quản lý mục tiêu, thái độ, giúp học viên nhận thức đúng đắn thái độ, trách nhiệm khi tham gia học tập. Đồng thời, trên cơ sở chương trình khung của Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, nhà trường đã thực hiện đổi mới nội dung, chương trình theo phương châm rõ hơn về lý luận, sát với đối tượng và phù hợp với thực tiễn. Theo đó, nhà trường đã đưa vào giảng dạy một số chuyên đề thực tiễn về phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, về công tác xây dựng Đảng; các chuyên đề kỹ năng lãnh đạo, quản lý,… Đổi mới cách thức tổ chức nghiên cứu thực tế cho học viên theo hướng trên cơ sở định hướng nghiên cứu thực tế của các giảng viên bộ môn, học viên về địa phương, đơn vị mình công tác nghiên cứu, vận dụng kiến thức lý luận vào các hoạt động thực tiễn để viết chuyên đề đề ra giải pháp nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác của bản thân ở địa phương, đơn vị. Qua đó đã giúp cho học viên thấy được học chính trị tại trường không phải chỉ đơn giản là nghiên cứu những kiến thức lý luận chung chung mà còn được tiếp cận với nhiều khối kiến thức khác nhau và còn được trang bị nhiều kỹ năng cần thiết đối với người cán bộ ở địa phương, cơ sở, từ đó tạo nên sự hứng khởi và tinh thần tích cực trong quá trình học tập, nghiên cứu.
Thứ hai, về xây dựng tác phong khoa học, tích cực, chủ động và kỷ cương, nề nếp trong học tập, rèn luyện của học viên.
Trên tinh thần phát huy vai trò là chủ và làm chủ của học viên trong quá trình học tập, nghiên cứu để nâng cao trình độ và kỹ năng, nghiệp vụ, nhà trường kiên trì thực hiện nguyên tắc giáo dục: Trong cách học phải lấy tự học làm cốt. Thay đổi căn bản từ dạy - học thụ động sang chủ động, từ dạy cái thầy có sang dạy cái học viên cần, thực tiễn cần, nhân dân cần; chú trọng dạy - học lý thuyết, cập nhật kiến thức mới. Theo đó, thực hiện quyết liệt việc đổi mới phương pháp dạy-học theo mô hình 3 tăng (tăng chủ động, tăng trao đổi, tăng xử lý tình huống); 3 giảm (giảm thụ động, giảm độc thoại, giảm lý thuyết) để tạo ra không gian trao đổi đa chiều giữa giảng viên và học viên, giữa học viên với nhau. Đồng thời, nhà trường cũng đã thường xuyên tạo diễn đàn cho học viên chủ trì trao đổi, thảo luận kiến thức các môn học, phần học, báo cáo sản phẩm nghiên cứu thực tế thông qua hình thức tọa đàm, hội thảo các vấn đề thực tiễn ở địa phương (về đạo đức, tác phong, phong cách, trách nhiệm thực thi công vụ của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức; cải cách hành chính ở địa phương; phát triển sản xuất hàng hóa; công tác giảm nghèo ở địa phương…),trao đổi các chuyên đề rèn luyện kỹ năng như: xây dựng kế hoạch phát triển năng lực cá nhân, rèn luyện kỹ năng thuyết trình thông qua hình thức giới thiệu sách,... Qua đó đã tạo cho học viên vừa chủ động trong học tập, nghiên cứu; vừa phát huy năng lực tư duy, kinh nghiệm thực tiễn để nắm kiến thức, từ đó tạo sự hứng khởi và hiệu quả cao trong quá trình tiếp thu kiến thức của học viên.
Đặc biệt, để tạo môi trường cho học viên rèn luyện và xây dựng tác phong khoa học, chủ động trong học tập, rèn luyện, hằng năm nhà trường đều tổ chức hội nghị tập huấn cho ban cán sự các lớp Trung cấp lý luận chính trị- hành chính nhằm định hướng nội dung tự quản cho học viên các lớp trong xây dựng kế hoạch học tập trên lớp và xây dựng mô hình tự học. Trong đó, đối với việc xây dựng mô hình tự học được thực hiện thông qua nhiều hình thức như: trên cơ sở hướng dẫn của các khoa chuyên môn và giáo viên chủ nhiệm, học viên các lớp tự xây dựng kế hoạch, tổ chức “Ngày thứ 7 kết nối” bằng việc đi nghiên cứu thực tế ở các địa phương, đơn vị hoặc tổ chức các diễn đàn trao đổi, tọa đàm theo các chủ đề nhà trường định hướng hằng năm như: tổ chức tọa đàm Kỷ niệm ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước; trao đổi về giải pháp nâng cao ý thức tự học,… Qua đó vừa góp phần nâng cao kiến thức, năng lực và kỹ năng cần thiết cho học viên, vừa tạo sự chuyển biến mạnh mẽ từ quá trình đào tạo thành quá trình tự đào tạo của học viên.
Để xây dựng tác phong kỷ cương, nề nếp trong học tập, rèn luyện cho học viên, Ban Giám hiệu đã thường xuyên chỉ đạo các khoa, phòng, giáo viên chủ nhiệm và giảng viên lên lớp phối hợp chặt chẽ trong quản lý học viên từ việc đảm bảo trang phục lịch sự, đeo thẻ nghiêm túc khi vào lớp đến việc chấp hành thời gian vào, ra và tinh thần, thái độ, phương pháp học tập trong các giờ học. Thực hiện nghiêm trong xét điều kiện thi, tổ chức học bổ sung, học lại, thi lại và định kỳ giao ban đánh giá tình hình học tập, rèn luyện của học viên để bình xét “lớp học kiểu mẫu”, “học viên gương mẫu” và gửi đánh giá về từng địa phương, đơn vị của học viên làm căn cứ đánh giá, bình xét cán bộ, đảng viên cuối năm. Qua đó đã góp phần tạo sự chuyển biến tích cực về ý thức, thái độ và tinh thần trách nhiệm, kỷ cương, nề nếp trong việc thực hiện nhiệm vụ học tập của học viên, từng bước khắc phục được tình trạng nghỉ học không có lý do, tình trạng vào muộn, ra sớm, học thay học hộ và làm việc riêng trong các buổi học trên lớp.
Thứ ba, vềxây dựng tác phong, hình ảnh đẹp trong giao tiếp ứng xử.
Phát huy vai trò nêu gương của đội ngũ giảng viên, Ban Giám hiệu yêu cầu các giảng viên khi lên lớp, trước hết phải đẹp về trang phục và lịch sự, đúng mực trong giao tiếp, ứng xử với học viên; nghiêm cấm việc gây khó dễ với học viên để gợi ý tặng quà,…. Trên tinh thần đó, tất cả giảng viên nhà trường khi lên lớp đều thực hiện nghiêm túc việc đeo thẻ và các thầy mặc sơ mi thắt cà vạt, các cô mặc áo dài; trong giao tiếp, ứng xử luôn chan hòa, gần gũi, quan tâm, giúp đỡ, lắng nghe và tôn trọng ý kiến của học viên; luôn thể hiện phong cách mẫu mực của người giảng viên Trường Chính trị trên giảng đường và cả trong cuộc sống. Chính vì vậy đã tạo ra sự lan tỏa rộng rãi đến đến học viên kể cả với các lớp tập trung cũng như không tập trung, cho nên mặc dù đa số học viên đều là cán bộ lãnh đạo, quản lý ở các địa phương đơn vị, hoặc nguồn cán bộ lãnh đạo, quản lý, trong đó có cả những học viên có tuổi đời và trình độ chuyên môn cao hơn một số giảng viên, nhưng trong quá trình học tập đều có tinh thần cầu thị, tích cực tham gia trao đổi thảo luận và tranh thủ ý kiến của giảng viên, đồng thời thể hiện sự trân trọng đối với giảng viên. Bên cạnh đó, quan hệ giao tiếp, ứng xử giữa học viên với nhau cũng trên tinh thần đoàn kết, gắn bó và sẻ chia thông qua việc tham gia nhiều hoạt động chung của từng lớp hoặc các lớp tổ chức các hoạt động giao lưu văn hóa, thể thao, diễn đàn trao đổi,… để tăng cường sự kết nối. Đặc biệt, từ năm học 2017 đến nay, cũng lan tỏa từ việc tất cả các cô giáo đều mặc áo dài và các thầy mặc sơ mi thắt cà vạt khi lên lớp, hầu hết các lớp học tại trường đều thực hiện nữ mặc áo dài, nam mặc sơ mi trong các buổi chào cờ mỗi đợt học và nhiều lớp thực hiện mặc đồng phục một hoặc hai ngày trong tuần cũng góp phần tạo nên hình ảnh đẹp học viên trường chính trị đẹp về trang phục trong các buổi lên lớp.
Bên cạnh đó, với việc thường xuyên phát động các phong trào thi đua xây dựng “lớp học kiểu mẫu” và “học viên gương mẫu”; các phong trào vì cộng đồng gắn với thực hiện “Ngày thứ 7 kết nối” của các lớp như: Ủng hộ, giúp đỡ đồng bào vùng lũ lụt; vùng sâu, vùng xa; người nghèo, trẻ em cơ nhỡ; những học viên có hoàn cảnh khó khăn hoặc gặp những rủi ro trong cuộc sống,… đã tạo nên sự gắn kết chặt chẽ giữa các học viên ở từng lớp và cả trong phạm vi toàn trường, tạo nên những hình ảnh đẹp của học viên không những trong giao tiếp ứng xử giữa học viên với học viên mà cả trong giao tiếp, ứng xử với nhân dân trong thực hiện trách nhiệm với cộng đồng dân cư và được nhân dân các địa phương, đơn vị đánh giá rất cao.
Nhìn chung, với phương châm phát huy vị thế là chủ và vai trò làm chủ của học viên, trong những năm qua, cùng với việc nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng về kiến thức cho học viên, Trường Chính trị tỉnh Thanh Hóa luôn quan tâm tạo môi trường, điều kiện tốt để học viên rèn luyện, phát triển toàn diện cả về kỹ năng, nghiệp vụ, cũng như xây dựng tác phong, hình ảnh của bản thân, qua đó đã tạo được hiệu ứng thi đua sôi nổi trong học viên về xây dựng mô hình “lớp học kiểu mẫu” và “học viên gương mẫu”. Từ thực tiễn quá trình thực hiện với những kết quả đạt được trong xây dựng tác phong, hình ảnh học viên trường chính trị ở Trường Chính trị Thanh Hóa, trong thời gian tới, Nhà trường xác định cần tiếp tục duy trì và thực hiện tốt các nội dung như:
- Tiếp tục chuyển mạnh từ quản lý hành chính sang quản lý phục vụ và kiến tạo. Tạo dựng cơ chế, môi trường thuận lợi với việc quản lý tốt mục tiêu, xây dựng thái độ học tập tích cực, phương pháp rèn luyện tư duy khoa học cho học viên. Phát huy vai trò là chủ, làm chủ của học viên trong học tập, rèn luyện phát triển phẩm chất và năng lực.
- Tiếp tục phát huy vai trò nêu gương của đội ngũ giảng viên trong tu dưỡng, rèn luyện tác phong “nghiêm về giờ giấc, đẹp về trang phục, chuẩn trong phát ngôn, đúng mực trong ứng xử, quyết liệt trong đổi mới phương pháp dạy - học, thi, kiểm tra, đánh giá” để từ đó định hướng, tổ chức học viên rèn luyện tác phong theo nguyên tắc 3 không (không vào lớp muộn, ra sớm; không cẩu thả; không làm việc riêng, sử dụng điện thoại trong giờ học), 3 có (có mục tiêu, động lực học tập tích cực; có tác phong, hình ảnh đẹp; có phương pháp học tập, rèn luyện khoa học).
- Tiếp tục làm tốt công tác quản lý học tập và rèn luyện của học viên. Trong đó, các khoa, phòng, giáo viên chủ nhiệm và giảng viên lên lớp phối hợp chặt chẽ quản lý học viên trong các giờ lên lớp, trong xét điều kiện thi, tổ chức học bổ sung, học lại, thi lại và định kỳ giao ban đánh giá tình hình học tập, rèn luyện của học viên. Duy trì và thực hiện tốt phong trào xây dựng và tôn vinh “Lớp học kiểu mẫu”, “học viên gương mẫu” gắn với nghi lễ chào cờ đầu tuần, đầu tháng.  
- Tăng cường phối hợp với cấp ủy, chính quyền, thủ trưởng cơ quan, đơn vị trong quản lý, đánh giá học viên. Tiếp tục thực hiện 2 lần/khóa học, nhà trường gửi kết quả học tập, rèn luyện của học viên về cơ quan, đơn vị. Lấy kết quả học tập, rèn luyện là một tiêu chí đánh giá cán bộ, đồng thời lấy kết quả xếp loại cán bộ là tiêu chí đánh giá, xếp loại học tập, rèn luyện của học viên.
Tóm lại, đồng hành cùng với sự nghiệp đổi mới quê hương, đất nước, trong những năm qua Trường Chính trị tỉnh Thanh Hóa đã có nhiều đổi mới, sáng tạo trong thực hiện công tác đào tạo, bồi dưỡng. Trong đó, việc xây dựng tác phong, hình ảnh học viên gắn với phong trào thi đua xây dựng mô hình “lớp học kiểu mẫu” và “học viên gương mẫu” là một trong những nét nổi bật trong kết quả việc thực hiện 05 chương trình vì học viên ở Trường Chính trị tỉnh Thanh Hóa. Những kết quả đạt được đó chính là những tiền đề quan trọng để nhà trường tiếp tục duy trì và phát huy hiệu quả hơn nữa việc xây dựng và thực hiện các mô hình, nhằm góp phần hướng tới xây dựng Trường Chính trị kiểu mẫu, tiếp tục đóng góp quan trọng vào sự nghiệp đào tạo, bồi dưỡng cán bộ của tỉnh Thanh Hóa./
Số lượt truy cập
Hôm nay:
2190
Hôm qua:
1983
Tuần này:
12503
Tháng này:
44149
Tất cả:
4.409.029