NHIỆT LIỆT CHÀO MỪNG KỶ NIỆM 114 NĂM NGÀY QUỐC TẾ PHỤ NỮ 8/3 ( 8/3/1910 – 8/3/2024) VÀ 1984 NĂM KHỞI NGHĨA HAI BÀ TRƯNG!

Đảng bộ tỉnh Thanh Hóa lãnh đạo nhân dân thực hiện sự nghiệp đổi mới từ năm 1986 đến nay

Đăng lúc: 15:46:08 05/06/2017 (GMT+7)11592 lượt xem

ThS. Lê Na
Giảng viên Khoa Xây dựng Đảng
 
Sau 10 năm cùng cả nước xây dựng chủ nghĩa xã hội, Thanh Hóa đã đạt được một số kết quả nổi bật ở các lĩnh vực, song tình hình trong tỉnh vẫn chưa thoát khỏi khó khăn, khủng hoảng về kinh tế - xã hội. Trước hoàn cảnh đó, Đảng bộ tỉnh đã quán triệt tinh thần của Đại hội Đại biểu Đảng Cộng sản Việt Nam lần thứ VI (12/1986) là nhìn thẳng sự thật, nói rõ sự thật để đánh giá chặng đường hơn 10 năm Đảng bộ lãnh đạo nhân dân Thanh Hóa xây dựng chủ nghĩa xã hội. Cùng với việc khẳng định những kết quả đạt được, Đảng bộ đã nghiêm khắc kiểm điểm, chỉ rõ những sai lầm, khuyết điểm cũng như những nguyên nhân của sai lầm, khuyết điểm và đề ra phương hướng, mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp lãnh đạo nhân dân tỉnh nhà tiến hành đổi mới quê hương. Theo đó, tại Đại hội Đảng bộ tỉnh Thanh Hóa lần thứ XII (10/1986) đã chỉ rõ:
Trên lĩnh vực kinh tế, Đảng bộ tỉnh vận dụng các nghị quyết của Trung ương Đảng, đổi mới cơ chế quản lý kinh tế, khuyến khích phát triển kinh tế nông nghiệp, kinh tế trung du - miền núi, kinh tế thương mại - du lịch… Xác lập kinh tế hàng hóa nhiều thành phần, thực hiện “thông thoáng và mở cửa”, kích thích sản xuất, kinh doanh phát triển. Chính sách quản lý về kế hoạch, giá cả, tài chính, ngân hàng, thị trường được cải tiến kịp thời, tạo ra môi trường thuận lợi thúc đẩy sản xuất hàng hóa và hoạch toán kinh doanh của cơ sở. Đại hội lần thứ XII, năm 1986, đã thống nhất chủ trương quy hoạch 4 vùng kinh tế động lực (Bỉm Sơn - Thạch Thành, Thanh Hóa - Sầm Sơn, Mục Sơn - Lam Sơn, Nghi Sơn - Tĩnh Gia); hình thành các vùng chuyên canh tập trung (lúa, mía, chè, cói, ngô, lạc; vùng nuôi trồng thủy sản mặn, lợ…).
Đến Đại hội XIII (1991), Đại hội XIV (1996), Đại hội XV (2011), Đại hội XVI (2005), Đại hội lần thứ XVII (2010) đã tiếp tục  xác định mục tiêu nhiệm vụ, bước đi cách làm phù hợp và đặt ra phương hướng phấn đấu để xây dựng Thanh Hóa cơ bản trở thành tỉnh công nghiệp theo hướng hiện đại. Nhất là, Đại hội lần thứ XVIII, nhiệm kỳ 2015 - 2020, Đảng bộ tỉnh đã đề ra 5 chương trình trọng tâm gồm: Chương trình phát triển nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới; Chương trình giảm nghèo nhanh và bền vững; Chương trình phát triển khu kinh tế Nghi Sơn và các khu công nghiệp; Chương trình phát triển kinh tế du lịch; Chương trình đào tạo, sử dụng nguồn nhân lực.
Từ những chủ trương lãnh đạo của Đảng bộ, nhân dân Thanh Hóa đã nỗ lực phấn đấu vượt qua nhiều khó khăn, thách thức thực hiện sự nghiệp đổi mới đã đạt được những thành tựu quan trọng trên các lĩnh vực.
Kinh tế tăng trưởng năm sau cao hơn năm trước, nhiều chi tiêu quan trọng hoàn thành và vượt chỉ tiêu kế hoạch, quy mô nền kinh tế và năng lực sản xuất không ngừng phát triển. Điều đó được minh chứng: GDP thời kỳ 1996 - 2000 tăng bình quân 7,3%; thời kỳ 2001 - 2005 tăng 9,1%; thời kỳ 2006 - 2010 tăng 11,3%; thời kỳ 2010-2015, GDP tăng gấp 1,7 lần năm 2010, đứng thứ 8 cả nước, đứng đầu các tỉnh Bắc Trung Bộ. Cơ cấu kinh tế phát triển theo chiều hướng tích cực, tỷ trọng nông - lâm - ngư trong GDP liên tục giảm, tỷ trọng công nghiệp - xây dựng -dịch vụ, du lịch liên tục tăng. So với năm 2010, đến năm 2015, tỷ trọng nông - lâm - thủy sản giảm từ 24,2% xuống còn 17,6%; tỷ trọng ngành công nghiệp - xây dựng tăng từ 41,4% lên 42%; tỷ trọng ngành dịch vụ tăng từ 34,4% lên 40,4%. Trong những năm 2006 - 2015, Khu Kinh tế tổng hợp Nghi Sơn được xây dựng, phát triển, thu hút nhiều dự án đầu tư quan trọng, trong đó có Dự án Lọc hóa dầu Nghi Sơn, theo kế hoạch sẽ hoàn thành vào năm 2017. Sản xuất nông nghiệp đạt được nhiều kết quả quan trọng, hệ thống kênh mương được kiên cố hóa; đập Bái Thượng và hệ thống thủy nông sông Chu được nâng cấp; công trình thủy lợi - thủy điện Cửa Đạt khánh thành đưa vào hoạt động… Ứng dụng công nghệ mới vào sản xuất, phòng trừ sâu bệnh, hình thành các trang trại, và mô hình chăn nuôi công nghiệp, thực hiện các dự án nuôi trồng thủy sản nước lợ, xây dựng nâng cấp hệ thống cảng cá và các cơ sở chế biến xuất khẩu đem lại hiệu quả. Chương trình xây dựng nông thôn mới đạt được những kết quả bước đầu đáng phấn khởi. Dịch vụ, thương mại và du lịch phát triển nhanh cả về quy mô và loại hình. Xuất hiện nhiều loại hình dịch vụ mới như: tài chính, ngân hàng, bảo hiểm, tư vấn, hình thành nhiều trung tâm thương mại và siêu thị. Môi trường đầu tư kinh doanh được cải thiện mạnh mẽ, từ 2011- 2015, thu hút 509 dự án đầu tư (25 dự án FDI) với tổng vốn đăng ký 92.371 tỷ đồng và 2.945,4 triệu USD, nâng tổng số dự án FDI lên 57 dự án với tổng mức đăng ký 12.605 triệu USD, đứng thứ 6 cả nước.
Lĩnh vực văn hóa - xã hội có nhiều chuyển biến tiến bộ; an sinh xã hội được chăm lo; đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân được cải thiện. Hoạt động khoa học công nghệ có nhiều tiến bộ; chất lượng giáo dục được nâng lên, đặc biệt là giáo dục mũi nhọn luôn nằm trong top các tỉnh dẫn đầu của cả nước. Công tác chăm sóc, bảo vệ cho nhân dân ngày càng tốt hơn, không để dịch bệnh lớn xảy ra. Các hoạt động văn hóa có nhiều chuyển biến, góp phần quan trọng cho phát triển kinh tế - xã hội và nhu cầu hưởng thụ văn hóa của nhân dân. Thể dục - thể thao phát triển sâu rộng, thể thao thành tích cao luôn trong top đầu cả nước. Công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm, xóa đói giảm nghèo được quan tâm, tỷ lệ hộ nghèo giảm bình quân 3,75%/ năm.
Quốc phòng toàn dân, an ninh nhân dân được tăng cường, các nhiệm vụ quốc phòng và an ninh, thực hiện nghiêm túc, hiệu quả, chính trị ổn định, trật tự xã hội được bảo đảm, tạo điều kiện thuận lợi cho sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa, hội nhập quốc tế thành công.
Công tác đối ngoại được quan tâm, mang lại hiệu quả tích cực. Hợp tác toàn diện với tỉnh Hủa Phăn (Lào) được tăng cường; mở rộng quan hệ và ký kết thỏa thuận hợp tác với thành phố Seongnam (Hàn Quốc), tỉnh Mittelsachen (Đức). Hoạt động đối ngoại nhân dân được quan tâm, góp phần mở rộng quan hệ với bạn bè quốc tế, thu hút đầu tư nước ngoài, tuyên truyền quảng bá về con người, văn hóa Xứ Thanh. Công tác đối với người Thanh Hóa ở nước ngoài có chuyển biến, giúp kiều bào hiểu thêm về tình hình tỉnh nhà và đã có việc làm thiết thực để chung sức xây dựng quê hương.
Đảng bộ và hệ thống chính trị được xây dựng vững chắc, tích lũy được nhiều kinh nghiệm quý trong lãnh đạo, quản lý, điều hành và vận động quần chúng đáp ứng yêu cầu xây dựng bảo vệ quê hương trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Đặc biệt, trong nhiệm kỳ Đại hội XVII, Tỉnh ủy đã chỉ đạo các cấp ủy, tổ chức đảng từ tỉnh đến cơ sở triển khai, quán triệt kịp thời, nghiêm túc Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI về một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng,  gắn với thực hiện có hiệu quả Chỉ thị 03-CT/TW của Bộ Chính trị về tiếp tục đẩy mạnh học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, Quy định số 101-QĐ/TW của Ban Bí thư và Quyết định 1089-QĐ/TU của Ban Thường vụ tỉnh ủy về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, góp phần nâng cao tinh thần trách nhiệm trong thực thi nhiệm vụ của mỗi cán bộ, công chức, viên chức, nhất là trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, đơn vị, địa phương. Ban Thường vụ Tỉnh ủy cũng đã ban hành nghị quyết, các quy chế, quy định nhằm tăng cường quản lý cán bộ, đảng viên; chỉ đạo rà soát, sửa đổi, bổ sung các văn bản vi phạm pháp luật, khắc phục những sơ hở trên một số lĩnh vực dễ xảy ra tiêu cực; tăng cường kiểm tra, giám sát, xử lý nghiêm cán bộ, đảng viên vi phạm; chỉ đạo các cấp ủy thực hiện nghiêm túc nguyên tắc tập trung dân chủ, giữ vững kỷ luật, kỷ cương, nâng cao hiệu quả lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành.
Tuy nhiên, bên cạnh những thành tựu đạt được, tình hình kinh tế - xã hội của tỉnh vẫn còn những hạn chế, yếu kém. Tốc độ tăng trưởng kinh tế và GDP bình quân đầu người vẫn còn thấp so với bình quân của cả nước; chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động còn chậm. Chất lượng giáo dục - đào tạo còn chưa đồng đều giữa các vùng miền và chưa đáp ứng được yêu cầu của xã hội; bảo tồn, phát huy di sản văn hóa còn hạn chế. An ninh tuyến biên giới, tuyến biển và các địa bàn trọng điểm còn tiềm ẩn yếu tố có thể gây mất ổn định; một số loại tội phạm diễn biến phức tạp. Vẫn còn tổ chức cơ sở đảng năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu suy giảm; phát triển đảng viên ở khu vực doanh nghiệp tư nhân, khu vực nông thôn, miền núi còn khó khăn; năng lực cán bộ một số ngành, địa phương chưa đáp ứng yêu cầu.
Trên cơ sở đánh giá thành tựu đạt được cũng như những tồn tại hạn chế trong thực hiện Nghị quyết Đại hội XVII, nhiệm kỳ 2010 - 2015, đồng thời qua sự đánh giá tổng quát 30 năm cùng cả nước tiến hành công cuộc đổi mới, Đại hội XVIII, nhiệm kỳ 2015 - 2020 của Đảng bộ tỉnh đã xác định: Tiếp tục nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng bộ; phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân; tranh thủ thời cơ, vận hội mới; cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư kinh doanh, huy động tối đa và sử dụng có hiệu quả các nguồn nhân lực cho đầu tư phát triển; đẩy mạnh tái cơ cấu kinh tế gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng; coi phát triển nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới là nền tảng, phát triển công nghiệp là then chốt, tập trung phát triển du lịch có lợi thế; tăng cường ứng dụng tiến độ khoa học - công nghệ, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, chăm lo phát triển văn hóa- xã hội, quan tâm bảo vệ môi trường, sử dụng có hiệu quả tài nguyên, chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, đảm bảo cho phát triển nhanh và bền vững, nâng cao đời sông vật chất của nhân dân; giữ vững ổn định chính trị củng cố quốc phòng - an ninh, bảo đảm trật tự an toàn xã hội; phấn đấu đến năm 2020 trở thành tỉnh khá của cả nước, đến năm 2030 cơ bản trở thành tỉnh công nghiệp theo hướng hiện đại.        
Số lượt truy cập
Hôm nay:
3877
Hôm qua:
2605
Tuần này:
12695
Tháng này:
62852
Tất cả:
4.361.389