THI ĐUA "CHỦ ĐỘNG, ĐỒNG BỘ, ĐỘT PHÁ, KỶ CƯƠNG, CHẤT LƯỢNG, HIỆU QUẢ" XÂY DỰNG TRƯỜNG CHÍNH TRỊ TỈNH THANH HOÁ ĐẠT CHUẨN TRONG NHÓM CÁC TRƯỜNG DẪN ĐẦU CẢ NƯỚC

Đề xuất giải pháp nâng cao chất lượng đào tạo Trung cấp lý luận chính trị - Thực tiễn từ lớp A1.K52

Đăng lúc: 06:58:29 13/12/2024 (GMT+7)90 lượt xem

  “Công tác đào tạo cán bộ là một trong những nhiệm vụ hàng đầu của Đảng”; do đó, nâng cao chất lượng đào tạo Trung cấp lý luận chính trị là nhiệm vụ quan trọng, đòi hỏi sự nỗ lực của cả Nhà trường, giảng viên và học viên. Xây dựng một môi trường học tập lý luận chính trị tích cực sẽ góp phần nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, đảng viên, có đủ năng lực và phẩm chất để phụng sự Tổ quốc, phụng sự Nhân dân, như lời Bác Hồ đã dạy: “Đường đi của chúng ta là đường đi của nhân dân, phải lấy nhân dân làm trung tâm”.
b1.jpg

Lớp TCLLCT A1.K52 nhận cờ thi đua Tập thể lớp kiểu mẫu tháng 10 năm 2024
 
Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định: “Cán bộ là cái gốc của mọi công việc”; "Muôn việc thành công hoặc thất bại, đều do cán bộ tốt hoặc kém"; qua đó, nhấn mạnh vai trò quan trọng của đội ngũ cán bộ trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Thấm nhuần quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh, trong quá trình lãnh đạo cách mạng, Đảng ta luôn quan tâm tới công tác xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức. Trong bối cảnh toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế, vấn đề quan trọng và cấp thiết hiện nay là phải xây dựng và phát triển đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức chuyên nghiệp, có phẩm chất đạo đức tốt, có bản lĩnh chính trị vững vàng và có năng lực làm việc đáp ứng được yêu cầu phục vụ nhân dân, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, cơ quan, đơn vị.
Nhằm nâng cao năng lực thực hiện nhiệm vụ của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức trong tình hình mới, Đảng và Nhà nước đã ban hành các chính sách đào tạo, bồi dưỡng, trong đó chú trọng công tác giáo dục chính trị cho cán bộ, đảng viên. Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng đã chỉ rõ: “Đổi mới căn bản nội dung, chương trình, phương pháp giáo dục lý luận chính trị theo hướng khoa học, sáng tạo, hiện đại và gắn lý luận với thực tiễn; đưa việc bồi dưỡng lý luận chính trị, cập nhật kiến thức mới cho cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo, quản lý chủ chốt các cấp đi vào nền nếp, nâng cao chất lượng, hiệu quả và phù hợp với từng đối tượng. Kết hợp chặt chẽ, hiệu quả giữa học tập lý luận với rèn luyện, thử thách cán bộ trong thực tiễn để nâng cao bản lĩnh chính trị; khắc phục tình trạng ngại học, lười học lý luận chính trị trong cán bộ, đảng viên…”.
Là những cán bộ, đảng viên đang công tác tại các cơ quan, đơn vị trên địa bàn tỉnh, học viên lớp Trung cấp Lý luận chính trị A1.K52 đáp ứng yêu cầu tại Điều 5 Quy định 57-QĐ/TW năm 2022 về đối tượng, tiêu chuẩn để được tham gia học tập tại Trường Chính trị tỉnh Thanh Hoá. Trong quá trình học tập tại Trường thời gian qua, phần lớn học viên chấp hành nghiêm nội quy, quy định của Nhà trường. Thông qua các chuyên đề trên lớp, nhận thức của học viên lớp A1 về ý nghĩa, tầm quan trọng của việc học tập chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước ngày càng được nâng lên. Nhờ sự nhiệt tình, trách nhiệm của đội ngũ giảng viên Nhà trường, học viên lớp A1chủ động, tích cực hơn tronghọc tập.  
Tuy nhiên, chất lượng học tập lý luận chính trị của lớp A1chưa thực sự hiệu quả, việc vận dụng kiến thức lý luận vào thực tiễn công tác còn nhiều lúng túng. Theo ý kiến trao đổi của học viên lớp A1, nhiều nội dung trong chương trình còn nặng lý thuyết, thiếu tính ứng dụng, chưa gắn liền với thực tiễn công tác tại địa phương, khiến học viên khó khăn trong việc áp dụng kiến thức vào thực tế. Mặc dù đội ngũ giảng viên Nhà trường có nhiều nỗ lực cố gắng trong đổi mới phương pháp giảng dạy, song, phương pháp chủ yếu vẫn là truyền thụ một chiều, ít khuyến khích sự sáng tạo và tư duy độc lập của học viên nên dẫn đến tình trạng học viên thụ động, không phát huy được khả năng tư duy phản biện. Bên cạnh đó, cơ sở vật chất, trang thiết bị và tài liệu học tập của Nhà trường còn hạn chế, ảnh hưởng đến chất lượng giảng dạy, làm giảm động lực học tập của học viên.
b2.png

Tập thể lớp TCLLCT A1-K52 sinh hoạt chuyên đề
 
Theo đó, từ thực tiễn học tập lý luận chính trị của học viên lớp TCLLCT A1.K52, tập thể lớp xin đề xuất một số giải pháp nâng cao chất lượng đào tạo hệ Trung cấp lý luận chính trị. Cụ thể như sau:
Thứ nhất, đẩy mạnh việc cập nhật các vấn đề mới, có tính ứng dụng trong thực tiễn. Theo đó, trong kế hoạch đào tạo, Nhà trường cần xây dựng các chương trình cập nhật các nội dung mới, như: các vấn đề về quản lý nhà nước, chính sách công, và phát triển bền vững. Để gắn lý thuyết với thực tiễn, Nhà trường cần tăng cường tổ chức các buổi thực hành, tham quan thực tế tại các cơ quan, tổ chức để học viên có cơ hội trải nghiệm và áp dụng kiến thức.
Thứ hai, tiếp tục nâng cao chất lượng đội ngũ giảng viên. Mặc dù đội ngũ giảng viên của Nhà trường hiện nay có kinh nghiệm trong giảng dạy nhưng cần phải nâng cao hơn nữa năng lực chuyên môn, kỹ năng sư phạm, phương pháp giảng dạy hiện đại để đáp ứng yêu cầu đào tạo. Theo đó, Nhà trường cần tăng cường tổ chức các khóa đào tạo, bồi dưỡng nâng cao chuyên môn và phương pháp giảng dạy hiện đại cho giảng viên; đồng thời, khuyến khích giảng viên nghiên cứu khoa học để cập nhật kiến thức và chia sẻ kinh nghiệm, góp phần vào sự phát triển chung của Nhà trường.
Thứ ba, tăng cường vai trò của học viên. Nhà trường cần tạo môi trường, điều kiện cho học viên tham gia vào quá trình xây dựng chương trình đào tạo, góp ý kiến và phản hồi về chất lượng giảng dạy. Học viên cần được khuyến khích tham gia các hoạt động ngoại khóa, hội thảo, tọa đàm để nâng cao kỹ năng giao tiếp và tư duy phản biện. Ngoài ra, Nhà trường cần phát huy hơn nữa vai trò của học viên trong chủ động tổ chức các hoạt động ngoại khóa, hội thảo, tọa đàm, câu lạc bộ chính trị; qua đó, học viên được rèn luyện kỹ năng giao tiếp, tư duy phản biện, làm việc nhóm và nhiều kỹ năng khác cũng như rèn luyện phẩm chất chính trị, đạo đức cách mạng.
Thứ tư, tăng cường phối hợp với các cơ quan, đơn vị nơi học viên công tác. Thực tế cho thấy, trong quá trình học viên đi học, Nhà trường chưa phối hợp chặt chẽ với các cơ quan, đơn vị trong việc góp ý xây dựng chương trình đào tạo để nội dung giảng dạy gắn kết với thực tiễn nhiều hơn. Theo đó, cần tăng cường hợp tác với các cơ quan, tổ chức để tạo điều kiện cho học viên thực tập, trải nghiệm thực tế và nhận được sự hỗ trợ trong quá trình học tập. Sự hợp tác chặt chẽ giữa Nhà trường và các cơ quan chuyên môn của học viên sẽ góp phần tạo ra một môi trường học tập phong phú và đa dạng.
b3.jpg

Tập thể lớp TCLLCT A1
.K52 biểu diễn văn nghệ tại Lễ kỷ niệm 75 năm xây dựng và phát triển Trường Chính trị tỉnh Thanh Hoá
 
Việc nâng cao chất lượng đào tạo Trung cấp lý luận chính trị là nhiệm vụ quan trọng, đòi hỏi sự nỗ lực của cả Nhà trường, giảng viên và học viên bởi “Công tác đào tạo cán bộ là một trong những nhiệm vụ hàng đầu của Đảng”. Xây dựng một môi trường học tập lý luận chính trị tích cực sẽ góp phần nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, đảng viên, có đủ năng lực và phẩm chất để phụng sự Tổ quốc, phụng sự Nhân dân, như lời Bác Hồ đã dạy: “Đường đi của chúng ta là đường đi của nhân dân, phải lấy nhân dân làm trung tâm”./.
Học viên: Hoàng Anh Sơn
Lớp: TCLLCT A1.K52
Đơn vị công tác: Trường Đại học Văn hoá, thể thao và du lịch Thanh Hoá
---------------------
TÀI LIỆU THAM KHẢO
- Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011
- Nghị quyết số 27-NQ/TW ngày 09/11/2022 của Ban Chấp hành Trung ương khóa XIII về tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới
Số lượt truy cập
Hôm nay:
1297
Hôm qua:
1656
Tuần này:
6789
Tháng này:
58845
Tất cả:
4.992.446