CHÀO MỪNG HỌC VIÊN KHOÁ 52 TRUNG CẤP LÝ LUẬN CHÍNH TRỊ VỀ NHẬP HỌC VÀ DỰ LỄ KHAI GIẢNG, NĂM HỌC 2024 - 2025

Giải pháp nâng cao văn hoá công vụ ở Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thanh Hoá

Đăng lúc: 07:04:04 11/05/2024 (GMT+7)409 lượt xem

 Việc thực hiện văn hóa công vụ tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thanh Hóa trong thời gian qua đã mang lại những thay đổi tích cực không chỉ trong việc nâng cao chất lượng dịch vụ y tế mà còn cải thiện môi trường làm việc, đề cao tinh thần đoàn kết, là động lực để đội ngũ bác sỹ và nhân viên y tế chuyên tâm cống hiến và tận tâm với nghề.                                                 
1.jpg
Phó Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân trao danh hiệu Anh hùng Lao động
thời kỳ đổi mới cho Bệnh viên Đa khoa tỉnh Thanh Hoá
 
Trong giai đoạn mới hiện nay, việc đẩy mạnh xây dựng, hoàn thiện văn hóa công vụ là công việc quan trọng và cần thiết để góp phần thực hiện mục tiêu xây dựng một nền hành chính trong sạch, minh bạch, vững mạnh, chuyên nghiệp, hiện đại, hoạt động có hiệu quả nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế xã hội. Để nâng cao chất lượng thực thi văn hóa công vụ, góp phần hình thành phong cách ứng xử, lề lối làm việc chuẩn mực của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức đáp ứng yêu cầu phục vụ Nhân dân, ngày 27/12/2018, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1847/QĐ-TTg “Về việc phê duyệt đề án văn hóa công vụ”. Trên cơ sở đó, nhiều địa phương trên cả nước đã ban hành quy chế văn hóa công vụ. Theo đó, ngày 06/4/2020, UBND tỉnh Thanh Hóa đã ban hành Kế hoạch số 84/KH-UBND về triển khai thực hiện Đề án công vụ trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa.
Trong những năm qua, cùng với sự chỉ đạo quyết liệt, đồng bộ, có hiệu quả của Đảng uỷ, ban lãnh đạo Bệnh viện đa khoa tỉnh Thanh Hoá luôn đề cao vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu, nâng cao nhận thức về đạo đức, biến nhận thức đạo đức thành hành vi đạo đức, thành thực tiễn đạo đức. Từ đó, Bệnh viện chú trọng đẩy mạnh thực hiện văn hóa công vụ nhằm phát triển đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức góp phần vào công cuộc cải cách hành chính, nâng cao chất lượng phục vụ nhân dân.
Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thanh Hoá là Bệnh viện hạng I, cấp khám chữa bệnh chuyên sâu, hiện đại nhất tỉnh với quy mô 1.200 giường bệnh. Là cơ sở y tế có tiềm lực lớn về nguồn nhân lực chất lượng cao, Bệnh viện đã khẳng định được sự phát triển bứt phá, bền vững trong sự nghiệp đổi mới, với cơ sở hạ tầng khá khang trang, nhiều trang thiết bị y tế hiện đại và các dịch vụ kỹ thuật y tế chất lượng cao; các thầy thuốc, cán bộ khoa học ở các chuyên khoa được đào tạo bài bản, có chuyên môn giỏi, có uy tín.
Song song với việc khám chữa bệnh và đầu tư trang thiết bị, cơ sở hạ tầng, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thanh Hóa luôn xác định: Văn hóa công vụ, kỹ năng giao tiếp, nghệ thuật ứng xử cũng là nhân tố quan trọng quyết định đến chất lượng khám chữa bệnh. Theo đó, thời gian qua, cán bộ, viên chức và nhân viên Bệnh viện đã thực hiện văn hoá công vụ cụ thể như sau:
Về tinh thần, thái độ làm việc. Cán bộ, viên chức, nhân viên Bệnh viện luôn tôn trọng và tận tụy phục vụ nhân dân; tâm huyết, gương mẫu làm tròn chức trách, nhiệm vụ được giao; có ý thức tổ chức kỷ luật; sử dụng có hiệu quả thời giờ làm việc; nghiêm chỉnh chấp hành nội quy, quy chế của cơ quan, của đơn vị; không gây khó khăn, phiền hà, kéo dài thời gian xử lý công việc; không thờ ơ, thiếu trách nhiệm trước những khó khăn, bức xúc của người dân. Với phương châm “Lấy người bệnh là trung tâm”, “Đổi mới phong cách, thái độ phục vụ của cán bộ y tế hướng tới sự hài lòng của người bệnh”; làm việc “Hết việc - Hết giờ”, cán bộ, viên chức và nhân viên Bệnh viện ngày càng tạo được niềm tin và sự hài lòng của người bệnh.
Về chuẩn mực giao tiếp, ứng xử. Nhận thức rõ việc đào tạo, bồi dưỡng chuẩn mực giao tiếp, ứng xử của cán bộ, nhân viên y tế trong công tác khám, điều trị bệnh cho nhân dân, Ban lãnh đạo Bệnh viện đã phối hợp tổ chức lớp đào tạo nâng cao kỹ năng giao tiếp, ứng xử chuẩn theo mô hình AIDET cho nhân viên. Đó là mô hình giao tiếp giữa nhân viên y tế và bệnh nhân (Mang đến sự thân thiện qua nụ cười, ánh mắt, câu chào; nhân viên y tế tự giới thiệu về mình; cung cấp thông tin về thời gian chờ đợi thăm khám hay thực hiện các thủ thuật của người bệnh; giải thích cặn kẽ về căn bệnh và cách thức điều trị, luôn lắng nghe bệnh nhân; nói lời cảm ơn sự hợp tác của người bệnh với nhân viên y tế trong quá trình khám, điều trị) nhằm tạo hiệu ứng dễ chịu cho bệnh nhân với nhân viên y tế khi đến thăm khám, giúp người bệnh có một ấn tượng tốt và sẽ quay trở lại Bệnh viện khi có nhu cầu khám bệnh và chăm sóc sức khỏe. Đến nay, gần 100% nhân viên y tế của Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thanh Hóa đã và đang thực hiện rất tốt chuẩn mực giao tiếp, ứng xử chuẩn theo mô hình AIDET.
Về hình thức, tác phong, trang phục. Cán bộ, viên chức vàv nhân viên Bệnh viện luôn thực hiện nghiêm túc quy định về hình thức, tác phong, trang phục theo quy định. Đối với viên chức và người lao động không làm chuyên môn, trang phục lịch sự, đầu tóc gọn gàng, đi giày hoặc dép quai hậu, phù hợp với thời tiết, tính chất công việc. Đối với viên chức làm chuyên môn thực hiện trang phục theo Thông tư số 45/2015/TT-BYT ngày 30/11/2015 của Bộ Y tế, không được sử dụng trang phục y tế không đúng quy định, không đúng đối tượng; không được mặc trang phục y tế ra ngoài Bệnh viện trừ trường hợp cấp cứu, chăm sóc sức khỏe tại gia đình hoặc khám bệnh, chữa bệnh tình nguyện, nhân đạo theo quy định của pháp luật. Tất cả viên chức, người lao động phải đeo thẻ khi thực hiện nhiệm vụ.
Việc thực hiện văn hóa công vụ tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thanh Hóa trong thời gian qua đã mang lại những thay đổi tích cực không chỉ trong việc nâng cao chất lượng dịch vụ y tế mà còn cải thiện môi trường làm việc, đề cao tinh thần đoàn kết, là động lực để đội ngũ bác sỹ và nhân viên y tế chuyên tâm cống hiến và tận tâm với nghề.
Bên cạnh những kết quả đạt được, do đặc thù công việc luôn trong tình trạng quá tải nên việc thực hiện các quy định về quy tắc ứng xử, thực thi công vụ trong Bệnh viện đa khoa tỉnh Thanh Hóa vẫn còn một số tồn tại, hạn chế cần khắc phục, như: vẫn còn một số ít cán bộ, viên chức tác phong làm việc thiếu chuyên nghiệp, thiếu trách nhiệm trong công việc được giao, tinh thần tự giác còn thấp, còn ỷ lại, thiếu nhiệt huyết trong công việc, phong cách làm việc chậm đổi mới; chất lượng, hiệu quả hoạt động công vụ, trình độ, năng lực, quy tắc ứng xử của một số cán bộ, viên chức còn hạn chế, chưa đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới.
2.jpg
Nhân viên Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thanh Hoá hói han sức khoẻ bệnh nhân
 
Để nâng cao chất lượng thực thi văn hóa công vụ tại Bệnh viện đa khoa tỉnh Thanh Hóa trong giai đoạn hiện nay cần nghiêm túc thực hiện một số giải pháp sau:
Thứ nhất, đẩy mạnh các phương thức tuyên truyền, nâng cao nhận thức, tăng cường bồi dưỡng cho cán bộ, công chức, viên chức về văn hóa công vụ tại Quyết định số 1874/QĐ-TTg ngày 27/12/2018 của Thủ tướng Chính phủ. Cụ thể:
+ Về chuẩn mực giao tiếp, ứng xử của cán bộ, viên chức: Trong giao tiếp với người dân, công chức, viên chức luôn tôn trọng, lắng nghe, tận tình hướng dẫn về quy trình xử lý công việc và giải thích cặn kẽ những thắc mắc của người dân.
+ Về đạo đức, lối sống của công chức, viên chức, nhân viên: Công chức, viên chức, nhân viên không ngừng học tập, tu dưỡng, rèn luyện về đạo đức, lối sống. Thực hiện cần, kiệm, liêm, chính, chí công, vô tư; trung thực, giản dị, thẳng thắn, chân thành; tránh biểu hiện cơ hội, đố kỵ.
+ Về trang phục của công chức, viên chức, nhân viên: Khi thực hiện nhiệm vụ, công chức, viên chức, nhân viên luôn ăn mặc gọn gàng, lịch sự. Mỗi cán bộ, công chức, viên chức y tế cần phát huy tinh thần tự tôn dân tộc, đoàn kết chung sức, thể hiện trí tuệ, bản lĩnh, thi đua thực hiện văn hóa công sở, đạo đức công vụ, dốc lòng phục vụ Nhân dân, phụng sự Tổ quốc.
Thứ hai, các khoa, phòng, Trung tâm cần căn cứ vào Đề án Văn hóa công vụ và các văn bản có liên quan tiến hành rà soát, nghiên cứu, sửa đổi các nội quy, quy chế làm việc để khai thực hiện những quy định về tinh thần, thái độ làm việc của cán bộ, công chức; về các chuẩn mực giao tiếp, lối sống, trang phục của cán bộ, công chức... đảm bảo phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh đặc thù của từng khoa, phòng, Trung tâm, góp phần đưa những quy định về văn hóa công vụ được triển khai có hiệu quả trong thực tế.
Thứ ba, tổ chức tập huấn kỹ năng giao tiếp, ứng xử cho cán bộ nhân viên y tế, đặc biệt là những người mới được tuyển dụng các quy định về văn hóa công vụ để họ nắm vững và tự giác thực hiện.
Thứ tư, tổ chức phát động thi đua; thực hiện cải cách hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động công vụ, ngăn chặn, phòng, chống, đẩy lùi các biểu hiện tiêu cực tại các khoa, phòng, Trung tâm.
Thứ năm, thường xuyên kiểm tra, giám sát, chấn chỉnh, xử lý nghiêm cá nhân vi phạm văn hóa công vụ, đạo đức công vụ, những việc cán bộ công chức, viên chức không được làm theo luật; biểu dương, khen thưởng kịp thời, cá nhân, tập thể tại các khoa, phòng, Trung tâm gương mẫu trong thực hiện văn hóa công vụ.
Hy vọng rằng, những giải pháp nêu trên sẽ góp phần nâng cao hiệu quả việc thực hiện văn hóa công vụ tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thanh Hóa trong thời gian tới để tiếp tục xây dựng bệnh viện ngày càng vững mạnh./.
 
Học viên: Lê Thị Kim Anh
Lớp: A1- K51- TCCT
Đơn vị công tác: BVĐK tỉnh thanh Hóa
 
----------------------------
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Quyết định số 1847/QĐ-TTg ngày 27/12/2018 “Về việc phê duyệt đề án văn hóa công vụ”.
2. Kế hoạch số 84/KH-UBND ngày 06/4/2020 về triển khai thực hiện Đề án công vụ trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa.
3. Báo cáo số 201-BC/ĐUBV, ngày 25/12/2023 Tổng kết công tác xây dựng Đảng, CQ, CĐ năm 2023
 
Số lượt truy cập
Hôm nay:
1020
Hôm qua:
2520
Tuần này:
10486
Tháng này:
42707
Tất cả:
4.834.694