CHÀO MỪNG HỌC VIÊN KHOÁ 52 TRUNG CẤP LÝ LUẬN CHÍNH TRỊ VỀ NHẬP HỌC VÀ DỰ LỄ KHAI GIẢNG, NĂM HỌC 2024 - 2025

Giải pháp phát triển văn hóa đọc cho học viên lớp TCLLCT A1.K52

Đăng lúc: 08:03:37 14/10/2024 (GMT+7)97 lượt xem

 Mỗi học viên cần phát huy niềm đam mê đọc sách, linh hoạt trong việc lựa chọn các hình thức đọc để có thể tiếp cận tri thức mọi lúc, mọi nơi để làm giàu thêm tri thức, phục vụ cho học tập và công tác, như chỉ dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Bất luận làm công việc gì cũng cần phải đọc. Người mới học chữ cần đọc để không mù lại, người làm công an cần đọc để nắm tình hình. Những người làm công việc chuyên môn cần phải đọc để nâng cao trình độ. Người làm quản lý lãnh đạo cần phải đọc để quản lý, lãnh đạo tốt hơn”.
k1.jpg

Học viên lớp TCLLCT A1-K52
chụp ảnh lưu niệm cùng cán bộ, giảng viên Nhà trường
 
Chủ tịch Hồ Chí Minh từng viết: "Sách là thuốc bổ tinh thần" và "Sách là thuốc chữa tội ngu". Quan điểm của Người thể hiện rõ ích lợi của việc đọc sách; là lời chỉ dạy quý báu cho mỗi chúng ta trên hành trình hoàn thiện bản thân. Sách đóng vai trò quan trọng trong đời sống tinh thần, như chiếc chìa khóa mở ra cánh cửa trí tuệ và tâm hồn con người. Sách giống như một người thầy vĩ đại, giúp nâng cao hiểu biết và giáo dục con người sống và hy sinh vì lý tưởng cao đẹp. Bác khuyến khích mọi người, đặc biệt là giới trẻ, dành thời gian đọc sách để mở rộng tri thức và phát triển bản thân. Bác cũng nhấn mạnh rằng việc đọc sách cần gắn liền với việc ứng dụng kiến thức vào thực tiễn, chỉ trích những ai chỉ đọc mà không hành động.
Trong thời đại công nghệ số đang phát triển mạnh mẽ hiện nay, sách vẫn giữ vị trí quan trọng là kho tàng kiến thức vô giá của nhân loại. Đọc sách là nét văn hóa đẹp - văn hóa đọc. Theo tác giả Nguyễn Hoàng Vĩnh Vương: “Văn hóa đọc là một dạng thức văn hóa được biểu hiện qua mô thức tích hợp của nhận thức, hành vi, thói quen và giá trị”. “Văn hóa đọc là hoạt động đọc được các thành viên trong cộng đồng lan tỏa và chia sẻ trở thành một phần trong cuộc sống cộng đồng, góp phần tạo nên xã hội học tập”.
Để thúc đẩy văn hóa đọc, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã ban hành Quyết định số 2223/QĐ-BVHTTDL về việc ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện Đề án "Phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng đến năm 2020, định hướng đến năm 2030," với mục tiêu cụ thể cho giai đoạn 2021-2025 nhằm xây dựng thói quen đọc sách cho tất cả mọi người và nâng cao tri thức trong cộng đồng.
k2.jpg

Lớp TCLLCT A1-K52
tổ chức sinh hoạt chuyên đề giới thiệu cuốnsách
“Những mô hình đổi mới sáng tạo vì học viên”
 
Đối với học viên Trường Chính trị tỉnh Thanh Hoá nói chung, học viên lớp A1.K52 Trung cấp Lý luận chính trị nói riêng, đọc sách không chỉ mang lại tri thức để phục vụ học tập mà còn giúp rèn luyện nhân cách, kỹ năng và tư duy để phục vụ tổ chức, đoàn thể và cống hiến cho Tổ quốc, dân tộc, như lời chỉ dạy của Bác: “Học để làm việc, làm người, làm cán bộ, học để phụng sự tổ chức, đoàn thể, phục vụ Tổ quốc, dân tộc và nhân loại".
Đặc điểm nổi bật của lớp A1 đó là đa số học viên có trình độ chuyên môn cao, trong đó có 01 Phó Giáo sư, 02 Tiến sĩ và nhiều Thạc sĩ, Bác sĩ chuyên khoa đang công tác tại các sở, ban, ngành và các trường đại học trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa. Do đó, việc tích cực đọc sách không chỉ giúp học viên chủ động nghiên cứu, trao đổi, thảo luận trong giờ học để nâng cao chất lượng học tập lý luận chính trị mà còn giúp học viên giải quyết hiệu quả các thách thức của công việc trong tương lai. Đặc biệt, đối với học viên lớp A1, ngoài giáo trình học tập trên lớp, việc đọc, nghiên cứu thêm các cuốn sách do cán bộ, giảng viên Nhà trường biên soạn, xuất bản sẽ mang lại giá trị và lợi ích lớn, vì đây là nguồn tài liệu quý giá, là cẩm nang hữu ích cho công tác lãnh đạo, quản lý tại các cơ quan, đơn vị.
Theo đó, để xây dựng và phát triển thói quen, nhu cầu, kỹ năng và phong trào đọc sách nhằm góp phần phát triển tư duy, khả năng sáng tạo, bồi dưỡng nhân cách, nâng cao chất lượng học tập, rèn luyện, tập thể lớp TCLLCT A1.K52 đã thảo luận và thống nhất xây dựng kế hoạch phát triển văn hoá đọc cho học viên trong suốt khoá học theo 2 giai đoạn là:
Giai đoạn 1: Từ tháng 10/2024 đến tháng 12/2024. Phấn đấu 70% học viên trong lớp có kỹ năng tiếp nhận, khai thác và sử dụng thông tin, tri thức từ nguồn tài liệu của Trường Chính trị tỉnh Thanh Hóa thông qua việc đọc và học tập suốt đời. Phấn đấu 100% học viên trong lớp đều có kỹ năng quản lý hiệu quả tài nguyên số, xây dựng được kho tài liệu số, tài liệu điện tử trong nhóm, trang thông tin chung của lớp thông qua các nền tảng xã hội trực tuyến.
Giai đoạn 2: Từ tháng 01/2025 đến tháng 03/2025. Phấn đấu 100% học viên trong lớp đều có kỹ năng tiếp nhận, khai thác và sử dụng thông tin, tri thức từ nguồn tài liệu của Trường Chính trị tỉnh Thanh Hóa.
Để thực hiện các mục tiêu trên, tập thể lớp TCLLCT A1.K52 cần thực hiện một số nhiệm vụ sau đây:
Thứ nhất, đẩy mạnh công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức cho học viên A1 về tầm quan trọng của việc phát triển văn hóa đọc nhẳm xây dựng xã hội học tập suốt đời thông qua các hình thức đa dạng, như: sinh hoạt chuyên đề, hội thảo, hội thi, buổi giới thiệu sách, ngày hội văn hóa đọc; qua đó, biểu dương, khích lệ kịp thời những cá nhân có đóng góp tích cực trong phát triển văn hóa đọc, vinh danh những học viên có nhiều đóng góp xuất sắc trong học tập và nghiên cứu của lớp và trường.
Thứ hai, xây dựng thói quen, trang bị kỹ năng và phương pháp đọc. Lớp cần tổ chức giới thiệu sách thông qua các buổi sinh hoạt chuyên đề, các buổi đọc sách vào Ngày thứ Bảy kết nối, chương trình vì học viên... Mỗi tuần, tập thể lớp dành ít nhất 01 giờ để đọc sách và trao đổi, chia sẻ cảm nhận về nội dung cuốn sách đã đọc; đồng thời, mời các chuyên gia, giảng viên có kinh nghiệm để chia sẻ, trao đổi về tầm quan trọng, phương pháp tăng cường phát triển văn hóa đọc.
Thứ ba, đa dạng hóa các hình thức cung cấp tài liệu cho học viên trong lớp. Theo đó, cần xây dựng kho tài liệu điện tử của lớp phục vụ các nội dung học tập và thi, kiểm tra; xây dựng tủ sách trong lớp học, trong đó, mỗi học viên đóng góp ít nhất 01 quyển sách tâm đắc của mình; tổ chức trao đổi sách, tài liệu giữa các lớp trong khóa học; đẩy mạnh huy động, quyên góp, trao đổi sách làm giàu nguồn tài nguyên tri thức của Nhà trường.
Thứ tư, mở rộng hợp tác, trao đổi văn hóa đọc giữa các lớp trong trường thông qua việc phối hợp, tham gia các sự kiện, tranh thủ sự hỗ trợ của Nhà trường trong quá trình triển khai văn hóa đọc. Thường xuyên tổ chức, giao lưu, trao đổi, học tập kinh nghiệm phát triển văn hóa đọc với các lớp trong Nhà trường.
Thứ năm, xây dựng kế hoạch phát triển văn hoá đọc. Ban cán sự lớp cần xây dựng kế hoạch cụ thể trong từng giai đoạn, trong đó chú trọng công tác phối hợp, tham vấn của thầy cô trong việc xây dựng phong trào đọc sách, phát triển văn hóa đọc, gắn kết với phong trào xây dựng lớp học kiểu mẫu, học viên gương mẫu trong Nhà trường; xây dựng kho tài liệu, sách điện tử cho lớp để phục vụ học tập và nghiên cứu ban đầu. Bên cạnh đó, Ban cán sự cần thực hiện theo dõi, động viên, đánh giá, tổng hợp báo cáo kết quả việc thực hiện phát triển văn hóa đọc của lớp theo quy định.
Để phát triển văn hóa đọc, học viên lớp Trung cấp Lý luận chính trị A1-K52 cần nghiêm túc, nhiệt tình tham gia, tích cực tuyên truyền, chủ động đề xuất giải pháp về hoạt động phát triển văn hóa đọc của lớp. Mỗi học viên cần phát huy niềm đam mê đọc sách, linh hoạt trong việc lựa chọn các hình thức đọc để có thể tiếp cận tri thức mọi lúc, mọi nơi để làm giàu thêm tri thức, phục vụ cho học tập và công tác, như chỉ dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Bất luận làm công việc gì cũng cần phải đọc. Người mới học chữ cần đọc để không mù lại, người làm công an cần đọc để nắm tình hình. Những người làm công việc chuyên môn cần phải đọc để nâng cao trình độ. Người làm quản lý lãnh đạo cần phải đọc để quản lý, lãnh đạo tốt hơn”./.
Học viên: Hoàng Anh Sơn
Lớp: TCLLCT A1-K52
Đơn vị công tác: Trường Đại học Văn hoá, Thể thao và Du lịch Thanh Hoá
 
----------------------------------
TÀI LIỆU THAM KHẢO
- Bộ Chính trị (2008), “Nghị quyết số 23-NQ/TW ngày 16/6/2008 của Bộ Chính trị về tiếp tục xây dựng và phát triển văn học, nghệ thuật trong thời kỳ mới”, Hà Nội.
- Đảng Cộng sản Việt Nam. (2021). Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, tập 2 (tr.145). Hà Nội: Nxb. Chính trị quốc gia
- Thủ tướng Chính phủ (2014), “Quyết định số 284/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ: Về Ngày Sách Việt Nam”, Hà Nội.
- Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (2021), “Quyết định số 2223/QĐ-BVHTTDL “số 2223/QĐ-BVHTTDL ngày 02/08/2021 về việc Ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện Đề án “Phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng đến năm 2020, định hướng đến năm 2030” của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch giai đoạn 2021- 2025”, Hà Nội.
- Nguyễn Hoàng Vĩnh Vương (2020), "Văn hoá đọc nhìn từ góc độ tính hệ thống của văn hoá." - Tạp chí Khoa học 17.4 (2020): 733.
Số lượt truy cập
Hôm nay:
968
Hôm qua:
2520
Tuần này:
10434
Tháng này:
42655
Tất cả:
4.834.642