NHIỆT LIỆT CHÀO MỪNG 49 NĂM NGÀY GIẢI PHÓNG MIỀN NAM, THỐNG NHẤT ĐẤT NƯỚC (30/4/1975 - 30/4/2024)

Giải pháp phát triển văn hoá đọc ở lớp TCLLCT A2-K51

Đăng lúc: 09:49:04 16/04/2024 (GMT+7)92 lượt xem

 Đổi mới một số hoạt động để nâng cao nhận thức về văn hóa đọc cho các học viên học tập tại trường, như: tăng cường các câu biểu ngữ tuyên truyền văn hóa đọc; tổ chức các buổi học tại thư viện nhà trường; chọn học viên gương mẫu, nêu gương trở thành “đại sứ văn hóa đọc…; qua đó, khuyến khích các học viên khác tham gia vào phong trào và lan tỏa cảm hứng với sách giấy, sách in.
1.png
Thầy Hiệu trưởng Lương Trọng Thành chia sẻ về sách
với học viên lớp TCLLCT A2-K51
 
Trong thời đại ngày nay khi sự phát triển của công nghệ hiện đại và sự bùng nổ của truyền thông - nghe nhìn, việc đọc sách có nhiều thay đổi so với trước đây và đang bị văn hóa nghe - nhìn lấn lướt; nhất là các kênh giải trí ngày càng hấp dẫn với sự phổ rộng của mạng Internet cùng với các thiết bị di động thông minh đang ngày càng chiếm ưu thế.
Sự phát triển như vũ bão của truyền thông nghe - nhìn đã làm thay đổi rất nhiều thói quen đọc sách của mọi người nói chung của học viên lớp TCLLCT A2-K51 nói riêng. Ở trên lớp, vào giờ giải lao, học viên lại say sưa cầm điện thoại, nhiều khi quên hết mọi thứ xung quanh. Sự say mê này có ảnh hưởng một phần không nhỏ đến tâm sinh lý, dễ cáu giận, dễ thờ ơ, dễ buông lỏng trong tiết chế cuộc sống của chính mình... khiến mọi người dành ít quỹ thời gian cho việc đọc sách. Chính quỹ thời gian eo hẹp đã khiến các học viên thích đọc lướt, đọc nhanh, đọc vắn… Khi cần tra cứu thông tin tài liệu có xu hướng đọc trên Internet, điện thoại di động… còn việc đọc trên sách in, sách giấy ngày càng giảm. Do đó, việc khơi dậy thói quen đọc sách giấy thay cho đọc sách điện tử cho học viên càng trở nên quan trọng.
Văn hóa đọc đang ngày càng được xã hội quan tâm. Phát triển văn hóa đọc giúp khai phóng, hướng tới năng lực tự trau dồi, tự học tập, tự nghiên cứu, khám phá tri thức của bản thân mỗi người, hướng tới những giá trị cao đẹp của cuộc sống, bồi đắp tâm hồn, lý tưởng. V. Lê-nin khẳng định: “Không có sách không có tri thức”. Sách không chỉ cho chúng ta tri thức , hiểu biết, tổng hợp về mọi mặt của cuộc sống mà sách, như Mác nói: “con người sống tốt hơn”. Vì vậy, đọc sách trở thành một nhu cầu tất yếu trong quá trình học tập, rèn luyện và công tác của tập thể lớp TCLLCT A2 -K51.
Nhận thức được tầm quan trọng của việc đọc sách, trong thời gian học tập và rèn luyện tại Trường Chính trị tỉnh Thanh Hóa, học viên lớp A2 đã xây dựng cho tập thể một kế hoạch cụ thể, rõ ràng để phát triển văn hóa đọc. Mỗi ngày, học viên vào lớp trước 10 phút so với thời gian quy định để nghiên cứu tài liệu; mỗi tuần giao cho từng nhóm, từng tổ giới thiệu những cuốn sách khác nhau. Ngay từ đầu năm học lớp đã đến thăm thư viện nhà trường, một số thành viên trong lớp đã trở thành bạn đọc của thư viện. Đặc biệt, những cuốn sách của Trường Chính trị tỉnh Thanh Hóa luôn được học viên quan tâm, như: Những mô hình đổi mới sáng tạo vì học viên; Học phong cách, rèn tác phong… Tuy nhiên, làm thế nào để thật sự khơi dậy niềm đam mê đọc sách của các học viên, làm thế nào để quá trình đọc sách thực sự có hiệu quả lâu dài, làm thế nào để xây dựng văn hóa đọc bền vững… đã trở thành băn khoăn, trăn trở của Chi bộ lớp cũng như Ban cán sự lớp A2.
Để phát triển văn hóa đọc ở lớp A2K51 và xây dựng phong trào văn hóa đọc của học viên Trường Chính trị tỉnh Thanh Hóa trong thời gian tới, cần thực hiện một số giải pháp sau:
Thứ nhất, tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động phát triển văn hóa đọc mà Nhà trường thực hiện trong thời gian qua, như: giới thiệu sách hàng tháng, hàng tuần; tổ chức cuộc thi giới thiệu sách, cuộc thi xếp sách, tọa đàm về văn hóa đọc…. Đặc biệt, cần phát động sâu rộng tới các khóa, các lớp tham gia phong trào“Quyển sách tôi yêu”…
Thứ hai, đổi mới thư viện trường là yêu cầu cấp thiết trong phát triển văn hóa đọc. Thư viện cần bổ sung thêm nhiều đầu mục sách mới hấp dẫn, phong phú, sắp xếp khoa học theo chủ đề, từng mảng, từng lĩnh vực cụ thể.
Thứ ba, thay đổi không gian đọc sách xanh, yên tĩnh, rộng rãi mang lại cảm hứng đọc sách cho các học viên bằng cách kết hợp các hoạt động kết nối “vì học viên” vào những ngày thứ 7.
Thứ tư, đổi mới một số hoạt động để nâng cao nhận thức về văn hóa đọc cho các học viên học tập tại trường, như: tăng cường các câu biểu ngữ tuyên truyền văn hóa đọc; tổ chức các buổi học tại thư viện nhà trường; chọn học viên gương mẫu, nêu gương trở thành “đại sứ văn hóa đọc…; qua đó, khuyến khích các học viên khác tham gia vào phong trào và lan tỏa cảm hứng với sách giấy, sách in.
Nhà văn Macxi Gorki từng nói: “Mây đen có thể che được ánh sáng mặt trời, nhưng không gì có thể che được ánh sáng của sách mang lại. Mỗi cuốn sách đều mang lại cho người đọc rất nhiều ý nghĩa của cuộc sống. Không chỉ với người lớn với trẻ thơ, mỗi cuốn sách còn là một thế giới bí ẩn, khám phá nó sẽ thấy được vẻ đẹp muôn màu của cuộc sống’. Hy vọng rằng, trong quá trình học tập tại Trường Chính trị tỉnh, mỗi học viên lớp A2 nói riêng, học viên Nhà trường nói chung sẽ nhận thức sâu sắc hơn về sự cần thiết phải phát triển văn hoá đọc, từ đó sẽ có ý thức dành thời gian đọc sách và đặc biệt, lan toả tích cực tới gia đình, cơ quan, đơn vị, góp phần xây dựng xây hội học tập./.
Trần Thị Hồng Duyên
Lớp A2K51 TC LLCT
Đơn vị công tác: Trung tâm NCLS & BT DS VH Thanh Hóa
Số lượt truy cập
Hôm nay:
355
Hôm qua:
2730
Tuần này:
3085
Tháng này:
64765
Tất cả:
4.429.645