NHIỆT LIỆT CHÀO MỪNG KỶ NIỆM 114 NĂM NGÀY QUỐC TẾ PHỤ NỮ 8/3 ( 8/3/1910 – 8/3/2024) VÀ 1984 NĂM KHỞI NGHĨA HAI BÀ TRƯNG!

Đổi mới phương pháp giảng dạy Chương trình trung cấp lý luận chính trị - hành chính ở Trường Chính trị tỉnh Thanh Hóa hiện nay

Đăng lúc: 14:08:56 16/03/2018 (GMT+7)1967 lượt xem

TS. Thịnh Văn Khoa
Phó Hiệu trưởng
 
Phương pháp giảng dạy là một trong những yếu tố quan trọng ảnh hưởng lớn đến chất lượng đào tạo. Một phương pháp giảng dạy khoa học sẽ tạo điều kiện để giảng viên và học viên phát huy hết khả năng của mình trong việc truyền đạt, lĩnh hội kiến thức và phát triển tư duy, từ đó sẽ làm thay đổi vai trò của người thầy đồng thời tạo nên sự hứng thú, say mê và sáng tạo của người học.
Phương pháp giảng dạy truyền thống được sử dụng khá phổ biến trong đào tạo Trung cấp Lý luận chính trị - hành chính (TCLLCT-HC) ở Trường Chính trị tỉnh từ trước đến nay là phương pháp thuyết trình. Ưu điểm của phương pháp này là bảo đảm cho giảng viên chủ động trực tiếp truyền đạt kiến thức đến học viên, tiết kiệm được thời gian trên lớp. Nếu người giảng có nghệ thuật diễn đạt chặt chẽ, logic và hấp dẫn thì hiệu quả của phương pháp này khá cao. Song, nhược điểm của nó là làm cho học viên tiếp thu kiến thức một cách thụ động, hình thành trong học viên thói quen ỷ lại, lười suy nghĩ, không rèn luyện được tính tích cực, chủ động và sáng tạo.
Do vậy, việc đổi mới phương pháp giảng dạy nhằm nâng cao chất lượng đào tạo TCLLCT-HC ở các trường chính trị là một yêu cầu bức thiết. Bài viết này đề cập đến nguyên tắc, phương châm, nội dung và các giải pháp cơ bản của đổi mới phương pháp giảng dạy trong đào tạo TCLLCT-HC ở Trường Chính trị tỉnh Thanh Hóa hiện nay.
I. NGUYÊN TẮC, PHƯƠNG CHÂM, NỘI DUNG ĐỔI MỚI PHƯƠNG PHÁP GIẢNG DẠY
Thực chất của đổi mới giảng dạy là sự cải tiến hoàn thiện các phương pháp đang sử dụng để góp phần nâng cao chất lượng và hiệu quả dạy học, là việc bổ sung phối hợp nhiều phương pháp để khắc phục hạn chế của các phương pháp giảng dạy đang sử dụng, đồng thời là sự thay thế phương pháp đang sử dụng bằng phương pháp giảng dạy mới tối ưu, kết hợp với việc sử dụng các phương tiện, trang thiết bị dạy học hiện đại, từ đó hình thành nên các ‘‘kiểu” dạy - học mới hiệu quả cao hơn. Cho dù đổi mới ở mức độ nào thì việc dạy học cũng phải hướng đến “lấy người học làm trung tâm”. Thực hiện có hiệu quả phương châm ‘‘học đi đôi với hành”, ‘‘lý luận gắn với thực tiễn”.
1. Nguyên tắc
- Bám vào mục tiêu đào tạo.
Mục tiêu đào tạo là một yếu tố quan trọng trong chương trình đào tạo, bồi dưỡng. Nó trả lời câu hỏi, đào tạo ai thành có kiến thức, kỹ năng và thái độ gì. Mục tiêu đào tạo quyết định đến cả nội dung chương trình, quyết định cả quy trình thực hiện, trong đó có định hướng về phương pháp giảng dạy. Hay nói cách khác, việc đổi mới phương pháp giảng dạy phải đảm bảo nguyên tắc bám sát mục tiêu đào tạo.
Mục tiêu của đào tạo TCLLCT-HC hiện nay là đào tạo những cán bộ lãnh đạo, quản lý trong hệ thống chính rị ở cơ sở (chủ yếu) có bản lĩnh chính trị vững vàng, có đủ trình độ và năng lực để hoàn thành các nhiệm được Đảng, Nhà nước và nhân dân giao phó. Để đạt được mục tiêu này, đòi hỏi trong phương pháp giảng dạy phải dành thời gian cho học viên nghiên cứu, đọc tài liệu, chuẩn bị đề cương thảo luận và phát biểu trong giờ thảo luận.
- Xuất phát từ nội dung kiến thức.
Một vấn đề có tính nguyên lý trong dạy học là nội dung quyết định phương pháp. Hay việc đổi mới phương pháp phải xuất phát từ nội dung kiến thức, vì phương pháp là cách thức truyền tải nội dung kiến thức đến người học, nội dung nào thì phương pháp ấy. Điều này cho thấy, trong đổi mới phương pháp giảng dạy TCLLCT-HC phải quan tâm đến các phương pháp đặc thù của từng môn học và từng bài học.
- Phù hợp với đối tượng người học.
Đối tượng người học và các đặc điểm của đối tượng người học là yếu tố ảnh hưởng đến việc lựa chọn cách thức nào để truyền tải nội dung kiến thức đến họ một cách hiệu quả nhất. Hay nói một cách khác, việc lựa chọn phương pháp giảng dạy phải trên cơ sở phù hợp với đối tượng người học.
Đối tượng người học của chương trình đào tạoTCLLCT-HC hiện nay chủ yếu là những cán bộ lãnh đạo, quản lý đương chức hoặc dự nguồn trong hệ thống chính trị cấp cơ sở; họ là những người đang hoạt động thực tiễn và có ít nhiều kinh nghiệm trong công tác, nên phương pháp thảo luận, xemina, phương pháp tình huống là các phương pháp giảng dạy tốt nhất nhằm kết hợp chặt chẽ giữa học với hành, lý luận gắn với thực tiễn.
2. Phương châm
Việc đổi mới phương pháp giảng dạy là nhằm khắc phục những hạn chế của phương pháp giảng dạy truyền thống - sự không chủ động trong việc lĩnh hội kiến thức của học viên. Do vậy, đổi mới phương pháp giảng dạy theo hướng tích cực phải quán triệt phương châm nhằm đạt được các đặc trưng cơ bản của phương pháp giảng dạy tích cực, bao gồm:
- Phát huy tính chủ động, sáng tạo của người học trong việc lĩnh hội kiến thức.
- Chú trọng rèn luyện phương pháp tự học cho học viên.
- Tăng cường học tập cá thể, phối hợp với học tập hợp tác.
- Kết hợp đánh giá của giảng viên với tự đánh giá của học viên.
- Tăng cường hỗ trợ của các phương tiện hiện đại.
3. Nội dung
a. Cần sử dụng linh hoạt, kết hợp đan xen các phương pháp truyền thống
Các phương pháp truyền thống gồm: phương pháp thuyết trình, phương pháp đàm thoại, phương pháp nêu vấn đề, phương pháp trực quan... Trong mỗi bài giảng cụ thể, dùng phương pháp nào là chính hoặc kết hợp đan xen các phương pháp trên theo tỉ lệ như thế nào tùy thuộc vào nội dung, tính chất bài giảng, còn phụ thuộc vào khả năng nghệ thuật sư phạm của giảng viên. Không thể có một công thức nào trong việc sử dụng phương pháp giảng dạy, vì đó là lĩnh vực thuộc về kỹ năng, kỹ xảo của nghề dạy học.
b. Tăng cường sử dụng các phương pháp dạy học tích cực
Phương pháp dạy học tích cực là một hệ thống các phương pháp mà thông qua đó, người dạy làm sinh động, phong phú thêm quá trình truyền tải kiến thức đến người học, là sự kết hợp nhiều phương pháp cụ thể để người học tiếp cận tri thức một cách đầy đủ, thoải mái, không bị áp đặt. Bản chất của phương pháp tích cực là lấy người học làm trung tâm, phát huy tính tích cực, chủ động, sáng tạo của người học trong việc tiếp cận tri thức.
c. Tăng cường phương pháp thảo luận xêmina
Thảo luận xêmina là phương pháp nêu vấn đề tổng hợp sau môn học, phần học hoặc cụm bài để học viên tranh luận dưới sự điều khiển của giảng viên, nhằm giúp học viên vận dụng những kiến thức đã học để giải quyết vấn đề nêu ra.Thực chất xêmina là một hình thức sinh hoạt khoa học, là cuộc hội thảo khoa học nhỏ của học viên về một vấn đề lý luận hoặc thực tiễn, do giảng viên hướng dẫn. Thực tế đã khẳng định xêmina là một phương pháp giảng dạy phù hợp và có hiệu quả trong đào tạo cán bộ chủ chốt xã, phường, thị trấn, vì họ là những người đã kinh qua thực tiễn. Do đó, cần tăng cường sử dụng rộng rãi hơn phương pháp xêmina đối với các môn học, phần học trong đào tạoTCLLCT-HC.
d. Cần sử dụng phổ biến, rộng rãi phương pháp bài tập thực hành và bài tập xử lý tình huống
Giảng dạy thực hành là phương pháp giảng dạy bằng các bài tập, bao gồm bài tập thực hành và bài tập xử lý tình huống sau khi giảng dạy lý thuyết, nhằm củng cố và nâng cao kiến thức, vận dụng kiến thức đã học để giải quyết các vấn đề do thực tiễn đặt ra.
Phương pháp giảng dạy thực hành có vai trò rất quan trọng đối với đào tạo cán bộ cơ sở. Vì, mục đích của học lý luận, học đường lối, học kỹ năng và nghiệp vụ là để thực hành, tức là để tổ chức thực hiện đường lối chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước ở cơ sở. Do đó, giảng dạy lý thuyết phải đi đôi với giảng dạy thực hành. Đó là phương pháp tốt nhất để thực hiện phương châm lý luận liên hệ với thực tiễn, học đi đôi với hành.
II. CÁC GIẢI PHÁP CƠ BẢN
1. Nâng cao nhận thức, trách nhiệm của giảng viên
Cần phải quán triệt chu đáo, tạo chuyển biến trong nhận thức của giảng viên, phải xem đổi mới phương pháp giảng dạy là một yêu cầu cấp thiết và cũng là một hoạt động khoa học sáng tạo để nâng cao chất lượng và hiệu quả dạy học. Đây là yêu cầu của sự nghiệp đổi mới giáo dục, đào tạo nói chung và công tác đào tạo cán bộ ở Trường Chính trị tỉnh Thanh Hóa nói riêng. Mặt khác, cần coi đây là thách thức mà đội ngũ giảng viên cần phải vượt qua, nhưng cũng là cơ hội phát triển của mỗi giảng viên và của nhà trường. Cần tập trung vào một số công việc cụ thể sau:
- Nâng cao nhận thức, tầm quan trọng của phương pháp giảng dạy tích cực trong giảng dạy lý luận chính trị nhằm nâng cao chất lượng các bài giảng, thông qua đó giảng viên chủ động tạo ra sự tương tác nhịp nhàng với học vên.
- Giảng viên phải thực sự trăn trở và thấy rõ trách nhiệm của mình đối với mỗi bài giảng để có thái độ nghiêm túc, chủ động trong nghiên cứu, vận dụng, vì để áp dụng các phương pháp giảng dạy tích cực đòi hỏi người thầy phải có phông kiến thức sâu, rộng, có tâm thế vững vàng, có tư duy logic và thái độ tôn trọng học viên.
- Giảng viên phải xây dựng hệ thống câu hỏi và thu thập các tình huống cho từng nội dung trong các bài giảng để tăng giao lưu, tăng tính tích cực, chủ động của học viên. Trong giảng dạy phải tạo môi trường cởi mở, dân chủ trong thảo luận, tranh luận và giải quyết vấn đề.
- Giảng viên phải rèn luyện nhuần nhuyễn kỹ năng sử dụng các phương pháp giảng dạy để lựa chọn phương pháp phù hợp cho từng suất tri thức trong mỗi bài giảng. Điều này đổi hỏi giảng viên phải “thục luyện” giáo án một cách thường xuyên trước khi lên lớp.
- Giảng viên phải hoàn thiện kỹ năng soạn và sử dụng giáo án điện tử. Trong đó chú trọng xây dựng kết cấu bài giảng theo hướng gợi mở và khai thác tối đa sự hỗ trợ của các phương tiện hiện đại.
2. Quy định trách nhiệm tự học của học viên
- Trên cơ sở kế hoạch giảng dạy, học viên phải xây dựng kế hoạch học tập môn học.
- Học viên phải đọc giáo trình trước khi lên lớp, tổng hợp những vấn đề đã hiểu và những nội dung chưa hiểu cần phải làm rõ để nộp cho giảng viên lên lớp đầu buổi học.
- Ghi chép đầy đủ, tích cực tham gia ý kiến xây dựng bài, thảo luận và ximena, ghi chép những kiến thức tích lũy được mỗi ngày vào sổ tay học viên.
3. Công tác tổ chức, chỉ đạo của nhà trường
- Đổi mới cách xác định mục tiêu bài học theo hướng gọn hơn, cô đọng hơn những kiến thức cơ bản cần thiết và kỹ năng cần đạt được của người học. Việc xác định mục tiêu bài học cần đảm bảo yêu cầu định lượng được mức độ, chuẩn mực kiến thức, kỹ năng và thái độ học viên phải đạt được sau bài học, đồng thời lấy đó làm căn cứ để đánh giá kết quả bài học cho khách quan, tránh cảm tính.
- Chỉ đạo đổi mới cách soạn giáo án theo hướng ngắn gọn, không ôm đồm kiến thức, mà chú trọng truyền thụ những kiến thức cơ bản để tạo sự lan toả. Chuyển trọng tâm từ thiết kế các hoạt động của thầy sang hoạt động của trò, đồng thời nâng cao chất lượng hệ thống câu hỏi, chú ý các loại câu hỏi yêu cầu tư duy tích cực, sáng tạo của học viên.
- “Đặt hàng” cho giảng viên có kinh nghiệm tổ chức giờ dạy mẫu: dạy học viên phương pháp học tập, chú trọng hướng dẫn học viên tự học trên lớp, cách khám phá kiến thức và hướng dẫn cách tự học.
- Nghiên cứu cải tiến cách thức kiểm tra kết quả học tập của học viên theo hai hình thức: tự luận và trắc nghiệm. Định lượng kiến thức cần có trong từng loại đề, hạn chế câu hỏi tái hiện kiến thức,tăng các câu hỏi yêu cầu tư duy sáng tạo và liên hệ thực tiễn.
Tóm lại, trước yêu cầu đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 8 khóa XI, việc đổi mới phương pháp giảng dạylà một tất yếu, góp phần thực tiếp vào việc nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo. Từ đó, trong công tác đào tạoTCLLCT-HC ở các trường chính trị, thì việc đổi mới phương pháp giảng dạy theo hướng tích cực cũng là một yêu cầu quan trọng nhằm nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng cán bộ. Để việc đổi mới phương pháp giảng dạy ở các trường chính trị đạt hiệu quả, phải được thực hiện trên cơ sở đảm bảo các nguyên tắc, phương châm, nội dung và giải pháp phù hợp./.
 
Số lượt truy cập
Hôm nay:
1657
Hôm qua:
2270
Tuần này:
7870
Tháng này:
58027
Tất cả:
4.356.564