THI ĐUA "CHỦ ĐỘNG, ĐỒNG BỘ, ĐỘT PHÁ, KỶ CƯƠNG, CHẤT LƯỢNG, HIỆU QUẢ" XÂY DỰNG TRƯỜNG CHÍNH TRỊ TỈNH THANH HOÁ ĐẠT CHUẨN TRONG NHÓM CÁC TRƯỜNG DẪN ĐẦU CẢ NƯỚC

Mô hình “5 không, 4 hỗ trợ, 5 đồng bộ” - Động lực đổi mới trong học tập lý luận chính trị

Đăng lúc: 07:59:09 06/12/2024 (GMT+7)66 lượt xem

 Mô hình “5 không, 4 hỗ trợ, 5 đồng bộ” không chỉ là giải pháp trước mắt mà còn là chiến lược dài hạn nhằm nâng cao chất lượng đào tạo lý luận chính trị. Đây là con đường giúp học viên tiếp cận tri thức một cách sâu sắc, ứng dụng lý luận vào thực tiễn và phát triển bản thân một cách toàn diện.
m2.jpg

Tập thể lớp TCLLCT A2K52 chụp ảnh lưu niệm cùng
thầy Hiệu trưởng Lương Trọng Thành tại buổi
toạ đàm Nâng cao chất lượng học Lý luận chính trị qua mô hình 5 không 4 hỗ trợ 5 đồng bộ”
 
Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn xác định vai trò quan trọng của lý luận: “Lý luận như cái kim chỉ nam, nó chỉ phương hướng cho chúng ta trong công việc thực tế. Không có lý luận thì lúng túng như nhắm mắt mà đi”. Người khẳng định: “về tư tưởng, nhất định phải học tập lý luận Mác-Lênin”; “giáo dục tư tưởng và lãnh đạo tư tưởng là việc quan trọng nhất, phải kiên quyết chống cái thói xem nhẹ tư tưởng”. Đối với cán bộ, Người cũng chỉ rõ, nếu cán bộ không học lý luận sẽ khiến cho “chí khí kém kiên quyết, không trông xa thấy rộng, trong lúc đấu tranh dễ lạc phương hướng, kết quả là “mù chính trị”, thậm chí hủ hoá, xa rời cách mạng. Vì kém lý luận cho nên gặp mọi việc không biết xem xét cho rõ, cân nhắc cho đúng, xử trí cho khéo”.
Nghị quyết Trung ương 4, khóa XII của Đảng “Về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ” đã chỉ rõ một trong 9 biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị của đội ngũ cán bộ, đảng viên hiện nay là: “Nhận thức sai lệch về ý nghĩa, tầm quan trọng của lý luận và học tập lý luận chính trị; lười học tập Chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, chủ trương, đường lối, nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước”.
Thực tiễn cho thấy, sự thờ ơ, thiếu trách nhiệm và học đối phó trong môi trường học tập lý luận chính trị hiện nay đang đặt ra một thách thức rất lớn. Những hiện tượng này không chỉ làm giảm chất lượng học tập, phai nhạt ý nghĩa của lý luận với thực tiễn, mà còn là một trong 27 biểu hiện suy thoái của người cán bộ, đảng viên.
m3.jpg

Toàn cảnh buổi Toạ đàm “Nâng cao chất lượng học
lý luận chính trị qua mô hình 5 không, 4 hỗ trợ, 5 đồng bộ” của lớp TCLLCT A2.K52
 
Để“Khắc phục tình trạng ngại học, lười học lý luận chính trị trong cán bộ, đảng viên” đã được đề cập trong Văn kiện Đại hội XIII của Đảng, Trường Chính trị tỉnh Thanh Hoá đã xây dựng nhiều mô hình học tập, thu hút sự quan tâm của học viên. Hiện nay, học viên đang sôi nổi trao đổi, thảo luận để từng bước hiện thực hoá mục tiêu của mô hình 5 không, 4 hỗ trợ, 5 đồng bộ, nhằm tạo môi trường học tập tích cực, gắn kết lý luận với thực tiễn, thúc đẩy sự phát triển tư duy biện chứng, sự sáng tạo của học viên, góp phần khắc phục bệnh lười học, ngại học lý luận chính trị. Nội dung cụ thể của mô hình này như sau:
“5 không” - Chuyển biến thái độ
Không thờ ơ: Thờ ơ là khi học viên đến lớp chỉ để có mặt, không quan tâm đến bài giảng, không đặt câu hỏi và không tham gia vào các hoạt động học tập. Chẳng hạn, trong một buổi học lý luận chính trị, nếu học viên chỉ ngồi im, không tham gia vào thảo luận hay không suy nghĩ gì thêm về nội dung bài học, đó chính là thờ ơ. Thái độ thờ ơ là nguyên nhân hàng đầu khiến học viên không thể khai thác hết giá trị của lý luận. Lý luận chỉ có ý nghĩa khi người học thực sự quan tâm và chủ động khám phá.
Hướng giải quyết: Học viên cần xác định mục tiêu mục đích học tập đúng đắn, từ đó mới có động lực để quan tâm đến việc học
Không thụ động: Sự thụ động trong học tập không chỉ làm hạn chế khả năng tiếp thu mà còn tạo ra tư duy trì trệ, thiếu sáng tạo. “Không thụ động” là khi học viên chủ động tham gia, tích cực đặt câu hỏi và luôn tìm cách kết nối bài học với thực tế cuộc sống. Ví dụ, khi nghe giảng về các chính sách phát triển, học viên không chỉ lắng nghe mà còn suy nghĩ xem những chính sách này có thể áp dụng như thế nào trong công việc và cuộc sống của mình.
Hướng giải quyết: Tổ chức các buổi học tương tác cao, khuyến khích đặt câu hỏi và giải quyết các tình huống thực tế.
Không biệt lập:“Biệt lập” là khi học viên học một cách riêng lẻ, không giao tiếp, không trao đổi với người khác, không kết nối các kiến thức đã học với thực tế xã hội. Không biệt lập là khi học viên học trong sự kết nối, chia sẻ với thầy cô, bạn bè, học hỏi từ những người xung quanh để làm giàu kiến thức và mở rộng tầm nhìn. Chẳng hạn, việc tham gia các buổi thảo luận nhóm giúp học viên hiểu sâu hơn về bài học và áp dụng kiến thức vào thực tế. Học lý luận không thể tách rời khỏi thực tiễn và cộng đồng. Việc học trong sự biệt lập làm mất đi tính thực tiễn của kiến thức.
Hướng giải quyết: Liên kết học lý luận với các chuyến nghiên cứu thực tế, xây dựng mối liên hệ chặt chẽ giữa học viên, nhà trường và địa phương.
Không đối phó: “Đối phó” là khi học viên học chỉ để đối phó với kỳ thi, với yêu cầu của giảng viên, mà không thực sự hiểu và áp dụng kiến thức vào cuộc sống. Không đối phó là khi bạn học vì đam mê, vì muốn hiểu biết hơn, muốn phát triển bản thân, thay vì học chỉ để hoàn thành nhiệm vụ. Một ví dụ điển hình là thay vì học thuộc bài cho qua, học viên tìm cách hiểu và vận dụng lý thuyết vào các tình huống thực tế. Học để đối phó không chỉ làm giảm chất lượng đào tạo mà còn làm mất ý nghĩa của quá trình học tập.
Hướng giải quyết: Xây dựng quy trình đánh giá dựa trên sự tiến bộ, khuyến khích việc học tập nghiêm túc và có trách nhiệm.
Không né tránh: “Né tránh” là khi học viên không dám đối mặt với những vấn đề khó khăn, không sẵn sàng tham gia vào những thảo luận có thể gây tranh cãi, sợ sai và ngại bị phê bình. Không né tránh là khi học viên dũng cảm đối diện với các vấn đề khó, sẵn sàng tham gia vào các cuộc thảo luận, kể cả khi phải đưa ra ý kiến trái chiều. Ví dụ, nếu học viên không đồng tình với quan điểm của giảng viên thì nên mạnh dạn trình bày suy nghĩ của mình và bảo vệ quan điểm đó một cách thuyết phục. Né tránh khó khăn là biểu hiện của sự thiếu bản lĩnh, hạn chế khả năng phát triển toàn diện.
Hướng giải quyết: Khuyến khích học viên thử thách bản thân bằng cách giải quyết các vấn đề phức tạp, giao các nhiệm vụ khó, qua đó học viên được nâng cao kỹ năng tư duy phản biện.
“4 hỗ trợ” - Bệ phóng cho sự phát triển
Hỗ trợ nhận diện vấn đề: Giảng viên đưa ra các nội dung trọng tâm, giúp học viên hiểu sâu và giải quyết hiệu quả các vấn đề lý luận.
Hỗ trợ bồi dưỡng kỹ năng: Giảng viên tăng cường kỹ năng phản biện, giao tiếp, thuyết trình để học viên tự tin hơn trong quá trình học tập và làm việc.
Hỗ trợ trong gắn kết nguồn lực: Xây dựng môi trường học tập tích cực, kết nối các bên liên quan như giảng viên, nhà trường và địa phương để tạo điều kiện học tập tốt nhất cho học viên.
Hỗ trợ trong tạo động lực học tập: Đưa ra các cơ chế khen thưởng minh bạch, khuyến khích sự nỗ lực và đổi mới của học viên.
“5 đồng bộ” - Tối ưu hóa chất lượng:
Đồng bộ giữa giảng viên, nhà trường, học viên: Xây dựng hệ thống hỗ trợ liên kết chặt chẽ giữa các thành phần trong quá trình đào tạo.
Đồng bộ giữa lý luận và thực tiễn: Kết hợp chặt chẽ giữa dạy lý luận và dạy thực hành, tạo điều kiện cho học viên vận dụng ngay những gì đã học.
Đồng bộ trong quản lý và đánh giá: Đánh giá học viên dựa trên quá trình học tập, không chỉ phụ thuộc vào kết quả thi cuối kỳ.
Đồng bộ trong quy hoạch cán bộ: Gắn kết đào tạo với quy hoạch sử dụng cán bộ, đảm bảo tính hiệu quả lâu dài.
Đồng bộ trong xây và chống: Phát triển tư duy chính trị, nâng cao ý thức trách nhiệm của học viên đối với xã hội.
m4.jpg
Mô hình “Tiếp dân giả định của Lớp TCLLCT A2K52 trong một buổi học
bộ
môn Quản lý hành chính nhà nước
Để hiện thực hoá mô hình “5 không, 4 hỗ trợ, 5 đồng bộ”, các lớp cần tổ chức các hoạt động sau:
Thứ nhất, hoạt động thảo luận nhóm: Tổ chức các buổi thảo luận chuyên sâu để học viên có thể trao đổi và phản biện lẫn nhau.
Thứ hai, nghiên cứu thực tế: Các chuyến đi thực tế giúp học viên gắn kết lý luận với thực tiễn. Thông qua học tập, nghiên cứu các mô hình, học viên có thể vận dụng, đóng góp giải pháp cho đơn vị, địa phương.
Thứ ba, cam kết hành động cá nhân: Mỗi học viên viết cam kết thực hiện nội dung “5 Không” và công khai chia sẻ.
Thứ tư, đánh giá liên tục: Sử dụng các phương pháp đánh giá qua quá trình, bao gồm thuyết trình, bài tập nhóm, và kiểm tra thực tế.
Để nhân rộng mô hình5 không, 4 hỗ trợ, 5 đồng bộ” trong các lớp Trung cấp lý luận chính trị, cần thực hiện một số giải pháp sau đây:
Một là, học viên cần chủ động đặt câu hỏi, tìm tòi kiến thức, và liên hệ lý luận với các vấn đề thực tiễn; tích cực tham gia trình bày ý kiến cá nhân trong các buổi thảo luận nhóm để rèn luyện tư duy và kỹ năng.
Hai là,giảng viên cần đổi mới phương pháp giảng dạy, ứng dụng công nghệ để bài giảng sinh động và hấp dẫn hơn. Mỗi bài giảng cần có tiết thảo luận để học viên chủ động, tích cực hơn trong việc học, sẽ giúp học viên hiểu sâu, hiểu rộng hơn khi học viên là chủ thể liên hệ thực tiễn.
Ba là,Nhà trường cần xây dựng các cơ chế khuyến khích sự sáng tạo đổi mới của giảng viên và học viên; phối hợp chặt chẽ với địa phương để tạo điều kiện cho các hoạt động thực tế; tăng cường đánh giá qua quá trình thay vì chỉ tập trung vào điểm số bài thi.
Mô hình “5 không, 4 hỗ trợ, 5 đồng bộ” không chỉ là giải pháp trước mắt mà còn là chiến lược dài hạn nhằm nâng cao chất lượng đào tạo lý luận chính trị. Đây là con đường giúp học viên tiếp cận tri thức một cách sâu sắc, ứng dụng lý luận vào thực tiễn và phát triển bản thân một cách toàn diện, như Chủ tịch Hồ Chí Minh từng khẳng định: “Học để làm người, học để làm cán bộ, học để phụng sự đoàn thể, giai cấp và nhân dân, tổ quốc và nhân loại”./.
Học viên: Phạm Thị Ngàn
Lớp: TCLLCT A2.K52
Đơn vị công tác: Kho bạc tỉnh Thanh Hoá
 
Số lượt truy cập
Hôm nay:
1300
Hôm qua:
1656
Tuần này:
6792
Tháng này:
58848
Tất cả:
4.992.449