NHIỆT LIỆT CHÀO MỪNG KỶ NIỆM 50 NĂM NGÀY GIẢI PHÓNG MIỀN NAM, THỐNG NHẤT ĐẤT NƯỚC (30/4/1975 - 30/4/2025)!

Đẩy mạnh phát triển du lịch Thanh Hóa đến năm 2025 tầm nhìn đến năm 2030.

Đăng lúc: 15:46:55 25/06/2015 (GMT+7)1569 lượt xem

 
Hà Việt Cường
Học viện chính trị quốc gia Hồ chí Minh

Trong chiến lược phát triển du lịch tỉnh Thanh Hóa đến năm 2025 tầm nhìn đến năm 2030 cũng như trong dự thảo Báo cáo Chính trị của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khoá XVII trình Đại hội lần thứ XVIII (nhiệm kỳ 2015 - 2020) đều xác định phát triển du lịch tr thành ngành kinh tế mũi nhọn, với tỷ trọng của du lịch ngày càng cao trong cơ cấu GDP, tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội, phấn đấu để Thanh Hóa sớm trở thành trọng điểm phát triển du lịch của cả nước.
Về điểm mạnh, Thanh Hóa có tài nguyên du lịch tự nhiên vô cùng đa dạng, phong phú với rất nhiều danh lam thắng cảnh đẹp. Trong đó nổi bật nhất có thể kể đến biển Sầm Sơn, biển Hải Tiến, vườn quốc gia Bến En, khu bảo tồn thiên nhiên Pù Hu, Pù Luông hay đảo Hòn Mê. Bên cạnh tài nguyên du lịch tự nhiên, vùng đất xứ Thanh còn có một nguồn tài nguyên du lịch vô giá mà không phải địa phương nào cũng có được, đó là tài nguyên du lịch văn hóa. Với truyền thống văn hóa lịch sử lâu đời của một vùng đất anh hùng, Thanh Hóa có những điều kiện vô cùng thuận lợi để trở thành khu vực trọng điểm du lịch quốc gia. Với di sản văn hóa thế giới Thành nhà Hồ, khu di tích lịch sử quốc gia Lam Kinh, đền thờ Bà Triệu, đền thờ Lê Hoàn… là những cụm di tích không chỉ có giá trị cao về mặt lịch sử mà còn là những giá trị về nghệ thuật, kiến trúc. Cùng với đó là những làng nghề truyền thống như cói Nga Sơn hay đúc đồng Thiệu Trung, đây là những tiềm năng để đẩy mạnh phát triển các ngành thủ công mỹ nghệ, các sản phẩm làm quà lưu niệm cho khách du lịch. Với sự nhất trí đồng thuận của toàn Đảng bộ tỉnh về chiến lược đẩy mạnh phát triển du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn, Thanh Hóa quả thật có một tiềm năng vô cùng lớn để trở thành trung tâm du lịch của khu vực Bắc Trung Bộ cũng như của cả nước.
Tuy nhiên, bên cạnh đó vẫn còn những tồn tại, hạn chế mà ngành du lịch Thanh Hóa cần khắc phục để vươn tới trở thành trung tâm du lịch của cả nước. Có thể kể đến như  chất lượng du lịch chưa cao, chưa có những điểm du lịch thật sự nổi bật, chưa khai thác được hết tiềm năng du lịch; hạ tầng cơ sở kết nối các điểm du lịch còn thiếu; chưa có chiến lược phát triển quảng bá du lịch hiệu quả; chưa làm nổi bật được nét giá trị của các điểm di tích lịch sử, văn hóa; sản phẩm du lịch còn chưa đa dạng, phong phú.
Trong bối cảnh đất nước ta hiện nay đang ngày càng đẩy mạnh hội nhập kinh tế quốc tế với việc Việt Nam ta sẽ chính thức tham gia cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC) vào cuối năm 2015 và đang đẩy mạnh đàm phán ra nhập TPP, điều này sẽ tạo cho ngành du lịch Thanh Hóa có rất nhiều thuận lợi để phát triển nhưng bên cạnh đó cũng sẽ là không ít khó khăn, thách thức. Để có thể tận dụng được cơ hội và hạn chế những khó khăn, ngành du lịch Thanh Hóa phải tập trung phát huy những thế mạnh, lợi thế của mình, nhất là hạn chế những bất cập còn đang tồn tại. Để Thanh Hóa thực sự là điểm đến yêu thích của du khách trong nước cũng như du khách quốc tế, tác giả xin đề nghị một số giải pháp sau đây:
Thứ nhất, du lịch Thanh Hóa phải tạo được điểm nhấn du lịch, xây dựng những điểm du lịch nổi bật, những điểm du lịch tạo ra được sức thu hút lớn đối với du khách, qua đó có thể tạo được hiệu ứng lan tỏa mạnh mẽ giúp phát triển ngành du lịch. Ví dụ như, Ninh Bình với quần thể danh thắng Bái Đính – Tràng An, Nha Trang với khu giải trí Vinpearl hay Đà Nẵng với khu du lịch Bà Nà đã thực sự tạo được những nét đột phá cho ngành du lịch của các địa phương nói trên. Thanh Hóa với vườn quốc gia Bến En và khu bảo tồn thiên nhiên Pù Hu, Pù Luông với thảm động, thực vật vô cùng phong phú, đa dạng có rất nhiều tiềm năng để xây dựng những vườn thú mở tự nhiên theo mô hình vườn thú Safari World (Thái Lan) – đây là vườn thú mà các loài động vật được nuôi thả tự nhiên với quy mô lớn hay mô hình công viên thực vật nhiệt đới như công viên Nong Nooch (Thái Lan) – tại công viên này các loài thực vật (đặc biệt là các loài hoa) được trồng, quy hoạch thành các khu vườn riêng biệt với quy mô lớn. Nếu như có thể xây dựng những vườn thú mở tự nhiên hay công viên thực vật nhiệt đới với quy mô lớn có thể nói là đầu tiên ở khu vực phía Bắc nước ta (ở trong Nam có vườn thú mở tự nhiên đầu tiên ở nước ta là công viên Đại Nam – tỉnh Bình Dương) như vậy sẽ tạo ra cho ngành du lịch xứ Thanh một lợi thế cạnh tranh vô cùng lớn, sẽ tạo được sức bật mới cho phát triển du lịch của tỉnh.
Thứ hai, cần xây dựng các tour du lịch Thanh Hóa mà kết hợp cả du lịch biển, du lịch sinh thái, du lịch danh lam thắng cảnh, du lịch văn hóa, tôn giáo. Và để tạo ra một lợi thế cạnh tranh cho các tour du lịch này, tôi đề nghị xây dựng các tour du lịch có mức giá cạnh tranh nhất để có thể thu hút du khách. Nhưng mức giá rẻ để thu hút du khách không có nghĩa sẽ tạo ra mức lợi nhuận thấp, chúng ta có thể học hỏi chiến lược phát triển du lịch của nước bạn Thái Lan như sau: Người Thái xây dựng các tour du lịch với mức giá rất rẻ để thu hút du khách, nhưng nguồn thu mà họ thu được từ khách du lịch là không hề nhỏ bởi họ thực hiện chiến lược “phần cứng giá mềm đi cùng với phần mềm giá cứng”. Điều này có nghĩa là các chí phí cứng, chi phí cố định như chi phí khách sạn, chi phí đi lại, chi phí cho dịch vụ ăn uống là rất rẻ, họ đưa ra mức giá rẻ nhưng vẫn có lãi nếu như quy mô du khách là lớn, và điều độc đáo của họ là khiến du khách không chỉ bỏ ra những khoản chi phí cứng ban đầu mà còn khéo léo để khách hàng phải bỏ ra những khoản chi phí mềm. Chí phí mềm là chi phí cho các dịch vụ giải trí, tham quan, chi phí cho các sản phẩm thủ công truyền thống, các sản vật của địa phương. Đối với du lịch Thanh Hóa, những tour du lịch nội đô trong ngày như “ngược xuôi sông Mã” hay các sản phẩm truyền thống mang đậm bản sắc văn hóa vùng đất xứ Thanh như cói Nga Sơn, đúc đồng Thiệu Trung (Thiệu Hóa) hay dệt thổ cẩm vùng cao cần có những chiến lược phát triển hơn nữa để tạo ra nguồn thu “mềm” cho ngành du lịch.
Thứ ba, xây dựng, phát triển trục thành phố Thanh Hóa – thị xã Sầm Sơn thành trung tâm du lịch của cả tỉnh. Để thu hút du khách cần phải xây dựng thành phố Thanh Hóa và thị xã Sầm Sơn thành những đô thị năng động, nhộn nhịp. Bài học kinh nghiệm phát triển du lịch của Thái Lan với việc xây dựng thành phố biển Pattaya không chỉ có vẻ đẹp của biển mà ở đó còn là vẻ đẹp của một thành phố du lịch nhộn nhịp, giàu bản sắc văn hóa và đặc biệt là một thành phố rất sôi động về đêm. Bởi vậy, cần có một cơ chế đặc thù để phát triển trục thành phố Thanh Hóa – thị xã Sầm Sơn thành một điểm đến mà du khách không chỉ có những ngày nghỉ dưỡng mà còn là những ngày được tham quan, khám phá, trải nghiệm những nét văn hóa đặc sắc của vùng đất xứ Thanh.
Thứ tư, về nguồn vốn đầu tư cho phát triển du lịch, cần đẩy mạnh hơn nữa việc thu hút đầu tư của các doanh nghiệp, đặc biệt là khối các doanh nghiệp tư nhân. Cần có cơ chế thích hợp để thu hút các doanh nghiệp tư nhân đầu tư phát triển ngành du lịch. Bên cạnh đó, có thể đầu tư phát triển du lịch bằng nguồn vốn từ khu vực kinh tế Nhà nước, nhưng các doanh nghiệp Nhà nước chỉ đóng vai trò đầu tư ban đầu, khi cần xây dựng, phát triển những công trình với quy mô lớn cần có sự đầu tư của Nhà nước mà khu vực tư nhân không thể làm hay không muốn làm, và các doanh nghiệp Nhà nước sẽ phát triển để tạo ra những dự án có nhiều kỳ vọng phát triển với mức lợi nhuận kỳ vọng hấp dẫn sau đó sẽ tiến hành cổ phần hóa chuyển giao cho khối kinh tế tư nhân tiếp tục phát triển khai thác sử dụng. Qua đó, giúp ngân sách của tỉnh có thể được đảm bảo cân đối nhưng vẫn đảm bảo được sự phát triển mạnh mẽ của ngành du lịch.
Để Thanh Hóa thực sự trở thành một tỉnh kiểu mẫu cũng như là lá cờ đầu trong phát triển kinh tế thì phát triển du lịch là một định hướng đúng đắn, là một mũi nhọn phát triển kinh tế giúp Thanh Hóa có thể vươn mình trở thành một trung tâm kinh tế của khu vực Bắc Trung Bộ cũng như của cả nước. Với những giải pháp phát triển ngành du lịch nói trên, tác giả rất mong vùng đất xứ Thanh anh hùng sẽ là một điểm đến không thể bỏ qua của du khách trong nước cũng như du khách quốc tế trong những năm tới đây.
Số lượt truy cập
Hôm nay:
806
Hôm qua:
1293
Tuần này:
10304
Tháng này:
46802
Tất cả:
5.345.076