NHIỆT LIỆT CHÀO MỪNG KỶ NIỆM 114 NĂM NGÀY QUỐC TẾ PHỤ NỮ 8/3 ( 8/3/1910 – 8/3/2024) VÀ 1984 NĂM KHỞI NGHĨA HAI BÀ TRƯNG!

Cảm nhận về chuyến đi thực tế của lớp Trung cấp Lý luận chính trị - hành chính A11 khóa 44

Đăng lúc: 14:16:08 10/04/2017 (GMT+7)8998 lượt xem

Nguyễn Hữu Thắng
 Lớp A1 Khóa 44 Trung cấp Lý luận chính trị - hành chính
 
Thực hiện Kế hoạch đào tạo Trung cấp LLCT - HC K44, được sự đồng ý của Ban Giám hiệu, từ ngày 31/3-01/4/2017, Lớp A11 Trung cấp LLCT - HC K44 đã tổ chức chuyến đi nghiên cứu thực tế tại huyện Bá Thước, tỉnh Thanh Hóa; Mai Châu, tỉnh Hòa Bình và Sơn Tây, Thành phố Hà Nội. Chuyến đi thực tế này, đoàn vinh dự được thầy giáo Lê Công Quyền, Phó Hiệu trưởng nhà trường làm trưởng đoàn; cô giáo Lê Thị Hương, Phó Trưởng phòng Nghiên cứu khoa học – Thông tin – Tư liệu, giáo viên  chủ nhiệm; thầy giáo Hoàng Ngọc Bình, cán bộ Phòng Nghiên cứu khoa học – Thông tin – Tư liệu cùng 70 học viên lớp A11. Chuyến thực tế là hoạt động “Ngày thứ 7 kết nối” với phương châm “học đi đôi với hành”, “lý luận gắn với thực tiễn” nhằm rèn luyện kỹ năng,kinh nghiệm, trang bị kiến thức thực tiễn cho học viên.
Đúng 06h30 phút đoàn chúng tôi rời Thành phố Thanh Hóa đi ngược lên miền thượng. Đến 09h đoàn chúng tôi đã có mặt tại Nghĩa trang liệt sỹ Bá Thước (nghĩa trang liệt sỹ cấp quốc gia). Tại đây, thầy giáo Lê Công Quyền cùng đoàn đã dâng hươngtại Kỳ đài tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ trong kháng chiến chống Pháp và làm nhiệm vụ Quốc tế bên nước bạn Lào trong kháng chiến chống Mỹ. Trong không khí trang nghiêm, xúc động; trước anh linh các liệt sĩ, toàn đoàn xin hứa: Phấn đấu tu dưỡng, học tập tốt, công tác tốt; phụng sự lí tưởng mà những người con nước Việt đã anh dũng hy sinh vì độc lập, tự do của dân tộc.
 
 cn1.pngThầy Lê Công Quyền, Phó Hiệu trưởng
và đoàn thực tế dâng hương tại Nghĩa trang liệt sỹ Bá Thước

Rời Nghĩa trang liệt sỹ Bá Thước, đoàn chúng tôi tiếp tục đến xã Ái Thượng, cách thị trấn Cành Nàng 03 km về phía Tây Nam, tại đây chúng tôi đã được các đồng chí lãnh đạo xã đón tiếp nhiệt tình, chu đáo. Trong buổi gặp, thầy Lê Công Quyền đã thay mặt đoàn cám ơn sự đón tiếp chân tình của các đồng chí lãnh đạo địa phường, đồng thời trao tặng quà lưu niệm cho Đảng ủy, UBND và các tổ chức đoàn thể xã Ái Thượng. Nhân dịp này, đại diện lớp A11 đã trao tặng cho các gia đình chính sách tiêu biểu của xã và các em học sinh có hoàn cảnh khó khăn vượt khó 10 suất quà, mỗi xuất trị giá 500.000 đồng. Đồng chí Trương Ngọc Hùng, Chủ tịch UBND xã đã báo cáo với đoàn về những kết quả đạt được trong lãnh đạo, chỉ đạo phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng – an ninh năm 2016 của địa phương.
 
 
 
 cn2.png
Đoàn thực tế trao tặng quà lưu niệm cho Đảng ủy, UBND
và các tổ chức đoàn thể xã Ái Thượng, huyện Bá Thước
 
       cn3.png
…tặng quà cho các gia đình chính sách và các em học sinh có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn xã Ái Thượng, huyện Bá Thước

Ái Thượng là một xã khá của huyện Bá Thước. Mặc dù là xã miền núi có địa bàn rộng với 2.700 ha diện tích tự nhiên, hơn 5000 nhân khẩu, trong đó chủ yếu là dân tộc Mường (chiếm 96%) nhưng do biết chủ động khai thác các thế mạnh của địa phương, Ái Thượng đã có bước phát triển rất nhanh về kinh tế, xã hội. Toàn xã có 1800 ha đất lâm nghiệp được khai thác trồng rừng, trồng cây lấy gỗ, 625 ha được sử dụng canh tác để trồng lúa (273ha), mía (104ha) và các cây lương thực khác như ngô, khoai, sắn, đậu tương, lạc, rau, nghệ ...kết hợp với chăn nuôi gia súc, gia cầm, nuôi cá lồng. Cùng với phát triển kinh tế nông nghiệp xã Ái Thượng còn tích cực đẩy mạnh phát triển sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, dịch vụ thương mại, xây dựng, vận tải. Tổng thu nhập năm 2016 của xã đạt hơn 97 tỉ đồng, thu nhập đầu người đạt 19 triệu đồng/người/năm. Trong năm, xã đã đầu tư nhiều tỉ đồng làm mới 2,4 km bê tông nội thôn, 1 km cấp phối nội đồng, xây dựng Nhà văn hóa xã, Trường THCS Ái Thượng đạt chuẩn Quốc gia, sửa sang khuôn viên công sở, xây nhà tiếp dân và nhiều công trình khác.
 cn4.png
Thăm khu trang trại tổng hợp tại thôn Thụy,
xã Ái Thượng, huyện Bá Thước

Kết thúc buổi làm việc, chúng tôi được các đồng chí lãnh đạo huyện và xã đưa đi thăm mô hình kinh tế mới của địa phương. Đó là khu trang trại tổng hợp của anh Nguyễn Đức Lục, ở thôn Thụy. Anh Lục đã thuê 5,5 ha đất nông nghiệp của xã trồng các cây ăn quả như dừa xiêm, bơ, bưởi diễn, cam…Anh Lục cho biết: Trang trại đang trong giai đoạn đầu tư. Do diện tích đất rộng, vốn nhiều nên anh đã chia ra nhiều giai đoạn vừa đầu tư, vừa thu hoạch và lại tiếp tục đầu tư. Dự kiến trong vài năm tới khi trang trại đầu tư hoàn chỉnh sẽ cho thu nhập từ 300 - 400 triệu đồng/ năm.
Từ Ái Thượng chúng tôi lại tiếp tục cuộc hành trình đến Khu sinh thái Phù Luông, nơi có những ngôi nhà sàn, bể tắm nước suối và những cánh đồng ruộng bậc thang xanh ngắt, đẹp như tranh vẽ, ngắm những cánh rừng luồng, tre bát ngát...
Chiều cùng ngày, chúng tôi đến Bản Lác, huyện Mai Châu, tỉnh Hòa Bình. Có lẽ thiên nhiên đã ưu đãi để bản Lác có thể trở thành điểm du lịch hấp dẫn với tất cả du khách trong và ngoài nước. Ở Bản Lác không chỉ có những ngôi nhà sàn được kiến trúc đẹp mà còn có các dịch vụ để cho khu khách dạo chơi ngắm cảnh, sinh hoạt. Buổi chiều hôm đó, chúng tôi đã đi thăm quan các bản làng của huyện Mai Châu, cảm nhận thú vị về nét đẹp của các bản Mường, cảnh thiên nhiên lãng mạn và sự thân thiện của con người nơi đây. Tối chúng tôi tổ chức đốt lửa trại, giao lưu với các chàng trai, cô gái người Thái, được nhảy Sạp và hòa mình vào những điệu múa say đắm lòng người…
 cn5.png
Giao lưu văn nghệ với đoàn thanh niên Bản Lác,
huyện Mai Châu, tỉnh Hòa Bình
Chia tay Bản Lác thơ mộng, sau bữa ăn sáng với cơm nếp rừng của người dân địa phương, đoàn chúng tôi lại xuôi về Sơn Tây, Hà Nội thăm Làng văn hóa các dân tộc Việt Nam. Chúng tôi đã vào thăm nhà sàn của người Ê Đê ở Tây Nguyên, nghe hướng dẫn viên giới thiệu về các tập tục của các dân tộc Tây Nguyên, nghe già làng A Ma Loan thổi tù và, hát dân ca của người Ê Đê, nghe bài hát “Lên cao nguyên đi anh”  của cô gái Ê Đê xinh đẹp chưa kịp hỏi tên khiến ai đó ngơ ngẩn xao động…
 
 cn6.png
    Chụp ảnh lưu niệm với gia đình già làng A Ma Loan trong ngôi nhà dài truyền thống đồng bào Ê Đê tại Làng văn hóa các dân tộc Việt Nam
 
 Chúng tôi còn được hướng dẫn viên đưa đi thăm mô hình 05 cụm đảo Trường Sa với 18 đảo lớn nhỏ, chúng tôi như biết nhiều hơn về sự thiêng liêng của Tổ quốc qua hình ảnh về biển đảo quê hương yêu thương. Được vào chùa Khơme của người Khơme ở Sóc Trăng, thăm và chụp ảnh tại Tháp Chàm của người Champa để hiểu hơn về nét văn hóa vô cùng độc đáo của người Chăm…
  
 
 cn7.png
Đoàn thực tế chụp ảnh lưu niệm tại Tháp Chàm
trong Làng văn hóa các dân tộc Việt Nam
 
Rời Làng văn hóa các dân tộc Việt Nam, đoàn chúng tôi đến thăm chùa Tây Phương và chiêm ngưỡng 18 pho tượng la hán có giá trị kiến trúc, điêu khắc cổ. Tiếp đó, đoàn về Khu di tích văn hóa Chùa Thầy để được nghe giới thiệu về Thiền sư Từ Đạo Hạnh, người sáng lập ra ngôi chùa và nuôi dạy  Lý Công Uẩn, vị vua khai quốc của Vương triều nhà Lý, cùng các giáo lý và quan điểm hướng thiện của đạo phật
Chuyến đi thực tế không dài, nhưng đã để lại cho chúng tôi những ấn tượng sâu sắc. Chỉ có 02 ngày, nhưng tất cả mọi người trong đoàn được hiểu nhiều hơn, biết nhiều hơn, mở rộng tầm mắt về văn hóa của các dân tộc Việt Nam và vẻ đẹp của quê hương. Thông qua chuyến đi với rất nhiều trò chơi, giao lưu sinh hoạt cùng những trải nghiệm như thế, tập thể A11 K44 chắc chắn sẽ gần gũi và đoàn kết để học tập, công tác tốt hơn nữa…/. 
Số lượt truy cập
Hôm nay:
4079
Hôm qua:
2605
Tuần này:
12897
Tháng này:
63054
Tất cả:
4.361.591