CHÀO MỪNG HỌC VIÊN KHOÁ 52 TRUNG CẤP LÝ LUẬN CHÍNH TRỊ VỀ NHẬP HỌC VÀ DỰ LỄ KHAI GIẢNG, NĂM HỌC 2024 - 2025

Kết quả toàn diện về công tác phối hợp trong đào tạo, bồi dưỡng năm 2020 ở Trường Chính trị tỉnh Thanh Hó

Đăng lúc: 16:09:48 08/02/2021 (GMT+7)1401 lượt xem

Trần Thị Ngọc Diệp, Phó Hiệu trưởng
 Lê Thị Xuân Hương, Phó TP. Quản lý đào tạo và NCKH
 
Năm 2020 là năm đánh dấu sựthành công của Đại hội Đảng các cấp đặc biệt là Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX,nhiều chủ trương, giải pháp mới về công tác xây dựng Đảng, xây dựng đội ngũ cán bộ được triển khai thực hiện từ cấp tỉnh đến cơ sở; là năm Nhà trường tổ chức thành công Đại hội Đảng bộ lần thứ VIII với phương hướng, mục tiêu, các giải pháp quan trọng, trong đó chú trọng vào thực hiện các chương trình trọng tâm, các khâu đột phá nhằm nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng cán bộ đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ của tỉnh. Tuy nhiên, trong công tác phối hợp về đào tạo, bồi dưỡng còn có những khó khăn nhất định: do tác động của đại dịch Covid 19 ảnh hưởng đến tiến độ kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng; quy mô đào tạo, bồi dưỡng vẫn cao, trong khi số lượng cán bộ, giảng viên giảm xuống do yêu cầu tổ chức, sắp xếp lại bộ máy và tinh giản biên chế; cơ sở vật chất của nhà trường và các Trung tâm Chính trị tuy đã được tăng cường, song vẫn chưa đáp ứng tốt yêu cầu, nhiệm vụ của công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ và của địa phương. Phát huy những thuận lợi, khắc phục khó khăn, công tác phối hợp trong đào tạo, bồi dưỡng đạt được kết quả trên các mặt sau: 
          1. Phối hợp trong công tác tuyển sinh, mở lớp
Nhà trường chủ động phối hợp với Ban Tổ chức Tỉnh ủy, Ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ và lãnh đạo các ngành, các địa phương trong tuyển sinh mở lớp đào tạo, bồi dưỡng bảo đảm đúng tiêu chí, tiêu chuẩn, quy trình; đủ về hồ sơ, số lượng; rõ về nguồn quy hoạch. Đa dạng hóa các loại hình tuyển sinh: Trung cấp lý luận chính trị - hành chính, các lớp bồi dưỡng chuyên viên, chuyên viên chính trong kế hoạch, ngoài kế hoạch. Đặc biệt, được sự thống nhất của Ban Thường vụ Tỉnh uỷ, ngay sau Đại hội Đảng bộ tỉnh Thanh Hóa lần thứ XIX, nhiệm kỳ 2020 - 2025, nhà trường đã phối hợp với Ban Tổ chức Tỉnh uỷ và các địa phương tổ chức 8 lớp bồi dưỡng cho 880 Bí thư, Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy cấp xã, đáp ứng kịp thời cập nhật kiến thức mới, chủ trương mới và kỹ năng lãnh đạo, quản lý cho Thường trực cấp ủy cấp xã. Bên cạnh đó, phối hợp với một số địa phương, cơ quan, ban ngành mở lớp bồi dưỡng cán bộ lãnh đạo cấp phòng (Thị xã Nghi Sơn, Cục Quản lý thị trường, Cục Hải quan…). Theo đó, công tác tuyển sinh đã được phối hợp đồng bộ, thống nhất,đảm bảo quy trình, quy mô lớp học bảo đảm theo quy định, các địa phương chọn cử cán bộ đi học đúng đối tượng, thiết thực, khắc phục lãng phí và phù hợp với quy mô đào tạo đã được phê duyệt.
2. Phối hợp trong tổ chức mô hình đào tạo, bồi dưỡng
Về mô hình tổ chức lớp: phối hợp mở các loại hình đào tạo Trung cấp lý luận chính trị - hành chính tập trung, không tập trung, các lớp bồi dưỡng chuyên viên chuyên viên chính phù hợp với đặc điểm nhà trường, điều kiện thực tế ở địa phương và đặc điểm đối tượng học viên. Về nội dung chương trình và phương thức thực hiện: thực hiện phương châm “học đi đôi với hành, lý luận gắn với thực tiễn”, đã chú trọng hơn trang bị cho người học phương pháp luận, kinh nghiệm hoạt động thực tiễn, kỹ năng công tác và phong cách lãnh đạo, quản lý. Thiết kế các nhóm chuyên đề phù hợp: về xây dựng đội ngũ cán bộ, kỹ năng lãnh đạo, quản lý; phối hợp triển khai thực hiện các chuyên đề thực tiễn địa phương (về lịch sử đảng bộ địa phương, tình hình kinh tế - xã hội, công tác xây dựng Đảng, hệ thống chính trị của tỉnh, các địa phương...), mời báo cáo viên là các đồng chí trong Thường trực Huyện ủy, các đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ các Huyện ủy, Thị ủy, Thành ủy tham gia giảng dạy, trao đổi. Qua đó, không chỉ giúp nâng cao chất lượng, hiệu quả đào tạo bồi dưỡng mà còn tạo diễn đàn trao đổi, thông qua đó, lãnh đạo huyện nắm bắt kịp thời năng lực, tâm tư, nguyện vọng của cán bộ được cử đi học.
Trong thực hiện chương trình đào tạo, bồi dưỡng, tiếp tục đẩy mạnh đổi mới phương pháp giảng dạy, chuyển mạnh từ dạy - học thụ động sang dạy - học chủ động. 100% bài giảng được giảng viên thực hiện bằng phương pháp giảng dạy tích cực như: trao đổi, thảo luận; xử lý tình huống… với phương châm 3 tăng (tăng thực hành, tăng đối thoại, tăng xử lý tình huống), 3 giảm (giảm lý thuyết suông, giảm độc thoại, giảm đọc chép), tạo ra không gian trao đổi đa chiều giữa giảng viên và học viên, giữa học viên với nhau, tạo sự hứng khởi và hiệu quả cao trong quá trình tiếp thu kiến thức của người học, được người học đánh giá cao.
3. Phối hợp trong nghiên cứu thực tế, tổng kết thực tiễn
Với phương châm thực hiện: sâu địa bàn, sát lĩnh vực, phát hiện kịp thời, đề xuất giải pháp, nhà trường chú trọng phối hợp với các địa phương tổ chức các hoạt động nghiên cứu thực tế, tổng kết thực tiễn bằng nhiều hình thức khác nhau, thông qua hoạt động của giảng viên lên lớp, hoạt động của chủ nhiệm lớp, tổ chức cho học viên đi nghiên cứu thực tế và tổ chức tọa đàm khoa học.
 Đội ngũ giảng viên đã xâm nhập thực tế qua nghiên cứu các Văn kiện Đại hội, các Nghị quyết của địa phương, tiếp cận các nhóm đối tượng học viên để đưa thông tin thực tế vào bài giảng, trao đổi đa chiều trên lớp tạo không gian vừa trang bị kiến thức cho học viên vừa rèn luyện thêm kiến thức thực tiễn. Đối với chủ nhiệm lớp, thực hiện mục tiêu kép: vừa giúp Ban Giám hiệu làm công tác quản lý lớp; vừa nghiên cứu, lựa chọn mô hình nghiên cứu thực tế, tham mưu và phối hợp tổ chức tọa đàm khoa học. Đây chính là hình thức tổng kết thực tiễn sinh động, được lãnh đạo các địa phương, lãnh đạo Trung tâm Chính trị tham gia định hướng, chỉ đạo, quan tâm tạo điền kiện tối đa. Kết quả, năm 2020, 100% các lớp đã tổ chức đi nghiên cứu thực tế với nội dung thiết thực, hiệu quả, nhiều mô hình thực tế hết sức ý nghĩa: mô hình phát triển du lịch cộng đồng ở Pù Luông, huyện Bá Thước, mô hình phát triển làng nghề xã Hoằng Phụ, huyện Hoằng Hóa, mô hình sáp nhập mới đơn vị hành chính cấp xã ở xã Hà Long, huyện Hà trung...
Việc tổ chức tọa đàm ở các lớp tập trung vào những vấn đề thực tiễn đang đặt ra cần giải quyết: giải pháp phát triển văn hóa du lịch ở Thành phố Sầm sơn, xây dựng văn hóa công sở, đạo đức công vụ và trách nhiệm thực thi công vụ của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức; nâng cao chất lượng công tác quản lý đảng viên trên địa bàn huyện Lang Chánh... Thông qua đó, làm sâu sắc thêm kiến thức lý luận và thực tiễn. Trong năm đã tổ chức thành công 16 buổi toạ đàm, hội thảo. Đây thực sự là diễn đàn bổ ích để học viên tiếp tục rèn luyện các kỹ năng tư duy, phân tích, tổng hợp.     
4. Phối hợp trong công tác kiểm tra, đánh giá
Công tác kiểm tra, đánh giá kết quả học tập, rèn luyện của học viên được đổi mới đồng bộ đảm bảo khách quan, công bằng, tạo động lực cho người học. Nhà trường tiếp tục thực hiện đổi mới cách thức đánh giá theo hướng chuyển từ đánh giá điểm số sang đánh giá quá trình. Việc quản lý, chấm điểm rèn luyện của học viên ngày càng được chú trọng và đi vào nề nếp.Đặc biệt, trong quy trình tổ chức cho học viên viết khóa luận và chấm khóa luận, mời thành viên Ban Chỉ đạo lớp học là các đồng chí Thường vụ Huyện ủy tham gia ban giám khảo. Qua đó, tạo cơ hội để học viên được trình bày kết quả học tập, thể hiện năng lực nghiên cứu và khả năng thuyết trình của mình sau một khoá học trước lãnh đạo huyện; đồng thời, giúp tăng cường thông tin, trao đổi giữa lãnh đạo huyện, nhà trường và cán bộ tham gia học tập.
Năm 2020, nhà trường phối hợp thực hiện công tác thanh tra việc giảng dạy và học tập; việc chấp hành nội quy, quy chế; thực hiện hoạt động tự quản của học viên ở một số lớp Trung cấp LLCT-HC (lớp TP Sầm Sơn, TP Thanh Hóa). Qua thanh tra, cơ bản các giảng viên đảm bảo được các yêu cầu của việc lên lớp; học viên các lớp đều có ý thức, thái độ học tập nghiêm túc, kỷ cương, nề nếp, tinh thần tự quản của Ban cán sự và học viên trong lớp tốt, tạo sự đồng thuận, thống nhất cao.
 5. Phối hợp trong xây dựng môi trường giáo dục
Nhà trường tiếp tục phối hợp với các huyện trong công tác quản lý học viên, xây dựng hình ảnh học viên theo phương châm học tập 3 không - 3 có (không vào muộn, ra sớm; không cẩu thả; không làm việc riêng và sử dụng điện thoại trong giờ học- có mục tiêu, động lực học tập tích cực; có tác phong, hình ảnh đẹp; có phương pháp rèn luyện khoa học). Hằng tháng duy trì hội nghị giao ban và tổ chức chào cờ, đánh giá tình hình học tập, rèn luyện của học viên và hằng quý biểu dương học viên gương mẫu đối với các lớp Trung cấp lý luận chính trị - hành chính không tập trung tại huyện, góp phần tạo động lực, nỗ lực phấn đấu của từng học viên.
Các Trung tâm Chính trị huyện chuẩn bị đầy đủ các thiết bị cho phòng học, nước uống, giáo trình, sổ ghi chép cho học viên; nơi ăn ở thoáng mát cho giáo viên… Hiện nay, gần như 100% phòng học tại các Trung tâm Chính trị đã được trang bị đầy đủ loa, đài, máy chiếu, điều hoà nhiệt độ, nhiều đơn vị có camera giám sát, công tác phục vụ và phòng, chống dịch Covid-19 được quan tâm, tạo môi trường, điều kiện sinh hoạt và học tập tốt nhất cho người học... góp phần quan trọng vào việc nâng cao chất lượng giờ giảng.
Đánh giá chung, năm 2020 công tác phối hợp của nhà trường đã nhận được sự quan tâm toàn diện, trách nhiệm của các ban, sở, ngành, các địa phương và đạt được kết quả đánh phấn khởi: công tác tuyển sinh theo hướng đa dạng hóa; mô hình đào tạo, bồi dưỡng, hoạt động nghiên cứu thực tế, tọa đàm khoa học và đánh giá kết quả học tập được phối hợp đồng bộ, thiết thực, hiệu quả; kỷ cương, kỷ luật trong dạy và học được quán xuyến và có chuyển biến tích cực, chất lượng đào tạo, bồi dưỡng không ngừng được nâng lên. Kết quả đào tạo, bồi dưỡng đạt được 3 mục tiêu về chất lượng, về hiệu quả và đáp ứng nhiệm vụ chính trị của tỉnh, các địa phương.
Kết quả, năm 2020, nhà trường đã phối hợp với địa phương, đơn vị chiêu sinh, mở lớp theo chỉ tiêu kế hoạch 13 lớp với 1.040 học viên Trung cấp lý luận chính trị - hành chính; trong đó có 07 lớp được hỗ trợ kinh phí đào và 06 lớp tự túc kinh phí đào tạo. Cùng với các lớp năm 2019 chuyển qua là 13 lớp (với 1.095 học viên). Tổng số 26 lớp với 2.135 học viên. Phối hợp mở được 19 lớp bồi dưỡng chuyên viên, chuyên viên chính, 03 lớp bồi dưỡng cán bộ lãnh đạo cấp phòng, 08 lớp bồi dưỡng Bí thư, Phó Bí thư Thường trực cấp xã.
          Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác phối hợp trong đào tạo, bồi dưỡng hiện còn một số khó khăn và hạn chế, đó là: Công tác tuyển sinh còn bất cập, nhất là tuyển sinh đào tạo Trung cấp lý luận chính trị - hành chính tập trung; phối hợp trong tổ chức nghiên cứu thực tế, tổng kết thực tiễn chưa rõ nét về kết quả tư vấn giải pháp trong lãnh đạo, chỉ dạo của cấp ủy, chính quyền các cấp; phối hợp trong quản lý học viên về động cơ, thái độ học tập còn những bất cập; phối hợp trong công tác kiểm tra, đánh giá chưa thật toàn diện, mới tập trung chủ yếu vào đánh giá trước, trong quá trình đào tạo, chưa thực hiện phối hợp trong đánh giá sau đào tạo.
Bước sang năm 2021, năm đầu thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng các cấp, tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 58-NQ/TW của Bộ Chính trị “Về xây dựng, phát triển tỉnh Thanh Hoá đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”; sau Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh sẽ triển khai thực hiện chương trình, quy chế, giáo trình mới về đào tạo Trung cấp lý luận chính trị - hành chính; trước những yêu cầu, nhiệm vụ của tỉnh về công tác xây dựng Đảng, xây dựng đội ngũ cán bộ, đặt ra cho công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ phải tiếp tục có những đổi mới toàn diện, đồng bộ góp phần xây dựng đội ngũ cán bộ đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ mới. Công tác phối hợp tập trung vào những nhiệm vụ sau:
          Thứ nhất, chủ trì phối hợp với các ban, sở, ngành, địa phương xây dựng Đề án “Xây dựng và phát triển Trường Chính trị đến năm 2030” trình Ban Thường vụ tỉnh ủy phê duyệt. Trong đó chú trọng vận dụng các định hướng của Trung ương, của tỉnh, điều kiện thực tế để xác định các nhiệm vụ đổi mới nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng cán bộ và các nhiệm vụ hướng tới xây dựng Trường Chính trị đạt chuẩn.
          Thứ hai, phối hợp với các ban, sở, ngành, địa phương rà soát, đánh giá, tổng kết công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ. Trong đó khắc phục những hạn chế, bất cập ở một số hoạt động cụ thể. Phối hợp xác định nhu cầu đào tạo, bồi dưỡng cán bộ để tham mưu xây dựng kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng cán bộ đảm bảo cân đối về quy mô đào tạo tập trung và không tập trung; tăng cường đa dạng hóa các loại hình bồi dưỡng đáp ứng yêu cầu tiêu chuẩn cán bộ và theo quy định.
          Thứ ba, phối hợp triển khai thực hiện chương trình, giáo trình mới đảm bảo khoa học đúng quy chế. Chú trọng vận dụng Nghị quyết Đại hội Đảng các cấp vào công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ. Coi trọng và nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng toàn diện cho học viên cả về nhận thức lý luận chính trị, kỹ năng lãnh đạo, quản lý, tác phong chuẩn mực, phương pháp làm việc khoa học cho học viên.
Thứ tư, đẩy mạnh phối hợp hoạt động tổng kết thực tiễn phục vụ công tác giảng dạy, học tập và công tác lãnh đạo, quản lý của cấp ủy, chính quyền các cấp trong tỉnh. Biên soạn tài liệu phần địa phương, tài liệu bồi dưỡng bảo đảm chất lượng phục vụ các chương trình đào tạo, bồi dưỡng.
Thứ năm, phát huyvai trò, trách nhiệm của đội ngũ giảng viên, tính tích cực, chủ động của học viên trong học tập, rèn luyện phát triển phẩm chất và năng lực;đổi mới khâu thi, kiểm tra, đánh giá học viên theo hướng đảm bảo kiến thức cơ bản, phát huy khả năng liên hệ thực tiễn, tính chủ động, sáng tạo của học viên. Tiếp tục tạo cơ chế, môi trường rèn luyện, nâng cao chất lượng đội ngũ giảng viên. Tổ chức lớp bồi dưỡng phương pháp giảng dạy cho giảng viên các Trung tâm Chính trị huyện, thị, thành phố./. 
                     
 
Số lượt truy cập
Hôm nay:
748
Hôm qua:
1694
Tuần này:
19403
Tháng này:
13643
Tất cả:
4.805.630