Giải pháp phát triển văn hóa đọc cho học viên lớp TCLLCT A1.K52
Đăng lúc: 07:47:26 23/10/2024 (GMT+7)245 lượt xem
Trong quá trình học tập, nhiều học viên lớp TCLLCT A1.K52 đã hình thành thói quen đọc sách về chính trị hàng ngày, dành thời gian nghiên cứu các tài liệu, sách chuyên ngành để nâng cao năng lực học tập. Học viên không chỉ tập trung vào các tài liệu bắt buộc trong chương trình đào tạo mà còn chủ động tìm hiểu thêm các tác phẩm về lý luận chính trị, lịch sử và xã hội học, nhờ đó, hiểu rõ hơn về đường lối, chủ trương của Đảng và các chính sách pháp luật của Nhà nước.

Học viên lớp TCLLCT A1.K52 đọc giáo trình và nghiên cứu tài liệu,
chuẩn bị nội dung thảo luận bài học
chuẩn bị nội dung thảo luận bài học
Đọc sách từ lâu đã được coi là chìa khóa mở ra kho tàng tri thức, giúp mỗi cá nhân tiếp cận các nguồn kiến thức phong phú. Đặc biệt, trong giáo dục, đào tạo, bồi dưỡng chính trị, văn hóa đọc đóng vai trò nền tảng trong việc xây dựng năng lực lý luận, khả năng phân tích, đánh giá và hiểu rõ hơn về các vấn đề xã hội, chính trị. Do đó, phát triển văn hóa đọc trong các tập thể lớp Trường Chính trị tỉnh Thanh Hoá là một nhiệm vụ vô cùng quan trọng, không chỉ góp phần nâng cao chất lượng học tập mà còn rèn luyện tư duy và phát triển nhận thức sâu sắc về lý luận chính trị.
Văn hóa đọc là khái niệm chỉ thói quen, ý thức và niềm đam mê đối với việc đọc sách, tìm kiếm tri thức. Nó không chỉ đơn thuần là việc đọc để giải trí mà còn là đọc để tìm hiểu, khám phá, mở rộng tầm nhìn và rèn luyện tư duy. Trong môi trường giáo dục chính trị, văn hóa đọc giúp các học viên không chỉ tiếp thu kiến thức chuyên môn mà còn giúp họ tiếp cận với các tư tưởng, quan điểm chính trị của Đảng và Nhà nước. Thông qua việc đọc sách, học viên có thể hiểu rõ hơn về các lý luận cơ bản, tư duy phê phán và khả năng phân tích tình hình chính trị - xã hội, từ đó có thể áp dụng một cách linh hoạt vào thực tiễn công việc và cuộc sống.
Việc phát triển văn hóa đọc không chỉ giúp học viên nâng cao tri thức mà còn góp phần hình thành những cá nhân có tư duy độc lập, tự chủ, biết lắng nghe và sẵn sàng học hỏi để trở thành những cán bộ, công chức, viên chức có trách nhiệm, có khả năng giải quyết các vấn đề phức tạp của xã hội và luôn sẵn sàng đóng góp cho sự phát triển chung. Điều này cũng chính là mục tiêu cao cả của giáo dục chính trị và rèn luyện lý luận chính trị trong các nhà trường, góp phần xây dựng một đội ngũ cán bộ chất lượng cao cho đất nước.
Xác định tầm quan trọng đặc biệt của văn hóa đọc, thời gian qua, Đảng, Nhà nước đã ban hành nhiều chủ trương, quyết sách lớn để thúc đẩy văn hóa đọc trong cộng đồng. Năm 2017, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 329/QĐ-TTg về phê duyệt Đề án phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng đến năm 2020, định hướng đến năm 2030. Năm 2021, Thủ tướng Chính phủ tiếp tục ban hành Quyết định phê duyệt “Chương trình chuyển đổi số ngành thư viện đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”.
Thực hiện các chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước về phát triển văn hoá đọc, một trong 5 chương trình vì học viên được xây dựng và triển khai thực hiện tại Trường Chính trị tỉnh Thanh Hoá là “phát triển văn hoá đọc”. Đây là hoạt động được Nhà trường chú trọng phổ biến cho các lớp triển khai thực hiện, góp phần nâng cao chất lượng học tập lý luận chính trị, đặc biệt đối với học viên các lớp Trung cấp lý luận chính trị hệ tập trung, trong đó có lớp A1.K52. Phát triển văn hóa đọc cho học viên không chỉ là nhiệm vụ của riêng Nhà trường mà còn đòi hỏi sự cố gắng của mỗi cá nhân học viên. Khi mỗi học viên tự ý thức được vai trò của mình trong việc xây dựng và duy trì thói quen đọc sách, họ sẽ không chỉ trở thành những người học viên giỏi mà còn là những công dân có trách nhiệm, có tư duy rộng mở, sẵn sàng cống hiến cho sự phát triển của đất nước. Điều này chính là nền tảng vững chắc để xây dựng một môi trường giáo dục chính trị hiệu quả và phát triển bền vững.
Mặc dù thời gian học tập tại trường mới chỉ hơn một tháng nhưng học viên lớp TCLLCT A1.K52 có nhận thức đúng đắn về tầm quan trọng của việc đọc sách; sách là một phương tiện để nâng cao tri thức, cải thiện kỹ năng và mở rộng hiểu biết về lý luận chính trị. Trong quá trình học tập, nhiều học viên A1 đã hình thành thói quen đọc sách về chính trị hàng ngày, dành thời gian nghiên cứu các tài liệu, sách chuyên ngành để nâng cao năng lực học tập. Học viên không chỉ tập trung vào các tài liệu bắt buộc trong chương trình đào tạo mà còn chủ động tìm hiểu thêm các tác phẩm về lý luận chính trị, lịch sử và xã hội học, nhờ đó, hiểu rõ hơn về tư tưởng chính trị của Đảng và Nhà nước.
Tuy nhiên, bên cạnh đó, một số học viên vẫn chưa có thói quen đọc sách đều đặn, chủ yếu chỉ tập trung vào những tài liệu bắt buộc trong chương trình học, thiếu sự chủ động trong việc tìm kiếm và nghiên cứu các tài liệu bổ trợ. Điều này có thể khiến việc tiếp thu kiến thức bị giới hạn, không có sự đa dạng và chiều sâu. Hơn nữa, một số học viên còn thiếu kỹ năng lựa chọn tài liệu phù hợp, dẫn đến việc đọc không hiệu quả, dễ bị nhàm chán, đặc biệt là khi tiếp cận với các tài liệu mang tính chất lý luận sâu sắc. Thêm vào đó, việc duy trì thói quen đọc sách trong môi trường học tập hiện nay gặp nhiều thách thức do sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ thông tin. Các phương tiện giải trí như mạng xã hội, video trực tuyến chiếm lĩnh thời gian rảnh rỗi của học viên nên dẫn đến bị hạn chế thời gian hơn cho việc đọc sách. Việc này không chỉ ảnh hưởng đến thói quen đọc sách mà còn làm giảm khả năng tập trung và tư duy sâu khi tiếp cận các tài liệu học thuật.
Một trong những nguyên nhân dẫn đến thực trạng trên có thể là do công tác khuyến đọc trong Nhà trường chưa được thực hiện một cách hệ thống và hiệu quả, chưa có các hoạt động khuyến đọc có chiều sâu để khuyến khích và tạo động lực cho học viên tham gia đọc sách. Bên cạnh đó, hệ thống thư viện, tài liệu tham khảo chưa phong phú, chưa đáp ứng được nhu cầu nghiên cứu của học viên. Điều này khiến cho việc tìm kiếm các tài liệu mới, cập nhật trở nên khó khăn hơn, làm giảm hứng thú trong việc tìm hiểu kiến thức mới của học viên.
Do đó, để thúc đẩy hoạt động đọc sách trong các tập thể lớp Trung cấp Lý luận chính trị nói chung và lớp A1.K52 nói riêng, cần thực hiện một số giải pháp cụ thể sau đây:
Trước hết, đẩy mạnh tổ chức các hoạt động khuyến đọc trong Nhà trường. Theo đó, Nhà trường cần tổ chức các câu lạc bộ sách, các buổi thảo luận chuyên đề về các tác phẩm kinh điển để tạo cơ hội cho học viên chia sẻ và trao đổi kiến thức. Việc này không chỉ tạo ra một không gian giao lưu bổ ích mà còn giúp học viên hiểu rõ hơn về tầm quan trọng của việc đọc sách trong quá trình học tập.
Thứ hai, đầu tư phát triển thư viện số của Nhà trường. Đây là nguồn tài nguyên trong chuyển đổi số giúp học viên có thể dễ dàng tiếp cận với các tài liệu, sách tham khảo về lý luận chính trị, chính sách và đường lối của Đảng và Nhà nước. Việc xây dựng một hệ thống thư viện số hiện đại sẽ giúp học viên có thể tra cứu tài liệu một cách nhanh chóng và tiện lợi, không bị giới hạn bởi không gian và thời gian. Điều này sẽ khuyến khích học viên tự tìm hiểu và mở rộng kiến thức của mình, từ đó góp phần xây dựng thói quen đọc sách lâu dài.
Thứ ba, tăng cường việc hướng dẫn phương pháp đọc sách về chính trị cho học viên. Phương pháp đọc đóng vai trò quan trọng trong việc phát triển văn hóa đọc cho học viên Nhà trường có thể tổ chức các buổi hướng dẫn về cách lựa chọn tài liệu, cách đọc sách nhanh, đọc sâu, ghi chú và tổng hợp ý chính. Điều này giúp học viên biết cách đọc sao cho hiệu quả, từ đó tăng cường khả năng tư duy và phân tích. Một học viên có phương pháp đọc tốt sẽ biết cách lựa chọn những cuốn sách giá trị, từ đó khai thác tối đa lợi ích từ việc đọc.
Thứ tư, xây dựng các chính sách khen thưởng và khuyến khích học viên đọc sách. Nhà trường có thể trao thưởng sách, vinh danh những học viên có thành tích xuất sắc trong việc duy trì thói quen đọc sách. Các cuộc thi viết cảm nhận về sách, các buổi chia sẻ về những cuốn sách hay sẽ tạo ra sự cạnh tranh lành mạnh và thúc đẩy tinh thần học hỏi của học viên. Những hoạt động này không chỉ giúp học viên cảm thấy việc đọc sách trở nên thú vị hơn mà còn tạo cơ hội để họ thể hiện suy nghĩ, cảm nhận của mình qua những trang sách đã đọc.
Thứ năm, tổ chức mô hình đọc sách của lớp A1. Đây là việc làm cụ thể cần sự tham gia tích cực của mỗi thành viên lớp A1. Theo đó, Chi bộ cần phát huy vai trò lãnh đạo trong xây dựng mô hình đọc sách kinh điển để học viên thường xuyên đọc sách, giới thiệu sách và viết vận dụng các nội dung trong sách. Để triển khai hiệu quả, tập thể A1 cần lập kế hoạch cụ thể gắn với việc đăng ký xây dựng Tập thể lớp kiểu mẫu.
Khi các giải pháp trên được triển khai hiệu quả, văn hóa đọc trong các tập thể lớp nói chung và lớp TCLLCT A1.K52 nói riêng nhất định sẽ được cải thiện rõ rệt. Học viên sẽ dần hình thành thói quen đọc sách, không chỉ vì nghĩa vụ mà còn vì niềm đam mê, sự hứng thú trong việc khám phá kiến thức mới; từ đó, môi trường học tập trở nên tích cực hơn khi mỗi học viên đều có thể chia sẻ và trao đổi những kiến thức mình thu nhận được bởi học viên sẽ không còn cảm thấy đọc sách là một nhiệm vụ mà thực sự là một hành trình khám phá để hiểu sâu hơn về lý luận chính trị và những vấn đề xã hội đương đại./.
Học viên: Nguyễn Tuấn Việt
Lớp: TCLLCT A1.K52
Đơn vị công tác: Bênh viện Đa khoa tỉnh Thanh Hoá
----------------------------
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb CTQGST, Hà Nội, 2021, tập II.
2. Giáo trình: Lịch sử Đảng cộng sản Việt Nam - Học viện chính trị quốc gia Hồ Chí Minh - Nxb Lý luận chính trị.
3. Giáo trình: Xây dựng Đảng – Học viện chính trị quốc gia Hồ Chí Minh - Nxb Lý luận chính trị.
Các tin khác
- Một số kinh nghiệm trong xây dựng văn hóa lãnh đạo, quản lý tại Công ty Cổ phần Xi măng Bỉm Sơn
- Giải pháp xây dựng Văn hóa doanh nghiệp tại Công ty Cổ phần Vicem Bao bì Bỉm Sơn
- Tác phong và kỷ luật lao động - Nền tảng văn hóa doanh nghiệp tại Công ty Cổ phần Xi măng Bỉm Sơn
- Giải pháp xây dựng và phát triển văn hóa công sở tại Chi cục Thuế khu vực Bỉm Sơn - Hà Trung hiện nay
- Văn hóa doanh nghiệp tại Công ty Cổ phần Xi măng Bỉm Sơn đối với công tác chăm sóc khách hàng, truyền thông và mở rộng thị trường
- Văn hóa doanh nghiệp trong công tác an sinh xã hội tại Công ty Cổ phần Xi măng Bỉm Sơn
- Sự cần thiết xây dựng văn hóa doanh nghiệp tại Công ty Cổ phần Xi măng Bỉm Sơn trong kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình của dân tộc
- Từ những bỡ ngỡ ban đầu đến phút chia xa đầy lưu luyến!
- Thực trạng và giải pháp nâng cao đạo đức công vụ cho đội ngũ cán bộ, y bác sĩ, nhân viên Bệnh viện Đa khoa thành phố Thanh Hóa hiện nay
- Giải pháp nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên Trường Tiểu học Quảng Nham I
Liên kết website
Số lượt truy cập
Hôm nay:
1378
Hôm qua:
2431
Tuần này:
6213
Tháng này:
39291
Tất cả:
5.495.805