NHIỆT LIỆT CHÀO MỪNG KỶ NIỆM 114 NĂM NGÀY QUỐC TẾ PHỤ NỮ 8/3 ( 8/3/1910 – 8/3/2024) VÀ 1984 NĂM KHỞI NGHĨA HAI BÀ TRƯNG!

XÚC CẢM VỀ MỘT CHUYẾN ĐI…

Đăng lúc: 19:46:09 04/03/2016 (GMT+7)1153 lượt xem

 
ThS. Khương Phú Tùng
Trưởng phòng Tổ chức- Hành chính- Quản trị
 
Từ niềm mong mỏi…
Những ngày xuân mới bắt đầu.
Mùa xuân này trong cảm nhận của hàng triệu con người dường như tươi đẹp hơn! Mùa xuân và cả lòng người như hân hoan chào đón thành công của Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVIII và Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII! Chợt nhớ trong tôi câu chuyện thú vị về chú “Chim chích lạc rừng” của nhà văn Tô Hoài: Ở ngoại ô xóm nhỏ có một chú chim chích, mùa đông tới thường về phương Nam tránh rét, khi xuân về mới bay trở lại. Nhưng năm ấy, xuân đến đã lâu mà Chích Bông vẫn chưa về chốn cũ. Chích Bông lạc đường bởi những thay mới kì diệu của cuộc sống và phong cảnh đất nước! Đến đây, một ý nghĩ trong tôi nảy mầm, tôi cũng muốn được “lạc đường” như chú chim chích nọ, để rồi say mê tận hưởng,  thỏa ngắm những sắc màu văn hóa quê hương. Ý nghĩ đó cứ lớn dần trở thành khao khát: Tôi sẽ “đi” và được “sống”!
… đến một chuyến đi thực tế…
Niềm mong ước đó của tôi đã sớm trở thành hiện thực và càng vô cùng ý nghĩa khi tôi vinh dự được tham gia chuyến đi thăm quan thực tế đầu xuân cùng với Ban Giám hiệu, cán bộ chủ chốt, giảng viên – những đồng nghiệp thân quý ở Trường Chính trị Tỉnh Thanh Hóa, nơi tôi đang công tác.
Đoàn chúng tôi khởi hành lúc 12h30 ngày 19/02/2016 trong niềm hân hoan, háo hức của hơn 60 thành viên. Chuyến đi chỉ có hơn 2 ngày, nhưng tôi tự nhủ sẽ “đi” và “sống” hết mình!
… rồi cùng trải nghiệm và suy ngẫm.
Điểm dừng chân đầu tiên trong chuyến đi thực tế của đoàn chúng tôi là Khu di tích Đền Trần- Nam Định. Đây là nơi thờ các vua nhà Trần cùng các quan lại có công phù tá nhà Trần. Hào khí Đông A- lịch sử oanh liệt của những trận chiến ba lần chống Nguyên Mông đời nhà Trần trong tôi như bừng thức, lòng yêu nước, niềm tự hào dân tộc trào dâng mãnh liệt!
Chia tay Nam Định, chúng tôi về với Kinh Bắc- một vùng đất văn hóa, lịch sử  gắn liền với nhiều lễ hội truyền thống. Chúng tôi đến thăm Khu di tích Đền Đô- nơi thờ tám vị vua của nhà Lý. Trong lịch sử, nhà Trần lừng lẫy với công cuộc giữ nước, thì trước đó, đời nhà Lý vẻ vang với công cuộc dựng nước. Tôi được hiểu thêm về các vị vua triều Lý, đặc biệt khâm phục tầm nhìn chiến lược của cha ông khi chọn vùng đất trung tâm là đế đô của muôn đời con cháu: “Đại La thành, trạch thiên địa khu vực chi trung; đắc long bàn hổ cứ chi thế. Chính Nam Bắc Đông Tây chi vị; tiện giang sơn hướng bối chi nghi. Kỳ địa quảng nhi thản bình, quyết thổ cao nhi sảng khải. Dân cư miệt hôn điếm chi khốn; vạn vật cực phồn phụ chi phong. Biến lãm Việt bang, tư vi thắng địa. Thành tứ phương bức thấu chi yếu hội; vi vạn thế đế vương chi thượng đô”.
Về Kinh Bắc, chúng tôi đắm mình trong  không gian văn hóa Hội Lim với những làn điệu dân ca Quan họ trữ tình đã trở thành di sản văn hóa phi vật thể thế giới. Được chứng kiến và trải nghiệm những trò chơi dân gian chọi gà, đấu vật, chơi đu… hình ảnh những cụ đồ xưa áo the, khăn xếp với mực tàu, giấy đỏ chẳng khỏi lòng  xao xuyến, bâng khuâng, tiếc nuối… Đất quan họ linh thiêng, cổ mặc; người quan họ đằm thắm, huê tình, cười rạng ngời “như mùa thu tỏa nắng” thêm say đắm hồn khách du xuân…
Theo lịch trình, sáng ngày 20/02, đoàn sẽ thăm và làm việc với Trường Chính trị Nguyễn Văn Cừ tỉnh Bắc Ninh. Chúng tôi được trao đổi về công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, nghiên cứu khoa học. Bản thân tôi học hỏi được rất nhiều kinh nghiệm bổ ích về quản lí, đào tạo và tự bồi dưỡng. Được liên hoan, giao lưu với cán bộ giảng viên các trường, tôi cảm nhận được sự tiếp đón chu đáo, nhiệt tình, thân thiện, cởi mở chân thành, không khí ấm áp, thân tình, đầy tinh thần xây dựng của cán bộ, giảng viên và nhân viên của Trường Chính trị Nguyễn Văn Cừ tỉnh Bắc Ninh.
Chiều cùng ngày, đoàn đã đến thăm và làm việc với Ban lãnh đạo Khu công nghệ cao Hòa Lạc. Tôi vô cùng ngỡ ngàng trước cơ ngơi rộng lớn, hệ thống cơ sở vật chất hạ tầng cực kỳ phát triển. Đây là khu công nghệ được xây dựng theo mô hình thành phố khoa học; là dự án trọng điểm quốc gia, có vốn đấu tư từ nguồn vốn ODA của chính phủ Nhật Bản và nguồn vốn đối ứng của Chính phủ Việt Nam. Sau 18 năm thành lập, hiện có gần 70 dự án được cấp phép đầu tư, khoảng 10.000 người đang làm việc và học tập tại đây, riêng về xuất khẩu năm 2015, đạt trên 130 triệu USD.
Tại buổi làm việc, cán bộ, giảng viên nhà trường đã được lãnh đạo Ban quản lý khu công nghệ trao đổi, làm rõ những thắc mắc trong việc huy động vốn, chính sách thu hút nhà đầu tư, nhân lực  và việc ứng dụng vào thực tế…Đặc biệt cán bô, giảng viên nhà trường đã được nghe giới thiệu về giải pháp công nghệ GIS 3D trong quản lý toàn bộ hạ tầng trên mặt đất, quản lý hệ thống ngầm và quản lý tĩnh không, cách làm hay trong thực hiện giải phóng mặt bằng và những khó khăn trong thực hiện các thủ tục hành chính…
Qua buổi làm việc, giao lưu với cán bộ, lãnh đạo ban quản lý Khu Công nghệ cao Hoà Lạc, chúng tôi học tập được thái độ chủ động, chuyên nghiệp trong các thao tác nghiêp vụ, sử dụng phương tiện hiện đại, sáng tạo, phong cách làm việc khoa học; sự hiểu biết sâu về lĩnh vực chuyên môn; sự trọng thị, nhiệt tình, trách nhiệm trong tiếp đón khách của đội ngũ cán bộ Ban quản lý Khu Công nghệ cao Hoà Lạc.
Sáng ngày 21/02, từ trung tâm Thủ đô Hà Nội, đoàn đi đến Khu di tích lịch sử  Đá Chông, thuộc xã Minh Quang, huyện Ba Vì. Đây là địa điểm nơi gìn giữ thi hài của Bác Hồ từ 1969 - 1975 còn gọi là Khu di tích K9.
Địa điểm này vào năm 1957 trong một lần thăm sư đoàn 316 diễn tập bên sông Đà, Bác Hồ đã dừng chân ăn trưa trên đỉnh đồi, ngay dưới chân ba tảng đá chông hùng vĩ. Thấy khí hậu nơi đây mát mẻ, địa hình hiểm trở, phong cảnh đẹp, Bác đã chọn vị trí này làm khu căn cứ của TW đề phòng chiến tranh có thể mở rộng toàn quốc. Năm 1960, Cục Doanh trại thuộc tổng cục Hậu cần xây dựng một ngôi nhà sàn làm vị trí hội họp nghỉ ngơi của Bác Hồ và Bộ chính trị TW Đảng. Những năm có chiến tranh phá hoại của Mỹ, nhiều lần Bác và các đồng chí trong Bộ chính trị đã lên làm việc và nghỉ ngơi tại đây. Ngày 2/9/1969, Chủ tịch Hồ Chí Minh đi xa. Đảng và Nhà nước chọn địa điểm K9 là nơi đầu tư trang thiết bị kỹ thuật để gìn giữ thi hài Bác. Ngày 15/12/1969 công trình gìn giữ thi hài Bác Hồ tại K9 đã hoàn thành trước thời hạn 10 ngày. Để giữ bí mật K9 đổi thành K84. Đúng 23 giờ ngày 23/12/1969 thi hài Bác đã được di chuyển từ K75A đưa vào nơi lưu giữ ở K84 một cách an toàn, đảm bảo kỹ thuật tuyệt đối vào sáng ngày 24/12/1969.
 Theo con đường Vườn Quốc gia, đoàn chúng tôi đến dâng hương tại Nhà thờ Bác Hồ. Nhà thờ Bác Hồ tọa lạc trên đỉnh Vua của núi Ba Vì, ở độ cao 1281m so với mặt nước biển. Tại đây, các đồng chí lãnh đạo TW Đảng, Nhà nước và nhân dân thường đến dâng  hương và báo công, nguyện học tập và làm theo tấm gương đạo đức Chủ tịch Hồ Chí Minh.
 Một chuyến đi thực sự thích thú và bổ ích. Tôi được đi nhiều nơi, nhìn ngắm cảnh sắc quê hương đất nước tươi đẹp; hiểu sâu sắc hơn về lịch sử hào hùng của dân tộc; biết được nhiều nét đẹp của văn hóa các vùng miền khác nhau; giao lưu, học hỏi được nhiều kinh nghiệm trong quản lý, đào tạo, bồi dưỡng của anh chị em đồng nghiệp ở các tỉnh bạn. Sau chuyến thực tế này, chúng tôi có thêm nhiều tư liệu quý báu cho công tác chuyên môn, chúng tôi có thêm những người bạn mới…Mong rằng, sẽ có nhiều chuyến đi như thế trong cuộc đời./.
Số lượt truy cập
Hôm nay:
23
Hôm qua:
2605
Tuần này:
8841
Tháng này:
58998
Tất cả:
4.357.535