THI ĐUA "CHỦ ĐỘNG, ĐỒNG BỘ, ĐỘT PHÁ, KỶ CƯƠNG, CHẤT LƯỢNG, HIỆU QUẢ" XÂY DỰNG TRƯỜNG CHÍNH TRỊ TỈNH THANH HOÁ ĐẠT CHUẨN TRONG NHÓM CÁC TRƯỜNG DẪN ĐẦU CẢ NƯỚC                                                                                           MỪNG ĐẤT NƯỚC ĐỔI MỚI, MỪNG ĐẢNG QUANG VINH, MỪNG XUÂN ẤT TỴ NĂM 2025!
             
NHIỆT LIỆT CHÀO MỪNG 95 NĂM NGÀY THÀNH LẬP ĐẢNG CỘNG SẢN VIỆT NAM (03/2/1930 - 03/2/2025)!

Xây dựng tác phong làm việc khoa học cho đội ngũ giáo viên chủ nhiệm lớp Trung cấp Lý luận chính trị - hành chính từ thực tiễn Trường Chính trị tỉnh Thanh Hóa

Đăng lúc: 16:42:03 06/03/2019 (GMT+7)1047 lượt xem

ThS. Lê Nữ Sinh
Khoa LL Mác – Lê nin, TT Hồ Chí Minh
 
        Đối với mỗi nhà trường, chủ nhiệm lớp luôn là một trong những nhiệm vụ quan trọng, giáo viên chủ nhiệm là cầu nối giữa nhà trường với học viên, là lực lượng quán triệt, triển khai, tổ chức thực hiện chủ trương của Ban Giám hiệu đến các lớp và đến từng học viên. Những năm gần đây, quy mô đào tạo của các trường chính trị tỉnh ngày càng tăng lên. Theo đó, công tác chủ nhiệm lớp càng cần được quan tâm chú trọng hơn nữa, đặc biệt là vấn đề xây dựng tác phong làm việc khoa học của đội ngũ giáo viên chủ nhiệm nhằm nâng cao hiệu quả quản lý và chất lượng đào tạo, bồi dưỡng.
          Nói về tác phong làm việc khoa học của Chủ tịch Hồ Chí Minh, trong tác phẩm Sửa đổi lối làm việc, Bác viết: “Nếu mỗi cán bộ, mỗi đảng viên làm việc đúng hơn, khéo hơn, thì thành tích của Đảng còn to tát hơn nữa1. Như vậy, “đúng hơn”, “khéo hơn” chính là cách làm việc khoa học.
Trước tiên, tác phong làm việc khoa học thể hiện ở việc tôn trọng quy luật khách quan. Chủ tịch Hồ Chí Minh từng căn dặn: “Gặp mỗi vấn đề, ta phải đặt câu hỏi: Vì sao có vấn đề này? Xử trí như thế này, kết quả sẽ ra sao? Phải suy tính kỹ lưỡng. Chớ hấp tấp, chớ làm bừa, chớ làm liều, chớ gặp sao làm vậy2 . Theo đó, người cán bộ khi giải quyết công việc phải có thông tin đầy đủ và bảo đảm có phương án thực thi hiệu quả, không chủ quan duy ý chí, phải xây dựng thói quen tôn trọng thực tế khách quan, không bóp méo sự thật, làm việc với tầm nhìn xa trông rộng trên cơ sở dự báo khoa học về tình hình có liên quan để tránh bị động bất ngờ và tránh xa vào công việc mang tính sự vụ thiển cận. Muốn vậy, bản thân cán bộ cần vững về lý luận, giỏi về chuyên môn và có cách nhìn nhận khách quan, khoa học, tránh chủ quan, duy ý chí.
Thứ hai, làm việc phải có tính kế hoạch. Để vạch kế hoạch một cách thực sự khoa học, người cán bộ cần “xét kỹ hoàn cảnh mà xếp đặt công việc cho đúng. Việc chính, việc gấp thì làm trước. Không nên luộm thuộm, không có kế hoạch, gặp việc nào làm việc ấy, thành thử việc nào cũng là việc chính, lộn xộn, không có ngăn nắp3. Khi đã có kế hoạch thì phải nghiêm túc, kiên trì, làm đến nơi đến chốn, chủ trương một, biện pháp mười, quyết tâm phải hai mươi. Đồng thời, khi làm xong một công việc, dù thành công hay thất bại đều có tổng kết rút kinh nghiệm để tiến hành những công việc khác tốt hơn.
Thứ ba, làm việc phải sáng tạo. Chủ tịch Hồ Chí Minh yêu cầu cán bộ phải: “có tinh thần sáng tạo, tìm tòi cái mới, học tập cái mới, ủng hộ cái mới, thực hiện cái mới thì việc gì cũng làm được4. Tính sáng tạo thể hiện ở chỗ, người cán bộ phải chủ động, sáng tạo trong cụ thể hóa quan điểm, đường lối của Đảng cho phù hợp với địa phương, đơn vị, đổi mới phương pháp công tác theo hướng hiện đại. Tuy nhiên, sự nhanh nhạy, năng động, sáng tạo phải thống nhất với nguyên tắc “tính Đảng” - nghĩa là phải đúng với quan điểm, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước.
Xét cho đến cùng, kết quả của tác phong làm việc khoa học thể hiện qua hiệu quả công việc, qua năng suất lao động và tính thiết thực. Hồ Chí Minh căn dặn: “Hãy kiên quyết chống bệnh nói suông, thói phô trương hình thức, lối làm việc không nhằm mục đích nâng cao sản xuất5.
         Quán triệt sâu sắc những nội dung trên, Trường Chính trị tỉnh luôn quan tâm đến công tác tuyên truyền, phổ biến, quán triệt cho cán bộ, giảng viên nói chung và giáo viên chủ nhiệm các lớp về những chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, của Nhà nước, các quy chế, quy định của Học viện CTQG Hồ Chí Minh và các chương trình cụ thể của Nhà trường. Đây chính là nền tảng cơ bản định hướng cho hoạt động của người cán bộ, giảng viên cả trong hoạt động chuyên môn và trong công tác chủ nhiệm lớp.
        Đầu khóa, các giáo viên được yêu cầu xây dựng kế hoạch chủ nhiệm lớp. Để kế hoạch được cụ thể, sát với đối tượng và phù hợp với chương trình đào tạo của Nhà trường, giảng viên cần nghiên cứu, nắm rõ các thông tin cơ bản về học viên (họ tên, ngày sinh, quê quán, đơn vị công tác, trình độ, chức danh hiện tại và chức danh dự nguồn, …), nắm được nhu cầu của người học, đồng thời bao quát được chương trình đào tạo của hệ Trung cấp LLCT-HC. Từ đó dự kiến nội dung công việc trong từng tháng một cách chi tiết, cụ thể, đảm bảo đúng tiến độ.
        Bên cạnh đó, giáo viên chủ nhiệm còn có nhiệm vụ tổ chức cho lớp đi nghiên cứu thực tế, tọa đàm khoa học. Thực hiện những kế hoạch này phải xác định được sản phẩm cụ thể, có sự thẩm định của Phòng Nghiên cứu khoa học – Thông tin – Tư liệu và tổ Tài vụ trước khi được Giám hiệu phê duyệt. Cụ thể, đối với nghiên cứu thực tế có bài báo cáo thu hoạch của từng học viên; đối với tọa đàm khoa học, sản phẩm là tổng thuật và kỷ yếu tọa đàm.
         Hiện nay, trong quá trình quản lý lớp, đa số các giáo viên chủ nhiệm đã tổ chức thực hiện đầy đủ các nội dung đề ra trong kế hoạch chủ nhiệm, hoàn thành các sản phẩm theo yêu cầu. Tuy nhiên, vẫn còn một số giáo viên chưa bao quát được tiến độ đào tạo và tình hình học tập rèn luyện của học viên. Đặc biệt, việc quản lý các hoạt động tự quản của lớp đôi khi vẫn chưa nghiêm nên nề nếp học tập, rèn luyện của một số lớp chưa tốt; đồng thời dẫn tới việc lạm dụng của những đối tượng cán sự lớp, gây ảnh hưởng đến uy tín của giảng viên giảng dạy cũng như tập thể học viên.
        Đối với các hoạt động nghiên cứu thực tế, tọa đàm khoa học, yêu cầu của Nhà trường là phải đảm bảo tính thiết thực, hiệu quả, tránh hình thức, lãng phí. Nhưng xuất phát từ nhiều lý do chủ quan và khách quan nên trong quá trình tổ chức thực hiện, vẫn còn những lớp nội dung nghiên cứu thực tế chưa sát với đối tượng học viên; nhiều bài tham luận tọa đàm khoa học chất lượng chưa tốt, chưa phát huy được ý kiến của đông đảo học viên trong lớp. Công tác phối hợp giữa giáo viên chủ nhiệm với giáo viên đồng chủ nhiệm và Ban Giám đốc các trung tâm bồi dưỡng chính trị huyện có lúc, có nơi chưa thường xuyên, kịp thời; giáo viên chủ nhiệm do bận nhiều công việc khác và cách sắp xếp thời gian chưa hợp lý nên thời gian đến thăm, kiểm tra còn ít…
        Học tập phong cách làm việc khoa học của Chủ tịch Hồ Chí Minh, để nâng cao chất lượng công tác chủ nhiệm lớp trong thời gian tới, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của sự nghiệp đào tạo, bồi dưỡng cán bộ lãnh đạo, quản lý cấp cơ sở, cần thực hiện những giải pháp cơ bản sau:
Đối với Nhà trường:
      Một là, tăng cường vai trò của khoa chủ quản và các phòng chức năng trong quá trình định hướng hoạt động của giáo viên chủ nhiệm. Lãnh đạo khoa cần theo dõi sát sao, thường xuyên nắm bắt tình hình thực hiện nhiệm vụ của giáo viên được giao công tác chủ nhiệm, quán triệt kịp thời những chủ trương mới của Ban Giám hiệu tới từng giáo viên. Đồng thời, Phòng Đào tạo và Phòng Nghiên cứu khoa học - thông tin - tư liệu ngoài việc cung cấp các văn bản cần thiết, chính là nơi thẩm định kế hoạch của giáo viên chủ nhiệm trước khi Giám hiệu phê duyệt. Vì vậy, các phòng chức năng này cần phát huy hơn nữa vai trò tư vấn, định hướng cho giáo viên chủ nhiệm để các kế hoạch đề ra đảm bảo chất lượng, hiệu quả.
       Hai là, thường xuyên tổ chức giao ban định kỳ và tập huấn giáo viên chủ nhiệm lớp. Đây là những hoạt động quan trọng để GVCN tổng kết, rút kinh nghiệm, đồng thời, lãnh đạo Nhà trường và các khoa, phòng cũng thường xuyên nắm bắt tình hình học tập, rèn luyện của học viên. Vì vậy cần họp giao ban định kỳ một cách thường xuyên hơn nữa với tất cả các lớp, các hệ và có chương trình tập huấn riêng cho tất cả các GVCN.
       Ba là, đa dạng hóa các hình thức thi đua nhằm tăng cường trao đổi, học tập kinh nghiệm giữa các giáo viên làm công tác chủ nhiệm lớp. Thực tế những năm gần đây cho thấy, việc thi đua đạt “danh hiệu lớp kiểu mẫu”, “học viên gương mẫu” giữa các lớp và các học viên Trung cấp LLCT-HC hệ tập trung diễn ra rất sôi nổi, nề nếp, ý thức học tập, rèn luyện tăng lên, từ đó góp phần nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng. Các giáo viên giảng dạy cũng có hoạt động thao giảng, dự giờ và lấy phiếu phản hồi từ người học… để rèn luyện năng lực chuyên môn cũng như kỹ năng, phương pháp giảng dạy. Vì vậy, đối với các GVCN cũng nên có các hình thức thi đua, học tập lẫn nhau, ví dụ như Hội thi “Giáo viên chủ nhiệm giỏi”, hoặc lấy phiếu phản hồi, nhận xét của học viên đối với GVCN… , góp phần nâng cao ý thức, năng lực cho mỗi người.
Về phía giáo viên chủ nhiệm:
        Một là, bản thân mỗi giáo viên chủ nhiệm cầnnâng cao ý thức trách nhiệm trong công tác chủ nhiệm lớp. Đây không đơn thuần chỉ là hoạt động quản lý để nâng cao hiệu quả đào tạo bồi dưỡng của nhà trường và kết quả học tập, rèn luyện của học viên, mà còn chính là môi trường để bản thân tự học hỏi, trưởng thành hơn nữa. Vì vậy, giáo viên chủ nhiệm cần xác định rõ 5 mục tiêu: nâng cao năng lực quản lý, năng lực nghiên cứu thực tế, năng lực hiểu biết thực tiễn, năng lực quan hệ, năng lực tham mưu và năng lực tư vấn. Từ đó, mỗi giáo viên chủ nhiệm phấn đấu trở thành nhà giáo, nhà khoa học, nhà quản lý, nhà lãnh đạo.
        Hai là, kết hợp giữa tính kế hoạch với sự linh hoạt sáng tạo trong công tác chủ nhiệm lớp
Theo đó, giáo viên chủ nhiệm phải nắm vững các nội quy, quy chế, quán triệt sâu sắc những chủ trương mà Ban Giám hiệu đề ra, làm cơ sở quản lý chặt chẽ quá trình học tập, rèn luyện của học viên theo đúng quy định của Nhà trường. Chủ động, tự giác trong quá trình lập kế hoạch và tổ chức triển khai các hoạt động của lớp, phối hợp với các khoa phòng có liên quan.
       Quá trình thực hiện kế hoạch chủ nhiệm lớp, giáo viên chủ nhiệm cần phối hợp chặt chẽ với các khoa, phòng và trung tâm bồi dưỡng chính trị huyện (đối với các lớp không tập trung) để theo dõi lịch giảng dạy, học tập của lớp, nắm vững tình hình học tập và rèn luyện của học viên, từ sĩ số lớp đến tinh thần, thái độ và kết quả học tập từng môn học, giờ học. Phổ biến, quán triệt đầy đủ nội quy, quy chế học tập và các chủ trương của nhà trường. Kịp thời động viên, khích lệ những học viên tiêu biểu, quan tâm đến học viên có hoàn cảnh khó khăn và có sự nhắc nhở, điều chỉnh đối với những học viên có biểu hiện sao nhãng, không nghiêm túc.
        Trước những vấn đề phát sinh trong nội bộ lớp, giáo viên chủ nhiệm không chỉ tìm hiểu thông qua ban cán sự lớp mà còn nắm bắt thông tin từ nhiều phía, từ các học viên khác trong lớp. Từ đó, hiểu rõ bản chất vấn đề và có cách thức xử lý phù hợp. Thường xuyên báo cáo tình hình với Ban Giám hiệu Nhà trường, mà trực tiếp là Phó Hiệu trưởng phụ trách.
       Đồng thời, giáo viên chủ nhiệm cần thường xuyên họp lớp, rút kinh nghiệm sau mỗi kỳ học, phần học và sau các hoạt động ngoại khóa … để hiệu quả học tập, rèn luyện ngày càng tốt hơn. Kết thúc khóa học, bên cạnh việc hoàn thiện đầy đủ các sản phẩm theo yêu cầu, mỗi giáo viên chủ nhiệm tự tổng kết rút kinh nghiệm cho bản thân mình để làm tốt hơn ở những khóa tiếp theo.
         Hai là, phát huy tinh thần nêu gương trước học viên theo định hướng của Nhà trường: “Nghiêm về giờ giấc; đẹp về trang phục; chuẩn trong phát ngôn; đúng mực trong ứng xử và quyết liệt đổi mới phương pháp dạy học, nâng cao chất lượng giờ giảng, bài giảng theo phương châm dạy - học hiểu, dạy – học vận dụng, dạy – học xử trí” 6.
       Muốn nhắc nhở học viên về ý thức, thái độ trong học tập, rèn luyện, giáo viên chủ nhiệm phải là người chấp hành nghiêm túc đầu tiên, phải có thái độ khách quan, công bằng và linh hoạt trong công tác quản lý, tuyệt đối tránh nể nang, thiên vị; thực hiện nghiêm chế độ học bù, học lại, thi lại theo đúng quy định. Đồng thời, bản thân mỗi giáo viên cũng không ngừng tự học tập, nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ sư phạm của mình; lập kế hoạch cá nhân cụ thể, sắp xếp thời gian hợp lý để thực hiện tốt cả nhiệm vụ giảng dạy, nghiên cứu khoa học, tổng kết thực tiễn và nhiệm vụ chủ nhiệm lớp.
       Ba là, phát huy tinh thần dân chủ của học viên trong mọi hoạt động của lớp, đặc biệt là các hoạt động tự quản, hoạt động ngoại khóa, đảm bảo công khai, minh bạch. Xây dựng tác phong học tập, rèn luyện của học viên theo nguyên tắc 3 không, 3 có (3 không: không vào lớp muộn, về sớm; không cẩu thả; không làm việc riêng, sử dụng điện thoại trong giờ học; 3 có: có mục tiêu, động lực học tập tích cực; có tác phong, hình ảnh đẹp; có phương pháp học tập, rèn luyện khoa học).
         Có thể nói, quản lý học viên các lớp Trung cấp LLCT-HC, nhất là các lớp hệ không tập trung, là một công việc khó khăn và phức tạp. Để thực hiện tốt nhiệm vụ được giao đòi hỏi người giáo viên chủ nhiệm phải sáng tạo, linh hoạt tìm ra các phương pháp quản lý phù hợp với tình hình thực tế của từng địa phương, phải thật sự toàn tâm, toàn ý đầu tư thỏa đáng cho công tác chủ nhiệm; tăng cường sự phối hợp đồng bộ giữa giáo viên chủ nhiệm với ban cán sự lớp; tranh thủ sự lãnh đạo, chỉ đạo của Ban giám hiệu, quản lý của Phòng Đào tạo; mạnh dạn giao quyền tự quản cho ban cán sự lớp, kết hợp với tăng cường kiểm tra, giám sát việc thực hiện nội quy, quy chế, có như vậy mới thực sự  nâng cao hiệu quả công tác chủ nhiệm và quản lý học viên, góp phần vào việc nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng.
 
Chú thích:
(1), (2), (3), (4). Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia. H, 2011, t.5, tr.258; tr.279; tr.332; tr.699;
(5). Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t12, tr.557-558.
(6) Công văn số 351/TrCT-ĐT ngày 24/10/2018 của Trường Chính trị tỉnh Thanh Hóa về việc tăng cường phối hợp xây dựng tác phong, hình ảnh cán bộ, giảng viên, học viên dạy – học LLCT. 
Số lượt truy cập
Hôm nay:
1428
Hôm qua:
2301
Tuần này:
6050
Tháng này:
13971
Tất cả:
5.106.480