THI ĐUA "CHỦ ĐỘNG, ĐỒNG BỘ, ĐỘT PHÁ, KỶ CƯƠNG, CHẤT LƯỢNG, HIỆU QUẢ" XÂY DỰNG TRƯỜNG CHÍNH TRỊ TỈNH THANH HOÁ ĐẠT CHUẨN TRONG NHÓM CÁC TRƯỜNG DẪN ĐẦU CẢ NƯỚC

LÀM CÔNG TÁC PHÁP LUẬT PHẢI BIẾT “GẮN LUẬT VỚI ĐỜI”

Đăng lúc: 10:10:10 08/11/2016 (GMT+7)1266 lượt xem

 
                Đào Thị Kim Thanh
         Phó trưởng khoa Nhà nước và Pháp luật
 
Một trong những tư tưởng có tính chất chủ đạo của Chủ tịch Hồ Chí Minh đối với người cán bộ nói chung, cán bộ làm công tác pháp luật nói riêng là phải “Gần dân, hiểu dân, giúp dân, học dân”. Thực tế đã chứng minh người làm công tác pháp luật nếu chỉ đóng khung trong công sở, không hiểu cuộc sống của nhân dân, tâm tư, nguyện vọng của dân thì giải quyết các vụ, việc không thể thấu tình đạt lý được. Dẫu pháp luật có hoàn thiện bao nhiêu đi nữa cũng không thể bao hàm được hết những gì đang diễn ra và phát sinh trong cuộc sống. Dẫu kiến thức được đào tạo ở  nhà trường cao đến đâu cũng không có đủ được kho tàng kiến thức của nhân dân. Pháp luật bắt nguồn từ cuộc sống và quay trở lại phục vụ cho xã hội phát triển, do vậy người làm công tác pháp luật phải biết biến những quy định vô tri, vô giác trong các văn bản pháp luật trở nên có hồn, sinh động, phong phú như cuộc sống quanh ta. Muốn đạt được điều đó phải lắng nghe cuộc sống, thấu hiểu cuộc sống để vận dụng vào cuộc sống.
Một cán bộ pháp luật có thời gian làm công tác lâu năm ở miền núi đã kể cho chúng tôi nghe một câu chuyện thú vị như là một kỷ niệm khó quên trong cuộc đời của mình. Chuyện kể rằng: Có một người đàn ông dân tộc thiểu số muốn ly hôn vợ vì lý do vợ vừa già, vừa xấu, bị bạn bè chê bai. Anh ta đưa đơn xin ly hôn đến UBND xã đề nghị chuyển đơn đến tòa án. UBND xã đã tiến hành tổ chức hòa giải nhiều lần nhưng không thay đổi được suy nghĩ và ý định của người đàn ông này. Cho đến khi có một cán bộ là người dưới xuôi lên công tác, người cán bộ nói với anh ta “Được rồi hôm nay tôi sẽ ký giấy, chuyển đơn cho anh đến tòa. Nhưng trước khi ký giấy anh phải đồng ý làm giúp tôi một việc nhỏ. Nếu được anh sẽ nhận giấy còn nếu không được anh phải về sống với vợ mình. Anh có đồng ý không?”. Người đưa đơn nói: “Được rồi. Việc gì cán bộ cứ nói đi, khó mấy ta cũng làm được”. Chỉ chờ có vậy, người cán bộ lôi từ gầm bàn ra một cái xoong đã cũ, cáu bẩn bảo người đưa đơn mang ra cửa hàng bách hóa đổi lấy cái xoong mới. Nhìn thấy cái xoong, người đưa đơn nói ngay: không được đâu à, cái xoong của cán bộ đã cũ lắm rồi, bách hóa họ không đổi đâu. Ta không làm được việc cán bộ nhờ, vậy ta không lấy giấy nữa đâu, ta về ở với cái vợ ta thôi”. Người cán bộ bắt tay anh đồng bào và nói : Vợ anh trước khi về ở với anh cũng đẹp như cái xoong mới nhưng do phải làm việc vất vả, lên nương, lên rẫy lo cuộc sống cho gia đình, cho các con của anh nên bây giờ mới già và xấu đi đấy. Anh về thương nó, đỡ đần công việc cho nó, chăm sóc nó nó sẽ trẻ đẹp trở lại đấy”. Người đàn ông cảm ơn cán bộ, vui vẻ ra về. Cũng từ đấy vợ chồng anh sống với nhau hạnh phúc đến hết tuổi già.
Đằng sau câu chuyện kể, người cán bộ nói thêm với chúng tôi là bởi sau khi tìm hiểu tập quán, cuộc sống, tư tưởng, suy nghĩ của người dân biết được đồng bào miền núi thời điểm đó tuy nhận thức, hiểu biết pháp luật còn có những hạn chế nhưng họ rất trọng chữ tín, luôn biết giữ lời hứa. Từ đó đã nghĩ ra cách vận động, hòa giải như vậy và quả nhiên là đã mang lại hiệu quả bất ngờ, cứu vãn được một gia đình khỏi sự tan vỡ.
Từ câu chuyện kể chứng minh thêm một điều là làm cán bộ pháp luật phải gần dân, hiểu dân, học cách giải quyết từ chính cuộc sống của nhân dân.
Đối với người làm công tác giảng dạy pháp luật cũng vậy. Bài giảng, các chế định pháp lý, các quy phạm pháp luật khi chuyển tải đến người học phải được minh họa bằng thực tiễn sống động của cuộc sống để rồi người học hiểu luật đồng thời cũng là hiểu đời./.
Số lượt truy cập
Hôm nay:
1311
Hôm qua:
2081
Tuần này:
11613
Tháng này:
51673
Tất cả:
4.920.322