NHIỆT LIỆT CHÀO MỪNG KỶ NIỆM 114 NĂM NGÀY QUỐC TẾ PHỤ NỮ 8/3 ( 8/3/1910 – 8/3/2024) VÀ 1984 NĂM KHỞI NGHĨA HAI BÀ TRƯNG!

Xây dựng văn hoá ứng xử góp phần xây dựng trường chính trị đạt chuẩn

Đăng lúc: 16:52:30 12/05/2022 (GMT+7)1075 lượt xem

 Trần Thị Phương
Phòng Tổ chức, hành chính, thông tin, tư liệu
 
Xây dựng “Văn hóa trường đảng” hiện nay đang là một trong những nhiệm vụ quan trọng, cấp thiết trong hệ thống các trường chính trị cả nước. Xây dựng văn hóa trường Đảng tức là quá trình vun đắp, kế thừa có chọn lọc những giá trị văn hóa tích cực trong nhà trường nhằm đưa nhà trường phát triển ổn định. Đây được xem là một quá trình lâu dài, đòi hỏi sự nỗ lực đóng góp của tất cả cán bộ, giảng viên, nhân viên và học viên trường Đảng.
Ngày 26/10/2017, Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh đã ban hành Quyết định số 5029-QĐ/HVCTQG, trong đó quy định“về ứng xử văn hóa của Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh và các Trường Chính trị tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương”. Theo đó, đối với cán bộ, giảng viên, nhân viên và học viên Trường Chính trị tỉnh Thanh Hoá, quy định này là tiền đề về chuẩn mực trong xây dựng văn hóa trường Đảng, góp phần sớm đạt mục tiêu xây dựng Nhà trường đạt chuẩn mức 1 trước năm 2025, đạt chuẩn mức 2 vào năm 2030.
Trong suốt quá trình hình thành và phát triển, Trường Chính trị tỉnh Thanh Hóa luôn quan tâm đầu tư phát triển mọi mặt từ việc xây dựng và phát triển đội ngũ cán bộ, giảng viên đạt chuẩn đến việc xây dựng cơ sở vật chất, trang thiết bị hiện đại đáp ứng yêu cầu giảng dạy, công tác và đã đạt được nhiều kết quả tốt trên mọi lĩnh vực; trong đó, mục tiêu, nhiệm vụ xây dựng văn hóa trường Đảng là một trong những mục tiêu, nhiệm vụ quan trọng của nhà trường. Xây dựng văn hóa trường Đảng là một trong những tiền đề giúp nâng cao vị thế và sức ảnh hưởng của nhà trường, đồng thời góp phần thực hiện Nghị quyết Trung ương 4, khóa XII của Đảng về “giữ gìn và phát huy truyền thống, bản sắc văn hóa trường Đảng: Tuyệt đối trung thành với Đảng, với Tổ quốc; cống hiến trong thực thi công vụ; cầu thị, sáng tạo, chất lượng trong đào tạo, bồi dưỡng, nghiên cứu khoa học; kỷ cương nơi công sở; văn minh trong ứng xử”. Do đó, việc xây dựng văn hóa trường Đảng cần phát huy trí tuệ của cảtập thể nhà trường, từ đó hình thành nên giá trị cốt lõi văn hóa trường Đảng. Nói đến văn hóa trường Đảng hiện nay có rất nhiều khía cạnh để nghiên cứu; trong bài viết này, tôi chỉ đề cập đến khía cạnh văn hóa ứng xử tại Trường Chính trị tỉnh Thanh Hóa hiện nay.
Có thể nói, ứng xử văn hóa luôn là truyền thống tốt đẹp từ ngàn xưa của dân tộc ta. Ngay từ khi dựng nước, các vua Hùng đã cùng “tắm chung một dòng sông, uống chung một dòng nước” với nhân dân ta. Đối với Chủ tịch Hồ Chí Minh,một tấm gương sáng ngời về ứng xử văn hóa đã để lại cho thế hệ chúng ta nhiều bài học quý báuvà còn nguyên giá trị cho đến ngày nay. Với mỗi lứa tuổi, mỗi đối tượng, mỗi ngành, nghề, Người đều có lối ứng xử, giao tiếp riêng mang đậm phong cách giản dị nhưng vô cùng gần gũi.
Ứng xử văn hóa có thể được hiểu là cách cư xử, trò chuyện, giao tiếp, bàn bạc, trao đổi, phối hợp với nhau trong thực thi công vụ, trong giao tiếp và trong cuộc sống hàng ngày. Đối với Trường Chính trị tỉnh Thanh Hóa, với đặc trưng là trung tâm đào tạo, bồi dưỡng cán bộ lãnh đạo, quản lý và nghiên cứu khoa học, tổng kết thực tiễn, việc ứng xử văn hóa không chỉ cần lan tỏa trong đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong Nhà trường, mà còn là “hình ảnh” của con người Thanh Hóa nói riêng và Việt Nam nói chung.
Ứng xử văn hóa trong trường Đảng hiện nay đã được cụ thể hóa thành các chuẩn mực, quy tắc ứng xử với công việc, với đồng nghiệp, học viên, ứng xử giữa cấp trên với cấp dưới, giữa nhà trường với các cơ quan, đơn vị khác. Do vậy, cách ứng xử phải phù hợp với truyền thống, bản sắc dân tộc, đáp ứng yêu cầu hội nhập và phát triển. Văn hoá ứng xử tại Trường Chính trị tỉnh Thanh Hoá hiện nay được thể hiện ở một số nội dung sau:
Một là, ứng xử văn hóa của đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý.
Đối với công việc: Thường xuyên trau dồi đạo đức cách mạng, thể hiện rõ phong cách tư duy của người cán bộ lãnh đạo, quản lý; không ngừng tích lũy tri thức, nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ;phải là tấm gương về bản lĩnh chính trị, có trách nhiệm, chủ động, sáng tạo trong điều hành; đặt lợi ích tập thể lên trên lợi ích cá nhân; kiên quyết đấu tranh chống lại các biểu hiện tiêu cực, lãng phí, hối lộ, tham nhũng; chịu trách nhiệm về kết quả và hạn chế của lĩnh vực được phân công phụ trách.
Đối với cấp trên: Phải khách quan, trung thực trong báo cáo, đề xuất, tham gia đóng góp ý kiến cho công tác tham mưu, quản lý ở lĩnh vực được phân công; tôn trọng và chấp hành sự phân công của lãnh đạo.
Đối với cấp dưới: Phải bao dung, tôn trọng và tạo niềm tin đối với cấp dưới; kịp thời năm bắt tâm tư, nguyện vọng, khả năng của cán bộ để sắp xếp, giao nhiệm vụ phù hợp; dân chủ, bình đẳng, không phân biệt đối xử; thường xuyên đôn đốc, kiểm tra, giám sát, đánh giá khách quan việc chấp hành kỷ lật, kỷ cương trong việc thực hiện nhiệm vụ chuyên môn.
Hai là, ng xử văn hóa trong việc phối hợp thực hiện nhiệm vụ
Đối với công việc chung: các khoa, phòng trong Nhà trường cần phối hợp một cách khoa học, chặt chẽ, luôn đặt lợi ích chung lên hàng đầu. Bên cạnh đó, phải luôn hỗ trợ, tạo mọi điều kiện thuận lợi giúp đỡ nhau hoàn thành nhiệm vụ.
Đối với đồng nghiệp:Trong cơ quan, đơn vị, mỗi cán bộ, viên chức trước hết cần phải có thái độ ứng xử đúng mực; hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao; sẵn sàng chia sẻ thông tin, tri thức và kinh nghiệm giảng dạy, quản lý và nghiên cứu khoa học; tuyệt đối không xúc phạm tới danh dự của đồng nghiệp dưới mọi hình thức; đảm bảo sự đoàn kết trong cơ quan, đơn vị.
Hiện nay, việc phối hợp trong thực hiện nhiệm vụ giữa các khoa, phòng Nhà trường có vai trò hết sức quan trọng không những góp phần hoàn thành tốt nhiệm vụ chuyên môn mà còn thực hiện xây dựng văn hoá trường Đảng. Do đó, mỗi cá nhân trong từng đơn vị Nhà trường không nên xem nhẹkết quả thực hiện nhiệm vụ của tập thể.
Chỉ thị số 26/CT-TTg ngày 05/9/2016 của Thủ tướng chính phủ quy định: “Trong thực thi nhiệm vụ, công vụ phải tuân thủ tính thứ bậc, kỷ cương và trật tự hành chính, đúng thẩm quyền”. Vì vậy, mỗi cán bộ, giảng viên trường Đảng cần phải xác định đúng chức trách, nhiệm vụ của mình; tuân thủ tính thứ bậc, kỷ cương cũng như nội quy, quy định đề ra;đặc biệt là biết tôn trọng người phối hợp thực hiện nhiệm vụ với mình để từ đó mới có thể thẳng thắn bàn bạc, trao đổi và đi đến thống nhất trong công việc chung. Có như vậy, mới tạo nên tính đồng thuận, nhất quán và thống nhất cao trong cơ quan, đơn vị.
Ba là, ứng xử văn hóa giữa giảng viên, cán bộ phục vụ với học viên và ngược lại
Trong trường Đảng nói chung và Trường Chính trị tỉnh Thanh Hóa nói riêng, cán bộ, giảng viên và học viên là những chủ thể không thể thiếu được, có mối quan hệ chặt chẽ, có ảnh hưởng và tác động qua lại lẫn nhau. Nếu không có đội ngũ giảng viên giỏi, dày dặn kinh nghiệm, những cán bộ phục vụ nhiệt tình, chu đáo thì khó có được những học viên giỏi, học viên ưu tú. Ngược lại, thái độ và hành vi của học viên sẽ tác động trực tiếp đến chất lượng giảng dạy, chất lượng phục vụ để góp phần nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng của Nhà trường theo phương châm “lấy học viên làm trung tâmphát huy tính tích cực, chủ động, sáng tạo của mỗi học viên.
Văn hóa ứng xử trong trường Đảng được thể hiện rõ ở mối quan hệ giữa giảng viên và học viên. Học viên trường Đảng có đặc thù là người có công việc, chức vụ trong các cơ quan Đảng, chính quyền nhà nước và các đoàn thể; có năng lực, trình độ chuyên môn nhất định kinh nghiệm trong công tác; thậm chí nhiều học viên còn có học vị bằng hoặc cao hơn giảng viên. Chính vì vậy, người cán bộ, giảng viên và nhân viên nhà trường khi ứng xử với học viên phải là tấm gương sáng về đạo đức cách mạng, tác phong, tư duy, bản lĩnh chính trị; biếtlắng nghe ý kiến của học viên để kịp thời giải quyết, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong quá trình dạy và học; có thái độ lịch sự, đúng mực khi giao tiếp; nghiêm túc nhưng không lạnh lùng, xa cách; thể hiện phong cách mẫu mực của người giảng viên trường Đảng.
Về phía học viên, trong ứng xử với giảng viên phải có thái độ đúng mực trong giao tiếp, ứng xử; cầu thị khi trao đổi ý kiến, thảo luận trên lớp; không dùng quà tặng để mưu lợi cho cá nhân, tập thể. Bên cạnh đó, học viên trường Đảng phải luôn giữ thái độ lịch sự, tôn trọng; có thái độ hợp tác trong giải quyết công việc đối với cán bộ tham mưu, phục vụ trong Nhà trường.
Do đó, đ xây dựng văn hoá trường Đảng, Nhà trường cần thực hiện một số giải pháp sau:
Thứ nhất, xây dựng môi trường làm việc và học tập giàu tính Đảng
Đó là một môi trường làm việc lành mạnh, thân thiện và đạt chuẩn. Văn hoá trường Đảng được xây dựng trên nền tảng của một ngôi trường không những được đầu tư xây dựng cơ sở vật chất theo hướng hiện đại và chuyên nghiệp với cảnh quan, môi trường làm việc, học tập theo hướng sạch hơn, xanh hơn, đẹp hơn; mà còn tạo môi trường làm việc tốt nhất cho cán bộ, giảng viên và nhân viên trong trường; trong đó thực hiện đúng, đủ, kịp thời các chế độ, chính sách, cùng với việc khuyến khích đổi mới, sáng tạo trong công việc để từ đó tạo động lực để cán bộ, giảng viên có thể yên tâm công tác và làm việc.
Thứ hai, xây dựng phong cách làm việc chuyên nghiệp
Trong những năm vừa qua, Trường Chính trị tỉnh Thanh Hóa luôn chú trọng tới việc chăm lo xây dựng, phát triển đội ngũ cán bộ, giảng viên về mọi mặt, xem đó là nhiệm vụ then chốt, quyết định chất lượng công tác đào tạo, bồi dưỡng. Bởi vậy, nhà trường đã chú trọng và phát huy các nguồn lực với phương châm 3 tốt: “Định hướng tốt, cơ chế tốt và môi trường tốt”, xây dựng đội ngũ cán bộ quản lý vững vàng về chuyên môn, thông thạo về quản lý và có khả năng nắm bắt các vấn đề của thực tiễn và vận dụng linh hoạt trong thực hiện nhiệm vụ; xây dựng đội ngũ giảng viên “Có bản lĩnh chính trị vững vàng, giỏi về chuyên môn, nghiệp vụ, am hiểu thực tiễn”, toàn tâm, toàn ý để hoàn thành công việc một cách tốt nhất. Nhà trường cần tiếp tục phát huy và thực hiện theo định hướng, chủ trương này.
Bên cạnh đó, mỗicán bộ, viên chức Nhà trường cần luôn xây dựng, thực hiện tác phong làm việc khoa học, năng động, chuyên nghiệp trong giao tiếp, ứng xử, có ý thức tổ chức kỷ luật cao, luôn hăng say và cống hiến cho công việc; có như vậy mới góp phần xây dựng trường chính trị đạt chuẩn.
Thứ ba, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát
Đây là nhiệm vụ mà người lãnh đạo, quản lý Nhà trường phải thường xuyên thực hiện. Thông qua kiểm tra, giám sát để nhắc nhở, đôn đốc, kịp thời phát hiện ra những hành vi chưa phù hợp để uốn nắn, giáo dục.
Tóm lại, xây dựng văn hóa trường Đảng nói chung và văn hóa Trường Chính trị tỉnh Thanh Hóa nói riêng là một trong những nội dung quan trọng để xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh. Việc xây dựng văn hóa trường Đảng chuẩn mực, kiểu mẫu sẽ tạo động lực thúc đẩy đổi mới sáng tạo trong mọi hoạt động của Nhà trường và tạo ra sức lan tỏa đến các trung tâm chính trị, các địa phương, cơ sở; từ đó góp phần xây dựng Trường chính trị tỉnh Thanh Hóa đạt chuẩn và là một trong nhóm các trường dẫn đầu cả nước./.
------------------
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1.     Quyết định số 5029/QĐ-HVCTQG ngày 26/10/2017 về ‘Ứng xử văn hóa của Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh và các Trường Chính trị tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương”.
2.     Nghị quyết Trung ương 4 khoá XII
3.     Chỉ thị số 26/CT-TTg ngày 05/9/2016 của Thủ tướng CP (Điểm a, Mục 3)
 
Số lượt truy cập
Hôm nay:
1507
Hôm qua:
2270
Tuần này:
7720
Tháng này:
57877
Tất cả:
4.356.414