NHIỆT LIỆT CHÀO MỪNG KỶ NIỆM 50 NĂM NGÀY GIẢI PHÓNG MIỀN NAM, THỐNG NHẤT ĐẤT NƯỚC (30/4/1975 - 30/4/2025)!

Giải pháp xây dựng kho bạc số tại Kho bạc Nhà nước Thanh Hoá

Đăng lúc: 09:37:42 16/12/2024 (GMT+7)112 lượt xem

 Nhận thức được xu hướng tất yếu củakho bạc số nhằm phát triển hệ thống kho bạc nhà nước (KBNN) hiện đại trong thời kỳ công nghiệp 4.0, KBNN Thanh Hoá đã triển khai nhiều chương trình, nhiệm vụ, đề án hướng tới mục tiêu hoàn thành xây dựng kho bạc số.
q1.jpg

Không gian giao dịch không có khách hàng tại Kho bạc Nhà nước Thanh Hoá
khi thực hiện giao dịch qua Dịch vụ công trực tuyến
 
Nghị quyết Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng đã chỉ rõ định hướng phát triển đất nước giai đoạn 2021 -2030 là “thúc đẩy nghiên cứu, chuyển giao, ứng dụng mạnh mẽ thành tựu của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư”. Do đó, đẩy mạnh chuyển đổi số là nhiệm vụ đầu tiên, quyết định sự phát triển đất nước theo kịp thời đại.
Thực hiện chủ trương của Đảng về chuyển đổi số đối với hệ thống Kho bạc, ngày 13/4/2022, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 455/QĐ-TTg phê duyệt Chiến lược phát triển Kho bạc Nhà nước đến năm 2030. Trong đó, một trong các mục tiêu cụ thể là: “Đến năm 2025, Kho bạc Nhà nước vận hành dựa trên dữ liệu số và hoàn thành nền tảng kho bạc số; …đến năm 2030, hoàn thành xây dựng kho bạc số”.
Sau hơn hai năm đẩy mạnh chuyển đổi số, Kho bạc Nhà nước Thanh Hoá đã đạt được những thành quả đáng khích lệ. Triển khai việc tiếp nhận và trả kết quả qua Dịch vụ công trực tuyến (DVCTT), KBNN Thanh Hoá đã cung cấp 100% thủ tục hành chính qua DVCTT mức độ 4, đạt tỷ lệ 100% đơn vị sử dụng ngân sách (trừ khối an ninh - quốc phòng) tham gia DVCTT, cung cấp 11/11 thủ tục hành chính (TTHC) thuộc lĩnh vực KBNN lên Cổng dịch vụ công quốc gia.
Đến nay, KBNN Thanh Hoá tổ chức kết nối thanh toán song phương điện tử với 16 ngân hàng thương mại và đang tiếp tục phối hợp với các ngân hàng thương mại còn lại để triển khai thực hiện. KBNN Thanh Hoá đã cung cấp tính năng tra cứu số dư tài khoản và trạng thái hồ sơ kiểm soát chi qua ứng dụng trên thiết bị di động; xây dựng và triển khai cổng dữ liệu nhận lệnh hoàn phí, lệ phí, kết nối với Cổng dịch vụ công quốc gia; thực hiện công nghệ ký số từ xa (Remote-signing) trên DVCTT tại các đơn vị sử dụng ngân sách; thực hiện trao đổi dữ liệu với các nhà cung cấp dịch vụ điện, nước và viễn thông để chủ động thanh toán cho các đơn vị sử dụng dịch vụ.
q2.png

Công tác kiểm soát chi tại Kho bạc Nhà nước Thanh Hoá
 
Tuy nhiên, trong công cuộc chuyển đổi số, tiến tới hoàn thành xây dựng kho bạc số tại KBNN Thanh Hoá vẫn còn một số khó khăn nhất định. Mức độ ứng dụng công nghệ thông tin chưa đồng bộ giữa các đơn vị phối hợp tại địa phương, còn khó khăn về cơ sở dữ liệu. Hệ thống công nghệ thông tin của KBNN mới bắt đầu đẩy mạnh việc phục vụ đơn vị sử dụng ngân sách, tổ chức, người dân nên nghiệp vụ còn rời rạc khi thực hiện trên nhiều hệ thống. Mức độ liên thông giữa các ứng dụng CNTT tại Kho bạc Nhà nước với các chương trình ứng dụng có liên quan và giữa KBNN với các đơn vị khác như cơ quan ra quyết định xử phạt; cơ quan thu phí, lệ phí... chưa cao, các hệ thống hoạt động chưa rõ nét kiến trúc về tích hợp chia sẻ dữ liệu để hình thành một nền tảng thống nhất xuyên suốt. Bên cạnh đó, các cơ chế, chính sách còn có những điểm đặc thù, trong khi việc ban hành, sửa đổi một số cơ chế liên quan đến hoạt động của KBNN cần phải có thời gian để nghiên cứu, hoàn thiện, xin ý kiến các đơn vị liên quan. Ngoài ra, phạm vi hoạt động của KBNN rộng, liên quan đến các bộ, ngành, địa phương, trong khi mức độ ứng dụng CNTT tại các đơn vị này còn chưa đồng bộ, do đó, chưa đáp ứng được yêu cầu cải cách. Mô hình tổ chức bộ máy được bố trí theo địa bàn hành nên việc triển khai các ứng dụng mất khá nhiều công sức trong việc hỗ trợ và hướng dẫn.
Để đạt mục tiêu đến năm 2030 hoàn thành kho bạc số tại KBNN Thanh Hoá, cần thực hiện một số giải pháp sau đây:
Một là, chú trọng công tác nghiên cứu, tham mưu về cơ chế, chính sách. Theo đó, lãnh đạo KBNN Thanh Hoá cần tham mưu cho các cấp có thẩm quyền hoàn thiện cơ chế, chính sách liên quan đến các chức năng, nhiệm vụ của KBNN, để từ đó cải cách hoạt động nghiệp vụ và tạo nền tảng để hiện đại hóa công nghệ thông tin trong các hoạt động quản lý, quản trị và cung cấp dịch vụ của Kho bạc Nhà nước.
Hai là, tăng cường công tác lãnh, chỉ đạo về ứng dụng công nghệ số. KBNN Thanh Hoá cần xây dựng và triển khai kiến trúc công nghệ thông tin phù hợp với kiến trúc của Chính phủ; số hóa các nghiệp vụ của Kho bạc Nhà nước và cung cấp dữ liệu mở về tài chính - ngân sách để cho phép cung cấp các dịch vụ số, phục vụ tốt nhu cầu của người dân, doanh nghiệp, các cơ quan, đơn vị và có khả năng truy cập, khai thác thông tin rộng rãi; ứng dụng hiệu quả các công nghệ số (điện toán đám mây, dữ liệu lớn, Internet vạn vật, trí tuệ nhân tạo…) trong xây dựng, triển khai các ứng dụng, dịch vụ kho bạc số để tối ưu hóa các quy trình quản lý, quản trị và cung cấp dịch vụ của KBNN; phát triển phương thức cung cấp dịch vụ trực tuyến qua các thiết bị di động trong lĩnh vực quản lý quỹ NSNN, quản lý ngân quỹ và huy động vốn, kế toán nhà nước, đáp ứng tốt nhu cầu của người dân, doanh nghiệp và các cơ quan nhà nước.
Ba là, đẩy mạnh hoàn thiện hạ tầng kỹ thuật. Hạ tầng kỹ thuật số đóng vai trò quan trọng trong thực hiện liên thông dữ liệu số về các khoản thu NSNN (thuế, phí, lệ phí, thu phạt vi phạm hành chính) giữa KBNN Thanh Hoá và cơ quan Thuế, Hải quan, hệ thống ngân hàng, trung gian thanh toán, Cổng dịch vụ công quốc gia và các cơ quan, đơn vị, tổ chức liên quan; xây dựng cơ sở dữ liệu thu NSNN cho toàn bộ các khoản thu NSNN; triển khai các dịch vụ số về thu NSNN nhằm tạo thuận lợi cho các tổ chức,  cá nhân trong việc nộp và theo dõi thông tin…
Bốn là, tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính. Để nâng cao chất lượng phục vụ khách hàng, KBNN cần tiếp tục thực hiện đúng quy trình tiếp nhận, giải quyết hồ sơ qua DVCTT, hạn chế tối đa tình trạng hồ sơ quá hạn tiếp nhận, xử lý; đánh giá chất lượng phục vụ qua mức độ hài lòng của khách hàng để kịp thời đề ra giải pháp phù hợp tình hình thực tế.
Năm là, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. KBNN Thanh Hoá cần nghiên cứu thực hiện tinh gọn tổ chức bộ máy và phát triển nguồn nhân lực. Tiếp tục thực hiện tuyển dụng, đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ công chức Kho bạc Nhà nước có phẩm chất đạo đức tốt, bản lĩnh chính trị vững vàng, có tính chuyên nghiệp cao, có trình độ, kỹ năng, có năng lực sáng tạo, đáp ứng tốt các yêu cầu của quá trình chuyển đổi số.
Tin tưởng rằng, với những nỗ lực cố gắng của tập thể cán bộ, nhân viên Kho bạc Thanh Hoá, việc thực hiện mục tiêu xây dựng kho bạc số nhất định sẽ thành công, góp phần thực hiện Chiến lược phát triển Kho bạc Nhà nước đến năm 2030./.
 
Học viên: Vũ Ly Phương
Lớp TCLLCT A2K52
Đơn vị: Kho bạc Nhà nước Thanh Hoá
----------------------------
Tài liệu tham khảo
- Văn kiện Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII Đảng Cộng sản Việt Nam ngày 01/02/2021.
- Quyết định 455/QĐ-TTg ngày 13/4/2022 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt chiến lược phát triển Kho bạc đến năm 2030.
- Báo cáo tổng kết năm 2023 của Kho bạc Nhà nước Thanh Hoá.
Số lượt truy cập
Hôm nay:
1767
Hôm qua:
2329
Tuần này:
11601
Tháng này:
17921
Tất cả:
5.316.195