Một số giải pháp phát triển văn hoá đọc cho học viên Trường Chính trị tỉnh Thanh Hoá
Đăng lúc: 08:15:52 21/05/2022 (GMT+7)1653 lượt xem
Hà Văn Mỹ
Học viên lớp A4 TCLLCT K49
Khi phát biểu khai giảng lớp học tại Trường Đảng Trung ương Nguyễn Ái Quốc, Bác nói: “Học để làm việc, làm người, làm cán bộ, học để phụng sự đoàn thể, phụng sự giai cấp và nhân dân, phụng sự Tổ quốc và nhân loại”. Những lời dạy này của Bác đã được các trường học, đặc biệt là các trường chính trị trong cả nước khắc lên những tấm pano, treo ở những nơi trang trọng của trường, để luôn khắc ghi lời dạy của Bác. Qua đây, chúng ta có thể hiểu rất rõ ràng, cụ thể mục tiêu học tập mà mỗi cán bộ, đảng viên cần thực hiện.
V.I.Lê-Nin có một câu nói rất nổi tiếng: “Học, học nữa, học mãi”. Qua câu nói này. Lê-Nin muốn nhấn mạnh rằng, học tập là một vấn đề quan trọng, là việc làm luôn luôn song hành với cuộc sống của chúng ta. Chúng ta cần phải luôn học hỏi và học tập dù là bất kì ai, bất kì chức vụ cao quý nào trong xã hội. Chỉ có học nữa, học mãi thì chúng ta mới ngày càng hoàn thiện bản thân mình hơn.
Một trong những cách học mang lại hiệu quả cao đó là chúng ta phải đọc. Đọc sách giúp chúng ta lĩnh hội được những thành tựu của nhân loại; đọc sách có vai trò quan trọng trong việc định hình tư duy, phát triển trí tuệ, tri thức, đồng thời còn là phương pháp rèn luyện nhân cách, tình cảm, tâm hồn cao đẹp và lối sống lành mạnh.
Muốn tạo thói quen đọc sách, việc đầu tiên chúng ta phải xác định được mục đích, mục tiêu đọc của mình, từ đó sẽ tiến tới bắt tay vào đọc sách hằng giờ, hằng ngày, hằng tuần, hằng tháng, hằng năm; dần dần sẽ tạo nên thói quen đọc sách. Vậy, muốn rèn luyện thói quen đọc sách, học viên Trường Chính trị tỉnh cần có những biện pháp, phương pháp nào?
Thứ nhất, tạo sự thoải mái khi đọc sách.
Muốn tạo sự thoải mái khi đọc sách, trước tiên cần tìm những cuốn sách hay của những tác giả nổi tiếng, có khả năng truyền cảm hứng tích cực cho mọi người hoặc chọn những cuốn sách có nội dung phù hợp với sở thích và công việc của mỗi người; từ đó, chúng ta sẽ được tạo động lực cho mình đọc và dần dần hình thành thói quen đọc sách. Sau khi đã rèn được thói quen đọc sách, chúng ta có thể tiến tới đọc những thể loại sách đa dạng khác.
Bên cạnh đó, hãy coi đọc sách như một hoạt động thư dãn, là việc tận hưởng cuộc sống. Bạn không nhất thiết phải tìm những kiệt tác để đọc, hãy làm cho mình cảm thấy thực sự thoải mái và thư giãn với những cuốn sách yêu thích. Nếu bạn coi việc đọc sách như một phần thiết yếu của cuộc sống, thì dần dần, việc đọc sách cũng như một thói quen sinh hoạt hàng ngày vậy.
Để thoải mái khi đọc sách, hãy tìm hoặc tự tạo không gian đọc sách yên tĩnh cho mình. Việc tạo cho mình một không gian đọc sách sẽ giúp cải thiện hứng thú, kích thích tính ham đọc; bên cạnh đó, giúp chúng ta tập trung vào nội dung cuốn sách đang đọc. Thư viện là nơi giúp chúng ta tập trung đọc sách; hơn nữa, chúng ta có thể thuận tiện hơn khi tìm sách hoặc cũng có thể trao đổi tri thức từ những gì mình đọc được với những người xung quanh.
Thứ hai, thiết lập cho riêng mình khoảng thời gian nhất định để đọc sách.
Để tạo được thói quen đọc sách, chúng ta cũng cần thiết lập một thời gian đọc sách riêng cho mình. Trong thời gian mới bắt đầu rèn luyện, hằng ngày chúng ta dành từ 5, 10 hoặc 15 phút để đọc và tăng mức độ lên dần để tạo thói quen đọc sách. Chúng ta có thể đọc sách trước bữa ăn, trước khi ngủ hoặc trong lúc giải lao. Cần thiết lập kỷ luật cho riêng mình đối với rèn luyện đọc sách đúng khung giờ mà mình đã lập.
Thứ ba, lên phương án tìm những cuốn sách mà mình muốn đọc.
Hãy tự tạo cho mình một danh sách những cuốn sách hay mà bạn muốn đọc. Khi bạn chú tâm tìm một cuốn sách tốt, bạn có thể tìm thấy chúng ở khắp mọi nơi: qua sự giới thiệu của bạn bè, các hiệu sách, báo chí, truyền hình hay Internet. Mỗi khi được giới thiệu về một cuốn sách hay, hãy ghi nhớ ngay thông tin về cuốn sách đó vào bất cứ nơi nào có thể nhắc nhở bạn. Đây là cách tuyệt vời để nhắc nhở và giữ sự nhiệt tình đọc sách cho bạn.
Thứ tư, theo dõi tiến trình đọc.
Việc theo dõi này sẽ giúp bạn đánh giá được mức độ rèn luyện đọc sách của chính mình. Chúng ta có thể sử dụng một số ứng dụng như Goodreads, Book Crawler, BookBuddy… để theo dõi quá trình này.
Thứ năm, tư duy trong quá trình đọc.
Chỉ có tư duy thì chúng ta mới nhận ra được nhiều điều, có thêm kiến thức và kinh nghiệm sau khi đọc sách. Đó cũng là cách giúp chúng ta hiểu thêm về tác giả, ý đồ viết sách của tác giả; từ đó suy nghĩ, chắt lọc những gì phù hợp để áp dụng cho công việc hay lối sống, hành vi, suy nghĩ của bản thân. Để rèn luyện thói quen này, chúng ta có thể vừa đọc, vừa ghi chép hoặc thả lỏng người khi đọc.
Thứ sáu, coi sách như người bạn đồng hành.
Hãy tạo thói quen luôn mang theo một cuốn sách đến bất cứ nơi nào mà chúng ta đi: đến trường, văn phòng, cơ quan, hay cuộc hẹn ở mọi địa điểm…
Thứ bảy, tham gia vào các hội sách.
Hiện nay có rất nhiều các hội, nhóm, câu lạc bộ về sách, chúng ta có thể tham gia để tạo thêm đam mê, có cơ hội tiếp cận thêm nhiều cuốn sách hay.
Thứ tám, tuyên truyền với mọi người về lợi ích của sách.
Khi đã thành thói quen và đam mê đọc sách, chúng ta nên lan tỏa tinh thần, niềm đam mê, cũng như lợi ích của sách đến tất cả mọi người bởi “chia sẻ” thì sẽ “được chia sẻ”
Ở Trường Chính trị tỉnh Thanh Hoá, để mỗi học viên, giảng viên khai thác tối đa Thư viện, Nhà trường cần đầu tư, làm phong phú hơn số lượng đầu sách và quản lý hiệu quả số sách này. Ngoài việc làm phong phú danh mục sách mua hàng năm, Nhà trường có thể phát động cán bộ, giảng viên, học viên tham gia góp sách, tặng sách phù hợp cho Thư viện trường. Bên cạnh đó, để phát động phong trào đọc sách, Nhà trường nên tạo nhiều diễn đàn trực tiếp hoặc online, qua đó trao đổi các vấn đề liên quan đến công tác và đời sống xã hội của cán bộ, giảng viên, học viên.
Để giới thiệu sách do Nhà trường xuất bản đến đông đảo bạn đọc, Nhà trường cần tổ chức nhiều hội thảo, diễn đàn hoặc cho phép các lớp chủ động tổ chức; từ đó có thể phát động phong trào đọc sách trong học viên đang tham gia học tập tại trường. Bên cạnh đó, có thể làm phong phú việc giới thiệu sách bằng cách khuyến khích cán bộ, giảng viên, học viên viết bài giới thiệu sách để đăng tải trên Website Nhà trường.
Biện pháp đặc biệt quan trọng để phát triển văn hoá đọc cho học viên Trường Chính trị tỉnh chính là vai trò kết nối bài giảng với sách của các thầy, cô. Theo đó, mỗi bài giảng cần có sự lôi cuốn, tránh sự nhàm chán, tránh tạo không khí uể oải cho học viên; qua các bài giảng, giảng viên có thể kết hợp giới thiệu cho học viên các cuốn sách liên quan đến nội dung giảng dạy, đặc biệt là các cuốn sách có trong Thư viện nhà trường. Ngoài ra, Nhà trường nên thành lập các hội, nhóm đọc sách để quy tụ và thu hút nhiều thành viên gồm cả giảng viên và học viên tham gia; từ đó tổ chức các cuộc thi về đọc sách, hiểu sách, giới thiệu sách…
Để sách thực sự trở thành người bạn quý của mỗi học viên Trường Chính trị tỉnh, mỗi thầy cô và học viên cần duy trì, tiếp tục rèn luyện thói quen đọc sách; qua đó truyền cảm hứng đọc sách cho cộng đồng, người thân để góp phần xây dựng và phát triển văn hóa đọc Việt Nam./.
Các tin khác
- Một số góp ý đối với dự thảo Luật Đất đai sửa đổi
- Một số giải pháp phát triển văn hoá đọc cho học viên Trường Chính trị tỉnh Thanh Hoá
- Giải pháp nâng cao chất lượng nguồn nhân lực tại Trường Đại học Hồng Đức đến năm 2025 và định hướng đến năm 2030
- Kết quả toàn diện về công tác phối hợp trong đào tạo, bồi dưỡng năm 2020 ở Trường Chính trị tỉnh Thanh Hó
- Chi hội Luật gia Trường Chính trị Thanh Hóa với tinh thần thượng tôn pháp luật nhân Ngày Pháp luật Việt Nam
- LÀM CÔNG TÁC PHÁP LUẬT PHẢI BIẾT “GẮN LUẬT VỚI ĐỜI”
- Nâng cao chất lượng hoạt động của Chi Hội Luật gia Trường Chính trị tỉnh Thanh Hóa
Liên kết website
Số lượt truy cập
Hôm nay:
502
Hôm qua:
1694
Tuần này:
19157
Tháng này:
13397
Tất cả:
4.805.384